Đại học trong tương quan với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Để thực hiện được vai trò là một cấu phần quan trọng và hỗ trợ cho sự phát triển của khởi nghiệp sáng tạo (KNST) và cũng chính là nơi sản sinh ra nhiều các nhà sáng lập KNST tài năng, các trường đại học phải đối mặt với nhiều thách thức.


Trung tâm STEM của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Ngô Hà.

Trước kia chúng ta hay nghe nói rằng thay đổi đến từ những áp lực như đối thủ cạnh tranh, thị trường biến động v..v. Tuy nhiên thực tế cũng chứng minh, cho dù áp lực có lớn, nhưng sự thay đổi chỉ có thể diễn ra khi chúng ta thấy mình cần phải thay đổi. Chính vì vậy, áp lực lớn nhất lại nằm ở chính nội tại của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia. Sự tương tác với bên ngoài cho dù là cạnh tranh hay hợp tác cũng là giúp ta nhận rõ hơn những điểm yếu, điểm mạnh và nhu cầu đổi mới nội tại của chính mình. Đặt trường đại học là một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong mối tương quan với khởi nghiệp sáng tạo và các thành phần khác giúp trường đại học nhận rõ hơn những áp lực mình đang phải đối mặt và những cơ hội mà mình đang có.

Có một thực tế không thể phủ nhận, chúng ta đang chứng kiến những khó khăn trong tuyển sinh của nhiều trường đại học cao đẳng, chúng ta cũng đang chứng kiến nạn chảy máu chất xám từ trường đại học ra doanh nghiệp, ra nước ngoài và sự loay hoay của không ít các trường đại học để tìm ra cho mình một mô hình hoạt động mới, thích ứng và làm chủ sự thay đổi trong khi sáng tạo được giá trị và tạo nhiều tác động hơn. Từ những quan sát của mình, tác giả cho rằng, các trường đại học đang đứng trước ba áp lực lớn: (1) Áp lực định vị chính mình: xác định được giá trị, sự khác biệt và vai trò của mình trong bức tranh lớn từ đó xác định những kết nối với các thành phần khác nhau và giá trị mình tạo ra với họ; (2) Áp lực thu hút nhân tài và phát triển đội ngũ: Thu hút, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài gồm sinh viên, cán bộ, giảng viên, học viên nói chung để thực hiện sứ mệnh của trường đại học (3) Áp lực tìm kiếm mô hình sáng tạo giá trị và tác động: Hiện thực hóa những điều trên bằng việc tìm kiếm và điều chỉnh mô hình hoạt động.

Những áp lực này đặt trong bối cảnh của mỗi trường sẽ giúp nhận ra những vấn đề nội tại khác nhau. Vì vậy, không thể không xác định những vấn đề cốt lõi của chính trường đại học trước khi đặt nó trong sự tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp. Các câu hỏi lớn đặt ra chính là sự tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp giải quyết gì hay phần nào cho những vấn đề mà trường đang gặp phải? Từ đó mới có thể trả lời câu hỏi nên làm gì?

1. Định vị chính mình: Trường đại học ở đâu trong hệ sinh thái khởi nghiệp là một câu hỏi lớn, nhưng có lẽ câu hỏi tốt hơn chính là KNST giúp trường định vị lại chính mình như thế nào? Có hai nhà đầu tư của Nhật sau khi tiếp xúc với khoảng hơn 20 nhóm KNST băn khoăn hỏi tôi, tại sao chúng tôi chưa thấy một nhóm nào đi ra từ trường đại học? Có duy nhất một nhóm mà sáng lập còn đang học trong trường thì họ nói hầu như không biết gì đến hỗ trợ của trường đang có? Câu hỏi tiếp theo của họ chính là các trường đại học của Việt Nam hay ở Việt Nam có chương trình nào hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, nghiên cứu viên không? Thực tế, trường đại học không thể làm tất cả mọi việc của hệ sinh thái khởi nghiệp. Sự ôm đồm tất cả mọi việc hay sự thờ ơ không làm gì đều có thể có những rủi ro tiềm ẩn. Nếu không tìm ra sự khác biệt của mình, giá trị riêng của mình, nói một cách khác là không xác định được phân khúc mình làm tốt nhất thì sẽ rất khó biết mình cần gì và nên kết nối với ai, việc nào trường nên làm và việc gì nên hợp tác. Al Reis, tác giả cuốn sách “Định vị – Cuộc chiến tâm trí” từng tổng kết “Cách tiếp cận cơ bản của định vị không phải là tạo ra cái gì đó mới hay khác đi mà thực chất là vận dụng những gì đó có trong đầu, kết nối lại những gì đã tồn tại sẵn ở đó” – Al Reis. Định vị mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp định vị lại chính những khác biệt và giá trị của mình trong một bức tranh lớn.

2. Thu hút nhân tài: Ở khía cạnh nhân tài, tham gia vào cuộc chơi khởi nghiệp này, các trường được gì ngoài những phong trào phục vụ PR, marketing để tuyển sinh, giảm tỷ lệ bỏ học của sinh viên, hay giải quyết tỷ lệ thất nghiệp trong sinh viên? Không ít giảng viên tâm sự với chúng tôi rằng, khó khăn lớn nhất họ đang gặp phải là sinh viên thờ ơ với khởi nghiệp, điều này hàm chứa những khó khăn khi họ phải triển khai những hoạt động cần triển khai các chương trình khởi nghiệp tại trường. Thực chất, vấn đề cốt lõi không nằm ở việc sinh viên thờ ơ với khởi nghiệp. Điều này là bình thường bởi chỉ có khoảng 5% dân số là trở thành doanh nhân nên giải pháp không thể nằm ở việc phải làm nhiều hoạt động để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Nếu các trường lựa chọn tập trung vào con số 5% sinh viên, thì họ đang ở đâu? Làm thế nào để tìm thấy họ và hỗ trợ họ một cách tốt nhất? Còn nếu trường định vị mình là những người trang bị cho cả các sáng lập startup và nhân sự tương lai của họ thì việc của trường là trang bị kiến thức và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

3. Tìm kiếm mô hình: Mô hình hỗ trợ KNST không thể tách rời khỏi mô hình vận hành của chính trường đại học. Không một mô hình nào tồn tại vĩnh viễn bởi nó sẽ bộc lộ những bất cập. Nếu tìm kiếm mô hình hoạt động tối ưu hơn và điều chỉnh là một vấn đề trường đang gặp phải thì mô hình vườn ươm cũng vậy. Không thể có một công thức chung như phần lớn các trường đại học đang thực hiện là tổ chức cuộc thi toàn trường, rồi chọn ý tưởng, đưa vào ươm tạo là xong. Chỉ khi vườn ươm ra đời từ nhu cầu thực tiễn của trường trong việc thúc đẩy những gì mình đang sẵn có và có đội ngũ cho hoạt động một cách bài thì mới có thể tìm ra những mô hình hoạt động hiệu quả. Rất ít những vườn ươm tìm ra được hướng đi riêng từ nhu cầu thực tiễn, các thế mạnh vượt trội của nhà trường kết hợp với sự tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp như Vườn ươm công nghệ FuturiX của HUTECH. Nói một cách khác, vườn ươm chỉ là một trong số những biểu hiện của việc tìm ra mô hình hoạt động tối ưu trong sự tương tác với hệ sinh thái khởi nghiệp. Chỉ khi nào xác định được nhu cầu của chính mình, thế mạnh của chính mình thì mới có thể tìm ra những mô hình, cách thức hiệu quả.

***

Khởi nghiệp sáng tạo là một cơ hội giúp các trường nhận ra nhu cầu đổi mới của chính mình ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều cấp độ khác nhau. Cũng không quên rằng năm điều một trường đại học muốn ĐMST phải đối mặt đó là (1) Văn hóa của trường đại học, (2) Vai trò của lãnh đạo, (3) Tinh thần khởi nghiệp, (4) Thiết lập mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp và cộng đồng, (5) Chuyển giao công nghệ. Đây là kết quả nghiên cứu của hai tác giả Louis G. Tornatzky và Elaine C. Rideout của cuốn Innovation 2.0 – Reinventing University Roles in a Knowledge Economy (ĐMST 2.0- Sáng tạo lại vai trò của trường đại học trong nền kinh tế tri thức). Nó cũng lý giải tại sao một số trường đại học ĐMST thành công, còn một số trường lại gặp khó khăn. □

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)