Cư dân mạng ở Việt Nam
Sinh viên Việt Nam dường như tin vào khả năng của internet giúp được họ, cũng như đất nước họ, phát triển và đóng những vai trò quan trọng trên sân khấu toàn cầu.
Còn khi đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh tôi ngỡ ngàng về những chuyển động và trạng thái trong cách thức mạng xã hội được tiếp nhận và sử dụng, chẳng khác gì giao thông tít mù trên đường phố Sài Gòn.
Theo tài liệu tôi nghiên cứu khi còn ở Mỹ thì sự truy cập internet là tiện nghi bình thường ở những vùng đô thị như thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng hiểu rằng mạng xã hội đóng một vai trò ngày càng lớn trong các mối quan hệ của giới trẻ. Tôi đã tìm được cứ liệu tin cậy cho là các mạng xã hội như Zing Me, Yume, và cả Facebook có hàng triệu thành viên ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu phỏng vấn những bạn trẻ Việt Nam trang lứa ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ, tôi phát hiện là đối với người sử dụng, ít nhất là đối với những người trẻ, thì mạng xã hội không chỉ là một tiện nghi mà còn là một sự cần thiết. Từ những bạn trẻ nói với tôi là thế giới mà không có internet thì sẽ vô cùng “khủng khiếp”, đến những sinh viên thường trực lên mạng xã hội từ bất cứ nơi đâu thông qua điện thoại di động, thì rõ ràng mạng xã hội đã trở thành một kiểu thức truyền thông và định hình tính cách quan trọng đối với ngày càng đông người Việt trẻ.
Trong một hội thảo thân mật trong quán café Trung Nguyên ở Hà Nội, một sinh viên đã giải thích với tôi ở Việt Nam “cư dân mạng” nên được hiểu như thế nào. Anh nói là mặc dù gia đình anh làm chủ một tiệm café internet và anh chủ yếu lớn lên cùng máy tính, việc sử dụng internet đối với giới trẻ thường là một thói quen hơn là một ngoại lệ. Anh nói bây giờ ở Việt Nam hiếm ai nói họ không hề xài internet. Trò chuyện với nhiều sinh viên khác cũng hé cho tôi thấy một hệ quả khác của mạng xã hội, đó là quan điểm toàn cầu. Các sinh viên nhấn mạnh là mạng kỹ thuật số đang thay đổi không chỉ những cách thức mà họ tương tác với nhau, mà thay đổi cả cách họ giao tiếp với thế giới. Các bạn gặp ở cuộc hội thảo sốt sắng chỉ ra rằng internet đã cho họ điều kiện quan tâm đến không chỉ văn hóa Việt Nam mà cả văn hóa toàn cầu khi xuất hiện ở Việt Nam. Các bạn sinh viên ở quán café cũng nhấn mạnh sự kiện là người Việt đã thích nghi nhanh chóng với sự phổ biến của internet, dẫn chứng việc sử dụng internet từ nghe nhạc đồng quê đến nghiên cứu giải pháp cho các vấn đề môi trường rộng khắp thế giới.
Trong thời gian ở Việt Nam tôi nhanh chóng hiểu ra là giới trẻ Việt Nam – ít nhất là giới trẻ ở các thành phố lớn và có trình độ đại học – hội nhập cực kỳ tốt với điều được coi là nền văn hóa phi chính thống nổi trội: nền văn hóa internet. Tôi cũng đã nhận ra điều tương tự ở Mỹ, một nền văn hóa phi chính thống bắt nguồn từ việc sử dụng internet, và điều đó đã đóng vai trò quan trọng trong kết hợp kinh nghiệm toàn cầu và trải nghiệm cá nhân. Nhưng khám phá ra mạng xã hội Việt Nam còn có đặc điểm gì khác là một công việc đầy thách thức. Việc dùng internet để thám hiểm những ranh giới mới và những hình thức diễn cảm mới vốn không tồn tại trước khi mạng xã hội ra đời có thay đổi hay củng cố phẩm chất Việt Nam gì đó như thế nào?
Tôi đã cố gắng tìm hiểu điều này trong một cuộc phỏng vấn với những người quản trị mạng Yume.vn , một mạng xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh có hơn ba triệu thành viên. Yume thể hiện nỗ lực tạo cho người Việt một lối thoát trên mạng để diễn tả suy nghĩ, cảm xúc, nhận định, phân tích những vấn đề thiết thân nhất đối với họ. Bằng cách cho bất cứ người viết Việt Nam nhiệt tình nào cũng mở được blog cá nhân trên mạng này, Yume nhấn mạnh vào kiểu thảo luận những vấn đề phức tạp nhưng mạch lạc mà internet cung cấp nếu sử dụng đúng. Cộng đồng và quan hệ cộng đồng, cũng giống như nhiều khía cạnh khác của xã hội Việt Nam, được mạng xã hội Yume chú trọng – và bằng một hình thức và một thiết kế chuyên nghiệp để cho mạng này hấp dẫn và dễ tiếp cận.
Những cuộc thảo luận sâu hơn với sinh viên Việt Nam cho thấy giới trẻ Việt Nam, cũng giống như giới trẻ Mỹ, muốn chia sẻ mọi thứ, với nhau và với cả thế giới. Sinh viên Việt Nam dường như tin vào khả năng của internet giúp được họ, cũng như đất nước họ, phát triển và đóng những vai trò quan trọng trên sân khấu toàn cầu. Là những người lãnh đạo tương lai của thế giới này giới trẻ có trách nhiệm làm cho đất nước mình, và thế giới, trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho những thế hệ tương lai. Sự phát triển đã khiến thế hế chúng tôi trở thành “công dân mạng” cho thấy internet là phương tiện của tương lai để chia sẻ những câu chuyện, những ý tưởng, những viễn tượng về thế giới của chúng ta.
Lý Lan dịch
* Sinh viên khoa Tâm lý học, ĐH Western Washington, Mỹ