Điều chỉnh định nghĩa pháp lý về phôi thai

Một nhóm các nhà sinh vật học và đạo đức học đề xuất điều chỉnh định nghĩa về phôi thai để việc sử dụng các mô hình phôi thai có thể mang lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội.

Giữa tháng 6/2023, các nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) và Viện Công nghệ California (Mỹ) đã tạo ra phôi người tổng hợp đầu tiên trên thế giới từ tế bào gốc mà không cần dùng đến trứng và tinh trùng. Nó có cấu trúc tương tự như các phôi trong giai đoạn phát triển sớm nhất của con người, vào khoảng ngày thứ 14 của thai kỳ. Tuy nhiên, phôi này được thiết kế đặc biệt để không hình thành nhau thai và túi noãn hoàng giống phôi thai tự nhiên, tức là không có khả năng phát triển thành bào thai theo lý thuyết.

Các nghiên cứu sử dụng mô hình phôi thai như nêu trên đang nhanh chóng phát triển nhờ những tiến bộ liên tục trong nghiên cứu về tế bào gốc ở người. So với việc sử dụng phôi thai hình thành từ trứng được thụ tinh ở người, ngành nghiên cứu này đem tới một giải pháp thay thế cả về mặt khoa học và đạo đức. Và các hướng dẫn đạo đức phù hợp đang được phát triển song song với các tiến bộ khoa học.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Cell ngày 17/8, một nhóm các nhà sinh vật học và đạo đức học đề xuất bổ sung khung đạo đức hiện nay để việc sử dụng các mô hình phôi thai để mang lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội.

Tác giả chính Nicolas Rivron, nhà sinh học phát triển tại Viện Hàn lâm Khoa học Áo, cho biết: “Nghiên cứu tế bào gốc đã cho phép chúng tôi thiết lập những mô hình có khả năng phát triển thành các cấu trúc phần nào giống với phôi thai. Các cấu trúc này phản ánh nhiều mức độ hoàn thiện và giai đoạn phát triển khác nhau. Những đề xuất mới này là phần nào nỗ lực mang lại sự rõ ràng cho những nghiên cứu đang tiến hành – nhằm phân loại tốt hơn các loại cấu trúc được tạo ra trong phòng thí nghiệm, tinh chỉnh định nghĩa pháp lý về phôi người và chỉ ra chính xác điều gì đang làm cho các mô hình phôi thai và phôi thai khác biệt từ góc độ pháp lý.”

Các đề xuất được xây dựng dựa trên hướng dẫn chính thức mới nhất do Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Tế bào gốc (ISSCR) công bố năm 2021 và đề cập các tiến bộ gồm mô hình phôi thai dựa trên tế bào gốc, nghiên cứu phôi người, chimera (cơ thể chứa tế bào từ hai loài khác nhau), organoid (phiên bản thu nhỏ và đơn giản hóa của một cơ quan được tạo ra trong ống nghiệm) và chỉnh sửa hệ gene. Việc thảo luận về hướng dẫn mới đã bắt đầu diễn ra sau khi xuất hiện mô hình phôi chuột, đón đầu các tiến bộ lớn trong mô hình tương đương ở người.

Ngày 1/8/2022, các nhà khoa học tại Viện Weizmann ở Israel công bố họ có thể dùng tế bào gốc từ chuột để tự tổng hợp thành cấu trúc giống như phôi thai với đường ruột, não hình thành sơ khởi và tim đập. Phôi tổng hợp không phải phôi thai “thực sự” và không thể phát triển thành động vật sống, hay ít nhất là không thể kể cả khi chúng được cấy vào tử cung của chuột cái.

Theo Rivron, “Chúng tôi đề xuất tình chỉnh định nghĩa về phôi người dựa trên việc phôi đó có thể trở thành cái gì, thay vì việc nó được hình thành như thế nào. Định nghĩa này cho phép nghĩ tới các trường hợp trong đó mô hình, nếu được hoàn thiện, có thể vượt qua điểm tới hạn và được coi là phôi thai về mặt pháp lý”.

Các tác giả đề xuất định nghĩa phôi thai là “một nhóm tế bào người được hỗ trợ từ các yếu tố đảm đương chức năng ngoài phôi và tử cung, mà khi kết hợp có khả năng tạo nên một thai nhi”. Họ cho biết các mô hình hiện nay không đáp ứng các định nghĩa pháp lý, nhưng cần xác định cách đánh giá xem khi nào chúng vượt qua điểm tới hạn trong tương lai.

Ngoài ra, các tác giả còn nhắc lại rằng theo Qui tắc Cơ bản của ISSCR, các nhà khoa học có nghĩa vụ đảm bảo công chúng nhận thức và hiểu biết đúng về việc sử dụng mô hình phôi trong ngành phôi học người. Và họ cho rằng cần có hoạt động truyền thông công khai phù hợp, đáng tin và đúng lúc. Đối với những cấu trúc đang được tạo ra hiện nay, các thuật ngữ “mô hình phôi”, “mô hình phôi từ tế bào gốc” thích hợp hơn là “phôi tổng hợp”, vì thuật ngữ này có thể ngụ ý rằng các yếu tố nhân tạo, tổng hợp đang được sử dụng, thay vì các tế bào và quá trình phát triển tự nhiên đang diễn ra.

Thực tế là các mô hình phôi này không thể tạo ra trẻ sơ sinh, nhưng chúng giúp chúng ta có được thông tin quan trọng cần thiết trong kiến thức cơ bản về việc con người hình thành như thế nào trong tử cung.

Các chuyên gia hi vọng trong tương lai, kiến thức này sẽ mang lại lợi ích cho xã hội bằng cách hỗ trợ phát triển dược phẩm chữa chứng vô sinh và sẩy thai sớm, giúp hiểu rõ hơn về nguồn gốc của các bệnh bẩm sinh. Lĩnh vực tạo phôi thai tổng hợp còn đang ở trong giai đoạn trứng nước, nhưng nó đang mở ra các triển vọng mới, quan trọng cho khoa học, đạo đức và y học.

Nguyễn Hậu

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)