Công cụ mới giúp đánh giá việc phát triển sản phẩm thời trang nhanh
Theo báo cáo của Ellen McArthur Foundation năm 2017, khoảng 87% sản phẩm của ngành thời trang sản xuất ra không bao giờ được bán hoặc chỉ được giữ trong cửa hàng để rồi sau đó bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, bởi các hãng quần áo chạy theo mô hình “thời trang nhanh” tạo ra những xu hướng 12 mùa mỗi năm, thay vì tạo ra những bộ đồ có thể sử dụng lâu dài như trước đây.
Trong thế giới thời trang nhanh, phát triển sản phẩm mới là lựa chọn chính cho các công ty mong muốn duy trì sự phù hợp và khả năng cạnh tranh trong một thị trường luôn luôn vận động và thay đổi. Việc phát triển sản phẩm mới là một quá trình nhiều khâu và bao gồm việc tạo ra các ý tưởng, thiết kế và triển khai các ý tưởng đó, thử nghiệm nguyên mẫu và sản phẩm, và cuối cùng là tung một sản phẩm mới ra thị trường với mục tiêu tận dụng các cơ hội thị trường mới nổi và giải quyết nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí International Journal of Services and Operations Management của các tác giả Dương Quang Hào, PGS.TS Đỗ Ngọc Hiền và TS. Nguyễn Đức Duy của Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, việc phát triển sản phẩm mới là một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều nguồn lực của công ty. Điều này đặc biệt đúng trong những ngành có sự thay đổi nhanh chóng về sở thích của người tiêu dùng và vòng đời sản phẩm ngắn, chẳng hạn như ngành thời trang.
Tuy nhiên, có một cách tiếp cận khác đối với việc phát triển sản phẩm mới, tập trung vào việc tích hợp chiến lược phân tích đối thủ cạnh tranh và phản hồi của khách hàng. Điều này có thể cho phép một công ty hợp lý hóa quá trình phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, đặc biệt là trong thế giới của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo nhóm nghiên cứu, một công cụ hữu ích trong quá trình tinh giản tổng thể này là phương pháp ma trận hồ sơ đối thủ cạnh tranh (CPM). Phương pháp này cho phép các công ty xác định và phân tích các đối thủ cạnh tranh chính của họ. Cụ thể, họ có thể “mổ xẻ” các sản phẩm bán chạy nhất của mình để tìm ra sở thích quan trọng của khách hàng tại một thời điểm nhất định. Bước đầu tiên trong quy trình phát triển sản phẩm mới này sẽ cung cấp cho các công ty một khuôn mẫu để hiểu về thị trường vốn đang liên tục thay đổi và cho phép họ kết hợp các ý tưởng sản phẩm của riêng mình lại với nhau.
Sau khi các ý tưởng được hình thành, công ty có thể tương tác trực tiếp với cơ sở khách hàng mục tiêu của mình để nhận được phản hồi và đánh giá các sở thích. Với việc chọn cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm, các công ty này sẽ có thể đảm bảo rằng các tính năng và chức năng của sản phẩm mới sẽ được thị trường đón nhận. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm mới bị các sản phẩm cạnh tranh hơn “vượt mặt” và phải nằm “ngoài rìa” của các bộ sưu tập thời trang thay vì trở thành những món đồ mà mọi người đều muốn được mặc.
Mặc dù cách tiếp cận này được thiết kế riêng cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang nhanh, nhưng một phương pháp tương tự cũng có thể được áp dụng trong các ngành khác. Theo nhóm nghiên cứu, việc tích hợp chiến lược phân tích đối thủ cạnh tranh và phản hồi của khách hàng vào quy trình phát triển sản phẩm mới sẽ mang lại cách tiếp cận thực tế cho thị trường hiện đại.□
Kim Dung tổng hợp
Nguồn: https://phys.org/news/2024-05-case-product-fast-fashion-industry.html