DN Việt hào hứng với công nghệ nông nghiệp từ Israel
Ba doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của Israel vừa có cuộc giới thiệu đến gần 20 doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam những cách làm để tạo bước đột phá trong nông nghiệp hiện nay.
Nông nghiệp Israel có gì?
Những chuyên gia Israel cho rằng, Việt Nam là một đất nước có nền nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng, tuy nhiên đa số các vùng nông nghiệp của Việt Nam còn canh tác theo hướng lạc hậu và kém hiệu quả. Vì thế, doanh nghiệp Israel đã giới thiệu đến những cách làm để tạo bước đột phá trong nông nghiệp hiện nay. Tiêu biểu như: nhân giống và cung cấp các gói giải pháp phòng chống côn trùng có hại trong nông nghiệp bằng thiên địch, hạn chế sử dụng hóa chất trừ sâu; tư vấn và xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc và gia cầm, cũng như các công trình phụ trợ khác cho ngành chăn nuôi như trại ấp trứng, trại cung cấp thức ăn, trại giết mổ; lập kế hoạch, tư vấn và quản lí trực tiếp các dự án nông nghiệp… nhằm giúp sản lượng trong các trang trại Việt có thể tăng lên 25%-100%, chất lượng hàng hóa đủ để xuất qua các thị trường như Nhật, EU…
Ông Omri Horowitz – Chủ tịch Ban Việt Nam – Israel thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, “cùng với nhau, Việt Nam và Israel có thể tạo ra rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong nông nghiệp, cách mà doanh nhân Israel làm là hợp tác trong một chuỗi để đi đến thành công”. Hiện nay, những công ty này đã có mặt tại gần trên 40 quốc gia trên thế giới ở những nước có nền nông nghiệp hiện đại như Nhật, Colombia…
Bà Đỗ Ngọc Lan, đại diện công ty Green 2000 (Israel) giới thiệu, khu vắt sữa bò mà Green 2000 xây dựng có thể biết được bò có khỏe không, thời kỳ nào là động dục. Riêng hệ thống tưới nhỏ giọt, sản xuất giống của Israel đã có một số doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng như Trung Nguyên, Dalat Gap. Bà Lan nói, “giống của Green 2000 có doanh nghiệp Đà Lạt Gap dùng thường xuyên và chất lượng thì các bạn hãy nhìn họ xuất sản phẩm của mình qua Nhật và đánh giá”.
Trong khi đó, ông Moshe Cohen đại diện công ty Bio Bee nói “chúng tôi mong muốn cung cấp tới Việt Nam sản phẩm ong nghệ để các doanh nghiệp đang trồng cây trong nhà kính có sự đột phá mới. Với những con ong nghệ trong nhà kính, nó sẽ giúp cho việc thụ phấn được dễ dàng, hơn nữa còn giúp tăng sản lượng lên 25%”. Ngoài ra, ông Moshe Cohen còn giới thiệu đến những loại thiên địch (côn trùng có lợi), loại thiên địch này sẽ tiêu diệt những côn trùng có hại để giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển. Sử dụng thiên địch giúp người dân không lo bị tiếp xúc với hóa chất độc hại, sản phẩm có chất lượng cao hơn, bán được giá hơn và tốt cho môi trường.
Nút thắt liên kết ở đâu?
Ông Lê Văn Cường, GĐ công ty Đà Lạt Gap cho rằng, những con thiên địch và ong nghệ của Israel rất tốt cho doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao như Đà Lạt Gap. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có quy định, chính sách trong việc nhập loại thiên địch hay côn trùng này. Theo ông Cường, những sản phẩm của Bio Bee đã đến hơn 30 nước trên thế giới, trong đó có những nước khắt khe như Nhật thì không có lý do gì mà Việt Nam lại không cho nhập như hiện nay. Vì thế ông Cường mong rằng, các ngành chức năng hãy quan tâm đến vấn đề này.
Trong khi đó, ông Phạm Hi Bách, đại diện công ty Tropdicorp phân tích: Nhiều công ty áp dụng công nghệ cao và sử dụng nhà kính để trồng cây. Hệ thống nhà kính rất cần loại ong nghệ thụ phấn cho cây. Tuy nhiên, trước khi nhập loại ong này về chúng ta cũng cần phải thử nghiệm, nghiên cứu và xem xét sao cho hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất.
“Nếu doanh nghiệp nào có nhu cầu, chúng tôi sẽ gửi sang mẫu ong nghệ, sau đó nếu mọi việc tiến triển tốt chúng tôi sẽ đặt luôn chi nhánh để cung cấp ong nghệ cho việc thụ phấn cho hoa và cây trồng. Giống ong nghệ này đã cung cấp cho hơn 30 quốc gia trên thế giới (Nhật, Chile, Nga, Ấn Độ…và chúng tôi rất mong Việt Nam là nước tiếp theo”, ông Omri Horowitz nói.
Ông Rami Friedman, đại diện của Bio Bee khẳng định khi được doanh nghiệp hỏi về vòng đời của thiên địch, “với những loại thiên địch này, sau khoảng từ 6 – 8 tuần chúng sẽ tự chết sau khi làm xong nhiệm vụ của mình”. Một số ý kiến cho rằng, đưa thiên địch vào Việt Nam phải làm thí nghiệm và rất tốn tiền. Phía Israel khẳng định, họ sẵn sàng hợp tác với các đối tác từ Việt Nam và làm theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Minh Toại, GĐ Sở Công thương Cần Thơ cho hay, đây là những mô hình rất hiện đại, rất hay, nếu xem xét và có những áp dụng ở Việt Nam thì sẽ tạo ra những sự thay đổi lớn trong nông nghiệp:“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi, nghiên cứu xem có thể áp dụng những công nghệ cao này ở đâu trong cơ cấu ngành nông nghiệp của Cần Thơ”.
Là một địa phương có nền nông nghiệp đang phát triển theo hướng hiện đại rất mạnh, tỉnh Đồng Tháp cũng hào hứng trong việc hợp tác nghiên cứu này. Ông Nguyễn Thanh Hùng, PCT UBND tỉnh Đồng Tháp nhận xét, để đưa tỉnh phát triển là một tỉnh có nền nông nghiệp hiện đại thì rất cần những đối tác giỏi giang và kinh nghiệm như Israel. Hy vọng sẽ tìm thấy sự hợp tác của hai bên trong thời gian tới.