Fargreen: Phát triển hài hoà với lợi ích cộng đồng

Đằng sau chuyện “trồng nấm trên rơm rạ” của Fargreen là lời giải cho một bài toán khó nhưng đầy tiềm năng về cả mặt xã hội và kinh doanh.

 
 Bà Lưu Thị Sim đang thu hạch nấm được trồng trong thùng nhựa đựng thực phẩm có thể tái chế.

Làm sao để người nông dân đừng đốt rơm rạ?

Cách đây hai năm, Trần Thị Khánh Trang được giới truyền thông của Việt Nam chú ý sau khi chị được tạp chí Foreign Policy bình chọn là một trong 100 Global Thinkers năm 2015 với cương vị là người sáng lập Fargreen, một startup xây dựng và kết hợp với một mạng lưới các hộ nông dân trồng nấm trên rơm rạ như một mũi tên trúng hai đích: vừa đảm bảo sinh kế cho người dân, vừa bảo vệ môi trường. Đây là danh sách gồm những người đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề, có những ý tưởng và hành động thiết thực giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thế giới.

Mỗi năm, có 20-50 triệu tấn rơm rạ sau mỗi mùa gặt ở Việt Nam được đem đốt, thường là ở không gian công cộng và khoảng 80% khối lượng này chuyển thành khí nhà kính thải ra ngoài môi trường. Mặc dù biết điều này có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường nhưng người nông dân vẫn làm vì họ cần diện tích cấy ngay sau đó vài ngày và đó là biện pháp rẻ tiền nhất. Đốt rơm rạ chỉ là một trong những hành động nguy hiểm mà người nông dân làm vì không có lựa chọn nào khác mà hậu quả là vô hình trung đã đẩy họ vào một vòng luẩn quẩn không hồi kết: môi trường bị ảnh hưởng, mùa màng kém đi, sức khỏe của họ bị giảm sút và họ đã nghèo lại càng nghèo. Làm thế nào để người nông dân đừng đốt rơm rạ? Từ trước đến nay, cách làm thông thường vẫn là cấm (giống như UBND Hà Nội đã làm) và giáo dục để “nâng cao nhận thức”.

Khánh Trang là người xuất thân từ cả lĩnh vực phát triển và kinh doanh (từng có ba năm làm việc cho các doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và y tế cộng đồng trước khi sang Mỹ học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ngành doanh nghiệp xã hội bền vững toàn cầu tại Đại học Colorado). Chị nhanh chóng nhận ra điểm yếu của biện pháp cấm đốt rơm rạ cũng như việc giáo dục và nâng cao nhận thức người dân là chỉ thấy một góc của câu chuyện, bỏ qua vấn đề về sinh kế, thói quen và văn hóa của người nông dân. Chính vì thế, Trang đi tìm một giải pháp toàn diện và bền vững, tiếp cận theo cách từ dưới lên, giúp người dân chủ động trong việc liên kết với nhau thay đổi cuộc sống và hệ sinh thái quanh mình.  

Khánh Trang cho biết, mặc dù trồng nấm trên rơm rạ là giải pháp không khó khăn về mặt công nghệ nhưng về mặt kinh tế và xã hội thì rất phức tạp: Liệu giải pháp và mô hình kinh doanh mình đưa ra có nảy sinh ra vấn đề khác mà xã hội buộc phải giải quyết không? Sản phẩm của mình có được thị trường chấp nhận hay không? Mô hình kinh doanh có thể nhân rộng (scale up) được không?. “Tôi mất thời gian hai năm ở Mỹ để đánh giá giải pháp của mình. Khi tôi quay trở lại đây, Fargreen mới được hình thành” – Khánh Trang kể lại.


Được thành lập từ năm 2015, đến nay Fargreen đã tái sử dụng 20* tấn rơm rạ. Người nông dân sau khi thu hoạch có thể “ném” rơm vào vùng nguyên liệu của công ty. Rơm được…để không trong nhiều tháng rồi mới đem vào sử dụng để tránh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Liên kết bằng niềm vui

Từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp luôn phải “vật lộn” trong việc liên kết với người nông dân. Người nông dân thì sợ doanh nghiệp thu mua sản phẩm với giá rẻ mạt, doanh nghiệp thì e ngại người dân phá vỡ hợp đồng, sẵn sàng bán cho nơi khác trả giá cao hơn, “mất trắng” vốn đầu tư giống và vật tư đầu vào cho họ. Ngoài ra, nếu hướng đến phân khúc thị trường cao cấp, doanh nghiệp còn phải “đau đầu” với việc kiểm soát chất lượng nông sản bằng cách cử kĩ sư “kè kè” đi theo người dân, đảm bảo rằng họ sản xuất “đúng quy trình”. Nhưng với Fargreen, họ chưa từng gặp những trở ngại này. Để kiểm soát chất lượng, họ làm các khâu quan trọng trong sản xuất nấm như xử lý rơm rạ, cấy giống và ươm sợi tại một khu vực riêng. Khâu này diễn ra từ 15 ngày đến một tháng tùy theo từng loại nấm. Sau đó mới chuyển vào nhà các hộ dân để họ chủ động chăm sóc và thu hoạch. Chi phí trả cho các hộ dân không dựa trên sản lượng mà được tính theo tiền công chăm sóc và tiền thuê địa điểm, được trả cố định theo tháng. Những đợt mất mùa, Fargreen chịu toàn bộ rủi ro. Fargreen không thuê kĩ sư để giám sát, quản lý và liên kết các hộ dân mà lấy chính những người dân địa phương, đào tạo để họ thực hiện công việc này.  

Fargreen cố gắng tạo ra một không khí cởi mở và thân thiện với người nông dân. Họ tuân theo bảy nguyên tắc để lựa chọn hộ nông dân, đối tác và nhân viên của mình: chuyên nghiệp, tin cậy, hợp tác, bền vững, tôn trọng, minh bạch và vui vẻ. Bước vào văn phòng của Fargreen được sơn và trang trí nội thất với tông màu chủ đạo là xanh lá cây, người ta sẽ bắt gặp bảy nguyên tắc này được vẽ nổi bật trên tường, trong đó “vui vẻ” được đặt cao hơn sáu nguyên tắc còn lại.  

Lưu Thị Sim, người quản lý hộ dân hiện nay của Fargreen, là một người phụ nữ gần** 60 tuổi. Trái với vẻ ngoài có phần khắc khổ của một người phụ nữ từng làm nông hàng chục năm, chịu nhiều vất vả trong cuộc sống, bà năng động và nhanh nhạy trong việc sử dụng công nghệ thông tin. Từ khi vào Fargreen, bà học cách sử dụng thành thạo các phần mềm văn phòng như Word, Excel, Powerpoint; các ứng dụng giao tiếp và quản lý công việc như Skype và Slack. “Cái hay nhất [khi tham gia Fargreen] là mang lại niềm vui cho tôi, vui hơn cả lúc tuổi trẻ. Tôi được đi rất nhiều nơi, tham quan rất nhiều mô hình, gặp nhiều người. Nhiều tuổi rồi, có lẽ còn hơn tuổi bố mẹ của các bạn làm việc ở đây mà tôi vẫn được “chơi bời” và “đú” với lớp trẻ” – bà Sim chia sẻ với phóng viên Tia Sáng. Bà cũng rất hiểu lí do mình được lựa chọn: “Không bạn nào ‘chiến thắng’ được tôi ở điểm tôi là “thổ địa” ở đây, hiểu rõ văn hóa và cách làm của người dân ở đây”. Bà có thể từ chối các hộ dân xin tham gia mà vẫn không làm mất lòng họ.

Những người làm việc trực tiếp cho Fargreen trong các hộ dân phần lớn là phụ nữ hoặc những người già về hưu. Trước đây, trong những đợt không phải mùa vụ, họ thường đi làm “bất cứ việc gì có tiền”, từ phụ hồ, bốc vác đến gia công, may mặc nhưng thu nhập ít ỏi và bấp bênh. Sau hai tháng “thử việc”, nếu đạt yêu cầu, họ sẽ ký hợp đồng với Fargreen. Ngoài chăm sóc nấm, họ còn tham gia đóng rơm hoặc cấy giống, sử dụng phụ phẩm từ nấm để trồng lúa và rau, củ quả cho công ty. Thu nhập của họ không chỉ tăng gấp đôi so với trước kia mà họ còn tìm thấy nhiều niềm vui trong một công việc nhẹ nhàng, linh hoạt và gắn kết cả gia đình: “Nó nở như một vườn hoa, thích lắm” – chị Trần Thị Hiền, một hộ dân tham gia trồng nấm dẫn phóng viên Tia Sáng đi tham quan “nhà trồng nấm” rộng khoảng 35 m2, trước kia từng là căn nhà cũ của gia đình chị. Khi cần thu và chở rơm cho Fargreen, chồng chị cũng tham gia. Ba người con của chị cũng tưới và hái nấm thường xuyên. Văn phòng của Fargreen ở Thái Bình vẫn chào đón những đứa trẻ từ các hộ dân trồng nấm đến chơi và gọi chúng là “thành viên nhí”.

Ít nhất là mỗi tháng một lần, Khánh Trang lại có một buổi gặp gỡ riêng hoặc chung với các hộ dân để nghe họ chia sẻ câu chuyện hoặc kinh nghiệm của mình. Chị Lưu Thị Đượm, giám đốc sản xuất của Fargreen thường xuyên bắt xe từ Hà Nội về Thái Bình (đến nỗi tài xế lái xe quen mặt và biết cả gia cảnh nhà chị) để làm việc với các hộ dân. Trước đây, chị Đượm cũng làm trong lĩnh vực phát triển. Những người làm ở văn phòng Fargreen ở Hà Nội bắt buộc phải tới nông trại ít nhất là mỗi tháng một lần công tác. Thành viên và đối tác của Fargreen thi thoảng vẫn được các hộ dân “bao ăn ở”.

Tận dụng tối đa nguồn lực địa phương

Vùng nguyên liệu đầu tiên của Fargreen được đặt ở tỉnh Thái Bình, một trong những vựa lúa của miền Bắc. Đây cũng là một nơi có không khí trong lành, chưa có sự can thiệp “thô bạo” của những dự án xây dựng và công nghiệp. “Mình đến chỉ làm cho nó tốt lên chứ không phải là tệ đi. Mình cẩn trọng về việc mình làm” – Khánh Trang nói.

Fargreen không chỉ trồng trọt theo hướng hữu cơ mà còn đặt ra những nguyên tắc chặt chẽ hơn nữa: không có nhà máy, tìm những giải pháp mang tính địa phương cho các vấn đề trong sản xuất, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, nguyên liệu tự nhiên và con người tại nơi đó. (Chỉ như vậy mới có thể nhân rộng đến các vùng với điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội khác nhau.)

Trang là người không thỏa hiệp với những nguyên tắc mà chị đã đặt ra: “Nếu không có tính kỷ luật thì mình sẽ tạo ra những vấn đề khác mà xã hội phải giải quyết”. Fargreen không xây nhà máy sản xuất nấm mà tận dụng diện tích nhà ở của các hộ nông dân. Họ không sử dụng các bịch ni lông để trồng nấm như đa số trang trại nấm ở Việt Nam và trên thế giới mà trong các thùng nhựa tái chế đựng bơ sữa ở châu Âu. Họ không đốt lưu huỳnh để diệt khuẩn trong nhà trồng nấm vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà để không khí tự cân bằng. Họ không sử dụng than, điện hấp thanh trùng rơm, rạ mà sử dụng phương pháp truyền thống ngâm với vôi nóng và lên men sinh nhiệt để diệt khuẩn. Với sản phẩm nấm khô, họ chế tạo máy sấy nấm bằng năng lượng mặt trời được làm chủ yếu từ các vật liệu địa phương (chủ yếu là gỗ)…

Mặc dù đặt ra những nguyên tắc khắt khe và giá thành sản phẩm cao nhưng chưa bao giờ các nhân viên của Fargreen phải trực tiếp “thuyết phục” các hộ dân hay khách hàng đến với mình. Bắt đầu từ việc nhỏ – họ xây dựng mạng lưới hộ nông dân xuất phát từ bà Lưu Thị Sim “làm mẫu” trồng nấm ở nhà: “Khi người ta thấy việc mình làm là đúng đắn, người ta sẽ tìm đến mình”. Dần dần, khi các hộ gia đình cảm thấy hiểu và thoải mái với các nguyên tắc của công ty, họ tiếp tục đăng ký trồng thêm lúa gạo, rau củ sử dụng phụ phẩm từ nấm cho Fargreen theo hướng hữu cơ. Mặc dù có hàng chục hộ dân đăng ký “xếp hàng” để tham gia vào mạng lưới của Fargreen nhưng sau hai năm, họ vẫn giữ số lượng là bảy hộ để tập trung nuôi dưỡng mối quan hệ, hướng dẫn và đào tạo để họ hiểu và thoải mái với các nguyên tắc của công ty, tiến đến trở thành “hộ Sim phẩy”, tạo điều kiện cho việc mở rộng trong tương lai. Khánh Trang gọi đây là quá trình “nuôi bộ rễ thật chắc”.

Nấm của Fargreen nhắm tới thị trường cao cấp. Bao bì được thiết kế đẹp mắt với nấm được xếp như hoa trong những hộp giấy không thấm nước bọc màng bọc thực phẩm trong suốt, không cần rửa trước khi chế biến (vì trong quá trình sản xuất, nấm được tưới bằng nước khoáng). Mặc dù nhận được nhiều lời mời từ các nhà phân phối, họ rất kĩ tính trong việc lựa chọn đối tác, đều là những cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, hữu cơ được sáng lập bởi những người khởi xướng lối sống “quay trở về với tự nhiên”. Thông qua sản phẩm, họ kể câu chuyện về phát triển bền vững và nhờ “người tiêu dùng tỉnh thức” (conscious customer – từ ngữ dùng để chỉ những người mua hàng không chỉ quan tâm đến tính an toàn của sản phẩm mà còn cả những yếu tố đạo đức của nhà cung cấp) lan tỏa dần ra xã hội.

Tuy nhiên, sự khắt khe và “thủ công” trong quy trình sản xuất của Fargreen có một điểm yếu: sản lượng thấp. Điều này tạo động lực cho họ mở ra quy trình sản xuất mới, lôi kéo nhiều chuyên gia vào hợp tác. Hiện nay, Fargreen đang hợp tác với Bộ môn Nấm, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Họ là người cung cấp giống, tư vấn và nghiên cứu quy trình trồng nấm cho Fargreen. Sắp tới, Khánh Trang cho biết sẽ hỗ trợ các sinh viên Học viện Nông nghiệp nghiên cứu những vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất của Fargreen, đồng thời cũng có một bộ phận nghiên cứu cơ hữu ở công ty.

Hiện nay, việc thực hiện nghiên cứu trong Fargreen là sự kết hợp giữa các nhà khoa học nước ngoài tới làm việc thông qua các chương trình tình nguyện hay mối quan hệ bạn bè với đội ngũ sản xuất của Fargreen, những nhà khoa học đến từ Học viện Nông nghiệp và các hộ nông dân. Những đổi mới sáng tạo trong quy trình sản xuất của Fargreen là kết quả của sự liên kết như vậy.

Fargreen xác định sẽ có lãi trong vòng ba năm nữa. Hiện nay, với tiền bán sản phẩm, họ đã đủ để trả lương cho các hộ nông dân hàng tháng. Còn các chi phí vận hành khác, họ vẫn dựa vào số tiền đầu tư trị giá hơn 250.000 USD mà Fargreen nhận được trong các cuộc thi khởi nghiệp trên thế giới, trong đó có cuộc thi lớn nhất thế giới về khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững, Poscode Lottery Green Challenge. Trong một vài năm nữa, Fargreen sẽ nhân rộng mô hình ở nhiều tỉnh khác trên cả nước với các điều kiện khí hậu đa dạng, đảm bảo các loại nấm và các sản phẩm nông nghiệp đa dạng mang tính đặc trưng vùng miền, quanh năm. Họ tham vọng tiếp đó không chỉ xuất khẩu nấm và các sản phẩm nông nghiệp khác mà còn cả mô hình của mình đến nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù có nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm nhưng Khánh Trang quyết định chờ thêm một thời gian nữa mới gọi vốn: “Tôi không muốn phát triển nóng, tôi muốn đội ngũ của mình, những người tham gia hợp tác với mình đều tự tin đối với việc mở rộng”. Là người không chỉ làm việc lâu dài trong lĩnh vực phát triển, Trang còn là người tập chạy marathon. Điều đó dạy cho chị phải kiên nhẫn trong việc chờ đợi những tác động mà Fargreen mang lại cho cộng đồng. “Không bao giờ có giải pháp gì giải quyết được vấn đề của mình ngay và luôn. Nếu có, thì một là nó đã được thực hiện rồi và không cần mình nữa, hai là nó không còn gì thú vị cả” – Khánh Trang nói. 
——-
Nguồn ảnh sử dụng trong bài: Fargreen

* Sửa lại so với bản in là 10 tấn

** Sửa lại so với bản in là “ngoài 60 tuổi”

Tác giả