Đưa cây chè dây từ bắc vào nam

Là cây thuốc quen thuộc ở vùng miền núi phía Bắc nhưng chè dây lại trở thành nguồn nguyên liệu cho một doanh nghiệp ngành lâm nghiệp ở Lâm Đồng.  

Ý tưởng về việc sản xuất loại chè mới bắt đầu đến với anh Hoàng Duy Thành khi được người dân Đam Rông mời cốc trà dây thơm ngon, đắng nhẹ nhưng ngọt hậu. Tuy nhiên trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng này, anh Thành đã phải tìm tài liệu khoa học để nghiên cứu thêm về cây chè dây và phát hiện chính xác những tác dụng dược lý của loại cây này như thanh nhiệt, giải độc, chữa các bệnh mất ngủ, ợ chua, đau rát thượng vị… Vốn là loại cây gốc ở khu vực miền núi phía bắc, khi xuất hiện tại vùng đất cao nguyên này, chè dây lại có thêm hương vị riêng biệt, đậm đà. Đây là yếu tố khiến anh Thành cho rằng chè dây Lâm Đồng sẽ có sự hấp dẫn đặc biệt với người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh với nhiều loại chè khác trên thị trường. Vì vậy anh Thành có thêm quyết tâm trồng và sản xuất thử nghiệm cây chè dây ở khu vực rừng núi Đam Rông.

May mắn là vào thời điểm bắt đầu, anh Thành đã nhận được sự ủng hộ của UBND huyện Đam Rông. Do nhận thấy tiềm năng của cây chè dây và cơ hội tạo công ăn việc làm lâu dài cho dân địa phương, huyện Đam Rông đã hỗ trợ anh Thành 80 triệu đồng. Cùng với tiền vốn của mình, anh Thành đã làm vườn ươm quy mô nhỏ tại xã Liêng Srônh. Trong những tháng đầu, việc ươm giống cây liên tục thất bại nhưng anh Thành vẫn không nản chí. Cuối cùng sau nhiều nỗ lực, việc ươm giống đã thành công, giúp anh Thành mở rộng diện tích trồng cây lên.

Quy trình sản xuất chè của anh Thành rất chặt chẽ và đảm bảo thành phẩm thu hái là “chè sạch”, đồng thời giữ được hương vị tươi ngon sau khi chế biến. Nhằm đạt được yêu cầu này, trong quá trình chăm bón, các công nhân không bón thuốc trừ sâu hay chất kích thích tăng trưởng lên cây. Việc thu hoạch và chế biến chè dây cũng diễn ra trong vòng một ngày trên dây chuyền khép kín, đem lại cho sản phẩm chè dây dù dưới dạng túi lọc hay sao khô đóng gói cũng vẫn có hương vị đặc trưng. Sản phẩm “Chè dây Cao nguyên” đã được các cơ quan kiểm nghiệm ở Lâm Đồng và TPHCM xác nhận giá trị, hàm lượng dược tính và được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chứng nhận “phù hợp với quy định hiện hành về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm và được phép lưu hành…”.

Được người tiêu dùng đón nhận, sản phẩm chè dây Cao nguyên đã có mặt trên khắp cả nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh Thành đã tiếp tục mở rộng quy mô diện tích trồng cây chè dây, đem lại cơ hội tham gia cung cấp nguyên liệu của người dân địa phương vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần ổn định thu nhập và cuộc sống của họ.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)