Diệt chuột vì tiếc từng hạt thóc
Nhờ nghiên cứu tập tính và thói quen của chuột, người nông dân Trần Quang Thiều (thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã thành công trong việc sáng chế ra chiếc bẫy diệt chuột không cần mồi, duy trì được hiệu quả trong nhiều năm, cứu hàng trăm nghìn tấn thóc có nguy cơ mất đi do nạn chuột.
Xuất phát điểm chỉ là một nông dân học hết lớp 9, sau khi rời quân ngũ, ông Thiều về sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Chứng kiến chuột tàn phá mùa màng, ông đã đầu tư nhiều thời gian công sức, từ nghiên cứu đặc tính, thói quen, phản xạ, phản ứng của các loại chuột đến việc tìm các chất liệu phù hợp chế tạo ra chiếc bẫy bán nguyệt mới không cần mồi, có tốc độ sập nhanh, lực đập mạnh, hiệu quả hơn hẳn những chiếc bẫy khác trên thị trường như bẫy lồng, bẫy răng cưa, bẫy bán nguyệt… Đặc điểm chung của các bẫy này là dùng mồi nhử nhưng tốc độ sập bẫy thường chậm hơn tốc độ lướt của chuột nên chuột vẫn thoát. Thêm nữa, vào thời kì mài răng, chuột ít ăn mồi tĩnh thì bẫy chuột dùng mồi không phát huy tác dụng tối đa.
Năm 2000, nhân việc bắt được một hang chuột đồng gồm một chuột đực và 15 chuột cái, ông Thiều quyết định đem về nhà nuôi để quan sát tập tính, đường đi của chúng. Ông phát hiện ra rằng, nếu chỉ bị cắt râu, khâu mắt, hoặc cắt tai thì chuột vẫn đi đúng đường; chỉ đến khi đồng thời bị cắt râu, khâu mắt, cắt tai thì chuột mới hoàn toàn mất khả năng định hướng.
Từ những thí nghiệm, quan sát có được, ông Thiều đã sáng tạo chiếc bẫy chuột không mồi, hoạt động như một bẫy vướng (vướng là sập), tốc độ nhanh, lực đập lớn. Cấu tạo chính của bẫy gồm vành bẫy (vành tĩnh và vành động, làm bằng thép cứng), lò xo (làm từ thép ứng lực không gỉ), cần gài, lẫy đối trọng, quả đối trọng (là một miếng xốp đen gắn vào lẫy đối trọng). Thực hiện đo do TS Nguyễn Văn Biên ở ĐHSPHN tiến hành cho ra kết quả: Lực kéo lên (kéo vành động) là 100 Newton (10 kg), lực đập xuống là 670 Newton (67kg), tốc độ sập khoảng 0.01 giây, lực tác động sập bẫy là 23gr (đầu cần gài bẻ cong xuống, bẫy đặt càng dốc thì lực tác động nhỏ 1gr cũng có thể sập). Với tốc độ nhanh, lực đập lớn và độ nhậy như vậy, chỉ cần vướng vào bẫy làm miếng đối trọng mất cân bằng, không con chuột nào thoát được.
Tuy nhiên, theo ông Thiều, một chiếc bẫy như trên chỉ quyết định 50% hiệu quả diệt chuột, 50% còn lại phụ thuộc vào cách thức đặt bẫy. Ông đã tìm ra 15 dấu hiệu phát hiện chuột (vết chân, vệt nhẵn, vết cắn, lối mòn, vết trượt, vệt bơi, vết phân…) và 12 cách đặt bẫy ở các địa hình (ngoài đồng, trong nhà, trên dây, dưới nước) sao cho chuột bị tóm gọn.
Ông Thiều cũng khẳng định loại chuột leo đuôi dài (chuột từ rừng di chuyển về thành phố) là loài chuột khôn nhất, khó bắt nhất đồng thời phá hoại nhiều nhất. Không chỉ tàn phá mùa màng, cắn phá các kho nguyên liệu, thực phẩm, loài chuột này còn là nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ nghiêm trọng. Đặc điểm chuột leo đuôi dài rất ít tha mồi tĩnh, không ăn bả, tốc độ chạy nhanh (2,7m/giây) do vậy phải đặt bẫy đúng cách mới có thể diệt được. Một là đặt ở các góc lồi, nếu trên đường thẳng thì đặt hai bẫy liên hoàn cách nhau 15cm, vì khi gặp bẫy thứ nhất theo phản xạ nó sẽ nhảy trúng đến bẫy thứ hai…
Với phương châm thực hành trước, lý thuyết sau, đến các địa phương sản xuất nông nghiệp, ông Thiều cho người dân mượn bẫy, hướng dẫn họ đặt bẫy, sau đó người dân tự thực hành đặt bẫy và gỡ chuột. Ông Thiều cho biết, một đêm có thể đánh được hàng trăm con chuột. Từ hiệu quả trực tiếp, người dân tự quyết định có mua bẫy hay không và mua loại nào – loại 9 nghìn đồng/chiếc sử dụng trên cánh đồng, hay loại 20 nghìn đồng/chiếc sử dụng ở mọi địa hình. Người mua cũng không cần trả tiền ngay mà có thể ghi nợ. Với các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp của ông Thiều đến tận nơi bắt chuột trước, kí hợp đồng sau, đảm bảo không hiệu quả không lấy tiền. Từ năm 2000 đến nay, ông Thiều đã bán được 32 triệu bẫy chuột, 2/3 số đó phục vụ cho nông nghiệp. Thời hạn bảo hành mỗi bẫy là hai năm.
Ông đã thành lập một công ty và ba doanh nghiệp tư nhân giao cho các con quản lý, phục vụ nhu cầu diệt chuột của các cơ quan, doanh nghiệp ở thành phố. Ngoài ra, ông Thiều còn đến các địa phương ở 40 tỉnh thành trực tiếp hướng dẫn nông dân diệt chuột. Ông cho biết, chỉ cần sử dụng 20 bẫy/ha là người nông dân có thể dẹp được vấn nạn chuột.
Theo thống kê trong quá trình diệt chuột, đến nay ông Thiều đã diệt được 41 triệu con. Có số liệu cho biết mỗi năm, một con chuột cống ăn tối thiểu 9 kg lương thực, thực phẩm1. Từng sống trong cảnh bần hàn, “trông thấy cái gì bị mất là tiếc, kể cả là của thiên hạ mất cũng tiếc”, ông Thiều cho việc ông đang làm “mình cũng có lợi nhưng xã hội được lợi nhiều hơn”.
Nhận bằng độc quyền sáng chế (2007) và nhiều giải thưởng Nhà nước có giá trị, với hơn 40 lần vinh danh, xuất hiện nhiều lần trên báo chí nhưng “người ta chỉ gọi tôi là nhà khoa học chân đất, nhà sáng chế không bằng cấp, mình ở đáy giếng, đưa ra vấn đề gì cũng bị xem thường”, ông Thiều chia sẻ.
Tuy vậy, ông Thiều vẫn ấp ủ đề tài diệt chuột trên phạm vi toàn cầu. Bằng thực tế nghiên cứu; thực tế diệt chuột ở khắp các địa phương trên cả nước và ở một số nước lân cận (Trung Quốc, Campuchia), ông “vua diệt chuột” đã làm chiếc bẫy chuột hình bán nguyệt không cần mồi kích thước lớn (khi căng vành chiều rộng 22cm, chiều dài 28cm, lực kéo 20 kg, đập xuống 120kg) và tự tin về khả năng bắt được con chuột khổng lồ (kích cỡ như con mèo) ở Anh2.
Ông Thiều cho biết, hiện chưa có cơ chế thẩm định, công nhận tính khoa học của những nghiên cứu do những người không có bằng cấp như ông thực hiện để kết quả nghiên cứu được phổ biến và áp dụng rộng rãi. Cũng đã có quan chức năng nói có thể phát triển các nghiên cứu của ông về chuột thành một đề tài khoa học với điều kiện người khác sẽ đứng tên nhưng ông kiên quyết từ chối, theo lời ông Thiều. |
Chú thích:
1. http://elib.dostquangtri.gov.vn/ntmn/Include/Index. asp?option=6&ID=115&IDhoi=1782
2.http://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-anh-hot-hoang-vi-chuot-khong-lo-hoanh-hanh/254391.vnp