Để trở thành một công ty hàng đầu Đông Nam Á về sản xuất thép xây dựng, Công ty TNHH thương mại và sản xuất Thép Việt đã không ngần ngại đầu tư hàng trăm triệu đô cho công nghệ cao và coi đó là vũ khí chiến lược trong cạnh tranh, phát triển.
Sau sáu năm thành lập, Thép Việt bắt tay vào thiết lập một chiến lược phát triển dài hạn dựa vào công nghệ tiên tiến, điều đó cũng thể hiện đậm nét trong câu phát biểu của tổng giám đốc công ty Thép Việt, ông Đỗ Duy Thái: “Ý niệm về công nghệ sẽ cứu chúng ta” và “Tôi tin rằng công nghệ và đổi mới công nghệ tạo ra sức bật cho mỗi doanh nghiệp”. Chính vì vậy, trong cả quá trình phát triển, Thép Việt luôn dành riêng những khoản đầu tư “khủng” cho công nghệ và đổi mới quản trị nhằm hướng đến mục tiêu dài hạn là xây dựng thành công một thương hiệu thép Việt thực sự. Xác định rõ yếu tố quan trọng “chiếm ưu thế nhờ công nghệ cao”, Thép Việt đã thực hiện những bước đi đầu tiên trong hoạt động đổi mới sáng tạo là xây dựng các nhà máy sản xuất thép. Kể từ năm 1999, Thép Việt đã lần lượt đầu tư 68 triệu đô la và thêm 300 triệu nữa để xây dựng ba nhà máy sản xuất thép Pomina 1, 2, 3 với dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của Đức và Italia. Với việc xây dựng ba nhà máy hiện đại này, Thép Việt mong Việt Nam không cần phải phụ thuộc vào nguồn phôi thép nhập khẩu để có thể tự chủ động trong sản xuất từ nguyên liệu trong nước, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ đáng kể.
Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại đã đem lại cho Thép Việt nhiều ưu thế trong cạnh tranh so với nhiều nhà máy trong ngành sản xuất thép xây dựng, đặc biệt là hạn chế được mức tiêu hao năng lượng, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm chi phí do năng suất sản xuất cao, thời gian luyện thép được rút ngắn đáng kể. Theo tính toán của Thép Việt, so với công nghệ cũ nhập của Trung Quốc thì công nghệ mới đã tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ. Hơn nữa, sản phẩm của Thép Việt còn không ngừng được nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các bộ tiêu chuẩn thép hàng đầu thế giới như tiêu chuẩn JIS (Nhật Bản), ASTM (Mỹ).
Công nghệ sản xuất thép này của Thép Việt còn hạn chế những tác động xấu đến môi trường, cải thiện điều kiện lao động khi giảm lượng bụi thải ra từ 10 đến 12kg/tấn thép, so với 18 đến 20kg/tấn thép của công nghệ cũ.
Song song với đổi mới công nghệ trong sản xuất, Thép Việt còn mạnh dạn đầu tư 2 triệu đô la vào nâng cao năng lực quản trị với hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (SAP ERP – Systems Applications & Products Enterprise Resource Planning), không chỉ không chỉ giúp doanh nghiệp chuyển đổi cách thức mà còn giúp đạt được kết quả vượt trội trong vận hành. Khó khăn khi áp dụng hệ thống SAP ERP là buộc phải “thay đổi thói quen đã tồn tại 15 năm của nhân viên” nhưng Thép Việt vẫn kiên quyết thực hiện. Nhiều hình thức đào tạo nhân lực linh hoạt cũng được triển khai dành cho các chuyên gia, cố vấn, đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đảm bảo để làm chủ và vận hành dây chuyền công nghệ. Nhiều lớp makerting, đào tạo kỹ năng làm việc cũng được mở cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Sự đổi mới từ hai mảng công nghệ và điều hành đã đem lại cho Thép Việt những lợi thế vượt trội để đưa ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, giá thành thấp, nguồn hàng ổn định do không phải phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu. Năm 2012, công ty đã đứng đầu thị trường thép xây dựng trong nước với 15,5% thị phần. Hiện nay các sản phẩm Thép Việt chủ yếu phục vụ thị trường nội địa với 92% sản lượng nhưng trong tương lai sẽ phấn đấu mở rộng thị trường quốc tế từ 8% lên tới 30% như mong đợi của ông Đỗ Duy Thái là “vươn ra các quốc gia lân cận”.
(Visited 1 times, 1 visits today)