Đây là thời khắc có một không hai cho phát triển vaccine

Trụ sở của hãng Evotec ở Hamburg-Langenhorn không phải là một vị trí đẹp nhất ở thành phố này. Liệu nó có đủ sức cuốn hút tài năng trẻ bậc nhất nước Đức đến làm việc tại doanh nghiệp vào loại quan trọng nhất của Đức trong lĩnh vực công nghệ sinh học hay không.

Werner Lanthaler, chủ tịch Evotech cho rằng, “ngành Công nghệ sinh học đang trải nghiệm thời khắc của sự thật”

Hàng trăm nhà khoa học làm việc tại các cơ sở của Evotec ở Toulouse, Verona và Oxford. Chủ tịch Hội đồng quản trị Werner Lanthaler tin chắc rằng, đây là thời của ngành công nghiệp của ông. Giờ là lúc ngành công nghệ sinh học phải chứng minh, ngành này có thể làm gì để phục vụ cuộc chiến chống Virus Covid-19.

Thưa ông Lanthaler, qua đại dịch corona này nhiều người mới nhận ra rằng ngành công nghệ sinh học có thể góp phần tiêu diệt virus. Evotec đã làm gì với virus COVID-19?

Thí dụ chúng tôi thử nghiệm trên nền tảng của mình xem trong số những hoạt chất trong các loại thuốc chữa bệnh hiện có, có thể chống virus để sử dụng lần hai. Với cách làm này chúng tôi đã thành công trong việc tìm ra những phân tử nhỏ khác bên cạnh Remdesivir để có thể dùng làm thuốc trị Covid-19. Trong công nghệ sinh học chúng ta đang trải nghiệm một cái gì đó như khoảnh khắc của sự thật.

Cách đây mấy tháng đã có  26 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp của chúng tôi và ngành công nghiệp dược đã trao đổi qua điện thoại để thành lập một konsortium về nghiên cứu. Với cá nhân tôi thì đó quả là một khoảnh khắc kỳ diệu. Đây là lần đầu tiên chúng tôi không quan tâm ai là người sẽ về nhất trong cuộc tranh đua này mà chỉ mong muốn làm sao chúng ta có một cách nhanh nhất vaccine, chất kháng thể điều trị và thuốc chữa bệnh. Để đạt được điều đó chúng tôi đã cung cấp cho nhau những thông tin quan trọng và các dữ liệu. Đối với tôi đây là điều có một không hai.

Trong phát triển và sản xuất vaccine, sự hợp tác này tiết kiệm được bao nhiêu thời gian?

Cơ sở để bắt tay vào việc  nhanh hơn trước nhiều và bất kể ai làm việc này đều cần có sự chuẩn bị ban đầu như thế này. Tôi nghĩ so với cái thời làm gì cũng phải bí mật, che che đậy đậy trước kia thì chúng tôi cũng tiết kiệm được từ ba đến bốn năm. Cũng cần nói cơ quan thẩm quyền của chính phủ trong việc cấp phép cũng chưa bao giờ khẩn trương làm việc như bây giờ, thí dụ cấp phép để làm thí nghiệm lâm sàng nhanh hơn trước nhiều. Điều đó cũng góp phần tiết kiệm rất nhiều thời gian. Và nhà sản xuất vaccine cũng như các doanh nghiệp dược phẩm không chờ kết quả nghiên cứu mà xúc tiến xây dựng ngay cơ sở sản xuất từ bây giờ chứ không chờ đến khi vaccine được công nhận.  Điều này cũng giúp rút ngắn thời gian.

Liệu những điều đó cuối cùng có giúp cứu con người khỏi sự lây nhiễm virus không thưa ông?

Virus Covid-19 sẽ không biến mất, nhưng bệnh do nó gây ra sẽ chữa trị được. Tôi cho rằng thật sai lầm nếu chỉ chú ý tới vắc xin. Thuốc chưa bệnh cũng quan trọng không kém. Các bạn hãy xem virus – HIV, cho đến hôm nay chúng ta không có vaccine phòng bệnh này nhưng HIV đã trở thành bệnh có thể chữa trị được.

Nga đã tìm ra vaccine. Sản phẩm của họthể coi là bản mẫu được không?

Tôi không có điều kiện để trong một thời gian ngắn có thể xem các dữ liệu đằng sau sự phê chuẩn này. Và vì thế tôi không thể đánh giá vaccine đó. Quá trình phê duyệt có quá nhiều điều không bình thường.

Khi nào thì chúng ta có vaccine?

Tôi tính trong mười hai tháng tới sẽ có một loại vaccine và kháng thể điều trị, có nghĩa là có thuốc chữa bệnh hữu hiệu. Hiện đã có thí nghiệm để chứng minh cơ chế hoạt động chống Covid-19. Vấn đề là liệu chúng ta có cần phải chờ đợi kết quả kiểm tra về độ an toàn ở thí nghiệm đại trà như thông lệ hay không, hay được phép áp dụng trước. Thách thức tiếp theo là làm thế nào để đưa thuốc đến hàng trăm triệu người đây .

Bản thân ông có cho tiêm chủng không?

Tôi bao giờ cũng tiêm chủng, khi có điều kiện và khi tôi biết về các dữ liệu an toàn trong thí nghiệm lâm sàng.

Theo ông liệu có xy ra tranh giành trong phân phối không, ai là người đầu tiên sẽ thắng hoặc liệu có vaccine hay không?

Không, điều đó sẽ không xảy ra. Ngành công nghiệp sẽ tiến hành sản xuất nhanh với số lượng lớn. Sự phát triển diễn ra với tốc độ cao. Bạn hãy xem bộ thử  đó: tôi nghĩ nội trong sáu tháng, người ta có thể mua bộ thử nghiệm- Covid-19 ở siêu thị Edeka với giá 30 Euro.

Qua vụ đại dịch này Châu Âu có cảm thấy sự lệ thuộc của mình vào hai nhà sản xuất thuốc lớn là Trung Quốc và Ấn Độ ? Liệu Châu Âu có giành lại ưu thế này không?

Một mặt Châu Âu nên có dự trữ lớn hơn đối với một số nguyên liệu cơ bản và các nguyên liệu nhất định, mặt khác cần phát triển khả năng tự sản xuất thuốc chữa bệnh. Không làm điều đó thì thật quá ngây thơ. Nếu chỉ dựa hoàn toàn vào nhập khẩu các nguyên liệu và phương tiện từ Ấn Độ và Trung Quốc thì quá sai lầm. Chúng ta phải tự mình bảo đảm cung cấp về cơ bản cho khoảng thời gian nhiều tháng liền, cho dù điều đó đòi hỏi phải đầu tư vài ba tỷ euro. Tuy nhiên nếu nhìn vào phân tích lợi ích, tôi cho rằng làm như thế là hoàn toàn đúng. Hoa Kỳ cũng làm như vậy, thế mới phải.

Chính phủ Đức cùng tham gia với doanh nghiệp Công nghệ Sinh học CureVac ở Tübingen, doanh nghiệp này đang triển khai làm một loại vaccine chống Virus -Covid-19. Có lo ngại về việc Tổng thống Donald Trump sẽ can thiệp?

Về cơ bản tôi vui mừng khi nhà nước liên kết với CureVac. Nếu chính phủ Liên bang đầu tư có hệ thống vào ngành công nghệ sinh học và xây dựng ngành công nghiệp này về chiến lược, đó là điều tích cực. Nhưng nếu đây là một hành động riêng lẻ nhằm đối đầu trong cuộc cạnh tranh với Donald Trump thì đó là sự phù phiếm vô bổ.

Trong hoạt động kinh tế nhà nước vốn dĩ không được coi là cổ đông tốt nhất.

Về cơ bản là như vậy. Nếu nhà nước xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ nên liên doanh với doanh nghiệp để bảo vệ nó thì việc làm này là vô nghĩa. Trong cạnh tranh loại vũ khí này vô tích sự. Nếu nhà nước là một cổ đông năng nổ, lý tưởng nhất khi nó hoạt động trên bình diện châu Âu để xây dựng những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược như công nghệ sinh học hay khoa học sự sống thì tôi cho là tích cực.

Điều đó sẽ diễn ra như thế nào?

Lập Quỹ Nhà nước là một cách. Quỹ này nên đầu tư không chỉ cho nghiên cứu khoa học cơ bản mà cả cho khoa học ứng dụng. Sau đó nhà nước phải có chính sách để dõi theo mục tiêu đã đề ra, xây dựng những ngọn hải đăng hay đầu tầu trong ngành công nghệ sinh học. Ngành công nghiệp của chúng tôi đã làm được nhiều việc xuất sắc và tiến được khá xa. Các bạn hãy xem vấn đề ung thư, có khoảng 300 loại ung thư. Trong mười năm vừa qua chúng tôi đã thành công trong việc tìm ra  các hình thức điều trị cho mười loại bệnh ung thư trong số nói trên. Từ chẩn đoán là bệnh ung thư chết người nay chúng trở thành những bệnh mãn tính có thể điều trị được.

Vậy xin hỏi ông tại sao ngành công nghệ sinh học Đức lại không thể tự lực cánh sinh?

Có nhiều nguyên nhân. Một Startup công nghệ sinh học non trẻ khó nhận được sự hỗ trợ tài chính. Ở Đức vốn tư nhân chưa sẵn sàng cho đầu tư mạo hiểm, điều này khác với Hoa kỳ. Không phải vô cớ khi mà hầu hết các doanh nghiệp công nghệ sinh học đều đăng ký trên sàn chứng khoán Nasdaq của Hoa Kỳ. Phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Frankfurt am Main thì rất khó, vì thiếu các nhà đầu tư như Quỹ công ty chuyên về công nghệ sinh học.

Sự tài trợ này còn cụ thể bắt đầu từ đâu?

Nhà nước nên tài trợ cho nghiên cứu bằng cách bảo đảm hoàn thuế. Nước Pháp trao giải thưởng cho nghiên cứu. Ai chi 1000 Euro cho công tác nghiên cứu  thì được nhận lại 250 euro báo có về thuế (Steuergutschrift). Ngoài ra chúng ta phải đầu tư vào phần mềm tinh thần và hỗ trợ cho người tài một cách tốt nhất. Mục đich là làm sao để những tài năng trẻ sau khi được đào tạo ở Mỹ trở về Đức chứ không phải ở lại  đó và mở doanh nghiệp riêng của họ.

Tại Hoa kỳ thì các tỷ phú cỡ như  Jeff Bezos ủng hộ ngành công nghệ sinh học, ở Đức cũng có một nhúm tên tuổi làm việc này. Dietmar Hopp, Andreas và Thomas Strüngmann hay trong trường hợp của ông là Roland Oetker. Ông có cần một sự bảo trợ về lâu về dài không?

Đầu tiên tôi sẽ rất vui nếu như chính phủ trao tặng cho những con người xuất chúng này huy chương và gửi tới họ một lá thư tri ân. Nước Đức là một trong những nước giàu nhất thế giới. Chúng ta không chỉ cần năm tên tuổi nổi tiếng, chúng ta cần có 5000 người sẵn sàng hoạt động với sự giầu có của họ trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Rất tiếc là ở ta có một sự sợ hãi cơ bản mỗi khi nói đến những đề tài như vật lý hoặc hóa học. Tài trợ cho một nghệ sỹ hoặc hoạt động trên danh nghĩa một nhà từ thiện thì đơn giản hơn nhiều.

Liệu có phải vì với công nghệ sinh học khó làm ra tiền?

Giá trị doanh nghiệp được tạo ra nhờ công nghệ sinh học. Hiện nay trên thị trường chứng khoán giá trị của Evotec là 3,5 tỷ euro. Hơn nữa từ năm  2012 chúng tôi đã làm ăn có lời và trong tương lai, hàng năm,  sẽ tiếp tục như vậy. Chúng tôi đầu tư lợi nhuận thu được vào mở rộng nền tảng của mình. Hiện tại chưa chia tiền cho các cổ đông. Thí dụ chúng tôi đang xây dựng nhà máy tương lai của mình ở Seattle, Hoa Kỳ. Cơ sở này liền kề với khu vực-SpaceX của Elon Musk. Chúng tôi sẽ sản xuất kháng thể ở đây. Hiện nay 75% hoat động kinh doanh mới của chúng tôi diễn ra tại Hoa kỳ.

Xuân Hoài dịch

Nguồnhttps://www.welt.de/wirtschaft/plus213601222/Evotec-Chef-Ich-werde-mich-immer-impfen-lassen.html

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)