Công cụ đá thời Tiền sử trong bức họa thế kỷ 15

Bức “Melun Diptych” của Jean Fouquet, một họa sĩ sống ở cuối thời kỳ Gothic và đầu thời kỳ Phục hưng, có lẽ là một trong những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên vẽ chiếc rìu đá của người Acheulean.

Bộ tranh ghép Melun Diptych của Jean Fouquet. Nguồn: Cambridge Archaeological Journal.

Với những người yêu hội họa, cái tên Jean Fouquet gợi mở về một họa sĩ người Pháp, một bậc thầy về nghệ thuật tiểu họa, vẽ minh họa và vẽ trên gỗ. Ông cũng là họa sĩ Pháp đầu tiên tới tận Ý để trải nghiệm trực tiếp những chuyển đổi về kỹ thuật vẽ ở thời kỳ đầu của hội họa Phục hưng Ý. Một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Fouquet là bộ tranh ghép Melun Diptych (vẽ năm 1455), ngày nay được coi là bức họa mang tính biểu tượng về hội họa Phục hưng phương Bắc. 

Melun Diptych gồm hai bức tranh sơn dầu trên gỗ, trong đó bức bên phải của bức họa này là Virgin and Child (Đức mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng) sắc vóc nhợt nhạt giữa những thiên thần áo đỏ và xanh lam. Ở thế kỷ 17, có ý kiến cho là nguyên mẫu của Đức mẹ Đồng trinh là Agnès Sorel, tình nhân của vua Pháp Charles VII nhưng cũng có ý kiến nói đó là hoàng hậu Catherine Bude. Bức bên tay trái của bộ tranh ghép này, miêu tả Étienne Chevalier, quan ngân khố của vua Pháp Charles VII, mặc áo đỏ quỳ gối và hai tay chắp lại như cầu nguyện. Cạnh Chevalier là vị thánh bảo trợ của ông, thánh St. Stephen mặc một áo choàng màu sẫm với đường nẹp màu vàng họa tiết đỏ, gương mặt đầy vẻ cao quý và mang đặc điểm diện mạo người Gauls cổ đại. Điều đáng chú ý là tay trái của Thánh Stephen đặt lên vai Chevalier, tay phải cầm cuốn Kinh Tân ước và bên trên cuốn kinh đó là một tảng đá hình trái lê, gợi ý đến một bối cảnh quan trọng trong Cơ đốc giáo, chuyện Thánh Stephen tử vì đạo dưới cơn mưa đá từ đám đông dân chúng. Nếu để ý kỹ, chúng ta có thể thấy một dòng máu đỏ từ đầu Thánh Stephen chảy xuống, gợi nhớ về cái chết khác biệt của ông. Dẫu cái nhìn của Đức mẹ Đồng trinh cúi xuống nhưng cái nhìn của Chúa Hài đồng lại hướng đến hòn đá được đặt trên cuốn kinh mà Thánh Stephen cầm trong bàn tay nắm chặt của ông.

Hai phần của bộ tranh ghép được khớp lại với nhau bằng một mẫu trang trí nhỏ mà người ta tin là bức chân dung nhỏ của chính Fouquet như một dạng chữ ký (ông chưa bao giờ ký tên mình vào tác phẩm này). Vào năm 1775, nhà thờ Collegiate trong cơn túng quẫn do cần tiền để trùng tu nhà thờ đã bán bộ tranh ghép đi. Đó là lý do bức bên trái giờ được treo ở Bảo tàng Quốc gia Đức Berlin, trong khi bức bên phải thuộc về Bảo tàng Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ ở Antwerp, còn bức chân dung nhỏ giờ là một phần của bộ sưu tập ở Bảo tàng Louvre, Paris.

Những chiếc rìu đá vẫn được coi như “một vật thể mang tính biểu tượng và gợi mở nhiều cảm xúc, thi thoảng đem lại cho những người sống trong thế giới hiện đại một ý nghĩa sống động về những cảm nhận cơ bản của các bậc tổ tiên”. 

Bộ tranh ghép Melun Diptych được giới sử học nghệ thuật tranh luận rất nhiều về nguyên mẫu, bối cảnh, sự thay đổi trong nghệ thuật vẽ của Fouquet. Giờ đây, một nhóm nghiên cứu quan tâm đến hòn đá đặt trên cuốn Kinh Tân ước. Họ cho rằng, hòn đá trong bức họa không phải là vật phẩm tầm thường, nó có thể là một công cụ quan trọng trong chiến lược sinh tồn của những tổ tiên thời kỳ Đồ đá, giúp họ chặt cây, săn thú, xẻ thịt và đào bới các loại rễ, củ… Họ đã xuất bản những phát hiện của mình trên tạp chí Cambridge Archaeological Journal, “Acheulean Handaxes in Medieval France: An Earlier ‘Modern’ Social History for Palaeolithic Bifaces”.

Một vật thể ít được quan tâm

Có rất nhiều khía cạnh để người ta quan tâm đến bộ tranh ghép Melun Diptych. Các kỹ thuật cũ đã tiết lộ là Fouquet đã chỉnh đầu của cả Chevalier và Thánh Stephen theo cùng một cách để đảm bảo các điểm nhất định trong bức họa cùng nhìn về một hướng cụ thể khi bộ tranh ghép được treo gần nhau. Tuy nhiên, không mấy ai quan tâm đến hòn đá đặc biệt này. “Tôi từng biết về bức họa này của Fouquet đã nhiều năm và tôi luôn nghĩ là sao hòn đá trong bức tranh lại giống như một công cụ đá thời tiền sử thế nhỉ”, Steven Kangas, một giáo sư lịch sử nghệ thuật ở Dartmouth College, nói trong thông cáo báo chí của trường về công bố mới. “Ý tưởng này cứ quanh quẩn trong đầu tôi như điều gì đó mà tôi cảm thấy cần phải theo đuổi trong tương lai”. 

Bức bên tay trái của bộ tranh ghép này. Nguồn: Cambridge Archaeological Journal

Mọi chuyện chỉ thực sự sẵn sàng vào năm 2021, khi Kangas đến dự một buổi seminar về di chỉ Isimila ở Tanzania, nơi nổi tiếng với các công cụ đá tiền sử. Điểm đặc biệt của chúng là có đầu nhọn và bề ngoài có những khía rãnh với nhiều nét tương đồng với hòn đá trong bức họa của Fouquet, và Kangas nhận ra mình cuối cùng đã thấy những điểm trùng khớp thú vị đó. Ông gặp gỡ và trao đổi với Charles Musiba, giáo sư nhân chủng học ở trường Colorado-Denver và là một chuyên gia về nguồn gốc loài người ở Tanzania và Nam Phi, cùng Jeremy DeSilva, một giáo sư và chủ nhiệm khoa Nhân học Dartmouth. Họ đồng ý với nhau là các đặc điểm của vật thể trong bức họa không ngẫu nhiên là do họa sĩ tự nghĩ ra. Vậy là họ cùng với hai học giả khác của trường Đại học Cambridge, Anh, là Alastair Key và James Clark, cùng nghiên cứu về vấn đề này. 

Các rìu đá từng là một nguồn đầy thu hút trong lịch sử văn hóa và xã hội loài người. Đó là một trong những công cụ đá được con người sử dụng sớm nhất, trong đó chiếc rìu được biết có niên đại xa nhất là trên 1,6 triệu năm, rất lâu sau đó mới được thay thế bằng những công cụ phức tạp hơn, cỡ 100.000 năm trước. Cho tới gần đây, những chiếc rìu đá vẫn được coi như “một vật thể mang tính biểu tượng và gợi mở nhiều cảm xúc, một vật thể thi thoảng đem lại cho những người sống trong thế giới hiện đại một ý nghĩa sống động về những cảm nhận cơ bản của các bậc tổ tiên”, nhóm nghiên cứu viết trong công bố.

Trước khi nguồn gốc thực sự của chúng được nhận diện chính thức vào thế kỷ 17 và 18 thì nhiều văn bản ghi chép từ trước những năm 1500 vẫn miêu tả rìu đá như “những hòn đá sấm sét”, hay “ceraunia” như cách người Ý vẫn gọi, vì người ta có xu hướng tin là nó rơi từ trên bầu trời xuống trong suốt những tràng sấm sét nổ ra trong mưa dông, một thứ thể hiện quyền uy của thần Jupiter, chúa tể bầu trời từ trên đỉnh Olympe. Do tồn tại niềm tin “những hòn đá sấm sét” ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên, người châu Âu thời kỳ Trung cổ khao khát sở hữu chúng để chúng đem lại nhiều giá trị quan trọng cho mình, ví dụ như “mượn” quyền lực siêu nhiên của chúng để bảo vệ ngôi nhà mình khỏi sét đánh. Cho đến tận thế kỷ 17, người ta vẫn tin là vậy và theo một công bố vào năm 1924 về y học cổ truyền châu Âu thì ở xứ Saxonia, dân chúng vẫn nghĩ “những hòn đá sấm sét” này có thể bảo vệ họ khỏi ác mộng và bệnh phát ban. Duy chỉ có học giả Đức thế kỷ 16 Georgius Agricola thì loại bỏ niềm tin phổ biến đó. Trước thế kỷ 17, không ai nghĩ chúng là do con người tạo ra.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, những chiếc rìu đá có thể có tiềm năng đóng một vai trò xã hội hoặc tôn giáo ở nước Pháp thế kỷ 15.

Người cùng thời với Georgius Agricola, bác sĩ và nhà tự nhiên học Thụy Sĩ Conrad Gessner trong một ghi chép De Rerum fossilium (1565) coi nó như ‘những trò đùa của tự nhiên’ nhưng quan trọng là ông đã vẽ lại hình “hòn đá sấm sét”. Bất chấp hình vẽ ở chất lượng nghệ thuật khiêm tốn, hình mẫu trong ghi chép của ông vẫn được xem như một hiện diện sớm nhất trong lịch sử về một rìu đá tiền sử. 

Nhưng bức họa của Fouquet còn có sớm hơn một thế kỷ. Giữa việc nhận ra sự tương đồng của hòn đá trong tranh với rìu đá, một công cụ thời tiền sử với việc chứng minh nó còn là một khoảng cách lớn. Bởi chưa có ai coi hòn đá trong bức họa của ông là rìu đá, mọi nhà sử học nghệ thuật đều coi vật thể này là “hòn đá lởm chởm” hoặc một “hòn đá sắc nhọn”, giải thích đó là một đại diện của cái chết do ném đá của thánh Stephen như người Cơ đốc giáo tử vì đạo đầu tiên. 

Thông thường, khi nghiên cứu về bộ tranh ghép này, các học giả chỉ tập trung vào các nhân vật và bối cảnh của bức họa nhưng lại ít dành sự chú ý vào hòn đá, dù nó được vẽ trực diện với cặp mắt người xem. Trên thực tế thì Fouquet đã nhấn mạnh vào bề mặt phát sáng và kết cấu của hòn đá đặc biệt này bằng phong cách vẽ tương đồng với phong cách của các họa sĩ Bỉ cùng thời, những người đã hoàn thiện cách miêu tả sống động và chân thực sự vật hiện tượng như nó vốn có. “Hòn đá mà Fouquet miêu tả có những cái rìa sắc, mũi nhọn hình búp và đế hình cầu – các đặc điểm cụ thể của rìu đá Acheulean. Theo hiểu biết của chúng tôi, các tác phẩm nghệ thuật thường không nhất thiết phải truyền tải thực tại một cách chính xác, nếu nói là không thể, nhận diện chắc chắn liệu một rìu đá được tái hiện trong một bức họa thế kỷ 15”, nhóm nghiên cứu viết trong công bố. 

Cách nào để chứng minh? 

Dẫu các nhà nghiên cứu biết rằng Fouquet hiểu rất rõ giá trị của rìu đá, họ cũng không thể đảm bảo 100% tại sao ông lại có hiểu biết đó và bản thân họ cũng không thể xác định một cách chính xác ý nghĩa văn hóa của nó. Vì vậy, để thuyết phục được chính mình và mọi người, nhóm nghiên cứu ngoài hai phân tích về lịch sử bộ tranh ghép, lịch sử của rìu đá thời tiền sử do nhóm ở Dartmouth thực hiện, còn phân tích thứ ba quan trọng không kém về hòn đá trong bức họa, do các nhà nghiên cứu Cambridge thực hiện.

Kết quả phân tích hình dạng hòn đá trong tranh của Fouquet. Nguồn: Cambridge Archaeological Journal.

Điều may mắn nhất với họ là việc hòn đá được Fouquet đặt ở tầm mắt của người xem, hiển thị rất rõ ràng nên họ có thể phác thảo mô hình hai chiều, sau đó so sánh nó với các chiếc rìu đá Acheulean đã được cộng đồng nghiên cứu công nhận. Đầu tiên, họ sử dụng một cách tiếp cận là Phân tích Fourier hình elip (Elliptical Fourier Analysis) để phân tích định lượng hình dạng của vật thể. “Dẫu có một số biến dạng do với vật thể ban đầu – do có thể được tái tạo từ trí nhớ hoặc quan sát trực tiếp hòn đá phía trước mặt họa sĩ – được xem là không thể tránh được, chúng tôi tin rằng hình dạng của hòn đá trong tranh vẫn hướng đến việc tái hiện trung thành một vật thể đã biết. Và trên thực tế thì Fouquet có xu hướng đi chệch những miêu tả truyền thống về hòn đá dẫn đến sự tử vì đạo của Thánh Stephen như trong các bức họa trước”, nhóm nghiên cứu viết trong công bố, lưu ý đến nhiều bức họa cũng được sáng tác cùng thời gian này, tập trung vào hình ảnh thánh Stephen cùng hòn đá ném ông. Ví dụ, một tác phẩm của Carlo Crivelli vào năm 1476, giờ được treo ở Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia ở London cho thấy ba hòn đá được xếp trên đầu và hai vai của vị thánh.

Kết quả phân tích cho thấy, hình dạng của hòn đá trong tranh của Fouquet tương đồng với 95% với những chiếc rìu đá Acheulean, vốn có niên đại từ 300.000 năm đến 160.000 năm và được các nhà khảo cổ hiện đại khai quật ở vùng mà Fouquet vẽ bức họa, nay là Melun, Seine-et-Marne, thuộc vùng hành chính Île-de-France của Pháp. Các dữ liệu cũng cho thấy hình dạng của hòn đá trong bức họa không chỉ giống hình dạng của rìu đá Acheulean mà còn hiển thị tiêu chuẩn chung của loại công cụ này.

Để có thêm bằng chứng chắc chắn, họ tiếp tục phân tích màu sắc và hình dạng của các cạnh sắc của hòn đá trong tranh. Họ đã so sánh màu sắc của nó với 20 chiếc rìu Acheulean. Dẫu màu sắc trong bức họa có thể đã bị biến dạng ở một mức độ nhất định do từng bị phục chế vào những năm 1980 nhưng màu sắc trên bề mặt của hòn đá có thể thấy rõ là gồm màu vàng, nâu và màu đỏ, tương đồng với những công cụ rìu đá họ dùng để so sánh, vốn hầu hết đều được làm từ đá lửa – một loại đá trầm tích giàu silica và có biểu hiện giống thủy tinh, thường có màu xám sẫm, xanh lam, đen hay nâu sẫm. Điều đó chỉ dấu sự thật là Fouquet đã quan sát một cách cẩn thận và vẽ lại một cách chi tiết vật thể được ông lấy làm mẫu. Một phân tích hồng ngoại bức họa cũng cho thấy bên dưới lớp sơn hòn đá trên tranh là hai lớp hình vẽ, một là những phác thảo ban đầu, hai là lớp vẽ bằng màu. Rõ ràng là Fouquet rất coi trọng chi tiết này của tác phẩm và vẽ đi vẽ lại cho đến khi ưng ý. “Fouquet dường như đã quan tâm đặc biệt đến hòn đá nguyên mẫu, có lẽ nó đã thu hút sự chú ý cũng như gợi mở nhiều trí tưởng tượng của ông”, Kangas nói. 

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã đếm được 33 rãnh trên bề mặt của hòn đá trong bức họa, cũng tương đồng với con số 30 rãnh của các công cụ đá được lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ bộ sưu tập rìu đá Pháp của mình. “Rõ ràng là Jean Fouquet đã phát hiện thấy một số nét khác thường trong chính chiếc rìu đá nguyên mẫu. Ông đã chọn nó để miêu tả chính xác và chi tiết với sự tập trung cao độ như khi vẽ chiếc vương miện gắn đá quý của Đức mẹ Đồng trinh hay bối cảnh kiến trúc phía sau Thánh Stephen”, nhóm nghiên cứu viết. 

Vậy nhóm nghiên cứu đã có thể đi đến kết luận chắc chắn là hòn đá trong tranh của Jean Fouquet chính là rìu đá Acheulean chưa? Các nhà nghiên cứu thấy cần có một đường lùi. “Chúng tôi không thể hoàn toàn khẳng định là một chiếc rìu Acheulean được Jean Fouquet vẽ vào năm 1455. Những gì chúng tôi đã làm được là chứng minh ở mức có thể là hòn đá trong bức họa nhiều khả năng là một chiếc rìu Acheulean”, nhóm nghiên cứu nêu trong công bố của mình. “Phát hiện này đã góp phần đưa bằng chứng hiển thị trong lịch sử xã hội của rìu đá về trước giữa thế kỷ 15, một thế kỷ trước khi “những hòn đá sấm sét” được miêu tả và hai thế kỷ trước khi chúng ta có bằng chứng mô tả và ghi lại về rìu đá”. 

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng thật khó lý giải vì sao chiếc rìu đá lại được Fouquet lấy làm nguyên mẫu cho hòn đá trong tranh của mình, bức tranh được chính Chevalier đặt hàng. Có thể là do tính phổ biến của “hòn đá sấm sét” trong xã hội đương thời, hoặc có thể là do nó được coi là một vật thể đặc biệt, có vai trò quan trọng trong tôn giáo, hoàng gia và/hoặc giới có học thức chứ không thuộc về bối cảnh xã hội rộng lớn hơn; hoặc cũng có thể là Fouquet muốn thông tin cho chúng ta bằng chứng giá trị biểu tượng hay ý nghĩa xã hội, hoặc có thể là tôn giáo của rìu đá trong bối cảnh xã hội châu Âu cuối Trung cổ. Chắc chắn là Chevalier đặt hàng ông như một biểu hiện của niềm tin tôn giáo cũng như một tín hiệu về sự giàu sang và địa vị xã hội của mình. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, những chiếc rìu đá có thể có tiềm năng đóng một vai trò xã hội hoặc tôn giáo ở nước Pháp thế kỷ 15 – có thể là giới hạn trong không gian vùng Tours của Fouquet. 

Điều mà họ rút ra là việc nhận diện một chiếc rìu đá trong bức họa thế kỷ 15 không làm thay đổi những gì chúng ta biết về người Acheulean. “Những gì chúng tôi phát hiện đã đưa thời điểm phát hiện bằng chứng của rìu đá Acheulean trong không gian xã hội và văn hóa ‘hiện đại’ xa hơn. Nó cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc tại sao và khi nào những vật thể đặc biệt đó được tích hợp vào các cấu trúc văn hóa của các xã hội sơ sử và tiền sử”, nhóm nghiên cứu kết luận. 

Rõ ràng các nhà nghiên cứu cảm thấy phần nào hài lòng về kết quả mình tìm thấy. “Tôi yêu ý tưởng kết nối một chiếc rìu đá – một vật thể sống sót nửa triệu năm trước với một bức họa Pháp thời Trung cổ, nổi tiếng và có giá trị đến mức được đưa vào phần nhập môn của lịch sử nghệ thuật. Từ thời kỳ Đồ đá đến Phục hưng và hơn thế, những chiếc rìu đá đã là một phần của lịch sử loài người”, giáo sư Jeremy DeSilva nhận xét.

Bản thân Kangas, người bật lên ý tưởng đầu tiên, nói với Hyperallergic là ông háo hức khi nhìn vào những hình ảnh chứa những hòn đá có hình dạng kỳ lạ trong nhiều bức họa, ví dụ một bức tranh gỗ thế kỷ 16 treo lại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan cũng miêu tả những hòn đá có bề mặt phẳng, mượt mà. “Các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có nhiều điều mà hai bên có thể cùng học hỏi lẫn nhau”, DeSilva cũng trả lời Hyperallergic. “Hai bên có thể hợp tác trong các dự án để nghiên cứu về cách con người hiểu như thế nào về thế giới của họ theo thời gian”.

“Với tôi, đó là điều kích thích bậc nhất”, DeSilva kết luận.□

Anh Vũ tổng hợp

Nguồn: https://hyperallergic.com/851373/what-is-oddly-shaped-stone-in-jean-fouquet-15th-century-painting/

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/a-mysterious-stone-in-a-15th-century-painting-could-be-a-stone-age-tool-180983154/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)