Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016: 22 dự án vào chung kết

22 dự án của các nhà khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ có cơ hội giành giải thưởng cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần thứ hai năm 2016” mà còn có thể được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế chú ý khi tham dự vòng chung kết vào ngày 1 và 2/10 tới tại TPHCM.

T.H

Khu trưng bày dự án Gạo sạch của nhóm
Võ Văn Tiếng (Đồng Tháp).

Được mở màn từ tháng 6/2016, trong vòng hai tháng, cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 2” đã nhận được gần 70 dự án đăng ký tham gia từ nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó chủ yếu thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM. Sau khi tiến hành sàng lọc, ban tổ chức cuộc thi đã tuyển chọn được ra 54 dự án vào vòng bán kết theo các tiêu chí: ý tưởng khởi nghiệp mới, độc đáo, tính sáng tạo, có khả năng triển khai trong thực tế, có áp dụng khoa học công nghệ, sức ảnh hưởng trong cộng đồng… Bên cạnh đó, các dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như chế biến nông sản, nâng cao giá trị nông sản địa phương… cũng được ban tổ chức cuộc thi ưu tiên.

Trước khi bước vào vòng thi bán kết, ban tổ chức đã mở các lớp tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng kinh doanh… cho các nhà khởi nghiệp trẻ – chủ nhân của 54 dự án và mời  các chuyên gia giàu kinh nghiệm, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư thiên thần trực tiếp hướng dẫn. Đây là cơ hội để các nhà khởi nghiệp tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện dự án của mình. Vì vậy trong vòng thi bán kết được tổ chức tại TPHCM (ngày 10 và 11/9) và Đồng Tháp (ngày 14/9), các thành viên ban giám khảo đã nhận xét, chất lượng các dự án năm nay vượt trội hơn năm trước như trình bày một cách rõ ràng, thuyết phục và được đầu tư kỹ về phần trưng bày sản phẩm. Phần lớn những dự án được đánh giá cao ở vòng chung kết đều là các dự án đã cho ra được sản phẩm như dự án “Sản xuất – chiết xuất dược liệu đa năng tại HTX H’Mông Cát Cát” của nhóm Má A Nủ (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), “S&E – Máng ăn cho heo tự động” của nhóm Phạm Minh Công (Đà Nẵng), “Gạo sạch” của nhóm Võ Văn Tiếng (Đồng Tháp), “Sản xuất và kinh doanh hoa sen sấy khô: Ecolotus” của nhóm Ngô Chí Công (Đồng Tháp), “Thanh Long lên men” của nhóm Mai Văn Tự (Phú Yên)…

Qua hai vòng bán kết, ban tổ chức đã chọn ra 22 dự án, trong đó vòng thi ở TPHCM là 13 dự án, vòng thi Đồng Tháp 9 dự án, lọt vào chung kết tại TPHCM. Để tạo điều kiện cho các nhà khởi nghiệp có thêm cơ hội hoàn thiện dự án của mình, ban tổ chức sẽ mời thêm các những nhóm chuyên gia trực tiếp hướng dẫn, huấn luyện và góp ý cho từng nhóm khởi nghiệp trước vòng thi chung kết.

Tuy chỉ có một số dự án xuất sắc được xét trao giải thưởng nhưng theo ban tổ chức, cơ hội được các nhà đầu tư thiên thần “để ý” và rót vốn đầu tư sẽ mở rộng với cả 22 dự án lọt vào vòng chung kết, ví dụ  trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần thứ nhất” diễn ra vào năm 2015, hai dự án “Trồng cây chúc giống” của nhóm Nguyễn Long Huy (An Giang) và “Phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi dê” của nhóm Võ Nhật Nam (An Giang) lọt vào chung kết dù không đoạt giải nhưng vẫn được các nhà đầu tư quan tâm hỗ trợ kinh phí.

Bên lề cuộc thi, ban tổ chức còn mở nhiều hoạt động nhằm giới thiệu sản phẩm từ các dự án tham gia cuộc thi qua Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, phiên chợ Xanh tử tế…

“Dự án khởi nghiệp lần thứ hai năm 2016” là cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và Quỹ Startup Vietnam Foundation t tổ chức, dành cho thanh niên có ý tưởng và dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, thủ công nghiệp… Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất, hai giải nhì, 2 giải ba và nhiều giải khuyến khích với tổng giá trị giải thưởng trên 100 triệu đồng.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)