Động vật đang mất dần những kiến thức “gia truyền” trong quần thể
Không chỉ con người, động vật cũng có kiến thức "gia truyền". Những kiến thức ấy quyết định trực tiếp đến khả năng sinh tồn của loài.
Cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương ở Vịnh Fundy, New Brunswick, Canada. Cá voi là một trong số nhiều loài động vật được biết đến là có văn hóa cao. Ảnh: All Canada Photos/Alamy
Vào cuối những năm 1800 – thời kỳ đỉnh cao của ngành công nghiệp săn bắt cá voi, đã có hàng nghìn con cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương bị giết. Những kẻ săn bắt cá voi không chỉ lấy xương và thịt cá voi ra khỏi đại dương, mà còn lấy đi những ký ức độc đáo và bãi kiếm ăn, kỹ thuật săn mồi và phương thức giao tiếp. Đó là kiến thức mà những con cá voi đã có được qua nhiều thế kỷ, truyền qua nhiều thế hệ và chia sẻ giữa đồng loại. Loài cá voi được xếp vào dạng cực kỳ nguy cấp này vẫn còn tồn tại, nhưng phần lớn kiến thức của chúng giờ đã vĩnh viễn mất đi.
Giáo sư Hal Whitehead, một nhà sinh vật biển thuộc Đại học Dalhousie, cho biết cá voi là một trong số những loài động vật có tính văn hóa cao. “Văn hóa là thứ mà những cá nhân học hỏi lẫn nhau, để một loạt các cá nhân sẽ cư xử theo một cách giống nhau”, ông giải thích.
Cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương không còn xuất hiện trong nhiều khu vực kiếm ăn của tổ tiên chúng. Whitehead nghi ngờ điều này có thể là do kiến thức văn hóa về những bãi kiếm ăn này đã mất đi khi quần thể cá voi bị xóa sổ bởi nạn săn bắt cá voi. Nếu hoạt động của con người gây suy giảm các khu vực kiếm ăn còn lại của cá voi, chúng sẽ không thể đoán được đâu là nơi săn mồi tốt. “Càng có nhiều bãi kiếm ăn, chúng càng có nhiều khả năng tìm thấy, lựa chọn đâu là nơi để có được thức ăn cần thiết.”
Văn hóa động vật không chỉ giới hạn ở đại dương. Chim, ong, chuội chũi không lông, cá và thậm chí cả ruồi giấm đều nằm trong số những loài học hỏi xã hội và tạo ra nền văn hóa. Khi danh sách này tăng lên, các nhà nghiên cứu bắt đầu hiểu văn hóa động vật là yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn.
Whitehead là một trong những người tiên phong kêu gọi coi trọng văn hóa động vật trong công tác bảo tồn. Sự đa dạng văn hóa sẽ mang lại cho mỗi loài động vật một bộ công cụ hành vi lớn hơn khi đối mặt với những thách thức mới, ông lập luận. “Con người cũng tương tự như vậy, sự đa dạng của các nền văn hóa là sức mạnh của chúng ta”.
Whitehead là thành viên Ủy ban về Tình trạng Động vật Hoang dã Nguy cấp ở Canada, cơ quan quyết định những loài nào có nguy cơ tuyệt chủng. “Điều khó khăn nhất mà chúng tôi làm là quyết định làm thê nào để phân chia quần thể của một loài”, ông nói. Chẳng hạn, với tuần lộc, tuần lộc đồng bằng ít nguy cơ tuyệt chủng hơn tuần lộc núi. “Chúng ta có đánh giá tuần lộc núi khác với những con khác không?”, Whitehead đặt câu hỏi.
Thông thường, các nhà khoa học sẽ đưa ra quyết định bằng cách đánh giá xem các nhóm động vật khác nhau về mặt di truyền như thế nào. “Nhưng tôi cho rằng thông tin văn hóa cũng rất quan trọng”.
Các nỗ lực bảo tồn nhằm mục đích duy trì sự đa dạng của một loài, vì sự đa dạng hỗ trợ sự tồn tại. Tính đa dạng của các loài có thể là “chúng làm gì, chúng trông như thế nào, đặc điểm sinh lý của chúng, v.v.”, Whitehead cho biết. “Rất nhiều trong số đó được xác định về mặt di truyền, nhưng cũng có những đặc điểm được xác định về mặt văn hóa.”
Những hành vi của một quân thể có thể tác động đáng kể đến môi trường mà chúng sống. “Nếu chúng ta mất hết tuần lộc núi, điều này có thể làm thay đổi hệ sinh thái của một loạt các ngọn núi”, Whitehead cho biết.
Đàn voi di chuyển tới một hố nước tại khu bảo tồn quốc gia Amboseli ở Kenya. Kinh nghiệm của các những con voi cái lão làng trong đàn giúp tăng tỷ lệ sinh sản của những con cái trẻ hơn. Ảnh: Tony Karumba/AFP/Getty Images
Nghiên cứu của Whitehead về văn hóa cá voi đã truyền cảm hứng cho Philippa Brakes – nghiên cứu sinh tại Đại học Exeter, đồng thời là nghiên cứu viên tại Bảo tồn Cá voi và Cá heo. Brakes đã cùng các đồng nghiệp xuất bản một bài báo vào tháng 4, lập luận rằng các nỗ lực bảo tồn nên xem xét cách thức văn hóa ảnh hưởng đến sinh sản, sự phân tán loài và khả năng sống sót.
Brakes đã lấy đàn voi châu Phi làm ví dụ trong nghiên cứu của mình, cô cho rằng việc biết được ai là người nắm giữ kiến thức văn hóa trong một quần thể sẽ là chìa khóa quan trọng. “Tuổi của voi cái trong đàn có ảnh hưởng [tích cực] đáng kể đến tỷ lệ sinh sản của những voi cái ít tuổi hơn”, cô cho biết. “Kinh nghiệm của voi cái về nơi có các hố nước, nơi kiếm ăn tốt, và những đàn voi nào thân thiện, có ảnh hưởng rõ ràng đến tỷ lệ sinh sản của những voi cái trẻ hơn trong đàn của nó”.
“Nếu những con voi có kiến thức chết đi vì bị săn bắt, điều này có thể gây tác động trầm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng.”
Nỗ lực tái tạo kiến thức
Tuy nhiên, khi một quần thể đã mất đi kiến thức văn hóa của mình, có trường hợp những kiến thức đó có thể được tái tạo lại.
Vào đầu những năm 1970, tình trạng buôn bán động vật hoang dã và phá hủy môi trường sống đã làm số lượng khỉ vàng sư tử Tamarin (một loài khỉ nhỏ ở Brazil) suy giảm xuống còn 200 cá thể. 43 tổ chức ở 8 quốc gia đã giám sát việc nhân giống nuôi nhốt nhằm gia tăng số lượng của chúng, việc này thuận lợi đến mức các nhà bảo tồn có thể trả loài khỉ này về tự nhiên từ năm 1984. Nhưng ban đầu, tỷ lệ sống của lũ khỉ này quá thấp do chúng không thích nghi được với môi trường sống mới. Brakes cho biết đây là tình trạng điển hình của những nỗ lực kiểu như vậy.
Do đó, các nhà nghiên cứu khỉ sư tử vàng Tamarin đã phát triển một chương trình hỗ trợ chuyên sâu sau khi thả khỉ về rừng, bao gồm cho ăn bổ sung và cung cấp các vị trí làm tổ, giúp khỉ có thời gian học những kỹ năng sinh tồn cần thiết trong rừng. Điều này giúp tăng gấp đôi tỷ lệ sống sót, đó là một khởi đầu tốt. Tuy vậy, phải đến thế hệ sau, loài này mới bắt đầu phát triển mạnh trở lại. “Bằng cách cho chúng cơ hội học hỏi từng cá nhân trong tự nhiên và chia sẻ kiến thức với nhau, thế hệ khỉ sư tử vàng kế tiếp có tỷ lệ sống sót là 70% – một con số đáng kinh ngạc”, Brakes phân tích. Những nỗ lực bảo tồn tích cực đã được đền đáp, và vào năm 2003, khỉ sư tử vàng Tamarin đã được giảm từ mức cực kỳ nguy cấp xuống còn nguy cấp.
Tỷ lệ sống sót của những chú khỉ sư tử vàng Tamarin thế hệ sau tăng lên khi chúng được hưởng lợi từ các kỹ năng sinh tồn mà cha mẹ chúng đã học được. Ảnh: Andreia Martins/AP
Brakes cho biết, mặc dù nghiên cứu này đầy hứa hẹn, nhưng các nền văn hóa động vật đang tuyệt chủng với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ tái tạo của chúng.
“Chúng tôi chỉ mới bắt đầu hiểu văn hóa ở các loài động vật khác, nhưng chúng muốn nhanh chóng phát triển các phương pháp đo lường và phân tích văn hóa, vì chúng tôi đang chứng kiến nó biến mất trước mắt mình mỗi ngày.”
Hà Trang tổng hợp
Nguồn:
(Visited 1 times, 1 visits today)