Đặt cảm biến ở sân bay để phát hiện virus
Thông qua ứng dụng công nghệ kỹ thuật số người ta có thể phản ứng tốt hơn và nhanh hơn đối với dịch bệnh - Corona. Giờ đây các nhà nghiên cứu kêu gọi cần trang bị công nghệ và một hệ thống cảnh báo sớm đại dịch trên toàn cầu.
Các nhà khoa học Đức kiến nghị thiết lập hệ thống cảnh báo sớm đối với đại dịch và kiên quyết số hóa hệ thống y tế của Đức. Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Đức (Acatech) nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế Đức đã tiến hành một nghiên cứu về vấn đề này. Giáo sư Thomas Lenarz, trường Cao đẳng Y tế Hannover, là một trong hai người phụ trách nhiệm vụ này.
Trong báo cáo có đề cập đến việc xây dựng một hệ thống cảnh báo toàn cầu sớm. Ví thử cách đây một năm chúng ta đã có một hệ thống như vậy thì điều gì sẽ diễn ra tốt hơn?
Chúng ta chắc chắn sẽ biết sớm hơn đại dịch sẽ có tầm vóc như thế nào, nếu như châu Âu có một không gian dữ liệu chung. Những ca nhiễm virus corona đầu tiên ở Ý xuất hiện sớm hơn nhiều sau đó các phương tiện truyền thông mới đề cập tới. Nếu như nhà chức trách Đức hồi đó nhận được thông tin nhanh hơn thì người ta có thể thực hiện các biện pháp bảo vệ sớm hơn. Hệ thống tổ chức ở nước ta khá cổ điển và từ đó đến nay tiếc rằng cũng không thay đổi hơn bao nhiêu. Các sở y tế trong cả nước thu thập số liệu – người ta có thể nói cách làm rất thủ công, với một cái bút chì và một tờ giấy – và sau đó gửi tới Viện Robert-Koch (RKI). Loại báo cáo này vừa chậm chạp vừa ẩn chứa nhiều sai lầm. Do đó trong báo cáo của mình mính tôi yêu cầu rất rõ ràng, thu thập dữ liệu và gửi báo cáo trong tương lai phải thực hiện hoàn toàn trên cơ sở kỹ thuật số.
Lập luận của ông bắt đầu từ vụ bùng phát Corona ở Ý. Một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu thì đáng ra phải báo động sớm hơn nhiều – trong trường hợp này phải báo động từ vụ Corona đầu tiên ở Trung Quốc mới đúng?
Tất nhiên chúng ta cần có một sự hợp tác toàn cầu. Ở đây, đầu tiên phải nói đến WHO, cũng cần nói rằng tổ chức này lệ thuộc vào việc cung cấp dữ liệu của các nước. WHO chỉ có thể đánh giá đúng các dữ liệu nếu chúng được thu thập theo một tiêu chí thống nhất. Tiếc rằng cho đến nay lại không được như vậy. Ngay cả ở châu Âu cũng không. Tại châu lục của chúng ta Trung tâm châu Âu kiểm soát bệnh tật (ECDC) ở Stockholm đảm nhận công tác điều phối. Tuy nhiên mỗi nước ở châu Âu lại thu thập và xử lý dữ liệu rất khác nhau sau đó gửi chúng với các định dạng khác nhau tới Stockholm. Chúng ta nhất thiết phải có một sự hài hòa đối với châu Âu. Hơn nữa chưa có quy định thật sự rõ ràng về thẩm quyền của ECDC.
Liệu đại dịch corona ở châu Âu có diễn biến cơ bản khác đi, nếu chúng ta có một hệ thống cảnh báo sớm tốt hơn?
Diễn biến của đại dịch đương nhiên phụ thuộc chủ yếu vào các biện pháp chống dịch mà người ta thực hiện. Trong trường hợp của corona, lúc đầu người ta nghĩ rằng, chắc nó cũng không ghê gớm lắm. Các dịch bệnh trước đó cũng diễn ra nhẹ nhàng và châu Âu đã tránh được. Đã có một sự đánh giá sai lầm chết người đối với loại virus mới này. Nếu chúng ta có một hệ thống cảnh báo sớm tốt, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra số trường hợp mắc bệnh ở các vùng riêng lẻ tăng lên đáng kể như thế nào.
Có ý kiến nên lắp đặt các cảm biến trên khắp thế giới để giám sát vi sinh vật sau đó có thể lập tức phát báo động qua mạng 5G nếu như đâu đó có vấn đề khả nghi. Giáo sư đánh gía một hệ thống báo động sớm, tự động như thế, thế nào?
Rất hay. Lợi thế của một hệ thống như vậy là ở chỗ nó không bị lệ thuộc vào mỗi người và có một tốc độ rất nhanh. Về kỹ thuật điều này có thể sớm được đưa vào sử dụng.
Thưa giáo sư, việc này tiến triển đến đâu rồi?
Về công nghệ, cơ bản đã được thử nghiệm. Với các cảm biến chuyên dụng có thể tự động xác định được các loại mầm bệnh trong không khí. Điều này hoạt động tốt đối với các loại mầm bệnh mà người ta đã biết. Đối với các loại vi sinh vật mới việc nhận diện còn là một thách thức lớn, tuy nhiên không phải là không làm được. Những hệ thống giám sát thường trực này sẽ được lắp đặt ở những vị trí trung tâm, đông người qua lại – thí dụ như tại các sân bay hay ở các thành phố lớn. Chắc chắn không lâu nữa sẽ xuất hiện các hệ thống này ở Trung Quốc.
Thế còn ở ta?
Đối với Đức những đổi mới như thế này thường hay bị cản trở bởi quy chế bảo vệ dữ liệu.
Nhưng mà các cảm biến có thu thập dữ liệu liên quan đến cá nhân nào đâu, có nghĩa là về khía cạnh này nó không có gì đáng ngại?
Về nguyên tắc là vậy. Tuy thế người ta vẫn phải chứng minh và ghi lại để theo dõi. Bởi vì có thể người ta lấy dữ liệu từ hơi (sol) rồi ghép vào một người cụ thể nào đó, kẻ vừa đi qua chỗ gắn cảm biến đó. Khi đó người ta về lý thuyết có thể nói, kẻ đó bị một bệnh truyền nhiễm nhất định.
Nhưng mà nếu được thế thì tốt quá, khi thông qua cách này có thể xác định ngay người bị lây nhiễm?
Đúng ra là thế. Qua đó người ta có thể chặn đứng việc lây lan mầm bệnh. Nhưng ở đây vẫn phải chú ý đến những quy định hiện hành về bảo vệ dữ liệu. Cuối cùng thì trong không gian chính trị phải cân nhắc giữa bảo vệ dữ liệu và việc bảo vệ đại bộ phận công chúng.
Liệu các doanh nghiệp Đức có được hưởng lợi từ xuất khẩu các hệ thống cảnh báo sớm như thế này không, thưa giáo sư?
Cái đó là hy vọng của chúng ta. Ở nước mình có những công nghệ tuyệt hảo chuyên dùng để xác minh các hạt nano – tức virus. Nhưng trước khi nghĩ tới xuất khẩu các hệ thống này, chúng ta phải có những trải nghiệm ngay ở nước mình.
Xuân Hoài dịch