Cú hích cho R&D ở doanh nghiệp

Mới đây, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN Việt Nam (Bộ KH&CN) đã phối hợp với Viện Sau đại học về Nghiên cứu Chính sách Nhật Bản (GRIPS) tổ chức hội thảo về Huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho khoa học và công nghệ. Theo các chuyên gia Nhật Bản, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho R&D, cần phải tạo ra một môi trường đổi mới sáng tạo và về chính sách, cần xác định rõ các ưu tiên.

Giáo sư Atsushi Sunami, Học viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, bắt đầu bài nói chuyện của mình bằng cách đưa ra hình ảnh bìa sách “Sự thăng trầm của những quyền lực vĩ đại” của Paul Kennedy xuất bản vào năm 1987. Trong đó, trên ba bậc thang hình cầu mô phỏng Trái đất là ba quốc gia, Nhật, Mỹ và Anh: Anh đã rời bỏ vị trí đứng đầu, Mỹ thì đang chênh vênh trên đỉnh còn Nhật thì chuẩn bị bước lên thay thế vị trí của Mỹ. Tại thời điểm cuối những năm 1980, đầu 1990 nền kinh tế của Nhật ở giai đoạn hưng thịnh nhờ sự đầu tư cho khoa học và công nghệ ở khối tư nhân.

Cho tới thời điểm hiện tại, việc đầu tư cho R&D của khu vực tư nhân ở Nhật Bản vẫn chiếm khoảng 80% tổng đầu tư cho lĩnh vực này trên cả nước và tương đương 2.5% GDP. Việc đầu tư cho R&D của các doanh nghiệp, theo GS. Atsushi, hoàn toàn tự nguyện và trong suốt hơn 20 năm qua không hề chịu sự chi phối trực tiếp của bất kì chính sách nào mà bắt nguồn từ việc cạnh tranh với thị trường ngoài nước, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Sự tự nguyện đầu tư cho R&D là một lợi thế của nền kinh tế Nhật Bản nhưng đồng thời cũng là điểm yếu của quốc gia này. Đến năm 2007, sau cơn chấn động Lehman (ngân hàng quốc tế Lehman Brothers tuyên bố phá sản), việc đầu tư cho R&D của Nhật giảm từ 140 tỷ USD xuống còn 120 tỷ USD (2009) và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhật Bản đứng trước nguy cơ tuột mất vai trò lãnh đạo về công nghệ. Làm thế nào để thúc đẩy khu vực tư nhân Nhật Bản tiếp tục đầu tư cho R&D như trước? “Nhật Bản vẫn đang tìm câu trả lời” – GS. Atsushi cho biết. Ông cho rằng, việc đầu tư cho R&D là do tự thân của mỗi doanh nghiệp, chính phủ không thể bằng mọi biện pháp thúc đẩy hay ép buộc. Nhà nước cũng không thể “mời” doanh nghiệp thực hiện R&D bằng ngân sách vì chính phủ đang có chủ trương cắt giảm. Để khuyến khích đầu tư cho R&D ở khối tư nhân, theo GS. Atsushi, chỉ có thể bằng cách tạo ra một môi trường thân thiện với đổi mới sáng tạo.

Quốc gia rất thân thiện với ĐMST

Sau khi trúng cử vào năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra chương trình “ba mũi tên” Abenomics nhằm cải cách kinh tế Nhật Bản. Trong đó, mũi tên thứ ba, tái cơ cấu nền kinh tế, là quan trọng nhất và hướng tới mục tiêu đưa Nhật Bản thành một quốc gia thân thiện với đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới. Theo đó, nguồn vốn đầu tư cho R&D mà nước này kêu gọi ngoài ngân sách là từ các tập đoàn lớn trong nước và các công ty nước ngoài.

Nhật Bản đề ra các quy định chuẩn quốc tế về công nghệ và dây chuyền sản xuất để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào R&D bởi “doanh nghiệp Nhật luôn bị thu hút bởi thị trường Mỹ” – GS. Atsushi nói. Bên cạnh đó, nước này đưa ra những cải cách để những công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và năng lượng phải quản lý trên cơ sở công nghệ thông tin. Ví dụ trong ngành y tế – chăm sóc sức khỏe, chính phủ Nhật cho phép thuê ngoài trong việc nuôi trồng tế bào, kết hợp quản lý giữa nhiều cơ sở nghiên cứu… Điều này khiến cho các cơ sở y tế của Nhật cần xây dựng một nền tảng công nghệ để quản lý nhân sự và hoạt động của mình nhằm liên lạc với các đối tác trên toàn thế giới. 

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ, Nhật Bản đã thành lập một “Hội đồng kiến tạo mạo hiểm” (Venture Creation Council) gồm các công ty và tập đoàn lớn của Nhật để tạo ra một nền tảng “mai mối” các công ty lớn với các công ty khởi nghiệp nhỏ phù hợp. Nhà nước cũng cung cấp bảo hiểm việc làm cho các thanh niên đang thành lập doanh nghiệp hoặc có ý định khởi nghiệp trong thời gian họ tìm việc làm.

Chính phủ Nhật lựa chọn tám siêu đô thị để hình thành các đặc khu kinh tế – là nơi sẽ thí điểm những đổi mới sáng tạo trong chính sách. Những thành phố này không được đầu tư về mặt kinh phí mà được nới lỏng mặt chính sách nhằm thu hút những nhà đầu tư và lao động nước ngoài. Ví dụ như, giảm thuế doanh nghiệp, cho phép giáo viên, giảng viên nước ngoài được làm việc tại Nhật Bản, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu của nước ngoài được phép sử dụng cơ sở vật chất công… Đồng thời, họ cũng giải quyết những bất tiện thường được các doanh nghiệp nước ngoài đề cập: khắc phục rào cản ngôn ngữ bằng cách cài đặt tiêu chuẩn cho mã QR cho điện thoại để đọc thông tin sản phẩm bằng tiếng Anh, xây dựng các địa điểm công cộng có wifi miễn phí, thành lập một nền tảng cho phép các bộ trưởng đóng vai trò tư vấn đối với doanh nghiệp nước ngoài… Cuộc thử nghiệm đặt mục tiêu vào năm 2016 có thể thu hút 500 tập đoàn đa quốc gia và các cơ sở R&D. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về tính thành công của cuộc thử nghiệm này nhưng theo GS. Atsushi, đây là một cơ hội để các địa phương “tìm cách ứng dụng công nghệ vào tất cả các lĩnh vực xem kết quả thế nào”.

Xác định ưu tiên từ trước

Trong buổi hội thảo, một giáo sư khác đến từ GRIPS, GS.Patarapong Intarakumnerd, tổng kết trên kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á, cho biết, một trong những điểm quan trọng trong việc xây dựng chính sách thúc đẩy R&D ở khối các doanh nghiệp tư nhân là chính phủ cần xác định mục tiêu cụ thể và có một kế hoạch, tầm nhìn dài hạn. R&D không chỉ là tạo ra công nghệ hay sản phẩm đột phá mà còn là những giải pháp để nâng cấp hoặc sửa chữa công nghệ, dây chuyền sẵn có. GS. Patarapong cho rằng, con đường tích tụ, đào sâu năng lực của mỗi doanh nghiệp bắt đầu bằng chế tạo, thiết kế rồi đến phát triển và cuối cùng là nghiên cứu (chứ không phải ngược lại). Chính vì thế, mục tiêu của chính sách thu hút đầu tư R&D ở các khu vực tư nhân là nâng cao khả năng nội địa hóa và cải tiến công nghệ nhập khẩu. Ông lấy ví dụ, giống như Việt Nam, Singapore cũng có nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tận dụng điều này để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, họ xây dựng chương trình LIUP (Nâng cấp các ngành công nghiệp trong nước) bằng cách yêu cầu một kỹ sư của đối tác một tập đoàn đa quốc gia tới làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ của địa phương hoặc các đối tác của tập đoàn này phải tổ chức các hội thảo đào tạo trong nước. Theo đó, chi phí hỗ trợ kĩ sư và tổ chức hội thảo do LIUP chi trả. 

GS. Patarapong cho biết, nhà nước cũng cần đưa ra các công cụ tài chính như khuyến khích về thuế, cho vay có hoàn trả, tài trợ không hoàn lại và tham gia dưới dạng cổ phần để các doanh nghiệp có điều kiện mua bản quyền công nghệ nước ngoài. Đài Loan đặc biệt thành công trong việc sử dụng phương thức tham gia dưới dạng cổ phần. Nước này thành lập một quỹ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (ngoài ngân sách nhà nước, do các doanh nghiệp đóng góp) đóng vai trò như một quỹ đầu tư mạo hiểm rất lớn.

Tuy nhiên, dù với bất kì công cụ nào, các quốc gia áp dụng hiệu quả thường có sự linh hoạt trong chính sách (như khuyến khích về thuế có thể chuyển đổi thành hỗ trợ không hoàn trả với doanh nghiệp khởi nghiệp) và đưa ra những ưu tiên rất cụ thể về lĩnh vực nghiên cứu, năng lực cần phát triển của các công ty (thiết kế, chế tạo hay phân phối, nhãn hiệu, quản lý sở hữu trí tuệ), sản phẩm và vùng chiến lược. Bên cạnh đó, các chính phủ phải có cam kết và theo đuổi một chính sách dài hạn vì nâng cao năng lực R&D đòi hỏi hàng chục năm.

 

Tác giả