Con đường Tơ lụa mới và tham vọng của Trung Quốc

Chính sách Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc đã xuất hiện khá thường xuyên trong vài năm trở lại đây kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Vậy mục tiêu của Trung Quốc đằng sau đó là gì và nó đã được triển khai ra sao? Trang The Economist đầu tháng Bảy vừa qua đăng bài Xe ủi của chúng tôi, luật chơi do chúng tôi (Our bulldozers, our rules) đã phân tích tường tận về chủ đề này.


Con đường Tơ lụa đầy tham vọng của Trung Quốc.

Người Mỹ quan niệm rằng họ ở vị trí trung tâm kết nối hai tuyến đường thương mại huyết mạch của thế giới: xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương. Trung Quốc muốn thay đổi quan niệm này bằng việc thúc đẩy một tuyến thương mại mới đầy tham vọng, Con đường Tơ lụa – cái tên gắn với hào quang xưa cũ của Trung Quốc, một mạng lưới rộng lớn các tuyến đường thương mại cổ xưa kết nối các thương nhân Trung Hoa với thị trường Trung Á, Trung Đông, châu Phi, và châu Âu – nơi Trung Quốc mới là nơi giữ vị thế tiêu điểm.

Các chính sách kinh tế – ngoại giao của Trung Quốc gắn với Con đường Tơ lụa được gọi chung là OBOR (viết tắt của “One Belt, One Road”, tức “Một vành đai, một con đường”). Bài phân tích trên trang The Economist mô tả nó giống như một con tàu khổng lồ ồn ào rời ga và dần dần tăng tốc, với việc Trung Quốc lên kế hoạch và triển khai hàng loạt các dự án lớn ở các quốc gia nằm dọc theo Con đường Tơ lụa. Khái niệm Con đường Tơ lụa lần đầu tiên được ông Tập Cận Bình đề cập trong một chuyến thăm tới Kazakhstan vào năm 2013, sau đó chỉ trong vòng một năm đã có khoảng 300 hợp đồng đầu tiên mang tên OBOR được Trung Quốc đưa vào thực hiện. Tính riêng trong năm tháng vừa qua, các dự án OBOR chiếm tới một nửa các hợp đồng Trung Quốc kí kết tại nước ngoài – đây là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Trong đó có thể điểm ra một số siêu dự án, chẳng hạn tháng Tư vừa qua, Cosco, một công ty vận tải biển Trung Quốc, tiến hành mua 67% cổ phần tại Piraeus, cảng lớn thứ hai ở Hy Lạp, nơi các công ty Trung Quốc sẽ xây dựng một mạng lưới đường sắt tốc độ cao nối với Hungary và vươn tới tận Đức. Tháng Bảy là thời điểm bắt đầu giai đoạn ba trong dự án xây dựng một lò phản ứng hạt nhân do Trung Quốc thiết kế tại Pakistan, quốc gia nơi mới đây, Trung Quốc công bố sẽ tài trợ xây dựng một đường cao tốc quy mô lớn và đầu tư 2 tỉ USD vào một mỏ than ở sa mạc Thar, vùng giáp ranh giữa Ấn Độ và Pakistan.

Chỉ việc đi “rải” hợp đồng cũng đã khiến các chính khách Trung Quốc vô cùng bận rộn. Tháng Sáu vừa qua, ông Tập Cận Bình mang theo một loạt hợp đồng tới Serbia, Ba Lan, Uzbekistan. Cuối tháng Sáu, trong chuyến thăm ngắn tới Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng với ông Tập và một lãnh đạo Mông Cổ cam kết sẽ gắn các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của nước mình với Con Đường Tơ lụa mới. Cũng trong thời gian này, bộ trưởng tài chính từ gần 60 quốc gia cũng tới Bắc Kinh để tham gia cuộc họp thường niên đầu tiên của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB), một tổ chức được thành lập để tài trợ cho các dự án và kế hoạch này.

Để nghiên cứu và triển khai OBOR, trong hai năm trở lại đây rất nhiều viện và tổ chức đã được thành lập tại Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình vừa thành lập một “tiểu ban lãnh đạo” có sự tham gia của các thành viên chính phủ và tổ chức đảng nhằm giám sát kế hoạch OBOR, trong đó người phụ trách là Trương Cao Lệ, Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc. Mọi thành viên chủ chốt của chính phủ đều đã được tập hợp vào OBOR.

Trung Quốc cũng đã thiết lập một cơ cấu tài chính để hỗ trợ cho OBOR. Năm 2015, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chuyển 82 tỉ USD vào ba “ngân hàng chính sách” nhà nước để rót vốn cho các dự án OBOR. Quỹ lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã hậu thuẫn 40 tỷ USD cho một quỹ mới cấp kinh phí cho Con Đường Tơ Lụa. Ngân hàng AIIB được Trung Quốc thành lập với số vốn ban đầu là 100 tỉ USD, tuy không chính thức nằm trong kế hoạch OBOR, nhưng các khoản vay được phê duyệt trong đại hội cổ đông đầu tiên của ngân hàng này – chẳng hạn như các dự án xây dựng đường xá ở Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan – đều gắn với các quốc gia nằm trên Con Đường Tơ lụa.

Vì sao Con đường Tơ lụa được coi trọng?

OBOR không có một danh sách chính thức các quốc gia thành viên dù rằng ai cũng biết con số này vào khoảng 60 nước. Các nhà hoạch định phương Tây cho rằng thực chất các dự án gắn với OBOR đều là những dự án quan trọng đối với bản thân quốc gia sở tại, nên dù không có cái nhãn OBOR được gán bởi Trung Quốc thì đằng nào chúng cũng sẽ được chính quyền nước sở tại triển khai bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, OBOR rất đáng quan tâm vì ba lý do sau.

Thứ nhất, vì các dự án trong đó đều rất lớn, ví dụ như dự án xây dựng một đường ống dẫn gas từ Vịnh Bengal xuyên qua Myanmar tới miền Tây Nam Trung Quốc và dự án xây dựng tuyến xe lửa giữa Bắc Kinh và trung tâm vận tải Duisburg ở Đức. Theo số liệu chính thức, hiện đã có 90 dự án đang được thực hiện với tổng giá trị lên đến 890 tỉ USD. Trung Quốc cho hay họ sẽ đầu tư tổng cộng 4 nghìn tỉ USD vào các quốc gia OBOR nhưng chưa nói rõ thời điểm đầu tư cụ thể là gì. Các quan chức Trung Quốc từ chối so sánh kế hoạch tham vọng này với Kế hoạch Marshall, bởi theo họ, Kế hoạch Marshall là một phương tiện giúp Mỹ tưởng thưởng cho các đồng minh của mình và loại trừ kẻ thù sau Thế chiến II, trong khi OBOR sẽ mở rộng cửa đón chào tất cả. Tuy nhiên, trong sự đối sánh, Kế hoạch Marshall khi đó chỉ tốn 130 tỉ USD theo thời giá hiện hành.

Thứ hai, OBOR chính là đặc điểm quan trọng nhất trong chính  sách ngoại giao của Tập Cận Bình, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị năm 2014. Dương Khiết Trì, cố vấn ngoại giao của Tập Cận Bình, đã gắn chặt OBOR với mục tiêu được nhắc đến nhiều ở Trung Quốc là trở thành một “xã hội tương đối khá giả” vào năm 2020 và tới giữa thế kỷ 21 sẽ trở thành một “xã hội cường thịnh”. Bài phân tích nhận định ông Tập Cận Bình cho rằng Con Đường Tơ lụa mới này sẽ là phương tiện giúp mở rộng các xúc tua thương mại và quyền lực mềm của Trung Quốc. Nó cũng là một công cụ đắc lực phục vụ tầm nhìn và chiến lược của Trung Quốc mà ông Tập tiếp nhận từ những người tiền nhiệm, đó là tận dụng môi trường an ninh tương đối ôn hòa hiện nay để đạt được mục tiêu củng cố quyền lực của Trung Quốc trên toàn cầu mà không gây ra mâu thuẫn nào. OBOR cũng phù hợp với “giấc mộng Trung Hoa” là khôi phục lại quá khứ huy hoàng của mình. Không quá khi nói rằng ông Tập đang hi vọng rằng vai trò lãnh đạo của ông sẽ được đánh giá phần nào qua những mục tiêu của OBOR mà ông thực hiện được, bài phân tích bình luận.

Thứ ba, OBOR hướng tới việc đặt châu Á và châu Âu là một không gian đơn nhất với tâm điểm là Trung Quốc. Đây có thể coi là một thách thức cho Mỹ cùng tư duy truyền thống của Mỹ coi mình là trung tâm của thương mại thế giới, như đã đề cập từ đầu bài – Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương là hai minh chứng rõ nét cho cách nhìn truyền thống này.

Thi đua hưởng ứng

Hiện nay, không chỉ Bắc Kinh mà gần như toàn bộ các địa phương khác của Trung Quốc cũng đang “hưởng ứng” theo trào lưu OBOR. Bài phân tích cho biết hai phần ba trong số các tỉnh thành của Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của OBOR đối với sự phát triển của địa phương họ. Vừa qua Phúc Châu, thủ phủ của Phúc Kiến, một tỉnh duyên hải, đã yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh phải “bắt tay vào khởi sự kinh doanh tại các quốc gia và khu vực nằm dọc Con Đường Tơ lụa trên biển”. Tỉnh này còn thành lập một khu vực tự do thương mại nhằm thu hút các doanh nghiệp từ các quốc gia Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc đều đã có một Phòng OBOR riêng – mặc dù có khi họ làm vậy chỉ nhằm xin tiền cho các dự án của mình được dễ dàng hơn.

Kết quả là, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc ngày càng hướng tới các quốc gia OBOR. Theo số liệu chính thức, năm 2015, tổng vốn FDI của Trung Quốc vào các quốc gia OBOR tăng nhanh gấp đôi so với mức tăng của tổng các khoản FDI. 44% các dự án kỹ thuật của Trung Quốc năm 2015 được ký kết với các quốc gia OBOR, còn trong năm tháng đầu năm 2016, con số này đã lên tới 52%.

Đường lối đầu tư của Trung Quốc dường như cũng đang có chiều hướng thay đổi. Các hợp đồng OBOR của nước này hiện nay đều thiên về hướng để các doanh nghiệp Trung Quốc quản lý các cơ sở hạ tầng mà họ đã xây dựng; trong khi đó, chính sách trước đây là họ chỉ tham gia vào quá trình xây dựng rồi bàn giao công trình lại cho nước chủ quản. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc khi làm việc lâu dài tại các quốc gia men theo Con đường Tơ lụa.

Những khó khăn ban đầu

Mặc dù OBOR được khởi đầu một cách “thần tốc” như vậy, nhưng bài phân tích chỉ ra những trở ngại ban đầu, đặc biệt từ Đông Nam Á. Một trong nhiều ví dụ thất bại của Trung Quốc là việc nước này hiện đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao dài 3.000km chạy từ Côn Minh tới Singapore, nhưng trong cuộc đàm phán với Thái Lan vào tháng Sáu vừa qua về phần của tuyến đường chạy qua Thái Lan, người Thái nói rằng họ sẽ chỉ tham gia xây dựng một phần của tuyến đường này bằng tiền của chính họ.

Một điểm đáng ngại nữa là các dấu hiệu hiện nay cho thấy chưa có đủ các dự án khả thi cho khoản đầu tư khổng lồ đã được Trung Quốc dành ra. Quỹ Con đường Tơ lụa được thành lập nhằm đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, nhưng hai khoản đầu tư đầu tiên của quỹ này đều nhằm mua cổ phần của các doanh nghiệp Trung Quốc ở các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong.

Vấn đề cũng nảy sinh trong nội bộ ban lãnh đạo OBOR. Có tin cho rằng Trương Cao Lệ, nhân vật cao cấp nhất phụ trách kế hoạch này, đang bị “thất sủng” khi vào tháng Ba vừa qua đã lỡ miệng nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đã có “một khởi đầu chật vật” trong năm 2016, trái ngược với quan điểm của những người thân cận với Tập Cận Bình cho rằng nền kinh tế phát triển chậm lại là điều cần thiết.

Những rắc rối ở Liên minh châu Âu, đặc biệt là ở Anh cũng có thể khiến các lãnh đạo Trung Quốc lo lắng về khả năng hỗ trợ OBOR của châu Âu, dù rằng xét về lâu dài, điều này có thể giúp Trung Quốc dễ dàng hơn khi tranh thủ sự kình địch giữa các quốc gia châu Âu để xác lập các thương vụ với họ.

Ở một góc nhìn rộng hơn, nhiều quyền lợi chính trị xung đột nhau trong nội bộ Trung Quốc cũng gây rủi ro cho Con Đường Tơ lụa và việc điều hòa các lợi ích này sẽ rất khó khăn. OBOR được cho là sẽ giúp nối dài ảnh hưởng thương mại của Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong nước. Nhưng cắt giảm chi tiêu vào hoạt động xây dựng cơ sở vật chất trong nước để dành xi măng, sắt thép phục vụ cho xuất khẩu đáp ứng nhu cầu từ các dự án OBOR sẽ đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải giảm trợ cấp cho các tỉnh nghèo. Như vậy, chính quyền sẽ phải chọn lựa giữa quyền lợi của các tỉnh nghèo và quyền lợi của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém.

Đâm lao quyết phải theo lao

Mặc dù có những khó khăn trên, nhưng bài phân tích đưa ra ba lý do để tin rằng con đường tơ lụa mới vẫn sẽ được xây dựng – dù “không được xây bằng vàng”.

Lý do đầu tiên, theo Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, châu Á cần xây dựng cơ sở hạ tầng mới với mức độ đầu tư rơi vào khoảng khoảng 770 tỉ USD/năm cho đến năm 2020. Có lẽ, xét về lâu dài, nhu cầu lớn này sẽ giúp làm giảm đi những mối lo lắng về việc thiếu dự án để đầu tư. Bert Hofman, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh, nhận định rằng mỗi quốc gia liên quan sẽ có lợi hơn nếu như họ thu xếp các kế hoạch với nhau và với Trung Quốc, thay vì tự lên kế hoạch và tự xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng một cách độc lập.

Lý do thứ hai, Trung Quốc cần OBOR. Các hoạt động kinh doanh trong nước của quốc gia này đang bị thắt chặt do chi phí gia tăng và sức ép yêu cầu doanh nghiệp phải chú ý tới việc bảo vệ môi trường. Do đó, cũng dễ hiểu khi Trung Quốc muốn chuyển một phần hoạt động sản xuất sang nước ngoài – miễn là ở đó có hạ tầng.

Lý do cuối cùng, Tập Cận Bình cần OBOR. Ông đã biến OBOR thành một phần trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình và đã đưa bộ máy chính quyền đi theo dự án này tới mức bây giờ muốn rút lui cũng đã quá muộn rồi.
***
Tất cả những điều kể trên không đồng nghĩa với việc Con đường Tơ lụa mới sẽ được triển khai hiệu quả, và chúng cũng không giúp các dự án của chiến lược này được chào đón ở các quốc gia nghi ngại về tham vọng của Trung Quốc, song dẫu sao những cột mốc đầu tiên đã được dựng lên, và những dự án đầu tiên đã đi vào hoạt động. OBOR đã bắt đầu thách thức quan điểm truyền thống rằng châu Âu và châu Á tồn tại bên cạnh nhau với tư cách là những khối thương mại riêng biệt.

Chi Nhân dịch 

theo
The Economist -T in ngày2/7/2016
http://www.economist.com/news/china/21701505-chinas-foreign-policy-could-reshape-good-part-world-economy-our-bulldozers-our-rules
 
 

 

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)