Con người hay Robot sẽ thống trị những cuộc khám phá vũ trụ?

Dấu chân gần đây nhất của con người trên Mặt Trăng là từ cách đây 40 năm, và dấu vết nhân tạo sắp tới nhiều khả năng sẽ là vết bánh xe của robot thay vì dấu chân người.

Nhiều nhà khoa học vũ trụ, kỹ sư, và chính trị gia, đã khẳng định rằng thật ra đây là điều tốt. Đa số các nhà thiên văn sẽ bảo bạn rằng robot có thể làm hầu như mọi thao tác mà con người có thể làm được trên một hành tinh khác, với giá thành rẻ hơn, và bớt được nguy cơ mất đi một mạng sống. Nhưng vẫn chưa ngã ngũ cuộc tranh cãi về vai trò chủ đạo dành cho con người hay robot, trong kỷ nguyên sắp tới của ngành thám hiểm vũ trụ.

“Chỉ trong vòng ít ngày trên bề mặt Mặt Trăng, các nhà du hành tàu Apollo đã tạo ra một di sản khoa học rất lớn”, khẳng định từ nhà khoa học hành tinh Ian Crawford của trường Birkbeck College, London, tác giả của một nghiên cứu công bố trên tạp chí Astronomy and Geophysics. “Những cuộc thám hiểm của robot trên Mặt Trăng và Sao Hỏa không thể nào so được”.

Trong những thập kỷ vừa qua, những cỗ xe tự hành, thiết bị hạ cánh, các vệ tinh đã thực hiện những chuyến đi tới Mặt Trăng, các thiên thạch, tất cả mọi hành tinh trong hệ Mặt Trời cũng như các mặt trăng của chúng. Nhưng kết quả công việc của chúng liệu có thể so với kết quả từ các nhà du hành vũ trụ?

Nếu tính theo số lượng kết quả khoa học đầu ra, những chuyến thám hiểm trực tiếp của con người đạt được kết quả cao hơn. Hơn 2000 bài báo đã được công bố qua bốn thập kỷ sử dụng những dữ liệu thu được từ các nhiệm vụ Apollo do con người thực hiện, và số lượng bài báo này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, chương trình thám hiểm bằng robot của Liên Xô lên Mặt Trăng, cũng như chương trình thám hiểm Sao Hỏa bằng xe tự hành của NASA – các cuộc thám hiểm của các thiết bị như Mars Pathfinder, Spirit, và Opportunity – đều chỉ thu được khoảng 400 công bố.

Con người có một số ưu điểm so với robot. Họ có thể đưa ra quyết định nhanh hơn mỗi khi có thay đổi do hoàn cảnh khách quan, hoặc do những khám phá mới, thay vì phải chờ đợi chỉ dẫn từ Trái Đất. Họ cơ động hơn những cỗ xe robot thám hiểm hiện nay: các nhà dù hành vũ trụ của chương trình Apollo có thể thám hiểm với tốc độ 22 dặm (35,4 km) trong 3 ngày, một khoảng cách mà xe tự hành Mars Opportunity sẽ phải mất 8 năm. Con người có thể đào lấy mẫu vật dưới sâu bề mặt hành tinh, và sử dụng những thiết bị địa chất cỡ lớn, điều mà chẳng xe tự hành nào có thể làm được trên một hành tinh khác.

Tuy người ta phải công nhận những thực tế này, nhưng nhiều chuyên gia vẫn ngờ vực kết luận của Crawford. “Tôi rất không đồng ý với kết luận của ông ta”, khẳng định từ kỹ sư Adrian Stoica, người phụ trách nhóm Kiểm soát Robot Cao cấp trong Phòng thí nghiệm Phản lực của NASA. Ông nhận xét rằng bài báo của Crawford dường như chỉ mới tập trung vào những chi phí tính theo kết quả khoa học đầu ra.

Chương trình Apollo vô cùng tốn kém – khoảng 175 tỷ USD nếu tính theo giá tiền hiện tại – dù rằng nó không chỉ là một nhiệm vụ khoa học. Nó chủ yếu là một màn diễn địa chính trị trong thời Chiến tranh Lạnh nhằm thể hiện ưu thế vượt trội của Mỹ so với Nga, vai trò của khoa học chỉ là một phần trong đó.

Tổng số tiền dành cho khoa học qua các nhiệm vụ Apollo, theo tính toán của Crawford, ở vào khoảng 2,09 tỷ USD tính theo giá tiền hiện hành, nghĩa là rẻ hơn so với Chương trình Khoa học Sao Hỏa gần đây, có tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ USD.
Nhưng Stoica cho rằng việc so một chương trình thám hiểm Mặt Trăng của con người với một chương trình thám hiểm Sao Hỏa bằng robot là hoàn toàn khập khiễng. Tốt hơn là nên so sánh với dự kiến chi phí của một dự án khám phá Sao Hỏa có vai trò hiện diện trực tiếp của con người, mà NASA ước tính tối thiểu là hàng trăm tỷ USD.

Nhưng Crawford phản hồi rằng chi phí chưa phải là vấn đề mang tính quyết định trong phân tích của ông ta. Thay vào đó, ông cho rằng nên tập trung vào khía cạnh hiệu quả và di sản to lớn mà chương trình Apollo đạt được trong một giai đoạn ngắn ngủi. Ông cho rằng nếu các chương trình thám hiểm vũ trụ vẫn tiếp tục tập trung vào việc gửi các robot tới những hành tinh khác, thì “chúng ta trong vòng 100 năm nữa sẽ thu được ít tri thức hơn so với kết quả thu được từ việc nỗ lực thực hiện một chương trình duy nhất có sự hiện diện trực tiếp của con người”.

Nhưng tất nhiên, dù là con người hay robot thì đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng trong những cuộc thám hiểm vũ trụ.

“Thực ra không thể so sánh con người và robot – so sánh như vậy chẳng khác so táo với cam”, nhận xét từ James Garvin, nhà khoa học đứng đầu của Trung tâm Goddard Space Flight của NASA. “Chúng tôi gửi robot đi để tìm đường và hoa tiêu, và chúng mở ra những biên giới mới để chúng tôi quyết định nơi nào và khi nào thì nên cử người đi”.

“Khi robot ở quá xa, chỉ có một điều khiến chúng trở nên hạn chế hơn so với con người: độ trễ”, nhận xét từ nhà thiên văn Dan Lester, Đại học Texas tại Austin.

Thời gian để truyền một tín hiệu từ robot về trạm kiểm soát của Trái đất là vấn đề nan giải cơ bản. Những lệnh điều khiển gửi tới Sao Hỏa mất khoảng 5 tới 15 phút. “Nếu có thể giảm thời gian giao dịch liên lạc từ 10 phút xuống còn 100 mili-giây thì robot sẽ cực kỳ hiệu quả”, Lester nói. Khi đó robot tự hành được điều khiển từ xa sẽ tận dụng được tối đa các lợi thế khác nữa. Chúng có thể thao tác mạnh hơn, bền hơn, chính xác hơn so với con người, Lester cho biết.

Ngày nay, điều khiển thiết bị từ xa đã được coi là chuyện quá cũ trong các cuộc thám hiểm vũ trụ. Ở thời kỳ của chương trình Apollo, công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện, nhưng trong thập kỷ vừa rồi, công nghệ này đã cất cánh. Ngày nay, một bác sỹ phẫu thuật ở Baltimore có thể làm phẫu thuật ở Indonesia, và nhà chức trách ở Nevada hoàn toàn có thể bí mật theo dõi các địa điểm hạt nhân của Iran.

Từ thực tế này, Lester hình dung về một tương lai khi các nhà du hành có thể cắm trại trên mặt trăng Phobos và Deimos của Sao Hỏa, đưa ra các chỉ thị từ xa điều khiến robot chạy đường dài trên bề mặt của hành tinh này, thực hiện các thí nghiệm địa chất, và thu thập mẫu phân tích. Ông chỉ ra rằng cách làm này sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, vì khoảng một nửa chi phí của một nhiệm vụ có sự tham gia trực tiếp của con người là ở khâu đưa người xuống và lên từ những hành tinh có trọng lực mạnh.

TS dịch theo
http://www.wired.com/wiredscience/2012/04/space-humans-vs-robots/#more-105707

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)