Công nghiệp hóa trong bối cảnh Toàn cầu hóa?

Toàn cầu hóa đem lại những phương thức phát triển mới nhưng cũng tác động đến các chương trình kinh tế truyền thống, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Điều này đòi hỏi phải xem xét lại các điều kiện, giả thuyết “ngoại biên” (nhiều khi được coi như nghiễm nhiên) của các lý thuyết, chương trình công nghiệp hóa xem nó bị ảnh hưởng thế nào bởi Toàn Cầu hóa.

CÔNG NGHIỆP HÓA KIỂU KINH ĐIỂN
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Công Nghiệp Hóa (CNH), đặc biệt ở các nước đang phát triển và có nền kinh tế tập trung, có những đặc trưng như: sử dụng vốn lớn; chú trọng phát triển công nghiệp nặng; chủ yếu do Nhà nước tiến hành thông qua các chính sách công nghiệp; Nhà nước nắm toàn bộ quyền lực trong phát triển kinh tế; chú trọng tới tính cân đối và độc lập của nền kinh tế.
Trong bối cảnh lúc đó, Nhà nước có thể CNH được vì dựa trên nền kinh tế tập trung, theo mệnh lệnh và có các điều kiện: sở hữu các công ty Nhà nước; đề ra các chính sách đối với các ngành và địa phương; điều tiết thị trường, sở hữu, dòng vốn và ra quyết định đầu tư; chưa có các định chế, cơ chế cho kinh doanh toàn cầu.
Chương trình CNH ở các nước này chủ yếu là xây dựng, phát triển những chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng (với đầy đủ các công đoạn) cho các sản phẩm để cung cấp cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nói cách khác, trong CNH theo kiểu kinh điển là xây dựng, phát triển các ngành kinh tế theo chiều dọc (vertical development), tức là: đi từ thiết kế, khai thác, sơ chế, sản xuất, bán hàng trong nước hay xuất khẩu. Với nền kinh tế theo định hướng quốc gia và cơ chế tập quyền cao độ, Nhà nước có thể duy trì, cân đối được một nền kinh tế dựa trên những chuỗi giá trị thuần túy từ các yếu tố nội địa (ngoài ra, người tiêu dùng nội địa cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài các sản phẩm này).

CÔNG NGHIỆP HÓA TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, đặc biệt khi chấm dứt chiến tranh lạnh, một quá trình toàn cầu hóa kinh tế sâu rộng diễn ra trên thế giới và kéo hầu hết các nước vào vòng xoáy của nó. Vì các tối ưu lấy từ phạm vi quốc gia không thể bằng các tối ưu trên quy mô thế giới, một quá trình “tái cấu trúc” toàn bộ các quá trình sản xuất-kinh doanh của toàn bộ các sản phẩm trên thế giới tất yếu sẽ xảy ra, trước hết bởi các công ty đa quốc gia (multi-national companies-MNC). Các chuỗi giá trị (CGT), chuỗi cung ứng (CCƯ) của tất cả sản phẩm trên thế giới được thiết kế lại với sự mở cửa của các đường biên giới quốc gia (về địa lý và kinh tế), với công nghệ (chủ yếu là CNTT) và với những cơ chế, định chế mới cho kinh doanh toàn cầu. Các CCƯ trải rộng trên thế giới, không phân biệt quốc gia, châu lục, như những lát cắt xẻ dọc các đường biên giới… Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các nước dần được thay thế bằng sự cạnh tranh giữa các chuỗi. Nhiều CCƯ có tầm ảnh hưởng lớn hơn một số quốc gia phát triển. 
 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nhà nước không còn nắm giữ nhiều công ty như trước. Nhà nước cũng không còn nắm toàn bộ quyền lực trong phát triển kinh tế như: đề ra các chính sách đối với các ngành và địa phương, điều tiết thị trường, sở hữu, dòng vốn và ra quyết định đầu tư. Vì lý do kinh tế, sớm hay muộn Nhà nước cũng phải mở cửa về kinh tế. Họ phải tham gia vào các khối liên minh, định chế kinh tế thế giới. Khi mở của nền kinh tế, không những ta có thể “đi ra” thế giới mà thế giới cũng (rất sớm) đến với chúng ta. Các ông chủ của các CGT, CCƯ (hoặc các chủ doanh nghiệp nội địa) sẽ nhanh chóng tìm ra các công đoạn mà ta có thể làm tốt hơn, rẻ hơn họ (vì năng lực, kỹ năng, vị trí địa lý…) để thay thế vào các chuỗi của họ. Họ sẽ thuê khoán các doanh nghiệp của ta làm các công đoạn này thông qua các hình thức của đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, các CGT, CCƯ sẽ ‘tìm đến” ta hoặc ta “hòa” vào các CGT, CCƯ của khu vực, thế giới. Giữa dự án cho CNH và FDI, doanh nghiệp (tư nhân hay Nhà nước) sẽ chọn phương án có lợi nhất cho họ. Các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng không cạnh tranh lại được với lợi nhuận của dự án FDI mang lại. Về pháp lý, doanh nghiệp lúc đó có quyền lựa chọn giữa Luật Doanh Nghiệp (mang nhiều tính thị trường) và nghĩa vụ với Nhà nước. Khi đó, các ưu tiên về đất đai, tư liệu sản xuất, vốn, công nghệ, đào tạo …cho những dự án CNH sẽ trở nên lãng phí và doanh nghiệp sẽ dùng cho các dự án khác của chính họ. Ngay cả khi Nhà nước đầu tư xây dựng nhà máy theo chương trình CNH thì doanh nghiệp vẫn dùng nhà máy vào mục đích khác cho riêng họ. Chương trình CNH sẽ trở nên “lỗ chỗ”, ngành thực hiện được, ngành không và không hoàn chỉnh, đồng bộ theo như thiết kế từ trước. Tính cân đối, sự bổ sung của các ngành công nhiệp – yêu cầu quan trọng trong CNH – sẽ khó lòng đạt được. Các dự án FDI theo kiểu này là điển hình của phát triển theo chiều ngang (horizontal development), tức là: không thêm các công đoạn vào chuỗi giá trị mà chỉ thay thế, mở rộng thêm công đoạn sẵn có hoặc mở thêm cơ sở sản xuất để tăng lợi nhuận. Phát triển ngang thay vì phát triển dọc (để có một số ngành công nghiệp, một số CCƯ, CGT nhất định cho nền kinh tế quốc dân như CNH theo đúng nghĩa kinh điển của nó) là sự bất cập lớn nhất của CNH trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này làm trở ngại và đánh dấu hỏi về tính khả thi của chương trình CNH theo kiểu truyền thống. Công nghiệp ôtô, ngành thép, ngành cơ khí chế tạo, dệt may và đặc biệt là sự đầu tư của các tổng công ty vào ngân hàng, chứng khoán… gần đây là những ví dụ điển hình.
Thực ra, đó vẫn là CNH, nhưng là CNH ở phạm vi khu vực hay toàn cầu, chứ không phải phạm vi quốc gia. Khi đó, tính cân đối sẽ được thể hiện trong quy mô khu vực hay toàn cầu. Nhận thức được vấn đề này, nhiều nước đã chuyển từ CNH sang Dịch Vụ Hóa (phát triển các ngành dịch vụ).

Đinh Thế Phong

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)