Đồng phục và cá nhân

Câu chuyện thời trang về lựa chọn tối giản hay tối đa, mỗi ngày một bộ hay ngày nào cũng một bộ, sau cùng vẫn là quá trình khám phá và xây đắp bản sắc cá nhân. Rồi sau đó là mình muốn thể hiện bản thân ra sao, lựa chọn có chủ đích và kiên định với những quyết định ấy.

“Đồng phục” áo cổ lọ đen quần bò xanh không chỉ vừa vặn về công năng, phù hợp với công việc thường ngày của Steve Jobs, mà còn thống nhất với tính cách thương hiệu Apple: gọn gàng, tối giản.

TỪ BỘ QUẦN ÁO BIỂU TƯỢNG CỦA STEVE JOBS

Cuốn tiểu sử Steve Jobs của nhà báo Walter Isaacson có kể lại rằng, trong chuyến đi Nhật vào thập niên 80, cựu CEO và nhà đồng sáng lập Tập đoàn Apple – Steve Jobs đã tới thăm một nhà máy của Sony. Ông thấy thích thú với đồng phục của các nhân viên tại đây. Sau đó, Steve Jobs hỏi chủ tịch Sony lúc bấy giờ – Akio Morita về chuyện này và nhận được câu trả lời có đôi phần ngại ngùng rằng: sau chiến tranh, hầu như mọi người đều thiếu quần áo mặc, vậy nên công ty phải phát trang phục lao động cho nhân viên. 

Đồng phục thương hiệu của Sony là một chiếc áo khoác phi giới tính, không cổ, màu be nhạt với viền kẻ màu đỏ, có thể tháo rời tay áo, có nhiều túi, làm bằng chất liệu nylon. Chiếc áo tiện lợi và bền bỉ này khoác trên người từ CEO cho đến những nhân viên cấp thấp nhất khi đó đã góp phần gắn kết các nhân viên trong công ty. Đây là một mẫu áo được đặt riêng, do Issey Miyake thiết kế năm 1981. Ông là nhà thiết kế thời trang tên tuổi người Nhật, đã có nhiều phát kiến trong công nghệ dệt may. Nổi bật như kỹ thuật ép nhiệt tạo nếp xếp li hay kỹ thuật A-POC (a piece of cloth) nhằm giảm thiểu tối đa vải vụn thừa trong công đoạn cắt may. Các thiết kế của ông hiện được trưng bày trong các bảo tàng lớn ở Mỹ như Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan hay Bảo tàng Nghệ thuật đương đại… 

Steve Jobs rất hào hứng với ý tưởng dùng trang phục để kết nối nhân viên. Ông liên hệ Issey Miyake để lên vài mẫu áo vest cho Apple. Khi chia sẻ dự định này, ông thậm chí đã bị nhân viên Apple la ó. Ai cũng ghét ý tưởng này của sếp. 

Từng món đồ được Steve Jobs lựa chọn có chủ đích, phản ánh bản thân Steve Jobs: sự say mê với văn hóa và lối tư duy của người Nhật (nhất là phong cách tối giản và trau chuốt trong thiết kế nói chung) song hành cùng văn hóa đại chúng Mỹ qua những món đồ từ các hãng thời trang quen thuộc của Mỹ là quần jeans Leviʼs và giày sneakers New Balance.

Tuy vậy, Steve Jobs vẫn giữ ý định này. Thay vì áp dụng cho tập thể, ông áp dụng cho cá nhân mình. Ông đặt hàng Issey Miyake mẫu áo được cải tiến từ một thiết kế kinh điển của Miyake. Mẫu áo cổ lọ màu đen, trơn, không có nếp gấp ở viền cổ, đem lại cảm giác thoải mái như áo phông đồng thời vẫn có đường nét tối giản mà cá tính của một chiếc áo khoác. Chiếc áo này cùng với quần bò xanh ống đứng cơ bản Leviʼs (mẫu 501 classic) và đôi giày thể thao New Balance(mẫu 992) đã lần đầu tiên thành công tạo nên hình ảnh kinh điển của một vị CEO công nghệ thành đạt.  

Sau này, ông chủ Facebook – Mark Zuckerberg cũng dùng cách thức tương tự: áo phông cộc tay màu xám, quần jeans tối màu, giày thể thao Nike, thi thoảng kèm thêm áo hoodie có mũ; nhưng lại không trở thành một hình mẫu tiêu biểu được nhớ tới như Steve Jobs. Vì sao lại như vậy?  

Khái niệm “đồng phụcˮ (uniform) đã có nhiều thay đổi, mở rộng. Trước kia, đồng phục chỉ dành cho tập thể. Mặt tích cực là có thể tạo kết nối, tăng tính đoàn kết, cảm giác “được thuộc vềˮ, giảm phân biệt (giàu nghèo, tuổi tác, giới tính…), đôi lúc gợi cả lòng tự hào. Mặt tiêu cực là có thể hạn chế bản sắc riêng, giảm cơ hội phát triển sự phong phú và sáng tạo. Hiện giờ, “uniformˮ lại được dùng cho cả xây dựng hình ảnh cá nhân, chỉ một công thức kết hợp trang phục và phụ kiện, nhằm vun đắp, khẳng định danh tính. 

Đồng phục của Sony.

Bên cạnh hình ảnh “đi làmˮ đặc trưng của Steve Jobs, chắc rằng ông vẫn mặc nhiều trang phục khác tùy theo bối cảnh. Nhưng “đồng phụcˮ áo cổ lọ đen quần bò xanh không chỉ vừa vặn về công năng, phù hợp với công việc thường ngày của Steve Jobs, mà còn thống nhất với tính cách thương hiệu Apple (ít nhất trong giai đoạn ông giữ chức CEO): gọn gàng, tối giản nhưng không xuề xòa, đặc biệt có gu đáng tiền

Không nhiều người biết rằng, Steve Jobs từng học một khóa calligraphy (thư pháp) tại ĐH Reed ở Portland. Ông có hiểu biết cơ bản và coi trọng tầm quan trọng của thiết kế, rộng hơn là tạo dựng hình ảnh bề ngoài. Hình ảnh thời trang của Steve Jobs gắn liền với các sản phẩm của Apple. Hãy nhớ lại nhiều sản phẩm của Apple – được coi như bước ngoặt trong thiết kế công nghệ trên thế giới, chẳng hạn như màn giới thiệu chiếc Macbook air đầu tiên năm 2008 đầy ấn tượng, mỏng nhẹ đựng vừa phong bì thư A4, khác biệt với các loại máy tính xách tay thời bấy giờ. Sự tinh gọn trong thiết kế sản phẩm của Apple cũng ánh chiếu lên chính hình ảnh cá nhân mà Steve Jobs tạo dựng. Ông chủ động tìm công thức phối đồ phù hợp nhất với mình và dùng suốt đời. Từng món đồ được lựa chọn có chủ đích, phản ánh bản thân Steve Jobs: sự say mê với văn hóa và lối tư duy của người Nhật (nhất là phong cách tối giản và trau chuốt trong thiết kế nói chung) song hành cùng văn hóa đại chúng Mỹ qua những món đồ từ các hãng thời trang quen thuộc của Mỹ là quần jeans Leviʼs và giày sneaker New Balance. 

Thời trang cho phép con người hình dung, bày tỏ tâm trạng cảm xúc, gốc rễ văn hóa, phản ánh những khát vọng cá nhân trong cả hiện tại lẫn tương lai. 

Ngay cả khi mẫu áo cổ lọ mà Issey Miyake dành cho Steve Jobs không phải sản phẩm đặc sắc trong những thiết kế ông từng làm, đó vẫn là một sản phẩm đo ni đóng giày dành cho khách hàng (cũng là một người bạn) của ông và hẳn là một câu chuyện để kể với truyền thông. Chiếc áo dẫu đơn giản nhưng vẫn ẩn chứa những nét tinh tế độc đáo. Cách phối đồ của Steve Jobs pha trộn giữa đồ “hàng hiệuˮ của nhà thiết kế nổi tiếng với những món phổ thông, không xa xỉ. Điều này giúp tách rời hình ảnh của Steve Jobs khỏi những vị CEO tài chính kiểu cũ với những bộ com-lê chải chuốt, sang trọng. Steve Jobs tạo ra không khí gần gũi, phóng khoáng hơn mà vẫn thể hiện được địa vị giàu có bằng đặc quyền. Năm 2017, sau khi cả Steve Jobs và Issey Miyaki đã qua đời, hãng thời trang Issey Miyake đã bán ra rộng rãi mẫu áo cổ lọ đặc trưng của Steve Jobs, với giá niêm yết là 270 USD. 

Ngược lại, “đồng phụcˮ của CEO Mark Zuckerberg không có câu chuyện riêng nào; chỉ giống như một lựa chọn thuận tiện, thoải mái, nhằm tối ưu hóa sinh hoạt thường ngày. Ai cũng có thể mua và mặc đồ y hệt Mark Zuckerberg. Bộ đồ đồng phục hoàn toàn bình dân của ông chủ Facebook không có “tính toánˮ thời trang, cũng không truyền đạt thông điệp đáng nhớ gì liên quan tới thương hiệu. Nhất là khi Zuckerberg là CEO công nghệ thứ 2 lựa chọn công thức ngoài chuẩn “ông chủˮ phổ thông này. Có lẽ Mark Zuckerberg không nhắm xây dựng hình ảnh cá nhân đại diện cho Meta. 

THẤY GÌ TỪ TỦ ĐỒ ĐỒNG PHỤC? 

Từ hàng nghìn năm trước, trang phục vốn là để khẳng định địa vị xã hội của tầng lớp cao. Ví dụ đá quý Lapis lazuli với màu xanh dương được sử dụng làm trang sức riêng cho hoàng gia Ai Cập cổ đại. Màu xanh dương cũng là màu sắc hiếm thấy nhất trong tự nhiên. Độc quyền là minh chứng rõ nét cho giàu sang và quyền lực. Cách đây không lâu, người ta mới nghĩ đến việc trang phục có tác động ra sao tới cách người mặc nhìn nhận về chính bản thân họ, thể hiện danh tính cá nhân ra sao. Xã hội dần trở nên cởi mở với phong cách người ta mặc tới công sở. Xét ở khía cạnh nào đó, giờ con người đã có nhiều tự do trong việc lựa chọn quần áo hơn, có là một trong những người đàn ông giàu nhất hành tinh thì ăn mặc y chang cậu sinh viên xuề xòa cũng được. 

“Đồng phục” của CEO Mark Zuckerberg không có câu chuyện riêng nào, chỉ giống như một lựa chọn thuận tiện, thoải mái, nhằm tối ưu hóa sinh hoạt thường ngày.

Có nhiều nghiên cứu khoa học về tâm lý học thời trang, tác động của trang phục lên tinh thần con người, còn được gọi tên là “enclothed cognitionˮ. Ví dụ được ăn mặc thoải mái, cảm thấy quần áo thể hiện đúng nhất bản thân mình sẽ cải thiện khả năng học hỏi và tiếp thu kiến thức của người mặc. Thời trang cho phép con người hình dung, bày tỏ tâm trạng cảm xúc, gốc rễ văn hóa, phản ánh những khát vọng cá nhân trong cả hiện tại lẫn tương lai. Một số khảo sát xã hội chỉ ra rằng nhiều người khi mặc trang phục công sở đứng đắn, sang trọng cảm thấy bản thân mạnh mẽ, kiểm soát được tình hình tốt hơn. 

Nếu sự bao dung chấp nhận sự đa dạng trong phong cách ăn mặc – miễn sao thoải mái là được – tạo ra những cá nhân tràn đầy niềm vui khám phá, sáng tạo với thời trang thì cũng sinh ra những con người trung thành với phong cách “đồng phục”. 

Và những người tự hình thành phong cách “đồng phục” của riêng mình, thú vị thay, không hề là những con người kém sáng tạo. Albert Einstein thường thủ sẵn rất nhiều chiếc áo khoác da màu xám khỏi trong tủ. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ mặc complet đen và xám. Hay nhà thiết kế nổi tiếng Karl Lagerfeld với vẻ ngoài đặc trưng trong bộ âu phục đen tương phản với sơ mi trắng, găng tay da và mái tóc đuôi ngựa buộc trễ. Mà không chỉ riêng Lagerfeld, những người đồng nghiệp của ông như Giorgio Armani hay Micheal Kors cũng chọn cách mặc đồng phục như vậy. Theo nghiên cứu, trung bình mỗi ngày một người lớn trưởng thành phải đưa ra khoảng 33.000 ~ 35.000 quyết định. Năng lượng cho việc này có giới hạn. Ông Barack Obama lý giải về lựa chọn của mình mà hầu như tất cả những người giống ông đều không thể đồng ý hơn: “Tôi cố gắng giảm bớt số lượng các quyết định. Tôi không muốn phải nghĩ nhiều về việc sẽ ăn gì hay mặc gì vì tôi có quá nhiều quyết định khác phải thực hiện.ˮ Mặc đồng phục theo công thức sẵn giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng để quyết định mỗi ngày. Ngoài ra, đây cũng là cách kiểm soát chi tiêu, tránh bị sa đà vật chất hay thói tiêu dùng phung phí, lại còn góp phần bảo vệ môi trường. 

“Đồng phụcˮ cá nhân, hay mở rộng hơn là “capsule wardrobeˮ (phương pháp xây dựng tủ quần áo tối giản và linh hoạt) giống như một “con đường tắt” để khẳng định danh tính người mặc. Kể cả tủ quần áo một màu, không có câu chuyện đằng sau của Mark Zuckerberg cũng nói lên thông tin về con người này: Một con người cố tỏ ra nhạt nhòa, xa lạ trong thế giới mạng xã hội ầm ĩ đủ màu mà anh ta tạo ra. 

Bởi vậy, công thức đồng phục có thể dễ sao chép, nhưng phong cách của tác giả thì không. Chẳng hạn như kẻ lừa đảo công nghệ đình đám Elizabeth Holmes. Cô ta đã bắt chước gần như y chang phong cách ăn mặc của Steve Jobs, tạo ra một lớp vỏ ngoài CEO tự tin, chủ động, ăn theo việc công chúng đã quen thuộc với hình ảnh Steve Jobs. Dù vậy, đó vẫn chỉ là mô phỏngbề ngoài mà thiếu đi cốt lõi. Không thể tách rời thời trang ra khỏi đời sống và thời đại. Mọi biểu tượng thời trang đều phản ánh thời kỳ họ sống, công việc họ làm cũng như quan điểm sống của họ; gắn liền với những thành tựu họ tạo nên, mang tính chất của những thứ ấy. 

KẾT LẠI

Câu chuyện thời trang về lựa chọn tối giản hay tối đa, mỗi ngày một bộ hay ngày nào cũng một bộ, sau cùng vẫn là quá trình khám phá và xây đắp bản sắc cá nhân. Rồi sau đó là mình muốn thể hiện bản thân ra sao, lựa chọn có chủ đích và kiên định với những quyết định ấy. Để được nhớ đến với hình ảnh nào đó, người ta đều phải lặp lại thứ ấy đủ lâu. Biết rằng ta luôn có lựa chọn kiểu Mark Zuckerberg – mặc đồ đáp ứng công năng tối thiểu là đủ hoặc kiểu Steve Jobs – dành thêm chút tâm sức để kiếm tìm những món đồ có câu chuyện của riêng mình. Cách nào cũng dùng được, tùy ưu tiên của bạn! □

Bài đăng Tia Sáng số 9/2024

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)