ĐMST không thể tách rời thực tiễn sản xuất
Nhiều người vẫn tin vào lập luận của Thomas Friedman trong cuốn sách “Thế giới phẳng” rằng chuyển dịch cơ sở sản xuất đến khu vực địa lý có chi phí sản xuất thấp hơn giúp cho công ty có sức cạnh tranh cao hơn, và điều đó là có ích cho các nền kinh tế. Tuy vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng việc nền sản xuất bị thu hẹp và suy giảm tại Mỹ đang tác động tiêu cực đến đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở chính nước Mỹ cũng như trên toàn cầu.
Trên bình diện toàn cầu, việc nước Mỹ bỏ sân chơi trong lĩnh vực sản xuất có thể là một bước lùi cho tiến trình phát triển công nghệ trên thế giới. Theo nghiên cứu của Erica Fuchs, giảng viên tại Đại học Carnegie Mellon, Mỹ, công nghệ lượng tử ánh sáng tích hợp, trong đó đèn laser và bộ điều biến được nén vào một chip duy nhất, đã không thể tiếp tục phát triển bởi các nhà sản xuất quang điện tử chuyển cơ sở sản xuất của mình ra khỏi nước Mỹ, kể từ khi ngành công nghiệp này lâm vào khủng hoảng hồi đầu những năm 2000 và nhiều doanh nghiệp viễn thông buộc phải tìm các địa điểm có chi phí sản xuất thấp hơn ở Đông Á, nơi những khác biệt trong phương thức sản xuất khiến việc sản xuất các con chip với công nghệ lượng tử ánh sáng tích hợp không khả thi về kinh tế. Đây là kết cục đáng buồn cho một công nghệ từng được coi là sắp trở thành tác nhân cách mạng hóa nền công nghiệp điện toán và cảm ứng sinh học.
Các nhà kinh tế học có thể lý luận rằng việc sản xuất một sản phẩm ở đâu không quan trọng, Fuchs nói, nhưng địa điểm luôn gắn với những điều kiện ảnh hưởng sâu sắc tới quyết định sản xuất hay không sản xuất một sản phẩm nào đó, đồng nghĩa với quyết định xu hướng phát triển của các công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, sự thui chột các nhà sản xuất cũng làm giảm đầu tư của xã hội cho nghiên cứu và ĐMST, bởi 70% quỹ đầu tư cho nghiên cứu công nghiệp ở Mỹ đến từ các ngành công nghiệp chế tạo. Ở một nước có trình độ công nghệ cao như Mỹ, tầm quan trọng hàng đầu của nền sản xuất hiện nay không nằm ở vấn đề cung cấp công ăn việc làm cho số đông người lao động – khi mà phần mềm có thể ít nhiều điều khiển quá trình sản xuất, còn các máy tự động và robot làm những công việc nặng nhọc chính, thì các nhà máy ở Mỹ không đòi hỏi quá nhiều nhân công nữa – mà chính ở vai trò quan trọng của thực tiễn sản xuất đối với ĐMST.
Nhờ sự xuất hiện của các công nghệ sản xuất hiện đại, chúng ta nghĩ rằng ĐMST có thể phát triển ở mọi nơi, bất chấp mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán. Nhưng theo Michael Idelchik, một trong những nhà lãnh đạo kỳ cựu của General Electric, “nếu không trực tiếp tham gia sản xuất, năng lực ĐMST sẽ bị hạn chế nghiêm trọng”. Mặt trái của việc một nhà sản xuất thuê người khác sản xuất thay mình không chỉ là sự mai một chuyên môn kỹ thuật và trình độ công nghệ, mà còn là “sự phụ thuộc vào kết quả ĐMST của người khác cho các sản phẩm thế hệ tiếp theo”, Idelchik nói.
Khi các ngành công nghiệp Mỹ chỉ tập trung vào công đoạn thiết kế rồi thuê khoán nhà sản xuất từ các nước khác thực hiện ý tưởng của mình thì hậu quả là các ngành công nghiệp Mỹ sẽ mất dần năng lực sản xuất và bản thân các nhà nghiên cứu và kỹ sư cũng mất đi sự am hiểu về thực tiễn sản xuất. Từng có nhận định phổ biến trong những năm 1990 và 2000 rằng người Mỹ có thể chỉ tập trung vào ĐMST ở một nơi (ví dụ như Silicon Valley) và đặt cơ sở sản xuất ở nơi khác (ví dụ như Trung Quốc), nhưng thực tế cho thấy mô hình này không bền vững. Nếu phần lớn nền sản xuất thế giới tập trung ở Trung Quốc, thì các mạng lưới liên quan tới sản xuất sẽ mọc lên và phát triển ở đây, trong đó tất yếu bao gồm mạng lưới các hoạt động về ĐMST, nghĩa là sau một thời gian, toàn bộ hoặc hầu hết các hoạt động ĐMST, sẽ chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Ví dụ điển hình nhất là năng lực ĐMST trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng ở Trung Quốc hiện nay đang ở vị thế dẫn đầu, đơn giản bởi không nơi nào khác trên thế giới có quy mô và sự phong phú về thực tiễn sản xuất điện tử tiêu dùng như ở Trung Quốc. Hầu như không nơi nào có thể bắt chước và đuổi kịp Trung Quốc về khả năng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng và tốc độ đưa ra các sản phẩm mới, theo GS Willy Shih ở Đại học Kinh tế Harvard.
Trong khi đó, các nước phát triển chỉ có thể giữ được vị thế dẫn đầu của mình về ĐMST trong một số lĩnh vực mà họ giữ được các cơ sở sản xuất trong nước, ví dụ như người Đức vẫn giữ được vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực công cụ chính xác và robot tự động, hay người Mỹ trong sản xuất máy bay, ô tô. Nhìn chung, Mỹ vẫn đang giữ vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển công nghệ trên toàn thế giới, nhưng điều đó chỉ có thể duy trì nếu họ tiếp tục giữ chân được các ngành sản xuất công nghiệp trên sân nhà của mình.
Hoàng Tuấn Anh tổng hợp
Vì sao Apple vẫn thành công với mô hình thiết kế ở Mỹ, sản xuất ở Trung Quốc? Lâu nay, công ty Apple vẫn nổi tiếng với các sản phẩm được thiết kế ở California, Mỹ, nhưng lại được sản xuất lắp ráp tại Trung Quốc. Công thức này cho phép Apple có thể thành công với một cấu trúc công ty không nhiều tài sản cố định và đội ngũ nhân viên ít hơn hẳn so với các công ty khác cùng đẳng cấp. “Tại sao các công ty khác không làm được như Apple?”, GS Suzanne Berger ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) qua nghiên cứu tổ chức sản xuất của hàng trăm công ty toàn cầu, đã nhận ra rằng, Apple không có sự tách biệt rạch ròi giữa sản xuất và thiết kế công nghệ như người ta vẫn nghĩ. Nhiều kỹ sư Apple dù làm việc tại California nhưng cũng phải bỏ ra ít nhất 50% quỹ thời gian của họ ở Trung Quốc khi các sản phẩm mới được đưa ra thị trường. Một kỹ sư giải thích với Berger rằng, việc các kỹ sư của Apple có mặt ở Trung Quốc là vô cùng quan trọng vì hai lý do: một là để phát hiện những vấn đề phát sinh khi các sản phẩm mẫu từ Mỹ được sản xuất đại trà ở Trung Quốc, và hai là để “hiểu xem tôi đã bỏ qua những gì trong quá trình thiết kế, mà khi hiểu hơn về quá trình sản xuất tôi có thể làm tốt hơn”. |