Đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước nhu cầu than của Trung Quốc

Trong khi các nước phát triển đã đóng cửa hoặc hạn chế việc xây dựng các nhà máy điện đốt than vì lo ngại các vấn đề ô nhiễm và khí thải gây biến đổi khí hậu thì thị trường than lại mở rộng nhanh chóng ở nơi khác: châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.  

Tại các cảng ở Canada, Australia, Indonesia, Colombia và Nam Phi, những con tàu đang xếp hàng để chở than tới các lò ở Trung Quốc, những cảng này mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu của một trong những quốc gia nhập khẩu than hàng đầu thế giới.

Hiện nay Hoa Kỳ xuất khẩu than sang Trung Quốc qua Canada, nhưng các công ty than này đang tìm kiếm những cảng bốc dỡ mới tại tiểu bang Washington. Những mỏ than mới đang được lên kế hoạch khai thác tại các miền núi miền Tây Bắc Mỹ và Tây Bắc Thái Bình Dương. Trên thực tế, một số nước có đường lối phát triển thân thiện hơn với môi trường nay lại đang trở thành những đầu mối trung tâm xuất khẩu than, tạo ra những căng thẳng chính trị giữa kinh doanh và các mục tiêu môi trường.

Theo cách làm truyền thống thì than đá được đốt cháy gần nơi khai thác, đặc biệt là với than nhiệt hay than đốt, được sử dụng để tạo ra nhiệt năng và điện. Nhưng trong vài năm qua, hoạt động xuất khẩu than đá quốc tế theo đường dài đã gia tăng nhanh chóng bởi nền kinh tế phi mã của Trung Quốc, hiện đang ngốn tới một nửa trong số 6 tỷ tấn than mà thế giới tiêu thụ hằng năm.

Kết quả là, lượng khí ô nhiễm mà các nước phát triển tìm cách để hạn chế nay vẫn tiếp tục tuồn vào khí quyển, chưa kể còn thêm lượng khí thải từ những con tàu chở than trên tuyến vận tải dài nửa vòng Trái đất.

Việc đổ xô vào đáp ứng thị trường mới ở châu Á này đã làm cho giá than tăng gấp đôi trong năm năm qua, dẫn đến một sự hồi sinh của việc tìm kiếm và khai thác mỏ ở nhiều nơi trên thế giới.

“Đây là trường hợp xấu nhất đã xảy ra”, David Graham-Caso, phát ngôn viên của Câu lạc bộ Sierra nói, tổ chức từng tuyên bố rằng chiến dịch “Nghĩ xa hơn Than” của họ đã giúp ngăn chặn 139 dự án nhà máy đốt than đá ở Hoa Kỳ trong vài năm qua. “Chúng tôi không muốn đốt cháy than đá này ở đất nước mình, nhưng cũng không muốn nó đốt ở nơi khác. Những gì đang xảy ra phá hoại tất cả mọi thành công mà chúng tôi đã đạt được”.

Tại Úc, các nhóm nghiên cứu môi trường đã nhiều lần ngăn chặn những đoàn tàu vào bến xuất khẩu tại Newcastle vào mùa thu này, và những đội chèo thuyền kayak của người biểu tình đã trì hoãn được các chuyến hàng hoá đưa lên những chiếc tàu than có hải trình hướng tới châu Á.

Julia Gillard, Thủ tướng mới của Úc đã quả quyết mục tiêu trong chiến dịch của bà là “sẽ định giá carbon” – nói cách khác, sẽ bắt các công ty phải trả chi phí cho lượng CO2 thải ra từ than. Nhưng các nhà môi trường lại cho rằng luật đó đưa ra sẽ vô nghĩa nếu nước này vẫn tiếp tục cuộc chạy đua khai thác than và “xuất khẩu thảm họa nóng ấm toàn cầu” ra thế giới, như cách nói của nhóm Rising Tide Australia.

Mùa hè vừa rồi, một công ty Úc đã ký một hợp đồng giá trị 60 tỷ đôla với một doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Phát triển Quốc tế Năng lượng Trung Quốc, nhằm cung cấp than cho các nhà máy điện của Trung Quốc kể từ 2013, từ các tổ hợp mỏ mang tên China First, sẽ được xây dựng ở các vùng hẻo lánh của Úc. “Đây là hợp đồng xuất khẩu lớn nhất của nước Úc từ trước đến nay”, công ty cho biết.

Hợp đồng làm ăn này phản ánh quan hệ “vừa yêu vừa ghét” đối với tài nguyên than ở nhiều quốc gia giàu có: trong khi luật bảo vệ môi trường làm cho càng ngày càng khó khăn hơn trong việc xây dựng các nhà máy điện đốt than mới, thì hoạt động khai thác than lại không bị giới hạn ở mức độ tương đương.

Nguyên nhân một phần là do việc tính toán mức thải gây ô nhiễm chỉ tập trung với nơi đốt than chứ không phải nơi than được đào lên; phần khác là vì việc buôn bán than là một hoạt động kinh doanh sinh lời cao; và nguyên do khác là vì ngành công nghiệp khai thác than tạo ra nhiều lao động việc làm.

Những lợi ích đó khó lòng bỏ được trong nền kinh tế suy thoái như hiện nay. Trong hai năm qua “sự phát triển của ngành khai thác mỏ đã diễn ra một cách nhanh chóng, và phần lớn sự phát triển này là do tiềm năng của những thị trường mới”, David Price, giám đốc dịch vụ tư vấn than nhiệt toàn cầu tại IHS-Cera cho biết.

Vic Svec, Phó Chủ tịch của cơ quan Peabody Energy, công ty tư nhân than lớn nhất thế giới cho biết công ty này đã lập kế hoạch để xuất khẩu than sang Trung Quốc với số lượng ngày một lớn hơn.

“Than là nhiên liệu có số lượng kinh doanh phát triển nhanh nhất trên thế giới và nó sẽ tiếp tục bị chi phối bởi nhu cầu năng lượng khổng lồ ở châu Á” ông nói.

Cuộc xung đột giữa các vấn đề môi trường và thương mại diễn ra ngày càng tăng ở Hoa Kỳ và Canada, và cả ở Australia.

Theo Ban Thông tin Năng lượng Mỹ, năm ngoái Mỹ chỉ xuất khẩu 2.714 tấn than sang Trung Quốc. Tuy nhiên, con số đó tăng lên thành 2,9 triệu tấn riêng trong sáu tháng đầu năm nay, và đây vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu than của Trung Quốc.

Thị trường than đang được mở rộng với những dự án khai thác mỏ than mới. Earthjustice, một công ty luật môi trường phi lợi nhuận đang kiện để ngăn chặn việc cho thuê đất thuộc sở hữu Nhà nước tại Otter Creek, Mont, cho công ty Arch Coal khai thác than phục vụ nhu cầu ở châu Á và các nơi khác. Tương tự như vậy, công ty Peabody Energy và công ty Ambre Energy của Australia đã mở rộng một cách độc lập các mỏ và cân nhắc ý tưởng mở ra các cảng bốc hàng ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Ở bang Washington, cơ quan Cảng Tacoma cho biết sẽ không cấp địa điểm cho dự án nhà máy bốc dỡ than, viện ra lý do là “những yếu tố mang tính cộng đồng và thương nghiệp”. Tuần này chính quyền tại quận Cowlitz dự kiến sẽ quyết định việc có cấp giấy phép cho những đề nghị về cảng than đá ở Longview nằm trên biên giới với Oregon hay không.

Các nhóm môi trường cũng sẽ ở đó chống lại dự án cảng này, lưu ý rằng các chính sách ở cả hai bang đều có hiệu lực trong việc ngăn chặn các nhà máy điện đốt than mới và cả hai đều có kế hoạch đóng cửa một số nhà máy còn lại. “Nhưng nếu chúng ta cho phép xuất khẩu than trong khu vực của mình thì chúng ta sẽ chỉ tiến được một bước trong khi thụt lùi 10 bước” ông Brett VandenHeuvel, giám đốc điều hành nhóm môi trường Columbia Riverkeeper cho biết.

Tương tự như vậy, các nhà vận động vì môi trường ở British Columbia, những người đã vận động ban hành thuế đầu tiên về khí thải carbon dioxide tại Bắc Mỹ hai năm trước, đã phẫn nộ khi Vancouver đã bùng nổ thành một trung tâm trung chuyển than đá. “Thật là đạo đức giả”, nhận xét từ Ben West, một phát ngôn viên của Ủy ban Thiên nhiên, một nhóm bảo tồn ở Canada.

Mùa hè này, Jim Prentice, người sau đó trở thành Bộ trưởng Môi trường của Canada, đã công bố một chương trình loại bỏ những nhà máy nhiệt điện đốt than theo công nghệ bẩn. Nhưng Henry Lau, một phát ngôn viên của Bộ cho biết các mỏ hiện nay chủ yếu vẫn nằm dưới sự quản lý của cấp tỉnh. Chính phủ Canada cho biết thêm rằng dù vẫn cam kết để thực hiện mục tiêu tới năm 2020 giảm phát thải xuống 17% dưới mức của năm 2005, thì vẫn phải cân bằng giữa lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế là của công dân.

Sự tăng trưởng và chuyển dịch trong việc xuất khẩu than sang Trung Quốc là rất ấn tượng, thậm chí tăng trưởng ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái. Thương mại đường biển về  than nhiệt đã tăng từ 385 triệu tấn (2001) lên khoảng 690 triệu tấn trong năm nay.

Giá than đã tăng từ 40 đến 60 USD một tấn khoảng 5 năm trước lên mức cao điểm là 200 USD năm 2008. Hiện nay miền Nam Trung Quốc đang mua than với giá 114 USD/tấn.

Trung Quốc trước đây là một nước xuất khẩu than lâu năm, tới năm 2009 lần đầu tiên nước này đã nhập nhiều hơn là xuất, và dự kiến sẽ nhập khẩu lên tới 150 triệu tấn trong năm nay.

Việc kinh doanh than sang Trung Quốc có lợi nhuận cao và sẽ vẫn tiếp tục, thêm, Ian Cronshaw, người đứng đầu phòng đa dạng năng lượng của Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết.

Mặc dù Trung Quốc có nguồn cung cấp dồi dào trong nước, nhưng nước này vẫn nhập khẩu than vì than của họ là loại than kém chất lượng, chứa nhiều tạp chất. Ví dụ như than từ lưu vực sông Powder của Montana và Wyoming chứa ít lưu huỳnh và điều này cho phép các nhà máy điện có thể đốt nhiều than hơn mà không vượt quá giới hạn ô nhiễm tại địa phương.

Và ngoài ra, nhiều than đá ở Trung Quốc nằm sâu trong nội địa, trong khi các nhà máy sản xuất lại nằm trên bờ biển, như vậy thông thường thì nhập than từ những tàu than từ Bắc Mỹ, Australia hay thậm chí từ Nam Mỹ tới là lựa chọn thuận tiện hơn.

Một khách hàng lớn mới nổi lên là Ấn Độ, than nhập khẩu của nước này tăng từ 36 triệu tấn năm 2008 lên 60 triệu tấn năm 2009,  năm gần nhất mà người ta có số liệu đầy đủ.

Việc tiêu thụ than đá ở châu Âu và Hoa Kỳ nay đã qua thời hoàng kim, mức tiêu thụ nhìn chung đã giảm từ 5 năm trước vì suy thoái kinh tế, các đạo luật môi trường, và sự phụ thuộc lớn hơn vào khí tự nhiên và năng lượng tái sinh.

Đối với một số nền kinh tế, Trung Quốc như một nguồn sống. Nhu cầu nhập khẩu than ở Mỹ và châu Âu giảm khiến việc xuất khẩu than từ Colombia sang các thị trường này bị sụp đổ vào năm 2008, nhưng tới năm nay thị trường ở Colombia đã khôi phục vì tìm được thị trường xuất khẩu mới sang châu Á với khối lượng tới 10 triệu tấn.

Theo thống kê của Chính phủ Australia thì kim ngạch xuất khẩu than sang Trung Quốc đã tăng từ 508 triệu USD của năm 2008 lên thành 5.6 tỷ USD vào 2009. Tuy nước này vẫn xuất khẩu nhiều than hơn cho những khách hàng quen thuộc lâu năm như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng trật tự này có thể sẽ thay đổi sau khi các công ty khai thác than đá hàng đầu của Úc triển khai hàng tỷ USD vào các dự án mới như China First.

“ Họ đoán chắc rằng sẽ có những thị trường lớn hơn cho than ở Trung Quốc” ông Cronshaw nói.

Trần Lê dịch (Elisabeth Rosenthal, New York Times)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)