Định hướng chiến lược phát triển của Rạng Đông

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế nặng nề 2008-2012, trong khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải giải thể, sẽ thật ngạc nhiên khi nhìn vào các con số tăng trưởng của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RALACO) với doanh số các năm 2008: 890.8; 2009: 1128.8; 2010: 1445.6; 2011: 1847.8; 2012: 2206 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế tăng từ 48.9 tỷ năm 2008 lên 96 tỷ năm 2012. Nộp ngân sách nhà nước tăng từ 65 tỷ năm 2008 lên 177.7 tỷ năm 2012.

Có được thành công này ngoài sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ gần 3000 cán bộ, công nhân viên của RALACO, sự định hướng đúng đắn và chiến lược phát triển, đổi mới khoa học và công nghệ phù hợp của ban lãnh đạo công ty, còn có sự đóng góp không nhỏ của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị khác nhau trong và ngoài nước, trong đó có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Đến với doanh nghiệp
Đầu năm 2008, nhằm thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước thuộc chương trình KC.02 “Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba màu và bột điện tử micro, nano ứng dụng trong chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng”, các cán bộ nghiên cứu Viện Tiên tiến KH&CN (AIST) đã đến gặp và đề nghị ban lãnh đạo RALACO cùng phối hợp nghiên cứu và cho phép các cán bộ nghiên cứu của đề tài được thử nghiệm các công nghệ và vật liệu phát triển của đề tài trên dây chuyền sản xuất của RALACO. Thật trùng hợp, khi đó ban lãnh đạo RALACO không chỉ nhất trí cùng phối hợp thực hiện các nội dung đề tài, mà còn đưa ra một bảng thống kê hơn 20 vấn đề kỹ thuật và các công nghệ mới mà công ty mong muốn được phát triển. Kết thúc buổi làm việc, cả tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty dẫn các cán bộ ĐHBKHN ra thăm quan phía sau nhà máy, nơi có một đống đèn phế phẩm khổng lồ (cỡ vài trăm tấn) đang để ngoài trời và nói “đây là thủy tinh không chì và bột huỳnh quang ba màu pha tạp đất hiếm, phải nhập khẩu rất đắt tiền, bây giờ phải bỏ đi mà chúng tôi còn phải bỏ ra thêm nhiều tiền để vận chuyển đi và xử lý rác nữa, các Thầy có cách nào thu hồi, xử lý và đưa trở lại tái sử dụng được thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí”. Nhận thấy, việc cùng phối hợp và giải quyết các vấn đề công nghệ cấp bách của doanh nghiệp như tối ưu, chuẩn hóa các quy trình sản xuất nhằm giảm bớt các sản phẩm không đạt chuẩn, sử dụng tiết kiệm, xử lý, tái sử dụng nguyên vật liệu sẽ giúp gắn kết hai bên, cũng như có thể đưa các nội dung nghiên cứu của đề tài đến gần hơn với ứng dụng và sản xuất thực tế, các cán bộ ĐHBKHN đã lựa chọn và bắt tay nghiên cứu hai quy trình công nghệ là quy trình tráng phủ bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact và quy thu hồi, xử lý và tái sử dụng bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì. Trong một thời gian ngắn hai quy trình công nghệ này đã được phát triển, thử nghiệm và chuyển giao thành công cho RALACO. Việc áp dụng quy trình tráng phủ bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact vào sản xuất đã giúp giảm tỷ lệ đèn không đạt do khâu tráng phủ từ ~6,8 % xuống còn 2,8 % (trên số lượng sản xuất hàng chục triệu đèn/năm). Trong khi đối với quy trình thu hồi và xử lý bột huỳnh quang, chỉ sau thời gian áp dụng một năm, hàng trăm tấn thủy tinh và nhiều tấn bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm trị giá hàng chục tỷ đồng đã được thu hồi và tái đưa vào sản xuất. Công nghệ thương hiệu ĐHBKHN đã được RALACO chấp nhận, áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Xây dựng PTN nghiên cứu chung
Sau hơn một năm cùng phối hợp nghiên cứu, cả RALACO và các cán bộ ĐHBKHN cùng nhận thấy tác dụng tích cực của việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, cũng như tính thực tiễn của nghiên cứu được nâng lên khi gắn với sản xuất. Được sự chỉ đạo và nhất trí của Ban Giám hiệu trường ĐHBKHN và Ban TGĐ RALACO hai bên đã cùng nhất chí xây dựng một PTN nghiên cứu và xưởng thực nghiệm chung HUST-RALACO. Một diện tích ~200 m2 trong khuôn viên, gần sát với các xưởng sản xuất của RALACO đã được thiết kế thành các phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm dành cho các giảng viên và cán bộ của trường ĐHBKHN. Với sự ra đời của phòng thí nghiệm (PTN) nghiên cứu chung này, các cán bộ của ĐHBKHN giờ đây đã có thể xuống làm việc trực tiếp trên các dây chuyền sản xuất, phối hợp với các kỹ sư của RALACO thử nghiệm và đánh giá các công nghệ mới. Tốc độ nghiên cứu phát triển công nghệ và thời gian thử nghiệm, đánh giá công nghệ vì thế được rút ngắn, tính thực tế của các công nghệ nghiên cứu do đó cũng được nâng lên, và như là hiệu quả tất yếu của phương thức hợp tác mới mẻ nhưng hiệu quả này, một số các công nghệ do các cán bộ ĐHBKHN phát triển đã được thử nghiệm, chuyển giao và ứng dụng thành công tại RALACO.  Điển hình là vật liệu và công nghệ tráng phủ lớp vật liệu nano hỗ trợ khởi động nhanh cho đèn huỳnh quang đã được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu (đi Brazil) thay thế hoàn toàn cho vật liệu nhập khẩu của Hàn Quốc với giá thành chỉ bằng 10-20%. Để phát huy hơn nữa chủ trương gắn liền công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, tháng 4/2010 thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa HUST và RALACO đã chính thức được ký kết. Đây được xem như bước đột phá tạo ra cơ sở và điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, phối hợp nghiên cứu giữa các cán bộ, giảng viên ĐHBKHN và công ty RALACO. Ngay sau thỏa thuận này, nhiều hợp đồng nghiên cứu giữa các cán bộ của các Viện AIST, Kỹ thuật Hóa học, Vật lý Kỹ thuật, Viện Điện với RALACO đã được thực hiện như thỏa thuận cung cấp vốn đối ứng thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm chế tạo bột huỳnh quang ba màu với tổng kinh phí ~10 tỷ đồng; hợp đồng chuyển giao công nghệ chế tạo keo gắn bầu đèn huỳnh quang compact (quy mô 25 tấn/tháng, thay thế hoàn toàn keo gắn bầu đèn nhập khẩu với giá thành chỉ ~ 30% giá thành nhập ngoại).

Hình thành của Trung tâm R&D trong doanh nghiệp
Khi hiệu quả của việc đổi mới, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ mới (nội địa) vào sản xuất đã rõ ràng, việc hình thành nên một bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp trở nên tất yếu nhằm chủ động xây dựng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, cũng như cơ sở vật chất để tiếp nhận những tri thức, kiến thức khoa học và công nghệ được chuyển giao từ các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như chủ động huy động các nguồn lực để xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm công nghệ cao thương hiệu Việt Nam của doanh nghiệp. Trên cơ sở mô hình của PTN nghiên cứu chung HUST-RALACO, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công ty RALACO đã được thành lập tháng 3 năm 2011. Có hai điểm đáng lưu ý trong chức năng và nhiệm vụ của trung tâm R&D của RALACO là: i) Tập hợp và khai thác hiệu quả các nguồn tri thức tiên tiến trong và ngoài công ty, trong và ngoài nước. Nghiên cứu thiết kế và tiếp nhận chuyển giao khoa học – công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất và hướng dẫn đào tạo cho các đơn vị trong công ty tiến hành sản xuất hàng loạt; ii) Là hạt nhân phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực Khoa học – Công nghệ chất lượng cao trong Công ty. Đây chính hai điểm quan trọng bổ xung cho nút khuyết của cầu nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, đó chính là việc chuẩn bị nhân lực khoa học – công nghệ trình độ cao trong doanh nghiệp và việc tiếp nhận, chuyển hóa các kết quả nghiên cứu công nghệ từ phòng thí nghiệm sang sản xuất công nghiệp, hàng loạt.
Một bước phát triển mới

Đầu năm 2013, thực hiện thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai đơn vị, Ban TGĐ và Hội đồng quản trị RALACO đã nhất trí cùng đầu tư xây dựng PTN nghiên cứu chung HUST-RALACO tại ĐHBKHN. PTN sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ chiếu sáng rắn – một hướng nghiên cứu nằm trong 13 chương trình nghiên cứu đã được Hiệu trưởng phê duyệt – nhằm tạo ra các sản phẩm chiếu sáng chất lượng cao, thân thiện với môi trường và tiết kiệm điện năng. Đây là một bước phát triển mới của mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ giữa trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, một mối quan hệ hợp tác đã được ban lãnh đạo của cả hai đơn vị dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ những ngày đầu, và chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra những sản phẩm chiếu sáng công nghệ cao MADE IN VIET NAM.

 

Phát triển các sản phẩm chiếu sáng công nghệ cao, chuyên dụng cho phát triển nông nghiệp

Đứng trước nhu cầu tiết kiệm điện ngày càng cao của bà con nông dân trong dùng đèn chiếu sáng kích thích tăng trưởng, ra hoa, kết trái của một số loại cây trồng như hoa Cúc, Thanh Long và trong nuôi cấy mô nhân giống cây trồng, cuối năm 2011 Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã phối hợp với Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RALACO) và Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (SHNN) triển khai một hướng nghiên cứu mới: “Nghiên cứu ứng dụng chiếu sáng nhân tạo trong Nông nghiệp Công nghệ cao”. Đây là một mô hình tổ chức phối hợp nghiên cứu và triển khai công nghệ mới trong đó các nhà khoa học tại trường ĐHBKHN chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển chế tạo các loại bột huỳnh quang cho chế tạo đèn chiếu sáng cho một số loại cây nông nghiệp đang được trồng ở quy mô lớn như hoa Cúc (~7000 hecta tại riêng Lâm Đồng), Thanh Long (25000 hécta tại các tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh…), Công ty RALACO chịu trách nhiệm chế tạo đèn chiếu sáng chuyên dụng theo các chỉ tiêu và tiêu chuẩn của sản phẩm thương mại, Viện SHNN chịu trách nhiệm đánh giá ảnh hưởng của đèn chiếu sáng chuyên dụng mới phát triển lên các chỉ tiêu sinh học của cây trồng và thử nghiệm thực tế. Cuối năm 2012, những kết quả thử nghiệm đầu tiên của bà con nông dân được tổng hợp và tin vui cho thấy đèn chiếu sáng chuyên dụng cho cây hoa cúc (sản xuất cây giống ngắt ngọn) không chỉ đảm bảo chất lượng cây giống tương đương và tốt hơn mà còn có thể giúp ngắn được 1/3 thời gian ngắt ngọn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và tiết kiệm 70 % lượng điện tiêu thụ, chắc chắn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những kết quả nghiên cứu và ứng dụng ban đầu khả quan trong chiếu sáng nông nghiệp này, cùng với nhiều các công nghệ ứng dụng mà ĐHBKHN đã chuyển giao cho RALACO trong 5 năm qua, một lần nữa giúp khẳng định tính hiệu quả của một mô hình hợp tác nghiên cứu – chuyển giao công nghệ giữa một đơn vị đào tạo, nghiên cứu, và phát triển công nghệ với một doanh nghiệp, nơi tiếp nhận, sử dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm cụ thể phục vụ xã hội.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)