ĐMST đóng góp 70% cho thành công của kinh doanh!

Đó là khẳng định của chị Lương Thị Ngọc Hà, chủ doanh nghiệp TNHH MTV SX KD Hủ tiếu khô Bà Năm Sa Đéc, khi trao đổi về bộ công cụ đo năng lực đổi mới sáng tạo i2Metrix.

Trong chuyến đo năng lực đổi mới sáng tạo (i2Metrix) của các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp vừa qua, các chuyên gia Trung tâm BSA và công ty DHVP có dịp làm việc với doanh nghiệp TNHH MTV SX KD Hủ tiếu khô Bà Năm Sa Đéc. Doanh nghiệp này trước kia là một cá thể làm nghề truyền thống, đến đời thứ ba, chị Lương Thị Ngọc Hà đã phát triển cơ sở lên một tầm mới – lập công ty vào năm 2010.

Mỗi ngày công ty sản xuất 900kg hủ tiếu tươi. Theo chị Hà, nếu có đủ công nghệ cần thiết thì công suất có thể lên đến 2-3 tấn/ngày. Do quy mô nhỏ, vốn ít, thiếu công nghệ nên loại sản phẩm hủ tiếu khô chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng. Trung bình cứ 3 tấn hủ tiếu tươi làm được 1 tấn hủ tiếu khô. Lượng tiêu thụ trung bình là 5-6 tấn/tháng. Năm 2013, doanh thu của doanh nghiệp tăng 20-30%, trong khi kỳ vọng chỉ chừng 10%. Chị Hà cho hay, dù dự báo nhu cầu sẽ tăng nhưng trở tay không kịp với thị trường vì công suất nhỏ. Có thể nói, việc làm ăn của doanh nghiệp Bà Năm Sa Đéc vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nắng và gió. Mỗi ngày nhóm lò làm từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Hiện nay doanh nghiệp đang làm hồ sơ xin tỉnh hỗ trợ đầu tư máy sấy khô để chủ động sản xuất và tăng độ an toàn VSTP.

“Đổi mới sáng tạo đóng góp 70% cho thành công của hoạt động kinh doanh!“, bà chủ Ngọc Hà khẳng định khi trao đổi về các công cụ đo i2Metrix.

Ba năm trước, chị Hà đã có ý tưởng thay đổi bao bì sản phẩm theo kiểu cổ truyền, dùng bao làm bằng giấy dầu thay cho bao nylon. Điều này xuất phát từ ký ức khi nhỏ, thực phẩm gói trong giấy dầu sẽ giúp hút bớt dầu mỡ, tốt cho sức khỏe. Với xu hướng thích những gì thuộc về truyền thống, chị quyết định đầu tư làm mẫu bao bì mới. Để thu hút người mua, nhân dịp tỉnh có chủ trương đẩy mạnh du lịch, hình nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được in lên sản phẩm để quảng bá cho du lịch tỉnh nhà. Ngoài ra, trên bao bì có in nội dung không có cholesterol, thích hợp cho người ăn kiêng, khá thu hút khách du lịch.

Chưa dừng lại đó, tình yêu nghề truyền thống luôn thúc đẩy chị tìm tòi, học hỏi và làm ra những cái mới. Chị Hà đã nghiên cứu thành công loại hủ tiếu nghệ, hủ tiếu huyết rồng, và hủ tiếu tím than với giá bán gấp đôi, gấp ba giá thị trường.

Trong quá trình đo năng lực đổi mới sáng tạo, chị Lương Thị Ngọc Hà nhận ra, để phát triển doanh nghiệp, ngoài việc có vốn, doanh nghiệp cần thêm những công nghệ trong ngành. Bên cạnh đó, phải làm cho nhân viên thấm nhuần được việc đổi mới sáng tạo…

Song song với đó, các chuyên gia đo i2Metrix chỉ cho Bà Năm Sa Đéc thấy rằng, doanh nghiệp cần phải nâng cao khả năng truyền thông, nhất là giới thiệu được những sản phẩm mới trên website của mình. Ngoài ra, với vốn ít thì cần nâng cao năng suất dựa trên những yếu tố cơ bản mà doanh nghiệp đang có chứ không nhất thiết phải đầu tư thêm máy móc thiết bị. Đặc biệt, trong việc đưa sản phẩm đi xa, các chuyên gia i2Metrix hướng dẫn doanh nghiệp nên đăng ký mẫu mã bao bì, đăng ký mã vạch để có thể đưa hàng vào siêu thị. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp tăng thêm hệ thống phân phối cũng như học cách quản trị hệ thống phân phối sau này.

Về khó khăn trong việc tìm thêm những sản phẩm mới hay tăng tính năng của sản phẩm, chủ doanh nghiệp hủ tiếu khô Bà Năm Sa Đéc được các chuyên gia giới thiệu kết nối với các chuyên gia về công nghệ thực phẩm, chế tạo máy móc thiết bị, nghiên cứu sản phẩm…

Vị nữ giám đốc “bật mí” đang nghiên cứu các gói gia vị làm sẵn dành cho các món hủ tiếu. Khi nào đầu tư xong nhà máy hiện đại và sạch sẽ hơn thì sẽ tiến hành triển khai. Cùng với đó, chị mong muốn mở một nhà hàng để giới thiệu các món ăn làm từ hủ tiếu. Đây là mô hình tham quan du lịch khép kín để nâng cao giá trị khai thác của sản phẩm với các hoạt động như: tham quan xưởng làm hủ tiếu theo phương pháp truyền thống, tham quan nhà máy, ăn uống tại nhà hàng, mua sản phẩm làm quà.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)