Doanh nghiệp ÐBSCL vẫn “loay hoay” trước bài toán công nghệ

Chiều ngày 24/3/2015, trong khuôn khổ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại An Giang, điểm đến mở đầu của chuỗi hội chợ năm 2015, 150 người gồm nông dân An Giang và các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp địa phương, các nhà nghiên cứu từ TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh khác, cùng lãnh đạo chính quyền các tỉnh, lãnh đạo các Sở KH&CN tham gia cuộc hội thảo “Giải pháp tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo trong tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL” nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa nhà sản xuất với giới nghiên cứu KH&CN. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều dẫn chứng về những “loay hoay” khá lâu của doanh nghiệp đồng bằng trước bài toán công nghệ. Cơ sở muối sấy Ngọc Yến ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) tự chế ra máy xay ớt, hiện thời khó khăn lớn nhất là cần chiếc máy sấy muối ướt, nhưng đặt hàng nhiều xưởng cơ khí chưa ai làm được. Cơ sở Bánh hạnh nhân Tiến Anh (An Giang) muốn tìm máy làm bánh hạnh nhân hình bông mai nhưng không nơi nào  đáp ứng vì chất liệu bột khá đặc biệt, cơ sở phải mày mò tự làm, mất mấy năm mới tạm ổn. Cty Bột thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp) đã  làm ra miến ăn liền từ khoai lang, xuất được qua Mỹ, Hàn Quốc và bán chạy trong nước, nhưng đến giờ vẫn phải mua bột nguyên liệu chế biến từ khoai lang của các nhà máy Hàn Quốc ở Bình Dương mà oái ăm thay, các nhà máy này đi mua khoai nguyên liệu từ tỉnh Đồng Tháp, Vịnh Long… lân cận.

Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều nhưng trước hết là do mối quan hệ giữa viện, trường và doanh nghiệp vẫn còn có lỏng lẻo. Trước việc anh Hà Xuân Long, giám đốc Cty CP Ramsa, tỉnh Đồng Tháp, muốn tìm công nghệ kéo dài thời gian bảo quản thành phẩm sữa sen, sau khi đã ứng dụng  thành công nghiên cứu chế biến sữa từ sen của trường ĐH Cần Thơ, ông Đỗ Việt Hà, phó trưởng BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh khẳng định, không khó, chúng tôi mời anh khăn gói lên, chịu khó ở lại Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ của chúng tôi chừng một tuần, mười ngày cùng làm với các chuyên gia…

Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Cty CP công nghệ sinh học Nấm Việt đang tìm kiếm công nghệ sấy mộc nhỉ, và ngay lập tức, tại hội trường có bốn ứng viên cùng đưa ra giải pháp.

PGS TS Dương Văn Chín, GĐ Trung tâm nghiên cứu Định Thành (Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang-AGPPS) chia sẻ quá trình thương mại hóa các thành tựu nghiên cứu khoa học của các Viện-trường trong xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo của AGPPS và mong muốn dưới sự  điều phối chung của Bộ KH&CN, các Viện trường nghiên cứu sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc giới thiệu công khai các thành quả nghiên cứu, công nghệ mới, và cùng doanh nghiệp bàn thảo để tiến tới thương lượng chuyển giao đưa công nghệ mới vào quá trình sản xuất nông nghiệp càng nhanh càng giảm được bất lợi thế của nông nghiệp Việt Nam.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)