Đột phá mới trong nghiên cứu về biến đổi gene trên thực vật

Một đột phá mới đã giúp khắc phục hạn chế và mở rộng phạm vi áp dụng của phương pháp biến đổi gene trên thực vật đang phổ biến hiện nay.

Mặc dù việc thương mại hóa các sản phẩm biến đổi gene còn đang gây rất nhiều tranh cãi nhưng các nhà nghiên cứu vẫn tập trung vào cải tiến liên tục để tạo ra các giống mới tốt hơn.

Đối với các loại ngũ cốc, các nhà khoa học không ngừng tìm ra những phương pháp để biến đổi gene của chúng sao cho đạt năng suất cao, chống chịu lại sâu bệnh, kháng nấm, thuốc trừ sâu… Các nhà khoa học thường sử dụng phương pháp cấy Agrobacterium (một loại vi khuẩn đã được chỉnh sửa gene) vào mô thực vật, sau đó nuôi cấy mô đó thành cây hoàn chỉnh. Phương pháp này có kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp, cây trồng ổn định qua nhiều thế hệ nhưng lại chỉ có thể thực hiện được với một số loại ngũ cốc nhất định.

Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí The plant cell, các nhà khoa học đã tìm ra biện pháp khắc phục hạn chế này, mở rộng phạm vi ứng dụng phương pháp cấy Agrobacterium sang nhiều giống, loài cây khác nhau. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã ghép một loại gene tạo hình (morphogenic gene – là loại gene đã được chỉnh sửa và được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các loại mô phôi) cùng với gene đã được chỉnh sửa từ trước đó vào trong hệ gene của Agrobacterium, sau đó cấy vào mô thực vật và nuôi cấy mô đó thành cây hoàn chỉnh. Khi sử dụng phương pháp mới này, tỉ lệ các giống ngũ cốc được biến đổi gene tăng cao hơn rất nhiều so với trước đây. Kỹ thuật này có thể được áp dụng rộng rãi trên các các giống cây khác như lúa miến, lúa nước và mía.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)