Đà Nẵng lọt tốp 5 thành phố dẫn đầu về ứng phó BĐKH

Với việc triển khai mô hình “nhà chống bão”, mới đây Đà Nẵng đã được Hãng thông tấn DW (Đức) xếp vào tốp 5 thành phố dẫn đầu trong việc thực hiện chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn thành phố còn lại là New Orleans (Mỹ), Addis Ababa (Ethiopia), Bogotá (Colombia), và Freiburg (Đức). Bài viết dưới đây giới thiệu chi tiết về sáng kiến chống biến đổi khí hậu của mỗi thành phố.

Một trong những căn nhà chống bão được thực hiện bởi dự án. Ảnh VOV.

Đà Nẵng và mô hình “Nhà chống bão”

Nằm bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam và là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Số lượng khách đến Đà Nẵng không ngừng tăng lên hàng năm, tuy đem lại lợi nhuận cho ngành du lịch thành phố nhưng cũng đem lại nhiều ảnh hưởng đến môi trường. Do phải hứng chịu những cơn bão từ biển Đông, các công trình xây dựng ở khu vực trũng của Đà Nẵng luôn đối mặt với rủi ro vì ngập úng.

Thời tiết ngày càng có xu hướng trở nên khắc nghiệt đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân bởi nhà của họ không đủ chắc chắn mỗi khi bão về. Họ thường xuyên phải trang trải rất nhiều khoản tiền để khắc phục nhà cửa bị tàn phá sau mỗi trận bão và cố gắng làm cho nó chắc chắn hơn trước mùa bão tới.

Một sáng kiến mang tên “Nhà chống bão” đã được triển khai để cố gắng thay đổi điều đó. Mô hình “Nhà chống lũ” đã giành được giải thưởng “Momentum for Change” (Động lực thay đổi) của Liên hợp quốc vào năm 2014. Dự án do Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng và Viện chuyển đổi môi trường và xã hội Hoa Kỳ ISET (Mỹ) thực hiện với nguồn vốn tài trợ từ Quỹ Rockefeller, (Mỹ) với tổng kinh phí hơn 400.000 USD. Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2011 nhằm mục đích giúp hơn 400 hộ nghèo và cận nghèo vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở theo kỹ thuật nhà chống bão1.

Từ sáng kiến “Nhà chống bão”, với những khoản tiền được vay, dù không quá lớn, hàng trăm gia đình đã có điều kiện gia cố ngôi nhà của mình. Cách làm này của Đà Nẵng không chỉ làm vững chắc thêm các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố mà còn góp phần bảo đảm an toàn cho cuộc sống của những người dân địa phương.

New Orleans và dự án “sống chung với lũ”

Lũ phá vỡ một đoạn đe ở New Orleans

Không chỉ nổi tiếng như một điểm đến văn hóa thú vị khi được coi như nơi sinh ra nhạc jazz, New Orleans còn được biết đến như một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Giờ đây New Orleans đã đủ kinh nghiệm để biết cách đối phó với lũ lụt, ngay cả khi phải đối mặt với những cơn bão khủng khiếp nhất.

Vào 11 năm trước, cơn bão cấp 8 Katrina đã càn quét New Orleans và khiến thành phố này thiệt hại 100 tỷ đô la và làm sập 1,5 triệu ngôi nhà. Thành phố đã xây dựng lại hệ thống đê điều và làm hẳn một mạng lưới trạm bơm cũng như tường ngăn lũ để có khả năng chống chịu được lũ lụt trong vòng 100 năm, dù hàng năm, khả năng tái xảy ra cơn bão tương tự Katrina cũng chỉ cỡ 1%. Tuy nhiên, họ vẫn phải đề phòng bởi biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi tất cả.

Kế hoạch gia cố khu vực ven biển mà New Orleans thực hiện là một phần trong dự án 100 thành phố chống bão lũ để sẵn sàng cùng nhau thích ứng với biến đổi khí hậu và tự cắt giảm lượng khí thải. Để đạt được mục tiêu này, cũng như các thành phố khác, New Orleans tiến hành cải thiện hệ thống thoát nước, giao thông, tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường, có chế độ ưu đãi đối với các hộ gia đình sử dụng điện từ năng lượng tái tạo cũng như hỗ trợ kinh phí để đối phó với các cơn bão lớn.

Addis Ababa phát triển hệ thống giao thông công cộng

Nhiều xe ở Addis Ababa đã cũ kỹ và gây ô nhiễm môi trường

Thủ đô Addis Ababa phát triển nhanh chóng sau một thời gian ngắn, chỉ trong vòng 15 năm đã gia tăng dân số gấp đôi. Có khoảng 3,3 triệu người, tức là một phần tư dân số Ethiopia, sống tại đây.

Sự gia tăng dân số của thành phố – chủ yếu là từ những cuộc di chuyển của người dân ở vùng nông thôn – tạo ra sức ép lớn vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Phần lớn các hộ gia đình đều không được dùng nước sạch, thay vào đó là sử dụng nguồn nước tự nhiên, các sông ngòi, ao hồ, vốn phần lớn đều bị ô nhiễm nặng vì chất thải sinh hoạt hoặc chất thải công nghiệp. Nước thải đô thị cũng là vấn đề trầm trọng bởi hệ thống thoát nước không theo kịp đà tăng dân số, và không đủ đáp ứng nhu cầu chuyên chở nước thải của một thành phố lớn với hàng triệu cư dân.

Một vấn đề lớn khác của Addis Ababa là ô nhiễm không khi. Cả thành phố chật ních các loại ô tô cũ kỹ, các khu công nghiệp nhả khói lên trời và phần lớn cư dân đều dùng củi để nấu nướng.

Trước tình thế này, chính phủ Ethiopia đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường của Addis Ababa và ảnh hưởng của biến đối khí hậu bằng một chiến dịch phát triển nền kinh tế xanh, bắt đầu từ năm 2011. Mục tiêu của kế hoạch này là phát triển kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Khi triển khai kế hoạch, Addis Ababa đã thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng với một hệ thống giao thông đường sắt đô thị trên cao (lightrail transit system LRT) và xe buýt Sheger Express “thân thiện với môi trường”. 150 chiếc xe Sheger Express con thoi 10 phút một chuyến đã làm thay đổi bộ mặt thành phố, trước đây 60% người dân thành phố đều phải đi bộ thì nay họ có thể dễ dàng bắt xe. Chứng kiến chuyến xe Sheger Express đầu tiên lăn bánh, cựu bộ trưởng Bộ Giao thông Ethiopia, ông Mayor Deriba Kuma đã cho rằng “Việc giải quyết những vấn đề về giao thông không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sống của cư dân thành phố nmà còn cải thiện hình ảnh đất nước chúng ta. Chúng ta đã thực thi nhiều sáng kiến trong lĩnh vực giao thông như áp dụng LRT, xe buýt, thực thi nhiều giải pháp quản lý giao thông khác… Vì vậy đây là ngày đặc biệt, ngày chứng kiến nhiều công việc đã hoàn tất.”

Thủ đô của Ethiopia đã cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính, một phần trong chương trình hành động của Nhóm C40, nhóm các thị trưởng thành phố chống biến đổi khí hậu, một mạng lưới bao gồm các siêu đô thị của thế giới cùng tham gia cuộc chiến này.

Bogotá: đáp ứng nhu cầu đi lại của 70% dân số

70% dân số ở Bogotá sử dụng xe buýt Transmilenio

Với dân số 7 triệu người, thủ đô Bogotá của không chỉ là thành phố lớn nhất Colombia mà còn là thành phố phát triển nhanh bậc nhất Nam Mỹ.  

Vào thế kỷ 16, khi người Tây Ban Nha đến khu vực mà bây giờ là trung tâm thủ đô, họ chỉ thấy một thế giới của những dải đồng hoang mọc đầy rêu và các đầm phá. Vì vậy họ đã đặt tên cho nó là « mảnh đất của sương mù ». Đó là nơi giàu có về đa dạng sinh học – 60% cây cối mọc ở đây không xuất hiện ở nơi nào khác, vì vậy Bogotá là nhà của công viên quốc gia Chingaza, nơi có nguồn nước quan trọng bậc nhất Columbia và hồ chứa nước trong lành nhất Bogotá. Nhà cung cấp nước của Colombia đã mua một nửa công viên để bảo vệ nguồn nước, đồng thời lấy nước ở đó để tưới cây cối trồng trong thành phố.

Nhưng trước sức ép của dân số, Bogotá cũng gặp phải vấn đề tương tự như tại Addis Ababa. Để cứu vãn tình thế, thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, cụ thể trong lĩnh vực giao thông công cộng. Chính quyền thành phố phát triển hệ thống xe buýt Transmilenio, đáp ứng được nhu cầu đi lại của 70% cư dân. Nhờ vậy, thành phố đã cắt giảm khoảng 350.000 tấn khí thải từ các loại xe cộ hàng năm. Transmilenio hiện đang lên kế hoạch thu hồi các xe buýt cũ chạy bằng dầu diesel bằng các loại xe lai xạc điện. Một kế hoạch tương tự cũng được thực hiện với các xe tắc xi nội đô.

Freiburg phát triển năng lượng mặt trời

Các tấm pin mặt trời xuất hiện trên các nóc nhà ở Freiburg

Thành phố Freiburg thanh bình với những ngôi nhà cổ xinh đẹp và vùng ngoại ô thôn dã bao quanh, được biết đến như nơi bắt nguồn của phong trào bảo vệ môi trường Đức. Đảng Xanh của Đức đã được ra đời từ một trong những phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường tại đây.

Thành phố này tự hào với những khu vực xanh của mình và kiên quyết bảo vệ hình ảnh đó. Kể từ đầu năm 2011, một nhóm đặc biệt về quản lý bền vững đã được phép đối thoại trực tiếp với thị trưởng Freiburg, qua đó mách nước những ý tưởng về phát triển bền vững, tập hợp những phương thức giải quyết và chuẩn bị cho những thách thức của tương lai.

Năm 2012, Freiburg được trao giải thưởng về phát triển bền vững quốc gia (National German Sustainability Award). Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao Freiburg lại vinh dự nhận giải thưởng này, người ta có thể dạo một vòng quanh thành phố. Những tấm pin mặt trời xuất hiện ở mọi nơi, trên các sân vận động, tòa thị chính, trường học, nhà thờ và thậm chí cả trên nóc các trung tâm tái chế rác thải. Mỗi năm, Freiburg được hưởng ánh nắng mặt trời tới 1.800 giờ nên năng lượng mặt trời mang một ý nghĩa đặc biệt với thành phố này. Mục tiêu của Freiburg là từ năm 2050 sẽ sử dụng điện hoàn toàn từ năng lượng tái tạo.

———————————————————————–

1. http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/su-kien-hang-ngay/nha-chong-bao-cua-da-nang-lot-12-du-an-noi-bat-nhat-nam-2014-a71911.html

Nguồn:

http://www.dw.com/en/five-cities-leading-on-climate-action/a-36207840

http://www.urbanafrica.net/urban-voices/15597

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)