Độc đáo chiếu hoa bẹ chuối

Nếu trước đây, thân chuối và bẹ chuối chỉ để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi thì giờ đây, nó đã được dùng làm nguyên liệu đan chiếu, sản phẩm làm ra đẹp không thua gì chiếu lác, chiếu cói. Đó là sáng kiến của ông Nguyễn Phước Quang, chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ Phước Quang (ấp Tây An, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).

Sau khi đan thảm lục bình gia công quá nhiều bấp bênh ông Nguyễn Phước Quang nghĩ đến khả năng dùng bẹ chuối để đan chiếu. Nguyên liệu vô cùng rẻ và dễ kiếm. Anh cho biết: “Người ta đã sử dụng dây chuối làm thành nhiều sản phẩm nhưng quả thật tôi thấy chưa có ai làm chiếu, vì vậy tôi muốn thử một chuyến xem sao. Qua thử nghiệm, thôi thấy dây chuối hột đặc biệt nổi trội hơn nhiều giống chuối khác ở tính dẻo dai”.

Nghề này khó nhất là cân go chỉ (canh chỉ cho ngay hàng) và chỉ đan chiếu chuối bằng dây gân chứ không bằng chỉ làm từ trân bố như đan chiếu lát và số lượng dây cũng nhiều hơn đan chiếu lát.

Để có được đôi chiếu đẹp, người thợ phải khéo léo trong việc đưa khung, xé dây cho đều, phân loại và chọn loại cùng màu. Cứ một cây chuối hột phơi còn hơn bốn kg bẹ chuối khô, cơ sở mua 6.500 đồng/kg. Nếu là chuối xiêm, chuối ngự thì tùy theo cây lớn nhỏ mà cho trọng lượng khác nhau, trung bình 12 kg bẹ dây chuối tươi thu được 1kg bẹ chuối khô. Để có được sản phẩm chiếu từ bẹ chuối đòi hỏi phải kỹ từ khâu đốn chuối, cắt mỗi bẹ dài từ 1,8 đến 2,5 m đem phơi khô, đến việc ngâm nước, xử lý ẩm mốc, xé dây, phân loại  dây, đan, may bìa và thổi hoa văn theo quy trìnnh chặt chẽ và phải đáp ứng thị hiếu thẫm mỹ. Màu để sử dụng nhuộm nguyên liệu cũng đều có nguồn gốc thiên nhiên, không gây độc hại cho người sử dụng.

Ban đầu, ông Quang chỉ dệt thủ công. Sau đợt đi tham quan nghề dệt chiếu ở Đồng Tháp, thấy họ dệt bằng máy nhanh và sản phẩm đẹp hơn nhiều, ông đã tiếp tục mò mẫm nghiên cứu để cải tiến chiếc máy dệt chiếu bàng thành máy dệt chiếu bẹ chuối của riêng mình. Công suất của một máy có thể dệt được 35-40m2.

Sau ba năm miệt mài, anh Quang chào hàng tại các cơ sở bán đồ thủ công mỹ nghệ ở Tri Tôn, Tịnh Biên. Với nhiều kích cỡ khác nhau (1,6 m x 2 m đến chiếu 0,6m x 0,8m), chiếu có hoa văn và màu sắc thiên nhiên khéo léo và hài hòa được nhiều người chú ý. Để đáp ứng nhu cầu từ các đơn đặt hàng, ông Quang đã thuê thêm nhân công. Hiện tại cơ sở của anh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 22 hộ trong ấp.

Hiện nay, cơ sở thủ công mỹ nghệ Phước Quang được siêu thị Co.opMart thành phố Long Xuyên đặt hàng và bán ra như một sản phẩm độc đáo từ nguồn nguyên liệu thô mộc ở làng quê.

Ngoài ra, ông còn được Sở KH&CN An Giang hỗ trợ để Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận độc quyền nhằm tạo điều kiện phát triển lâu dài thương hiệu.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)