Công nghệ chế biến và bảo quản nâng cao giá trị trà đen

Nghiên cứu về công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè đen do TS Nguyễn Năng Nhượng thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì được đánh giá là góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu chè đen của Việt Nam.

Đây là kết quả từ đề tài “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp Silo có sử dụng bơm nhiệt”, mã số KC.07.04/11-15 thực hiện từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2014.

Khi bắt tay vào thực hiện đề tài, TS Nguyễn Năng Nhượng và cộng sự đặt mục tiêu xác định chế độ phù hợp để sấy lại chè đen CTC (Crushing – Tearing- Curling: xay – băm nhỏ – đóng gói) bằng bơm nhiệt và lắp đặt hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt.

Trên thực tế, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu chè lớn nhưng nguồn thu từ xuất khẩu chè lại không được như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về chất lượng chè thiếu ổn định.

Vì vậy, đề tài của TS Nguyễn Năng Nhượng chủ yếu tập trung vào hai công đoạn là chế biến và bảo quản. Trước hết, ông xác định chế độ phù hợp để sấy lại chè đen CTC bằng bơm nhiệt.

Sau đó, để sản phẩm chè đen được bảo quản tốt mà vẫn đảm bảo chất lượng, TS Nhượng đã dùng hệ thống silo, những tháp cao cách nhiệt hai lớp có khả năng cách được nhiệt bên ngoài và thoát được nhiệt từ bên trong ra. Theo thiết kế, các silo có sức chứa 10 tấn chè đen CTC/một Silo, được làm bằng vật liệu Inox Su 304, bên trong bố trí kênh phân phối khí trao đổi nhiệt ẩm.

Dây chuyền công nghệ do TS Nhượng thiết kế gồm các hệ thống thiết bị MAHPD, thiết bị vận chuyển chè đen CTC bằng khí động và tổ hợp Cyclon, thiết bị định lượng và thiết bị phối trộn đồng thể chè, thiết bị cân và đóng bao được điều khiển tự động với các phần mềm được viết sẵn để người vận hành có thể giám sát mọi công đoạn bằng máy tính. Sản phẩm chè đen từ dây chuyền này đảm bảo được các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, định lượng đóng gói, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt chế độ bảo quản chè đen CTC trong môi trường khí điều biến đem lại kết quả đáng mừng: sau chín tháng bảo quản thử nghiệm, chất lượng chè đen vẫn được đảm bảo và không có khác biệt nhiều so với chè ban đầu.

Kết quả nghiên cứu này của TS Nhượng đã được đưa vào ứng dụng tại công ty TNHH một thành viên chè Á Châu Phú Thọ thuộc Công ty TNHH chè Á Châu, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, và đem lại kết quả bước đầu rất khả quan.

Thành công của đề tài nghiên cứu được hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng chè đen CTC, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm chè Việt Nam trên thị trường thế giới.

 

Tác giả