Doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu lao động và yếu năng lực
Báo cáo của Viện McKinsey Toàn cầu (MGI) cho thấy Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng chậm lại do hạn chế về số lượng, chất lượng lao động, và năng lực doanh nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, hai động lực đầu tiên đang ngày càng giảm sức đóng góp vào tăng trưởng. Theo thống kê chính thức của Việt Nam, mức tăng trưởng của nguồn lao động sẽ giảm còn 0,6% mỗi năm trong vòng một thập kỷ tới, giảm từ 2,8%/năm trong giai đoạn 2000 – 2010. Trong bối cảnh lao động đã dịch chuyển khá nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ trong thập kỷ vừa qua, nhiều khả năng sự dịch chuyển sẽ không thể tăng tốc cao hơn nữa để có thể bù đắp sự suy giảm của tổng thể nguồn lao động.
Viện McKinsey Toàn cầu (MGI) là một doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu của công ty McKinsey & Company, được thành lập năm 1990 vì mục tiêu phát triển tri thức về sự phát triển kinh tế toàn cầu, phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chính sách của các doanh nghiệp, Chính phủ, các tổ chức xã hội. McKinsey & Company có hoạt động tư vấn ở hơn 50 quốc gia. Văn phòng tại Hà Nội của McKinsey được thành lập từ năm 2008. MGI đã có những báo cáo chi tiết ở hơn 20 quốc gia, 30 ngành công nghiệp. 6 lĩnh vực nghiên cứu chính bao gồm: năng suất và phát triển; các thị trường tài chính toàn cầu; công nghệ và cải tiến; đô thị hóa; tương lai lao động; và tài nguyên thiên nhiên. Các nghiên cứu MGI tham vấn cho những nhà kinh tế hàng đầu, trong đó có những người từng đoạt giải Nobel. |
Thay vào đó, Việt Nam cần tìm cách để mức tăng trưởng năng suất lao động tăng gấp đôi, đạt 6,4%, mới có thể giúp nền kinh tế đạt mục tiêu của Chính phủ là 7 tới 8% GDP vào năm 2020. Nếu năng suất không tăng, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm xuống còn khoảng 5% hằng năm. Để thấy sự khác biệt, chúng ta có thể so sánh GDP năm 2020 lũy tiến theo hai mức tăng trưởng: vào năm 2020, GDP với mức tăng trưởng là 5%/năm sẽ thấp hơn 30% so với GDP của mức tăng trưởng 7%.
Việc đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6%/năm là một thách thức lớn, nhưng không phải không làm được. Tuy nhiên, những thay đổi dè dặt sẽ không giúp đạt được mục tiêu này. Việt Nam cần một sự cải tổ cấu trúc sâu rộng, và một sự cam kết mạnh mẽ, bền vững từ các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp. Lâu nay, nhiều công ty đã thành công ở Việt Nam nhờ vào nguồn lao động tăng nhanh, ổn định, dồi dào, và rẻ. Trong tương lai, những lợi thế này sẽ không còn nữa. Do đó, các doanh nghiệp sẽ cần có những biện pháp nhằm đảm bảo mô hình kinh doanh và tài chính của mình đủ vững vàng để vượt qua những giai đoạn kinh tế tăng trưởng thấp, hoặc thậm chí các biến động kinh tế.
Những thách thức cho Việt Nam
Trước mắt, Việt Nam cần thích nghi với một môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang chịu những rủi ro cao do sức ép kinh tế vĩ mô, trong đó đáng kể là tình trạng lạm phát cao, hệ quả của những chính sách của Chính phủ cố gắng níu kéo mức tăng trưởng ổn định bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Từ đầu năm 2009, xuất khẩu và FDI của Việt Nam giảm mạnh, và tới nay tương lai vẫn bất định dù xuất khẩu đã phục hồi. Sự phục hồi chậm chạp của Mỹ và châu Âu, khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, đã làm gia tăng thêm những bất ổn ngắn hạn. Để đối phó với suy thoái kinh tế, Chính phủ Việt Nam dựa vào chính sách kinh tế vĩ mô thả lỏng, gây ra không chỉ lạm phát mà cả thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại, và tình trạng tỷ giá bất ổn định. Nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực tài chính đang căng thẳng, và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã đánh tụt hạng tín nhiệm các khoản vay của Việt Nam.
Về lâu dài, thách thức cho Việt Nam còn lớn hơn. Do sự suy giảm của các động lực cơ bản giúp duy trì tăng trưởng ổn định trước đây – như nguồn lao động trẻ và tăng nhanh, sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ – Việt Nam sẽ cần những động lực tăng trưởng mới. Mức tăng trưởng nguồn lao động, lâu nay là động lực đóng góp khoảng một phần ba sức tăng trưởng kinh tế, hiện đã bắt đầu giảm xuống. Một số doanh nghiệp bắt đầu báo cáo về tình hình thiếu lao động ở những thành phố lớn. Năm 2020, dự kiến dân số độ tuổi từ 5 tới 19 sẽ chỉ còn 22%, trong khi mức năm 2010 là 27%, năm 1999 là 34%.
Độ tuổi trung bình của Việt Nam không phải là cao, 27,4 năm, tương đối trẻ so với ở những nước khác, như của Trung Quốc là 35,2 năm. Tuy nhiên, dân số Việt Nam cũng đang già đi. Theo con số dự đoán của Chính phủ, nguồn lao động Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 0,6%/năm trong vòng một thập kỷ tới, giảm ba phần tư so với mức tăng 2,8% trong giai đoạn 2000-2010. Như vậy, tăng trưởng nguồn lao động sẽ tiếp tục đóng góp dương vào GDP, nhưng thấp hơn đáng kể so với thập kỷ trước.
Sức tăng trưởng của Việt Nam lâu nay có một phần đáng kể là do tốc độ dịch chuyển rất nhanh từ các làng mạc sang thị trấn, thành thị – từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ với năng suất tương đối cao hơn. Tuy nhiên, xu thế tái cơ cấu này cũng khó có thể tiếp tục được đẩy mạnh nhanh chóng. Thậm chí dù tốc độ tái cơ cấu này có rất nhanh thì cũng không đủ bù đắp được sự suy giảm sức tăng trưởng nguồn lao động. Nếu năng suất các ngành cứ giữ nguyên như hiện nay, dân số tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải dịch chuyển rất nhanh sang các lĩnh vực khác, với tốc độ cao gấp đôi so với tốc độ dịch chuyển trong thập kỷ trước – mà điều này rất khó xảy ra vì độ tuổi người làm nông nghiệp đang già đi, và số lượng người làm nông nghiệp đã giảm với tốc độ khá mạnh trong vòng mười năm qua.
Để đạt mức tăng trưởng GDP 7%/năm, năng suất lao động của Việt Nam cần có mức tăng trưởng là 6,4%/năm. Nếu không đạt mức tăng này, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống còn 4,5-5%/năm, thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu 7%/năm của Chính phủ. Với mức tăng trưởng 4,5-5%/năm, GDP năm 2020 sẽ thấp hơn 30% (khoảng 46 tỷ USD) thấp hơn so với mức tăng trưởng 7%/năm. Tiêu dùng tư sẽ thấp hơn 30 tỷ USD, và kinh tế Việt Nam sẽ mất 14 năm thay vì 10 năm để tăng gấp đôi quy mô.
Ảnh hưởng tới các doanh nghiệp
Tác động của triển vọng kinh tế Việt Nam tới các doanh nghiệp tùy thuộc vào tính chất doanh nghiệp là sản xuất kinh doanh phục vụ trong nước hay nước ngoài. Những doanh nghiệp thiên về kinh doanh phục vụ trong nước như trong lĩnh vực tài chính hay bán lẻ sẽ chịu nhiều nguy cơ do tăng trưởng trong nước chậm lại, hơn là các doanh nghiệp thiên về xuất khẩu. Triển vọng tăng trưởng của các ngành khác nhau khá nhiều nên mỗi doanh nghiệp sẽ phải xử lý những vấn đề gắn với đặc thù riêng của ngành mình.
Tư duy gia tăng chất lượng làm việc của nhân viên chưa phổ cập ở các doanh nghiệp Việt Nam. Những doanh nghiệp sở hữu bởi gia đình, chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế, tới nay vẫn cưỡng lại xu hướng đòi hỏi cải cách năng lực quản trị. |
Nguồn lao động tăng chậm lại cũng sẽ tác động đáng kể tới các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư từng hình dung Việt Nam là một nền kinh tế chi phí rẻ và nhiều lao động, nhưng nay họ sẽ phải điều chỉnh kỳ vọng của mình.
Vấn đề của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Nhiều nhà đầu tư từng mở cơ sở sản xuất ở Việt Nam chủ yếu do muốn phòng ngừa rủi ro ở Trung Quốc. Tuy nhiên, họ chưa đánh giá đầy đủ triển vọng, gồm cả những mặt tiêu cực và tích cực, trong việc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Những doanh nghiệp này nên tránh sa lầy quá sâu, vì kinh tế Việt Nam có thể sẽ không thể tăng trưởng mạnh như trong quá khứ, và phải đảm bảo mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mình vận hành ổn định ngay cả trong trường hợp lương lao động gia tăng đáng kể.
Nhiều dư luận và căn cứ thống kê đã khẳng định rằng Việt Nam đang giảm dần lợi thế về lương lao động thấp. Vì vậy các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu, và các liên doanh với nước ngoài cần phải gia tăng năng suất để có thể cạnh tranh. Các liên doanh với nước ngoài nên đàm phán với các cấp chính quyền để giảm các rào cản xung quanh những hoạt động có ích cho cả đôi bên, ví dụ các chương trình cải thiện đào tạo nghề, hoặc gia tăng tỷ trọng đầu tư cho máy móc thiết bị trong mô hình sản xuất.
Hiện nay vấn đề dạy nghề đặc biệt quan trọng. Nhiều liên doanh với nước ngoài đã phàn nàn về tình trạng thiếu lao động cơ bản trong lĩnh vực công nghiệp cũng như dịch vụ. Các thống kê cho thấy tình trạng thiếu kỹ sư và quản lý tầm trung đủ năng lực ở Việt Nam trầm trọng hơn so với ở các nước đang phát triển khác. Các liên doanh với nước ngoài, các cấp chính quyền, và các cơ sở, tổ chức giáo dục trong và ngoài nước cần có sự phối hợp để giải quyết tình trạng này.
Khu vực kinh tế tư nhân
Các doanh nghiệp khu vực tư nhân của Việt Nam cần ưu tiên hàng đầu việc cải thiện năng lực cạnh tranh bằng những phương thức kinh doanh, sản xuất cập nhật nhất. Những doanh nghiệp này nên chú trọng giá trị dài hạn và lợi nhuận thực chất hơn là tìm cách tối đa hóa doanh thu bề nổi. Quá nhiều doanh nghiệp trong nước ở Việt Nam dành nhiều nguồn lực cho việc cạnh tranh bằng giá cả, và quá ít doanh nghiệp chú trọng vào chất lượng sản phẩm, kiểu dáng, nhãn hiệu, hoặc cung cấp những tính năng sản phẩm ưu việt để đem lại lợi nhuận cao.
Những doanh nghiệp này cần xây dựng những chương trình tuyển dụng và đào tạo nâng cao kỹ năng, năng suất của nhân viên. Họ cũng nên có phương thức chuyên nghiệp hơn trong việc tuyển dụng và thưởng những nhân viên giỏi nhất của mình, qua những khoản thưởng gắn với sản phẩm công việc, và gia tăng phương thức quản lý tự quản.
Tư duy gia tăng chất lượng làm việc của nhân viên chưa phổ cập ở các doanh nghiệp Việt Nam. Những doanh nghiệp sở hữu bởi gia đình, chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế, tới nay vẫn cưỡng lại xu hướng đòi hỏi cải cách năng lực quản trị.
Các doanh nghiệp Nhà nước
Nguồn vốn ngày một hạn chế và gia tăng cạnh tranh khiến các doanh nghiệp Nhà nước phải chủ động tìm cách tăng năng suất trước khi tình thế trở nên bắt buộc. Cải thiện quản lý và quản trị có thể giúp tăng sức cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng. Ví dụ như ở Trung Quốc, cải cách ở các doanh nghiệp Nhà nước đã làm tăng đáng kể năng suất cũng như lợi nhuận.
Theo kinh nghiệm quốc tế, các doanh nghiệp có thể giải quyết tình trạng thiếu lao động bằng cách tự đào tạo vừa học vừa làm. Một giải pháp hỗ trợ mà chính quyền có thể làm là cấp giấy chứng nhận cho những chương trình dạy nghề tại chỗ chứng minh được rằng người lao động sau khi được đào tạo ở đây sẽ thuần thục một số kỹ năng nhất định. Những giấy phép như vậy sẽ khuyến khích người lao động tham gia các chương trình đào tạo của các doanh nghiệp, và khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đào tạo. Chính phủ cũng có thể cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia vào những chương trình giáo dục và dạy nghề, trong đó có sự ưu tiên cho những chương trình đào tạo những kỹ năng phù hợp nhất cho điều kiện phát triển nền kinh tế. |
Các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam cũng cần nhận ra những thiếu hụt về nhân lực trình độ cao, để tích cực tuyển dụng những người điều hành tài năng được đào tạo ở nước ngoài, giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp với quốc tế. Các doanh nghiệp Nhà nước cần tích cực đánh giá, đối chiếu năng lực của mình với những đối thủ cạnh tranh quốc tế hàng đầu, không chỉ để đo lường năng lực quản trị nội bộ mà còn xây dựng những kế hoạch có tính thực tiễn cao cho mục tiêu mở rộng và phát triển sản phẩm.
Trong bối cảnh đó, việc áp dụng những chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ giúp tạo ra những bản đánh giá năng lực chi tiết, cần thiết cho việc xác định những lĩnh vực cần cải thiện. Nhiều tập đoàn Nhà nước lâu đời sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn trong việc doanh nghiệp nào có thể được tiếp tục giữ lại làm vai trò cốt lõi, doanh nghiệp nào phải đào thải vì không có khả năng sinh lợi nhuận.
Việc bán cổ phần ở những doanh nghiệp này vẫn đang là trọng tâm của nhiều cuộc thảo luận chính sách ở Việt Nam. Nhưng đa số những đợt bán cổ phần được thực hiện tới nay vẫn chưa giải quyết được một cách cơ bản những vấn đề về hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vì Nhà nước thông thường vẫn giữ vai trò cổ đông chi phối. Những bước đi quyết liệt hơn trong việc tư nhân hóa và cải thiện năng lực quản trị của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp này thích nghi nhanh chóng hơn với một kỷ nguyên cạnh tranh khốc liệt với quốc tế.
Chính phủ cần cân nhắc kỹ những chính sách hỗ trợ các ngành mũi nhọn
Để thúc đẩy phát triển năng lực doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần xây dựng những chính sách phù hợp với điều kiện phát triển và đặc thù riêng của từng ngành công nghiệp.
Trong những lĩnh vực phát triển nhanh, đòi hỏi nhiều năng lực sáng tạo, và có nhiều đối thủ cạnh tranh toàn cầu, ví dụ như phần mềm và bán dẫn, sự vận động tự nhiên của thị trường toàn cầu và sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là động lực chủ đạo dẫn đến thành công, và rất khó để các Chính phủ gây được ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, điều quan trọng hơn mà Chính phủ cần làm là tạo một môi trường kinh doanh phù hợp để các doanh nghiệp tư nhân có thể tích cực tham gia. |
Ví dụ, ngành công nghiệp điện tử nội địa đang trong giai đoạn phát triển sơ khai, nên chính sách phù hợp hiện nay là khuyến khích sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lắp ráp trong nước và các nhà cung cấp phụ kiện, qua đó làm nổi lên những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ nhất. Một khi những doanh nghiệp này đã đủ khả năng tận dụng thị trường trong nước làm bệ phóng hướng ra thị trường quốc tế, khi đó Chính phủ có thể cân nhắc những chính sách hỗ trợ cụ thể.
Những chương trình hỗ trợ có tính mục tiêu trọng điểm của Nhà nước cần phải được cân nhắc để dùng đúng nơi đúng chỗ. Trong những lĩnh vực phát triển nhanh, đòi hỏi nhiều năng lực sáng tạo, và có nhiều đối thủ cạnh tranh toàn cầu, ví dụ như phần mềm và bán dẫn, sự vận động tự nhiên của thị trường toàn cầu và sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là động lực chủ đạo dẫn đến thành công, và rất khó để các Chính phủ gây được ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, điều quan trọng hơn mà Chính phủ cần làm là tạo một môi trường kinh doanh phù hợp để các doanh nghiệp tư nhân có thể tích cực tham gia. Nhưng ngay cả những chương trình đầu tư hỗ trợ với vai trò tham gia hạn chế như vậy của Chính phủ cũng chưa chắc đã đảm bảo thành công. Malaysia và Singapore đều từng có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ với tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, học theo mô hình thành công của Đài Loan, nhưng đều không đạt được kết quả như mong muốn, và những thất bại đó làm tốn kém của Nhà nước hàng tỷ USD. Vì vậy, để tăng khả năng phát triển bền vững, Chính phủ cần tập trung sự hỗ trợ vào những hoạt động dựa trên cơ sở lý luận kinh doanh vững chắc, với những tiềm năng cao về lợi thế cạnh tranh.
P.V Tia Sáng lược dịch và tổng hợp theo hai báo cáo “Taking Vietnam’s economy to the next level” và “Sustaining Vietnam’s growth: The productivity challenge” của MGI.