Đối thoại với tác giả “Khi Rồng muốn thức dậy”

Sau “Đánh thức con rồng ngủ quên”, TS Phạm Đỗ Chí và nhóm tác giả đã tiếp tục cho ra mắt “Khi rồng muốn thức dậy” nhằm tiếp tục góp ý những chính sách cần thiết để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô đang ở biên giới của một cơn khủng hoảng tài chính và thay đổi mô hình kinh tế để thực hiện tăng trưởng bền vững trong 10 năm tới. Tia sáng đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Đỗ Chí về cuốn sách này.

PV:  Thưa ông, nguyên nhân từ đâu khiến ông có ý định tập hợp biên soạn cuốn sách này?
TS Phạm Đỗ Chí (TS PĐC): Động lực thật sự cho công việc này là hoàn cảnh kinh tế khó khăn của một số đông gia đình công nhân lương thấp ở các thành phố hay nông thôn, được thể hiện trong các bài viết như: “Công chức trẻ cũng có gì hơn” trong cuốn sách. Bài viết  kể về cặp vợ chồng đều là công chức Nhà nước có mức lương tổng thể là 3,2 triệu đồng, phải tằn tiện chi li từng chút một để trả chi phí thuê nhà, nuôi con, sinh hoạt…

Ông kỳ vọng gì khi cuốn sách được xuất bản?
Tương tự như cuốn sách “Đánh thức con rồng ngủ quên” đã xuất bản 10 năm trước, khi xuất bản cuốn sách này, chúng tôi muốn tiếp tục đóng góp các ý kiến cho Nhà nước, Chính phủ nhiều chính sách cần thiết để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô một cách dài hạn và thay đổi mô hình kinh tế để thực hiện được tăng trưởng bền vững trong 10 năm tới.

Ông có thể nhận xét vắn tắt trong 100 chữ về tình trạng của nên kinh tế VN hiện nay được không?

Tôi thấy không gì hay hơn là những điều được vắn tắt sau đây của một tác giả vô danh gửi nhắn tin SMS đến điện thoại nhiều người sáng 13/5/11 như sau đây:  “Đau đầu vì điện. Điên đầu vì đô. Ngây ngô vì vàng. Ngỡ ngàng vì đất. Ngất vì tỷ giá. Ngã vì lãi suất. U uất vì lương. Hết đường với thuế. Ế vì lạm phát. Nát vì giá xăng. Băng hà vì chứng khoán”.

Ông nghĩ về thế hệ Những nhà kinh tế trẻ (tuổi từ 30-40 hiện nay), liệu họ có đủ năng lực và tư duy để cáng đáng công việc về định hình tư duy, chính sách vĩ mô cho nền kinh tế không? Theo ông, họ có những điểm mạnh và điểm yếu nào?

Tôi thật sự thú vị khi tìm ra và mời được sự cộng tác của đa số các tác giả đóng góp là các tác giả trẻ trong nước khi chủ biên cuốn sách mới này. Họ có trình độ học thuật (đa số có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ) và kinh nghiệm kỹ thuật tương đối cao sau nhiều năm (5-7) giảng dạy hay nghiên cứu, và nhất là đều nắm vững tình hình kinh tế đất nước. Họ hoàn toàn đủ sức đóng góp thiết lập các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chỉ có điểm yếu, không phải lỗi của họ, là họ vẫn chưa được dùng trong một cơ quan tư vấn chính sách kinh tế quốc gia có tầm vóc “ngang thời đại” để có các đóng góp xứng đáng về chính sách cho các nhà lãnh đạo hay các cơ quan kinh tế Chính phủ.

Với bối cảnh hiện nay, theo ông, nếu có thể đưa ra 3 hành động mạnh mẽ, quyết liệt và cụ thể để cải cách nền kinh tế… thì đó là 3 biện pháp nào?

Thứ nhất, áp dụng thật sự chính sách tài khóa chặt bằng cách giảm đầu tư công tương đương 2% GDP mỗi năm trong ngân sách (không phải giảm đầu tư công trong danh sách dự án “ảo” của các doanh nghiệp nhà nước, như con số 97.000 tỷ DVN dự án của các DNNN đang được đề nghị cắt cho năm nay 2011) để giảm bội chi ngân sách ngay từ năm nay và trong 2-3 năm tới nhằm giảm áp lực lên chính sách tiền tệ trong trung hạn và giúp tích cực chặn mức lạm phát xuống dưới 5% một năm từ năm 2012.

Thứ hai, thật sự áp dụng cơ chế thị trường cho nền kinh tế, cho khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chủ đạo.

Thứ ba, nâng cao vai trò nông nghiệp và nông thôn nhằm tăng cường mãi lực của thị trường nội địa trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới, thay vì mô hình cũ dựa vào xuất khẩu và đầu tư công cao.

Năm 2001, cuốn sách “Đánh thức con rồng ngủ quên” do TS Phạm Đỗ Chí làm chủ biên đã ra mắt người đọc giữa thời kỳ Đổi Mới để góp ý về các chính sách  vĩ mô và phát triển kinh tế trên bình diện rộng lớn bao gồm lý thuyết kinh tế và định hướng cơ cấu, thể chế, xã hội, giáo dục, vv.  Sách nhấn mạnh cơ chế “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ”ond best” (gần tối ưu) mà Việt Nam và cả Trung Quốc đã chọn lựa.

Sau hơn 20 năm áp dụng cơ chế nói trên tại Việt Nam, những kết quả thuận lợi (tăng trưởng nhanh, xóa đói giảm nghèo, vv) cũng như bất lợi (bất ổn định vĩ mô, nền kinh tế không hiệu quả, ICOR tăng gấp đôi từ 4 lên 8, vv) chúng ta đều thấy rõ.  Đặc biệt, sự chênh lệch quá mức về thu nhập và tài sản trong xã hội đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho một khối đông dân cư như công nhân viên, công nhân tại các thành phố và dân nghèo ở nông thôn. Đa số họ đang phải vật lộn trong cuộc sống hằng ngày với lạm phát hai con số, trong khi một thành phần khác được tiếp tục thụ hưởng các đặc lợi kinh tế một cách bất quân bình.

Và với tình trạng lãi suất và BĐS căng thẳng như hiện nay, ông nghĩ chúng ta/Chính phủ nên làm gì và dự đoán của ông đối với lãi suất và thị trường BĐS?
Thị trường BĐS Việt Nam phức tạp và còn tùy thuộc hình thức đất hay nhà cùng yếu tố quan trọng là địa điểm từng vùng. Tuy nhiên, một phân khúc của bong bóng BĐS đang “xì hơi” dần là các căn hộ cao cấp giá xuống 20-30% trong năm nay và được dự báo sẽ còn giảm độ 10-20% nữa trong năm 2012, nhưng bóng khó nổ tung do các tài sản BĐS ở VN phần lớn được trả bằng tiền mặt chứ không do tín dụng ngân hàng như ở nhiều nước khác.

Việc thu hẹp nguồn cung VND nằm trong một kế hoạch tổng thể nhằm nâng giá trị cho đồng nội tệ, tạo sức ép để các Ngân (NHTM) phải bán ra USD cho NHNN. Trong quý II và quý III, thị trường tiền tệ có thể sẽ tiếp tục căng thẳng và mặt bằng lãi suất VND vẫn đứng ở mức cao. Nguyên nhân chính là do khối tín dụng lớn chung quanh 350.000 tỷ VND cho khu vực bất động sản vẫn còn bị đóng băng. Với quyết định dưới nghị quyết 11 là giảm mức tăng tín dụng tổng thể năm nay xuống dưới 20%, NHNN đã thêm thông tư giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất (gồm chứng khoán và BĐS) xuống 22% vào tháng 6/2011 và dưới 16% vào cuối năm.

Việc tuân thủ các qui định này của NHNN sẽ duy trì tình trạng căng thẳng thanh khoản và buộc một số NHTM phải giảm tín dụng BĐS, và theo đó nhiều chủ đầu tư khu vực BĐS (nhất là cho các dự án căn hộ cao cấp) phải xét đến việc giảm giá quan trọng, như dự đoán trên đây, nếu muốn trả bớt số vay. Nợ xấu sẽ tăng nhiều. Nếu chính sách tín dụng thắt chặt được NHNN tiếp tục áp dụng, không loại trừ khó khăn phá sản phải sáp nhập cho vài ngân hàng nhỏ.

Trong bối cảnh đó, CP không còn lựa chọn nào khác hơn là tích cực áp dụng nghị quyết 11, nhất là việc thắt chặt thật sự chính sách tài khóa, để giảm lạm phát từ quý II và sau đó sang quý III, hy vọng giảm mặt bằng lãi suất để giúp BĐS từ từ ra khỏi tình trạng đóng băng hiện tại.

Nguyễn Cảnh Bình thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)