Của 1%, do 1%, và vì 1%

Người Mỹ đã và đang chứng kiến những phản kháng [ở các nước như Ai Cập, Libya, …] chống lại sự áp đặt của chính quyền nhằm thâu tóm một khối lượng lớn của cải vào tay một nhóm ít người. Tuy nhiên trong bản thân xã hội dân chủ của Mỹ, gần một phần tư tổng thu nhập quốc dân tập trung vào tay của 1% dân số - tình trạng bất bình đẳng tới mức ngay cả những người giàu cũng có lý do để lo ngại.

Thật vô ích nếu cứ giả vờ rằng điều đã hiển nhiên xảy ra là còn chưa thật xảy ra. Nhóm thượng lưu 1% dân số của Mỹ hiện đã chiếm hữu gần một phần tư tổng thu nhập quốc dân hằng năm của nước Mỹ. Về mặt tài sản thì nhóm ấy sở hữu 40%. Thu nhập và tài sản của họ thời gian vừa qua đã tăng lên đáng kể. Hai mươi lăm năm trước đây, phần thu nhập của họ mới là 12% và tài sản là 33%. Có thể có lời giải thích tán dương về tài năng và cơ may của những người này và cho rằng triều lên thì mọi con thuyền đều được nâng lên (nước nổi thì bèo nổi). Cách giải thích này có thể là lầm lẫn. Khi mà thu nhập của nhóm 1% giàu nhất tăng thêm 18% trong thập kỷ vừa qua thì thu nhập của nhóm trung lưu lại giảm. Đối với những người chỉ có bằng trung học, mức suy giảm này rất tệ hại: giảm 12 % trong riêng một phần tư cuối của thế kỷ vừa qua. Tất cả tăng trưởng trong những thập kỷ gần đây và có thể cả trước đó nữa đều tập trung vào tay của nhóm thượng lưu. Về bất bình đẳng thu nhập, Mỹ còn tệ hơn bất cứ quốc gia nào thuộc châu Âu già cỗi mà Tổng thống George W. Bush thường chế giễu. Đồng hành gần gũi nhất với Mỹ về mặt này còn có Nga và Iran. Trong khi những nơi có truyền thống về bất bình đẳng ở Mỹ-Latinh như Brazil đã nỗ lực trong nhiều năm và khá thành công trong việc cải thiện hoàn cảnh khốn khổ của người nghèo và giảm bớt khoảng cách về thu nhập thì Mỹ lại cho phép sự bất bình đẳng tăng lên.

Biện minh và thực trạng

Các nhà kinh tế từ lâu đã cố gắng biện minh cho tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng với nhiều vấn đề tồi tệ thời kỳ giữa thế kỷ 19 – mức độ bất bình đẳng của thời kỳ đó chưa thấm vào đâu so với mức độ bất bình đẳng mà chúng ta đang thấy ở Mỹ hiện nay. Lý lẽ họ đưa ra để biện minh cho tình trạng này được gọi là “lý thuyết năng suất cận biên” (marginal productivity theory). Điểm cốt lõi của lý thuyết này là mối quan hệ giữa mức thu nhập cao với mức năng suất cao và đóng góp lớn cho xã hội. Đây là một lý thuyết luôn được người giàu yêu thích. Tuy nhiên, bằng chứng của lý thuyết này rất mong manh. Giới quản lý công ty, những người góp phần đem lại sự suy thoái trong ba thập kỷ qua với những đóng góp tiêu cực lớn lao cho xã hội chúng ta và cho công ty của họ vẫn tiếp tục nhận được những khoản tiền thưởng kếch xù. Trong một số trường hợp, các công ty xấu hổ khi gọi những khoản tiền đó là “tiền thưởng thực thi nhiệm vụ” mà thực ra họ cảm thấy cần phải đổi tên gọi ấy thành “tiền thưởng giữ chân” (thậm chí cái duy nhất giữ lại được chỉ là sự thực thi nhiệm vụ kém cỏi). Những người đã có những sáng tạo lớn lao và tích cực cho xã hội chúng ta, từ những người tiên phong trong nghiên cứu về gene di truyền cho đến những người tiên phong trong tin học thì chỉ nhận được khoản thù lao rẻ mạt so với những người chịu trách nhiệm về các sáng kiến tài chính trong khi những sáng kiến ấy đã đưa nền kinh tế toàn cầu tới miệng vực thảm họa.

Những người đã có những sáng tạo lớn lao và tích cực cho xã hội chúng ta, từ những người tiên phong trong nghiên cứu về gene di truyền cho đến những người tiên phong trong tin học thì chỉ nhận được khoản thù lao rẻ mạt so với những người chịu trách nhiệm về các sáng kiến tài chính trong khi những sáng kiến ấy đã đưa nền kinh tế toàn cầu tới miệng vực thảm họa.

Một số người nhìn vào bất bình đẳng thu nhập và nhún vai. Vậy điều gì xảy ra khi mà người này được lợi còn người kia chịu thiệt? Họ lập luận rằng vấn đề không phải là chia miếng bánh như thế nào mà là cái bánh to nhỏ ra sao. Lập luận này cơ bản là sai. Trong một nền kinh tế mà hầu hết mọi công dân năm sau lại có đời sống kém hơn năm trước, như nền kinh tế Mỹ chẳng hạn thì chắc không thể có sự phát triển tốt đẹp trong dài hạn. Có nhiều nguyên nhân của vấn đề này:

Thứ nhất, tình trạng bất bình đẳng đang tăng lên là mặt trái của vấn đề khác, đó là sự thu hẹp cơ hội. Bất cứ khi nào mà chúng ta thu hẹp sự bình đẳng về cơ hội thì điều đó có nghĩa rằng chúng ta đang từ chối sử dụng một phần tài sản quý báu nhất của chúng ta: tài sản con người theo cách hữu ích nhất có thể.

Thứ hai, nhiều nhân tố làm méo mó sự bình đẳng trong đó có những nhân tố liên kết với độc quyền và ưu đãi về thuế vì lợi ích riêng. Những nhân tố này sẽ làm tổn hại tới tính hiệu quả của nền kinh tế. Tình trạng bất bình đẳng mới phát sinh này tiếp tục tạo ra những méo mó khác và những méo mó ấy lại tiếp tục làm tổn hại trầm trọng hơn tính hiệu quả. Lấy một ví dụ rằng có quá nhiều những thanh niên tài năng của chúng ta vì nhìn thấy những khoản thu nhập khổng lồ đã đi vào lĩnh vực tài chính mà không làm việc trong những lĩnh vực khác mà lẽ ra có thể giúp cho nền kinh tế lành mạnh và hữu ích hơn.

Thứ ba và có thể là điểm quan trọng nhất, một nền kinh tế hiện đại cần có những “việc công” (collective action). Chính phủ cần phải đầu tư vào kết cấu hạ tầng, giáo dục và công nghệ. Nước Mỹ và thế giới đã được hưởng những lợi ích lớn lao từ các nghiên cứu do chính phủ tài trợ mà từ đó ra đời Internet, các thành tựu về y tế và nhiều điều khác nữa. Tuy vậy, nước Mỹ cũng từ lâu phải chịu đựng một hệ thống hạ tầng thiếu đầu tư (hãy nhìn vào tình trạng những con đường cao tốc, cầu cống, đường sắt và sân bay của chúng ta), thiếu chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản và giáo dục ở mọi cấp. Trong tương lai, tình trạng cắt giảm trong các lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục.

Việc này không có gì đáng ngạc nhiên – nó đơn thuần xảy ra khi mà của cải xã hội bị phân phối thiên vị. Khi tình trạng phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc thì người giàu càng miễn cưỡng khi chi tiền vào những nhu cầu công cộng. Nhà giàu không muốn dựa vào Chính phủ để có được công viên, nền giáo dục, sự chăm sóc sức khỏe và an toàn cá nhân vì tự bản thân họ có thể mua tất cả những thứ đó cho bản thân mình. Theo xu thế này, họ ngày càng tách xa những người bình thường và đánh mất đi sự đồng cảm mà họ có thể đã từng có. Họ cũng không hề mong muốn một Chính phủ mạnh nếu Chính phủ ấy có thể dùng quyền lực của mình để điều chỉnh cân đối xã hội, lấy bớt đi của cải của họ và biến nó thành những đầu tư công cộng. Nhóm 1% giàu nhất có thể phàn nàn về loại Chính phủ mà chúng ta đang có ở nước Mỹ, nhưng thực sự Chính phủ ấy rất vừa ý họ: quá trì trệ để có thể tái phân phối lại của cải, và quá chia rẽ để có thể làm được việc gì ngoại trừ việc cắt giảm thuế.

Nguyên nhân thực chất

Hầu hết sự bất bình đẳng hiện nay đều phát sinh từ những mánh khóe trong hệ thống tài chính, được hậu thuẫn bởi những điều chỉnh về luật pháp, được trao đi đổi lại trong bản thân hệ thống tài chính- một lĩnh vực đầu tư lời lãi chưa từng có. Chính phủ cho các thể chế tài chính vay tiền với lãi suất gần bằng không và cung cấp những khoản cứu trợ hào phóng khi không còn cách nào khác.

Các nhà kinh tế không chắc chắn rằng làm thế nào để giải thích đầy đủ tình trạng gia tăng bất bình đẳng tại nước Mỹ. Động lực thông thường của cung cầu chắc chắn có vai trò nhất định. Công nghệ cao tiết kiệm lao động đã làm giảm nhu cầu về lao động thuộc giới “cổ cồn xanh” và giới trung lưu. Toàn cầu hóa cũng tạo ra thị trường toàn cầu rộng rãi, buộc những nhân công thiếu kỹ năng nhưng đắt đỏ của Mỹ phải cạnh tranh với những nhân công thiếu kỹ năng nhưng rẻ mạt ở nước ngoài. Xã hội thay đổi cũng đóng vai trò nào đó. Các công đoàn đã từng đại diện cho một phần ba công nhân Mỹ hiện nay chỉ đại diện cho khoảng 12% lực lượng này. Tuy vậy, lý do chính của tình trạng bất bình đẳng sâu sắc hiện có là vì nhóm 1% giàu nhất muốn như vậy.

Bằng chứng rõ rệt nhất chứng tỏ điều này liên quan tới chính sách thuế. Mức thuế thu nhập tài sản giảm đi nghĩa là người giàu có thể nhận về phần lớn thu nhập liên quan tới tài sản của họ và điều đó đã cho phép những người Mỹ giàu có nhất tiến sát tới tình trạng “ăn không” (free ride). Sự độc quyền và cận độc quyền luôn luôn là một nguồn gốc của quyền lực kinh tế, giống như trường hợp John D. Rockefeller từ đầu thế kỷ trước cho đến Bill Gates vào cuối thế kỷ ấy. Sự lỏng lẻo trong việc thi hành Luật chống Độc quyền, đặc biệt là dưới thời các chính quyền Đảng Cộng hòa là cơ hội trời cho đối với nhóm 1% giàu nhất. Hầu hết sự bất bình đẳng hiện nay đều phát sinh từ những mánh khóe trong hệ thống tài chính, được hậu thuẫn bởi những điều chỉnh về luật pháp, được trao đi đổi lại trong bản thân hệ thống tài chính – một lĩnh vực đầu tư lời lãi chưa từng có. Chính phủ cho các thể chế tài chính vay tiền với lãi suất gần bằng không và cung cấp những khoản cứu trợ hào phóng khi không còn cách nào khác. Các nhà làm luật nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng thiếu minh bạch và xung đột lợi ích (conflict of interest).

Theo định nghĩa thì chính sách đối ngoại là sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và các nguồn lực quốc gia. Nhưng khi nhóm 1% giàu nhất cầm quyền đất nước, họ không chịu trách nhiệm và cũng chẳng phải trả tiền, và như vậy thì các nguyên tắc về cân đối thu chi và cần kiệm đều bị ném ra ngoài cửa sổ.

Khi nhìn vào khối lượng tài sản hầu hết bị khống chế bởi nhóm 1% giàu nhất của đất nước này, nó dễ làm bạn tin rằng sự gia tăng bất bình đẳng như là một thành tựu của giới tinh hoa nước Mỹ. Chúng ta đã xuất phát dưới vạch, nhưng hiện nay chúng ta đang ở mức bất bình đẳng có hạng trên thế giới. Và dường như chúng ta tiếp tục phát huy thành tựu này trong nhiều năm tới bởi vì những gì làm cho nó trở thành sự thật thì hiện vẫn đang gia tăng sức mạnh của chính nó. Của cải sinh ra quyền lực và chính quyền lực lại sinh ra nhiều của cải hơn nữa. Trong vụ tai tiếng tiền tiết kiệm và cho vay thập kỷ 1980, chủ ngân hàng Charles Keating được Ủy ban Quốc hội hỏi rằng liệu 1,5 triệu USD mà ông ta rải cho một vài quan chức dân biểu chủ chốt có thể mua được ảnh hưởng hay không, ông ta trả lời “Tôi hi vọng chắc chắn như vậy”. Tòa án Tối cao trong một quyết định gần đây liên quan tới tổ chức Citizens United1 đã chú trọng bảo vệ quyền của các công ty trong việc mua ảnh hưởng tới Chính phủ bằng cách xóa bỏ giới hạn chi tiêu cho chiến dịch tranh cử. Ngày nay, vấn đề nhân sự và chính trị trở thành sự liên kết hoàn hảo. Hầu như tất cả các Thượng Nghị sĩ và đa số các Hạ Nghị sĩ Mỹ đều là thành viên thuộc nhóm 1% giàu nhất khi họ thành công trong sự nghiệp. Họ tồn tại ở vị trí quan chức ấy bởi tiền của nhóm 1% giàu nhất, và họ biết rằng nếu phục vụ tốt nhóm 1% giàu nhất, họ sẽ được đền bù bởi nhóm này khi họ rời nhiệm sở. Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách chủ chốt trong ngành hành pháp về lĩnh vực thương mại và chính sách kinh tế cũng đến từ nhóm 1% giàu nhất. Khi những công ty dược phẩm nhận được những món quà hàng nghìn tỷ USD thông qua các quy định cấm đoán mang tính pháp lý đối với Chính phủ với tư cách là nhà tiêu thụ thuốc men lớn nhất xã hội rằng không được mặc cả về giá thuốc, thì những khoản lợi ấy không bắt nguồn từ những lý do kỳ diệu. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu một luật thuế không được đưa ra từ nghị viện trừ phi việc cắt giảm thuế khổng lồ ấy là để đánh đổi lấy sự giàu có. Với quyền lực của nhóm 1% giàu nhất thì hệ thống chính trị không thể nào vận hành theo cách khác.

Những hậu quả lâu dài

Sự bất bình đẳng làm méo mó xã hội chúng ta bằng nhiều cách. Hậu quả mà ai cũng thấy rõ là xu thế tất cả mọi người trong xã hội [kể cả Chính phủ] ngoại trừ nhóm 1% giàu nhất đang ngày càng gặp khó khăn, chi tiêu vượt quá khả năng thu nhập của họ. Kinh tế học thấm nhập2 là điều không tưởng, nhưng hành vi theo tư duy chủ nghĩa thấm nhập thì có thực. Bất bình đẳng làm méo mó trầm trọng chính sách đối ngoại của chúng ta. Nhóm 1% giàu nhất hiếm khi phục vụ trong quân đội. Lòng yêu nước và lương bổng dành cho lực lượng vũ trang “tình nguyện” không đủ để thu hút con cái của tầng lớp này vào lính. Mặt khác, những kẻ giàu có nhất chẳng cảm thấy bị đụng chạm bởi thuế má tăng cao khi đất nước tham gia vào các cuộc chiến tranh: quốc gia cứ đi vay là có tiền. Theo định nghĩa thì chính sách đối ngoại là sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và các nguồn lực quốc gia. Nhưng khi nhóm 1% giàu nhất cầm quyền đất nước, họ không chịu trách nhiệm và cũng chẳng phải trả tiền, và như vậy thì các nguyên tắc về cân đối thu chi và cần kiệm đều bị ném ra ngoài cửa sổ. Sẽ không có giới hạn cho mức độ phiêu lưu mà quốc gia chúng ta phải mạo hiểm; trong khi các tập đoàn và nhà thầu chắc chắn là luôn có lợi.

Những nguyên tắc của toàn cầu hóa kinh tế cũng được xây dựng theo hướng làm lợi cho người giàu. Những nguyên tắc này khuyến khích cạnh tranh giữa các nước vì mục tiêu của giới kinh doanh, trong đó có việc giảm thuế cho doanh nghiệp, hạ thấp mức bảo vệ sức khỏe và môi trường, phá hủy những gì được coi là quyền cơ bản của người lao động, trong đó có quyền đàm phán tập thể. Hãy tưởng tượng thế giới có thể khác biệt thế nào nếu như các nguyên tắc được xây dựng theo hướng khuyến khích cạnh tranh giữa các quốc gia vì mục tiêu lợi ích của người công nhân thay vì lợi ích của nhóm thượng lưu. Khi đó, các Chính phủ sẽ cần phải cạnh tranh với nhau trong việc cung cấp an ninh về kinh tế, mức thuế thấp cho người có mức lương bình thường, nền giáo dục tốt, và môi trường trong sạch. Nhưng đây là những điều mà nhóm 1% giàu nhất chẳng cần quan tâm.

Trong những tổn thất mà nhóm 1% giàu nhất gây ra cho xã hội chúng ta thì có thể tổn thất lớn nhất là sự xói mòn bản ngã, trong đó có cảm giác về sự công bằng, bình đẳng và ý thức về cộng đồng. Nước Mỹ từ lâu tự hào là một xã hội công bằng, nơi mà mọi người đều có cơ hội tiến bộ như nhau, tuy nhiên con số thống kê cho thấy không phải như vậy. Cơ hội cho một công dân nghèo, hoặc thậm chí một công dân thuộc tầng lớp trung lưu trở thành người thuộc nhóm 1% giàu nhất là thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu. Đây là khía cạnh liên tưởng về một hệ thống bất công, thiếu cơ hội dẫn đến phát sinh tai họa như ở Trung Đông. Tình trạng tăng giá lương thực và thanh niên thất nghiệp dai dẳng đơn thuần có vai trò như một tia lửa ban đầu của đám cháy lớn. Với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp khoảng 20% ở Mỹ (ở một số nơi và đối với một số nhóm xã hội, con số này là gấp đôi) thì cứ một trong 6 người Mỹ không thể kiếm được việc làm ổn định; một trong 7 người Mỹ sống bằng phiếu trợ cấp lương thực và một tỷ lệ tương tự là số người thiếu ăn. Có quá nhiều ví dụ chứng minh rằng có điều gì đó đã ngăn cản sự “thấm nhập” vốn được tán tụng sẽ lan tỏa từ nhóm 1% giàu nhất tới những người còn lại trong xã hội. Tất cả những điều này dẫn đến tác động có thể thấy trước là tâm lý lãnh đạm với xã hội. Số người đi bầu cử trong lứa tuổi 20 của cuộc bầu cử gần đây nhất là 21%, tương đương với con số thất nghiệp.


Alexis de Tocqueville

Alexis de Tocqueville đã từng miêu tả những gì mà ông thấy như là phần chủ chốt trong thiên tư kỳ dị của xã hội Mỹ, đó là thứ mà ông gọi là “tư lợi được hiểu một cách đúng đắn” (self-interest properly understood). Hai từ cuối rất quan trọng. Mọi người đều có tư lợi (self-interest) theo nghĩa hẹp: Tôi muốn những gì là tốt cho tôi ngay bây giờ! “Tư lợi được hiểu một cách đúng đắn” thì khác. Nó có nghĩa là tôn trọng sự quan tâm đến quyền lợi của người khác, hay nói cách khác là phúc lợi chung mà thực chất là một điều tiên quyết cho hạnh phúc tối thượng của bản thân mỗi người. Tocqueville không ám chỉ rằng quan điểm này là cao thượng hay lý tưởng. Thực ra, ông ta ngụ ý một điều đối lập, đó là dấu hiệu của chủ nghĩa thực dụng Mỹ. Những người Mỹ thận trọng hiểu một sự thật căn bản rằng: quan tâm đến người khác thì không chỉ tốt cho tâm hồn mà còn tốt cho cả việc làm ăn.
Nhóm 1% giàu nhất trong xã hội có thể có những ngôi nhà, điều kiện giáo dục, các bác sĩ và đời sống hạng nhất, nhưng có một điều dường như tiền không đem lại được, đó là sự nhận thức rằng định mệnh của họ ràng buộc với tình trạng đời sống của 99% dân số còn lại. Suốt chiều dài lịch sử, đây là điều mà nhóm 1% giàu nhất cuối cùng cũng học được, chỉ có điều là quá muộn.

Trong vài tuần gần đây, chúng ta đã chứng kiến có tới hàng triệu người đổ ra đường phản đối những điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội trong những xã hội ngột ngạt mà họ đang sống. Các Chính phủ tại Ai Cập và Tunisia đã bị đổ. Phong trào phản đối đang trỗi dậy ở Libya, Yemen và Bahrain. Những gia đình đang cầm quyền đâu đó trong khu vực đang quan sát một cách lo ngại từ những căn nhà đắt tiền có máy lạnh của họ: liệu sắp tới sẽ là họ chăng? Họ có lý khi lo ngại như vậy. Đây là những xã hội mà một phần nhỏ dân số, dưới 1% làm chủ phần lớn tất cả của cải xã hội; đây là nơi mà của cải là nhân tố chính quyết định quyền lực; nơi mà sự tham nhũng thâm căn cố đế ở dạng này hay dạng khác là một cách sống; và đây là nơi mà những kẻ giàu có nhất thường ngáng đường các chính sách cải thiện cuộc sống chung của mọi người.

Khi nhìn vào sự sôi sục của mọi người trên phố, chúng ta tự hỏi rằng khi nào chuyện đó xảy ra ở Mỹ? Nghiêm túc mà nói thì đất nước chúng ta đã trở nên giống như một trong số những nơi xa xôi và rối loạn ấy.

(Người dịch: Bùi Đại Dũng)
Theo bài của Joseph E. Stiglitz trên báo Vanity Fair http://www.vanityfair.com/society/features/ 2011/05/top-one-percent-201105
—————
1 Citizens United là một tổ chức phi lợi nhuận của những người theo đường lối chính trị bảo thủ của Mỹ, có chủ trương giảm bớt quyền lực của Chính phủ Mỹ, tăng sự tự do cho các tập đoàn, củng cố những giá trị gia đình truyền thống, tăng chủ quyền và an ninh quốc gia.
2 Kinh tế học thấm nhập: lập luận kinh tế cho rằng nên giảm thuế cho doanh nghiệp để họ có thêm tiền tái đầu tư vào nền kinh tế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)