Đầu tư cho khoa học; Không chỉ là đãi ngộ, tiền lương

Đối với các nhà khoa học, chế độ lương bổng, đãi ngộ mới chỉ là điều kiện thu hút ban đầu. Điều quan trọng hơn là một cơ chế đầu tư và đánh giá nghiên cứu xác đáng, công bằng.


Nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Trần Thuật tại Trung tâm Nano và năng lượng (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), một trong những phòng thí nghiệm có nhiều thiết bị hiện đại. Nguồn: NEC.

Khi chia sẻ quan điểm với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, tôi nhận thấy ai cũng đều có chung ý nghĩ như vậy, bởi dù làm việc tại những trung tâm nghiên cứu thuộc các cường quốc khoa học hay tại những quốc gia đang trong hội nhập về khoa học thì cơ chế đầu tư và đánh giá nghiên cứu vẫn là những điều kiện quan trọng quyết định chất lượng công việc.
Còn ở góc độ cá nhân, khi nghĩ về những điều kiện làm việc tối ưu trong các lĩnh vực khoa học, tôi thấy có bốn điểm cơ bản: Ý tưởng nghiên cứu; Đội ngũ nhân lực để phát triển và triển khai ý tưởng đó; Nguồn tài nguyên nghiên cứu; Đánh giá của cộng đồng đối với công việc của những người làm nghiên cứu. Chúng ta có thể cùng nhau điểm qua bốn điều kiện cơ bản này đối với nhà khoa học.
Thứ nhất, ý tưởng nghiên cứu đóng vai trò quan trọng bởi muốn có kết quả khoa học mang tính đột quá, khác thường thì ý tưởng cũng (thường) phải đột phá, khác thường. Do đó, muốn làm nghiên cứu tốt, cần phải có những nhà khoa học có ý tưởng lớn làm trưởng nhóm, những người đảm trách việc mở rộng hợp tác quốc tế, thiết kế nghiên cứu, điều phối quá trình thực hiện…
Thứ hai, khi đã có trưởng nhóm thì trưởng nhóm sẽ làm việc với ai? Trong thực tế nghiên cứu hiện nay, có rất ít người thực hiện được những nghiên cứu một mình, ngay cả lĩnh vực lý thuyết. Nhà khoa học đóng vai trò dẫn dắt cần có những nhà khoa học khác phát triển và triển khai ý tưởng của mình, thông thường là một nhóm nghiên cứu và rộng hơn là một cộng đồng nghiên cứu để có thể cùng nhau thực hiện những công việc lớn. 
Như vậy, khi xét đến điều kiện làm việc, tôi tin rằng nhà khoa học nào cũng đều có những câu hỏi “trưởng nhóm có được trao đủ nguồn lực để xây dựng nhóm nghiên cứu của mình không”?, “Có được tạo điều kiện và trao nguồn lực để xây dựng cộng đồng nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu không”? Nếu một nhà khoa học được thu hút với những điều kiện ưu đãi ban đầu mà không có nhóm nghiên cứu hoặc không hình thành được nhóm nghiên cứu thì chắc là họ sẽ khó triển khai được nghiên cứu, thậm chí không cẩn thận thì về lâu dài, việc thu hút họ về làm việc chỉ còn mang tính biểu tượng hơn là làm được những việc lớn cụ thể.
Thứ ba, trong công việc của các nhóm nghiên cứu thì vấn đề nguồn tài nguyên nghiên cứu, gồm trang thiết bị nghiên cứu, tiền đầu tư cho nghiên cứu một cách thường xuyên, liên tục, vv., là điều không thể thiếu. Thường thì những nghiên cứu mang tính đột phá đều cần những khoản đầu tư lớn và lại càng không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Một nhà khoa học và quản lý Nga đã từng nói “Khoa học cần những khoản tiền [đầu tư] kiên nhẫn và những con người kiên nhẫn”. 

Trong bối cảnh nghiên cứu hiện nay, ngay cả chưa đến mức có thể tạo ra đột phá thì các nghiên cứu có chất lượng cao cũng đã không hề rẻ và cần thời gian thực hiện. Tất nhiên, ở thời điểm bắt đầu thì các nhà nghiên cứu, các trưởng nhóm hoàn toàn có thể tận dụng được mạng lưới của mình ở các trung tâm lớn trên thế giới để hỗ trợ khai thác tài nguyên mà ở Việt Nam chưa có. Tuy nhiên chắc chắn một điều là không có trưởng nhóm nào muốn kéo dài việc đó mãi mãi. Muốn phát triển thì một cộng đồng nghiên cứu phải có công cụ để phát triển, ai cũng cần được chủ động tối đa trong triển khai các ý tưởng của mình, không thể chỉ làm việc đó với ý chí, giấc mơ và hai bàn tay trắng hết năm này qua năm khác. 
Không phải nhóm nghiên cứu nào cũng có được một hệ thống cơ sở vật chất nghiên cứu tốt và đầy đủ từ bước khởi đầu. Để có được điều đó, nhà khoa học cần phải xây dựng hệ thống đó một cách có kế hoạch, thường xuyên và tích lũy trong thời gian dài.
Do đó, nếu muốn thiết lập một chương trình tài trợ cho các trường đại học và viện nghiên cứu trên địa bàn theo chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, TPHCM có thể cân nhắc đến việc xây dựng và nâng cao trang thiết bị nghiên cứu theo nguyên tắc: TPHCM sẽ tài trợ kinh phí ban đầu và chi phí vận hành một thiết bị quan trọng nào đó, sau đó tạo điều kiện cho tất cả các nhà khoa học ở TPHCM và Việt Nam cùng sử dụng thiết bị. Đây cũng là cách hỗ trợ khoa học của các thành phố lớn trên thế giới. 
Các tài trợ nghiên cứu cũng vậy, cần liên tục, hào phóng và đặt niềm tin vào người sử dụng các khoản kinh phí đó. Với các nhà khoa học, tình trạng duy trì quá nhiều thủ tục giấy tờ trong cơ chế tài chính như hiện nay thực sự không ổn bởi đơn cử, một trưởng nhóm cần phải có mặt thường xuyên ở các hội nghị quốc tế trong vai trò khách mời. Nếu không có kinh phí hoặc quá khó sử dụng kinh phí cho những việc đó thì các trưởng nhóm rất khó làm việc.
Thứ tư, yếu tố cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến là đánh giá của cộng đồng, trong đó việc trả lương, thưởng chỉ là một khía cạnh của việc cộng đồng nhìn nhận thế nào về đội ngũ và công việc của đội ngũ làm KH&CN. Cộng đồng ở đây gồm những nhà quản lí các tổ chức, cơ quan, xã hội, vv… có nhiệm vụ đánh giá công việc của các nhà khoa học. Vậy họ sẽ như thế nào? dựa trên tiêu chí nào? Nhìn rộng ra, chúng ta có thể kiên nhẫn được bao lâu với một nhà khoa học mà chúng ta đã nhìn nhận họ là tài năng? Khi trả lời được những câu hỏi này một cách thấu đáo, chúng ta mới có thể tự tin cho rằng, mình đã đánh giá được nhà khoa học và công việc của họ.
Do đó, tôi cho rằng, tiền lương hằng tháng, tiền thưởng hằng năm mới chỉ là những điều kiện quan trọng  ban đầu đối với người làm nghiên cứu để họ phải bắt đầu cân nhắc lựa chọn nơi làm việc hoặc khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình. Dù ở Việt Nam hay thế giới thì việc có một mức lương tốt để nhà khoa học không phải vất vả trong cuộc sống là điều cần thiết nhưng không phải là điều kiện đủ để họ làm việc đạt kết quả tốt như bản thân cũng như cộng đồng kỳ vọng bởi mối quan hệ giữa lương và chất lượng nghiên cứu không phải là hàm tuyến tính. 
Việc nhìn nhận và đánh giá luôn luôn là một mạch chảy quan trọng trong quản lý khoa học. Đôi khi những đánh giá dựa trên một số trường hợp đơn lẻ hoặc không đúng bản chất vấn đề khiến việc đánh giá không còn chuẩn xác nữa. Gần đây, có một hiện tượng là chúng ta hơi quá coi trọng những trường hợp “nước ngoài”, những con người từ “nước ngoài”. Thật ra điều quan trọng là công việc của nhà khoa học cụ thể ở mức độ hiệu quả ra sao chứ đâu phải việc họ đang làm việc ở trong nước hay nước ngoài? Dù có làm việc ở nước ngoài thì cuối cùng nhà khoa học đó cũng vẫn là một nhà khoa học người Việt và khi được coi là tài năng ở nước ngoài cần phải thu hút trở về thì với cách đánh giá này, dường như họ mất đi “hào quang” “nước ngoài” và chẳng có khả năng gì… đặc biệt cả. Do vậy, nếu chúng ta muốn tạo điều kiện cho những người làm việc thật sự và mong muốn đạt hiệu quả thật sự trong khoa học thì nên bỏ các yếu tố mang tính hình ảnh như vậy đi. Dù là nhà khoa học ở Tây hay ta, trong nước hay ngoài nước cũng cần được coi trọng và tạo điều kiện nghiên cứu, miễn là có khả năng nghiên cứu và đóng góp cho khoa học nước nhà.
Tuy nhiên, việc thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá khoa học của cộng đồng không thể diễn ra trong một sớm một chiều thì ở góc độ các nhà khoa học, chúng ta có thể tự thay đổi: làm việc tốt hơn, có nhiều kết quả nghiên cứu tốt hơn.□

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)