Di sản nào cho năm 2014?

Năm 2013 đã trôi qua, bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong năm này hiện ra ngày càng rõ với những mảng màu tối nhiều hơn sáng, và dường như sẽ để lại cho năm 2014 một di sản không như mong muốn.

Vậy thì chúng ta cần vươn lên thực hiện bằng được những đổi mới vô cùng cấp thiết nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng “hụt hơi” và sẵn sàng cho những cơ hội, thách thức mới sẽ đến với những cam kết hội nhập sâu rộng từ năm 2015 trở đi.

Các con số thống kê được công bố chính thức cho thấy tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,42%, cao hơn năm trước, trong khi lạm phát xuống mức thấp kỷ lục 6,04%. Ngoài hai chỉ số vĩ mô quan trọng hàng đầu đó, nhiều con số khác cũng đẹp: kim ngach xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng mạnh, nước ta lại xuất siêu gần 900 triệu đô la Mỹ, cả cam kết mới và giải ngân FDI đều tăng, trong khi giải ngân ODA cũng khá cao. Mối lo hụt thu ngân sách có vẻ trở thành thừa khi về cuối năm, các thành phố lớn và nhiều tỉnh lần lượt báo cáo thu vượt hay đạt chỉ tiêu dự toán. Về con số doanh nghiệp thì tuy gần 61.000 chết, nhưng lại có tới gần 77.000 mới ra đời. Thất nghiệp tuy có tăng chút ít so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức thấp 2-3% mà nhiều quốc gia thèm muốn.

Tuy nhiên, liệu bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 có sáng như những biểu hiện trên không?

Nhìn sâu hơn, có thể thấy bản thân những con số đẹp cũng ẩn chứa nhiều điều đáng suy nghĩ. Ví dụ con số tăng GDP có lấy lại được lòng tin không, khi mà công nghiệp và nông nghiệp – hai lĩnh vực đóng góp lớn cho GDP và gắn với cuộc sống của đông đảo người dân và lực lượng lao động nhất – lại tăng khá thấp, chỉ đạt lần lượt 5,43 và 2,67%. Thành tích xuất khẩu thì 66,8% là do khối FDI, và tuy tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến trong xuất khẩu tăng lên, nhưng thực chất chủ yếu vẫn là sản phẩm gia công, giá trị gia tăng thấp. Trong khi ta xuất siêu gần 900 triệu, thì riêng nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới 23,7 tỷ đô la Mỹ, đồng thời cả xuất lẫn nhập khẩu các mặt hàng lớn đều phụ thuộc rất nặng vào một vài nước bạn hàng, tạo nên những rủi ro không nhỏ.

Song ở những mảng tối nhất, nhiều khi các con số không mô tả hết được.

Bài toán nông nghiệp vẫn mãi loay hoay với cây gì, con gì, trong khi những nút thắt như đất đai, tổ chức sản xuất, đầu tư, công nghệ, thị trường… nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị nông sản thì vẫn còn nguyên!

Đó trước hết là năm 2013 ghi tiếp một dấu trầm buồn khi tốc độ tăng trưởng nông nghiệp mấy năm nay suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đổi mới, còn thu nhập của nông dân thì có tăng về danh nghĩa, nhưng bị lạm phát và mức tăng giá các vật tư đầu vào cùng các loại phí lấy hết, để lại mức thực tế âm. Thu nhập từ nông nghiệp – nghề chính của họ – còn tệ hơn, khi rớt xuống chỉ còn mang lại chưa đến 30% thu nhập của các hộ nông dân. Với thực tế đau lòng là trồng lúa ở nhiều vùng miền Bắc chỉ đem lại nguồn thu trị giá 50.000 đến 80.000 đồng một sào mỗi tháng, thì nông dân trả ruộng, bỏ nông nghiệp là phải thôi.

Vấn đề là nông nghiệp, lĩnh vực Việt Nam còn được coi là có lợi thế, lĩnh vực tận dụng được tốt nhất cơ hội WTO, lĩnh vực Việt Nam luôn xuất siêu, liệu có còn là lợi thế trong tương lai khi đà xuống dốc của nó chưa được chặn lại và nông dân, chủ thể chính của nó cũng không còn muốn làm nông nghiệp nữa? Vấn đề là nghị quyết “tam nông” đã có rồi, chương trình tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp đã có rồi, nhưng bài toán nông nghiệp vẫn mãi loay hoay với cây gì, con gì, trong khi những nút thắt như đất đai, tổ chức sản xuất, đầu tư, công nghệ, thị trường… nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị nông sản thì vẫn còn nguyên!

Nhìn vào công nghiệp và dịch vụ cũng thấy biểu đồ doanh nghiệp ngưng họat động tiếp tục chiều hướng đi lên, tới năm 2013 đã cao gấp rưỡi mức 4 năm về trước. Điều đó chứng tỏ tất cả những khó khăn của doanh nghiệp kéo dài suốt mấy năm nay về cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Đau hơn nữa là càng về sau càng mất đi những doanh nghiệp khá hơn, những đơn vị thuộc lớp “trung lưu” đã có cả chục năm trưởng thành và kinh nghiệm thương trường, đã bám trụ được suốt từ khi kinh tế suy giảm năm 2008, nhưng tới nay đành đầu hàng trước những bất ổn kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh bất lợi kéo dài.

Doanh nghiệp, doanh nhân thường được gọi là “lực lượng xung kích thời bình”, là “nhân vật trung tâm” trong hội nhập kinh tế quốc tế. Khoảng một phần ba lực lượng ấy đã rời trận địa. Liệu lớp người vừa gia nhập thị trường có thay thế họ được không, hay khoảng trống họ bỏ lại sẽ được các công ty và doanh nhân từ Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, ASEAN …tới lấp đầy? Vấn đề là dù FDI sẽ khai thác tiếp tiềm năng của Việt Nam, sẽ mang lại tăng trưởng GDP, sẽ đưa thêm nhiều sản phẩm danh nghĩa “made in Vietnam” ra thế giới, nhưng chỉ mươi mười lăm phần trăm giá trị đó được tạo ra tại đất nước này và ít hơn thế ở lại với người dân trên mảnh đất này. Và rồi tài nguyên của Việt Nam sẽ cạn kiệt, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ trôi qua, chúng ta sẽ già trước khi kịp giàu, cho dù GPD danh nghĩa có thể cao hơn.

Có cách nào khắc chế sự “hụt hơi” đó không? Có chứ! Những định hướng lớn như ba đột phá chiến lược -thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng- đã có, chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đã có. Hàng trăm sản phẩm nghiên cứu nghiêm túc với những điều tra, phân tích, dự báo, giải pháp, khuyến nghị… nhằm thực hiện các định hướng, chủ trương đó đã được đưa ra, được tranh luận, bàn thảo kỹ lưỡng, tích tụ trí tuệ, tinh hoa của hàng nghìn người trong nước và các chuyên gia quốc tế. Những bài học kinh nghiệm thành công và không thành công của Việt Nam, của các nước trong quá trình phát triển và hội nhập chưa bao giờ rõ như bây giờ. Về kỹ thuật, có lẽ chẳng còn thiếu gì. Về con người, nếu mở rộng cửa cho những người có năng lực đang làm việc đây đó ở Việt Nam hay ở các nước, cũng không thiếu. Về tiền bạc, bớt đi những dự án trăm tỉ, nghìn tỉ không mang lại lợi ích cho đa số người dân thì cũng không thiếu nốt.

Vậy thì năm 2014 phải bù vào di sản của năm 2013 cái thiếu lớn nhất là ý chí của người Việt Nam quyết tâm đạp qua những trở ngại của sự trì trệ trong tư duy, của những toan tính ích kỷ, những thói xấu ai cũng biết như “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí… để vươn lên thực hiện bằng được những đổi mới vô cùng cấp thiết nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng “hụt hơi” và sẵn sàng cho những cơ hội, thách thức mới sẽ đến với những cam kết hội nhập sâu rộng từ năm 2015 trở đi.

 

Tác giả