Dự cảm năm 2014

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên trao đổi với TBKTSG về những vấn đề của năm 2014.

TBKTSG: Nền tảng vĩ mô đã dần được khôi phục khi năm 2013 qua đi. Liệu nó có giúp đặt nền tảng tốt cho năm 2014, theo góc nhìn của ông?

– Ông Trần Đình Thiên: Tôi không thấy có gì thay đổi đặc biệt cả. Ngay cả IMF và WB cũng dự báo, GDP chỉ ở mức 5-5,5% trong năm 2014, tức vẫn trì trệ. Thử đặt câu  hỏi, vì sao tăng trưởng tín dụng giảm mạnh như vậy mà tốc độ tăng trưởng kinh tế không bị tác động nhiều? Nền kinh tế này tăng trưởng phụ thuộc vào vốn, tới 80%, mà tăng trưởng tín dụng giảm từ 30% trước đây xuống khoảng 10% gần đây, tức là giảm hai phần ba mà tăng trưởng chỉ giảm từ 7% còn hơn 5% thì có phi lý không.

Chúng tôi chỉ thấy cái lý thế này: trước đây, bùng nổ tín dụng chủ yếu đổ vào bất động sản và chứng khoán. Chúng tôi không bóc tách được là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là lớn. Còn bây giờ, tín dụng vào bất động sản có thể giảm đi nên cũng không tác động đến GDP. Song, tác động như thế nào thì chưa tính được.

Hơn nữa, xu hướng doanh nghiệp phá sản vẫn tiếp tục, với 60.000 doanh nghiệp biến mất trong năm 2013. Họ đã tồn tại qua mấy năm khó khăn vừa qua, nhưng nay thì không thể trụ nổi. Chuyện các doanh nghiệp này chết đi khác hẳn những doanh nghiệp mới đăng ký, chưa sản xuất, hay kinh doanh được gì cả. Mà còn có tới hơn 100.000 doanh nghiệp đã phá sản trong hai năm trước đó. Những doanh nghiệp phá sản này theo tôi cũng chiếm tới 30% công suất của các doanh nghiệp đang tồn tại. Bộ Tài chính còn cho biết có tới hai phần ba doanh nghiệp báo lỗ. Tình trạng của khu vực doanh nghiệp như vậy thì còn đâu động lực cho tăng trưởng nữa.

Nhưng lãi suất đã giảm, bằng mức của năm 2006, ông có cho đây là dấu hiệu tích cực không?

– Lãi suất giảm có thể là tích cực, nhưng có thể là tiêu cực nếu nhìn từ góc độ không ai vay. Hiện nay nền kinh tế đã lạnh đến mức không ai vay nữa, như tôi từng cảnh báo hai năm trước. Câu chuyện về doanh nghiệp phá sản như tôi vừa nói là một ví dụ.

Nhiều người vẫn băn khoăn, lãi suất giảm là tín hiệu chứng tỏ xu thế ổn định là chủ đạo, hay là xu thế nền kinh tế lạnh đi, tức thiểu phát. Dù thiếu nhiều cơ sở dữ liệu để đo lường, song tôi thiên về xu hướng nền kinh tế lạnh đi từ góc độ phân tích tình cảnh của doanh nghiệp. Ngay cả các chỉ số tốt là xuất nhập khẩu thì lại phụ thuộc vào khu vực FDI.

Nói tóm lại, nền tảng để năm tới tăng trưởng cao hơn theo ông là không vững chắc?

– Không chỉ tôi, mà các định chế nước ngoài như WB đều cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô mới chỉ là ban đầu và các nền tảng tăng trưởng còn rất yếu như hiệu quả vốn đầu tư thấp, tái cơ cấu doanh nghiệp chưa làm được gì thực chất, nợ xấu vẫn còn nguyên và ngân hàng vẫn rủi ro cao.

Chẳng hạn, về nợ xấu, mà nhiều người ước tính lên đến hơn 500.000 tỉ đồng, nếu ngân hàng thắt túi nợ lại, cho doanh nghiệp vay tiếp, liệu họ có chết vì những dòng tiền mới không, nhất là khi thị trường chưa tốt hơn. Doanh nghiệp chưa cải thiện được sản xuất kinh doanh, chưa cải thiện được năng lực trả nợ, mà được vay tiếp thì rủi ro nợ xấu lại tăng lên. Đó mới chỉ là một vấn đề.

Tái cấu trúc nói mãi mà chưa làm gì thực chất, vì sao vậy?

– Tái cơ cấu không diễn ra được, theo tôi do có hai lẽ:

Thứ nhất, là động đến các nhóm lợi ích, nên thường là cuộc đấu tranh gian nan, tốn thời gian.

Thứ hai, muốn tái cơ cấu được, phải hiểu được bản chất của nó là thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực, chứ không đơn giản là số lượng doanh nghiệp nhà nước nhiều hay ít, hay có bao nhiêu ngân hàng là vừa.

Hiện nay, cái trục quan trọng nhất trong các hệ thống nguồn lực là trục giá cả, có tính quyết định nhưng lại bị lờ tịt đi. Có thể trong 1.000 loại giá, đã có 996 loại đã đi theo cơ chế thị trường, chỉ còn bốn loại chưa được thị trường hóa. Nhưng đây là bốn loại giá cực kỳ quan trọng, là giá năng lượng (xăng, dầu, điện, than – đụng vào là xã hội nhảy lên đành đạch), giá đất đai (là thị trường lớn nhất, nhưng giá đầu cơ và giá đền bù đều không phải là thị trường), lãi suất (giá vốn, tỷ giá), và cuối cùng là giá lương rẻ mạt.

Cả bốn loại giá này không ai dám đụng đến và được Nhà nước điều tiết toàn bằng công cụ hành chính. Nếu bốn loại giá này mà không thay được thì không tái cơ cấu gì được. Chừng nào hệ thống giá chuyển sang cơ chế thị trường đầy đủ và nếu Nhà nước có can thiệp thì bằng biện pháp kinh tế là chính, thay vì hành chính, thì mới có thể tái cơ cấu được. Khi thay đổi giá, tự tập đoàn Điện lực (EVN), hay tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) sẽ phải thay đổi. Họ không còn tìm thặng dư từ đây nên sẽ hết đầu tư ngoài ngành.

Đó là ở tầm vĩ mô về quản trị phân phối nguồn lực. Đương nhiên, ở tầm vi mô, liên quan đến quản trị doanh nghiệp cũng rất quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế. Tóm lại, khi còn phân bố hỏng, thì không thể thay đổi được.

Ông nói về tự do hóa giá cả mà không nhắc gì việc thị trường không được tự do hóa, tức không có cạnh tranh thì làm sao giải quyết được vấn đề? Chẳng hạn, TKV độc chiếm ngành than, EVN độc quyền điện, như vậy không có cạnh tranh vậy làm sao có giá tốt nhất?

– Khi cấu trúc thị trường bị méo mó, nếu muốn cải cách nó thì phải chấp nhận trả giá và cũng không thể làm được trong ngày một, ngày hai. Nhưng vấn đề là phải bắt tay vào làm. Ví dụ, lĩnh vực điện cho thành lập ba công ty điện để họ cạnh tranh với nhau. Hệ thống giá đủ cạnh tranh thì người khác mới đầu tư. Như vậy, phải thị trường hóa giá cả lẫn cấu trúc thị trường.

Nhưng nếu quan sát thực tế sẽ thấy, khi đề cập đến thị trường hóa giá cả thì tư duy áp đảo là chỉ nhắm vào tăng giá, thay vì làm thị trường trở nên cạnh tranh?

– Vì thế mới khó tái cơ cấu được. Nhưng tôi khẳng định, nếu không làm như thế thì không thể có thị trường cạnh tranh được, và đất nước này phải trả giá.

Ông nghĩ vai trò của Nhà nước ra sao trong quá trình đó?

– Phải làm theo cách khác. Nhà nước phải bỏ tiền cho tái cơ cấu, chứ không thể tái cơ cấu mà không mất gì như hiện nay. Chẳng hạn, Nhà nước phải có tiền nếu muốn cải cách giá điện để bù cho nhóm người yếu thế; hay lo cho những người mất việc làm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Số tiền này có thể đi vay. Hiện tại sức yếu rồi, nên cần chọn vài trọng tâm về giá thị trường như hồi cải cách trước. Cho nên, tôi vẫn nói, Nhà nước sẽ chẳng tái cơ cấu được nền kinh tế khi mà chưa xác định chi phí cho nó. Còn Nhà nước đừng bỏ tiền lo tăng trưởng. Nếu Nhà nước chỉ lo tăng trưởng theo cách cứ bơm tiền như hiện nay, mà không lo các điều kiện nền tảng cho tăng trưởng thì thị trường sẽ quay lưng lại, do môi trường vĩ mô bất ổn, lòng tin bị ảnh hưởng. Tức là phải thực hiện tái cơ cấu theo cách khác.

Xét từ góc độ các địa phương, ông có thấy động lực của cải cách?

– Các địa phương đang vùng vẫy xin cơ chế riêng, đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu thay đổi là rất mạnh trong bối cảnh thể chế chung vẫn đang bí. Động lực đang đòi hỏi rất mạnh từ địa phương, nếu tái cơ cấu từ trên cao, các địa phương có điều kiện để cởi mở hơn. Mô hình tăng trưởng hướng tới chất lượng sẽ kéo địa phương đến với các ngành tốt hơn

Những góp ý của ông thường bị phê phán. Ông có thấy bi quan không?

– Tôi hay nói về các điểm yếu không có nghĩa là tôi bi quan. Tôi tin là sẽ có thuốc để chữa được, còn cứ tô hồng thì chưa chắc.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)