Đầu tư thiết bị như thế nào cho hiệu quả ?

TS. Trần Đình Phong, trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano (ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội USTH) đã trao đổi ý kiến của mình về các trang thiết bị trong nghiên cứu khoa học và cách thức sử dụng chúng hiệu quả.


Các nghiên cứu sinh của phòng Vật liệu từ và siêu dẫn (Viện Khoa học vật liệu) sử dụng thiết bị hiển vi điện tử truyền qua JEOL JEM-2100.

Trong lĩnh vực khoa học vật liệu, tôi thấy có hai loại máy móc trang thiết bị phục vụ nghiên cứu:

1. Các thiết bị cỡ lớn như máy phổ quang điện tử tia X (X-ray photoelectron spectroscopy – XPS), hiển vi điện tử truyền qua độ phân giải cao (High-resolution Transmission Electron Microscopy – HRTEM), hiển vi điện tử quét hiệu ứng đường ngầm (Scanning tunneling microscope – STM) vv…, thậm chí siêu lớn như máy gia tốc, đều là những loại máy có giá thành rất cao và đòi hỏi đầu tư một lượng kinh phí rất lớn. Vì thế, nếu có chủ trương đầu tư mua các các loại máy móc đắt tiền như thế này thì chúng ta cần tính đến việc khai thác nó một cách hiệu quả, nghĩa là để cộng đồng nghiên cứu có thể sử dụng rộng rãi. Muốn đạt được mục tiêu này, thì thiết bị phải đủ mạnh, và qui tụ được nhiều người có nhu cầu sử dụng để có thể phát huy hết công suất của máy.

Trên thế giới, việc đầu tư mua sắm các thiết bị phục vụ nghiên cứu cỡ lớn như thế cũng được cân nhắc, tính toán. Vì vậy, xu hướng mà nhiều thành phố khoa học ở châu Âu hay Mỹ, nơi tập trung nhiều đơn vị nghiên cứu, vẫn làm là các đơn vị cùng với thành phố, vùng v.v.. lập các nền tảng kỹ thuật (technological platform) để cộng đồng khoa học có thể dùng chung. Ví dụ, qua hợp tác nghiên cứu với một giáo sư bên Đức, tôi thấy, để được phân tích mẫu trên máy gia tốc BESSY, ông giáo sư này phải nộp đề xuất tới ban quản lý nền tảng kỹ thuật của thành phố, trong đó nêu rõ thời điểm thực hiện, việc phân tích mẫu đó phục vụ cho thí nghiệm gì, làm với ai, trên mẫu nào và tại sao lại cần làm. Thông thường, khoảng sáu tháng, ông ấy mới có được lịch làm việc trên máy trong khoảng thời gian từ một tuần đến 10 ngày, và khi đó thì cả nhóm nghiên cứu của ông có thể chạy máy 24/24, chỉ có người tham gia phân tích mẫu nghỉ chứ cỗ máy gia tốc BESSY không nghỉ.

Việc thiết lập các nền tảng kỹ thuật còn được một cái lợi rất lớn là tập trung thiết bị máy móc ở một nơi, người ta có điều kiện thuê các kĩ sư, kĩ thuật viên chuyên trách cho các máy đó để có thể hỗ trợ các nhà khoa học trong quá trình phân tích mẫu. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa tồn tại khái niệm này, các đơn vị nghiên cứu khoa học đều được đầu tư độc lập trong việc mua sắm trang thiết bị nên rất khó có được một hệ thống đồng bộ. Trên thực tế, với các máy lớn này thì một nhóm nghiên cứu có thể chỉ cần dùng trong một khoảng thời gian nhất định trong khi các thiết bị đó phải chạy liên tục thì mới hiệu quả. Vì thế, nếu chỉ một phòng thí nghiệm, một đơn vị đầu tư mua máy móc để cho các nhà nghiên cứu của mình sử dụng thì rất khó phát huy được hiệu quả.

2. Loại thiết bị nhỏ, bao gồm các máy dùng hằng ngày như máy điện hóa, thiết bị tổng hợp mẫu, lò nung, v.v… thì các phòng thí nghiệm có thể tự trang bị tùy theo nhu cầu sử dụng thực tế cho các nghiên cứu của mình và đầu tư dần theo kế hoạch cũng như khả năng tài chính. Ví dụ đối với các loại thiết bị này, tôi dự tính trong hai năm tới mua thêm một máy sắc kí khí, một máy sắc kí lỏng và một bộ light source nữa là nhóm nghiên cứu của tôi có thể tự thực hiện được tầm 70–80% thí nghiệm tại USTH.

Suy nghĩ như vậy nên tôi không nghĩ đến việc “phải” gửi mẫu đi phân tích như một việc gì đó khó chấp nhận. Vì gửi mẫu đi để làm những thí nghiệm mà phòng thí nghiệm mình liên kết làm được còn mình thì không. Mặt khác, dù có nhiều kinh phí (nghe có vẻ hơi mơ mộng) thì tôi nghĩ cũng chưa đến lúc đầu tư các máy ấy ở USTH ngay bây giờ. Bởi bao giờ có chừng 10 đến 20 nhóm nghiên cứu như nhóm tôi cùng làm việc liên tục thì việc đầu tư các thiết bị XPS, STM ở USTH mới thực sự hiệu quả.

Hiện nay, nhóm tôi vẫn tích cực gửi mẫu sang Nhật, Singapore và Pháp để làm các thí nghiệm cần thiết. Tôi không nghĩ đấy là sự phụ thuộc. Ngược lại, các phòng thí nghiệm ấy đồng ý làm thí nghiệm trên các mẫu của mình cũng là một tín hiệu tốt, vì chắc không ai mất thời gian và tiền của chỉ để giúp mình vì phép lịch sự cả. Nhiều khi, giá thành mẫu tôi gửi đi phân tích ở các nơi ấy lại rẻ hơn và chất lượng hơn rất nhiều so với làm ở Việt Nam. Ở Việt Nam, vẫn tồn tại chuyện cứ chuyển mẫu, trả tiền và nhận kết quả. Đấy là dịch vụ chứ ko phải hợp tác làm khoa học. Chúng ta khó mà làm được khoa học đích thực với cách làm dịch vụ đó. Hiện tại, chúng tôi chỉ mất tiền gửi bưu điện thôi còn đồng nghiệp bên đó làm miễn phí cho mình.

Tóm lại, trong khoa học vật liệu không có máy thì rất khó làm mà có làm được thì cũng rất chậm, nhưng có máy móc thì cũng không có nghĩa là làm được. Nếu cứ có máy móc tốt là có khoa học đỉnh cao thì Việt Nam chúng ta chắc chắn không có cơ may nào và Trung Quốc đã trở thành cường quốc từ lâu rồi (thực ra họ đang trên đường trở thành ông lớn khoa học!). Theo tôi nghĩ, điều quan trọng số một ở Việt Nam bây giờ là VẤN ĐỀ CON NGƯỜI. Làm sao có nhiều người trẻ được đào tạo ở nước ngoài, bắt đầu tích lũy được kinh nghiệm nghiên cứu, và đam mê làm khoa học một cách thực sự, cảm thấy Việt Nam là một nơi có thể làm việc tốt được. Có người thì sẽ có máy, còn cứ lo máy rồi đến lúc không tìm được người dùng sẽ rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”.

Với câu hỏi trang thiết bị chiếm bao nhiêu % thành công hay đầu tư cho một dự án, tôi nghĩ không thể có một con số chung được vì nó rất khác nhau giữa các ngành, các lĩnh vực. Thông thường, nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học thì cần ít tiền hơn so với lĩnh vực vật lý thực nghiệm một chút. Tất nhiên nếu đến trình độ làm những thí nghiệm “độc nhất” thì ngay cả lĩnh vực hóa học cũng rất đắt tiền vì máy móc phải “thửa” riêng và phải bổ sung thật nhiều. Làm nghiên cứu khoa học thì phải có chương trình lâu dài, dự án chỉ là một bước trong chương trình nghiên cứu. Thành ra, nếu có người làm có chương trình nghiên cứu tốt thì máy đầu tư cho dự án này sẽ còn dùng được mãi cho các đề tài khác của phòng thí nghiệm đó, nhóm nghiên cứu đó còn nếu hết dự án thì máy không dùng nữa thì dù có đầu tư bao nhiêu tiền nữa cũng không đủ.

Tác giả