DNA người cổ đầu tiên cho thấy manh mối tuyến di cư quan trọng ở châu Á

Một di cốt 7.000 năm tuổi được tìm thấy ở Sulawesi, Indonesia có thể là di cốt đầu tiên được tìm thấy từ một nền văn hóa cổ đại còn ít được nghiên cứu, được gọi là Toaleans. Đây là một phần của khu vực Wallacea, nằm ở trung tâm của xứ vạn đảo Indonesia.


Ảnh: Đại học Hasanuddin.

Di cốt gần như hoàn chỉnh này là của một phụ nữ thời kỳ đồ đá, khoảng 18 tuổi được trong một hang động đá vôi trên đảo Sulawesi, được tìm thấy vào năm 2015. Mới đây, DNA trích xuất từ hộp sọ cho thấy người phụ nữ có chung tổ tiên với người New Guinea và thổ dân Úc, cũng như với một loài người cổ đại đã tuyệt chủng.

Adam Brumm, nhà khảo cổ học tại Trung tâm Nghiên cứu về Tiến hóa của loài người tại Đại học Griffith ở Brisbane, Australia cho biết: “Đây là lần đầu tiên tìm thấy DNA của người cổ đại trong khu vực đó”.

Nhóm nghiên cứu cho rằng di cốt của người phụ nữ này có thể là của cư dân Toalean. Trước đây có rất ít các bằng chứng khảo cổ học về người Toalean, chẳng hạn như một số công cụ đá có khía đặc biệt được cho là của những người đã sống ở Sulawesi thời đồ đá.

Cửa ngõ vào Australia

Lần này, di cốt được tìm thấy cùng với các công cụ kiểu Toalean, cung cấp thêm bằng chứng trực tiếp mạnh hơn về nền văn hóa cổ đại còn ít được biết đến này.

Wallacea là cửa ngõ mà tổ tiên của người Papua New Guinea và thổ dân Châu Úc ngày nay đi qua, nhưng rất ít di cốt người cổ đại được phát hiện ở đó. Một trong những di cốt nổi tiếng nhất được tìm thấy là của loài người nhỏ bé Homo floresiensis, được tìm thấy trên đảo Flores, phía nam Sulawesi.

Môi trường nhiệt đới nóng ẩm khiến cho  DNA bị phân hủy nhanh chóng theo thời gian, may mắn là di cốt này vẫn còn giữ được thông tin di truyền này. Nhóm nghiên cứu cho rằng việc di cốt được bảo quản bên trong hang động đá vôi Leang Panninge có thể đã giúp giữ cho di cốt còn đủ DNA để phân tích.

Phân tích bộ gene đã “cung cấp nhiều hiểu biết sâu sắc hơn về con đường di chuyển và sự đa dạng di truyền của người cổ ở đây”, Brumm cho biết. 

Làn sóng di cư

Selina Carlhoff, tại Viện Max Planck của Đức về Khoa học Lịch sử Nhân loại, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết bộ gene của người phụ nữ có những điểm liên quan tới thổ dân Úc ngày nay và người Papua New Guinea.

Có thể tổ tiên của di cốt người phụ nữ này nằm trong làn sóng những người di cư qua Sulawesi để đến Úc và New Guinea vào khoảng 50.000–60.000 năm trước, nhưng riêng nhánh của cô đã hình thành một nhóm nhỏ vẫn ở Sulawesi. Hoặc có một khả năng khác là tổ tiên của cô là một phần của làn sóng từ Úc và New Guinea di cư quay trở lại Wallacea.

Bộ gene của người phụ nữ cũng chứa DNA Denisovan. Người Denisovan là một phân loài người cổ đại, độc lập so với Homo sapien và Neandertal, đã tuyệt chủng sống cách đây 500.000–30.000 năm, người ta mới chỉ biết đến người Denisovan qua những bằng chứng khảo cổ học ở Siberia và Cao nguyên Tây Tạng. Dấu hiệu di truyền của người Denisovan – cũng được tìm thấy ở những người ở Úc và New Guinea – cho thấy Wallacea có thể là một khu vực mà cả người Denisovan và người hiện đại sống xen kẽ và giao lưu.

Dấu vết di truyền ở cư dân hiện đại

Khu vực xung quanh Leang Panninge ngày nay là nơi sinh sống của những người thuộc các nền văn hóa Bugis và Makassar của Indonesia. Những người này là hậu duệ của những người Nam Đảo (Austronesia) từ Đài Loan đến mới trong khoảng 3.500 năm trước.

Bộ gene của người phụ nữ không cho thấy dấu vết của DNA của người Nam Đảo, bởi vì cô đã sống rất lâu trước khi người Nam Đảo tới. Nhưng một câu hỏi quan trọng đối với các nhà nghiên cứu là liệu người Bugis và Makassar có quan hệ với nhóm cổ xưa của cô ấy.

Các nhà khoa học Indonesia tham gia vào dự án nghiên cứu đã đặt tên cho người phụ nữ là Bessé “trong tiếng Bugis có nghĩa là ‘phụ nữ trẻ’ “, Muhammad Nur, Đồng tác giả nghiên cứu, một nhà khảo cổ học tại Đại học Hasanuddin ở Nam Sulawesi, cho biết: “Mặc dù khác biệt về thể chất so với dân cư hiện nay đang sinh sống ở Sulawesi, nhưng Bessé vẫn được coi là một phần của lịch sử của cư dân trên đảo.

Brumm nói rằng cho đến nay không có dấu vết nào về mối liên hệ di truyền của di cốt Bessé với các mẫu lấy từ những cư dân hiện đại của Sulawesi. Tuy nhiên, cũng có thể là do dân số đa dạng và chưa được lấy mẫu đầy đủ.

Brumm cũng nêu một giả thiết: “Cũng có thể hậu duệ của người Toalean này đã tồn tại và sinh sống ở một số vùng của Nam Sulawesi cho đến gần đây, và gene của họ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù nền văn hóa của họ đã biến mất hàng ngàn năm trước”.

Bảo Như dịch

Nature doi: https://doi.org/10.1038/d41586-021-02319-7

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)