FDI từ Trung Quốc: Không như kỳ vọng
Các liên doanh nước ngoài thường được coi trọng trong vai trò chuyển giao công nghệ và làm đối tác hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp bản địa. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Julia Kubny và Hinrich Voss cho thấy các liên doanh của Trung Quốc tại Việt Nam không mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp bản địa đúng với kỳ vọng trên đây.
Đặc biệt các liên doanh của nước đang phát triển tại một nước đang phát triển khác thường dễ đem lại lợi ích hơn so với liên doanh lập ra bởi nhà đầu tư đến từ các nước đã phát triển, bởi chênh lệch trình độ công nghệ giữa các nước đang phát triển không lớn, đồng thời có sự tương đồng giữa các quốc gia này về thể chế, các điều kiện, hoàn cảnh sản xuất, kinh doanh khiến việc chuyển giao công nghệ và thông hiểu, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, Kubny và Voss chỉ ra rằng đối với các liên doanh Trung Quốc, nhiều nghiên cứu cho thấy mục đích thành lập liên doanh của họ ở các nước đang phát triển chủ yếu nhằm xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường ở các nước này. Các liên doanh Trung Quốc thường không có nhu cầu mua nguyên liệu sản xuất từ các doanh nghiệp bản địa, thay vào đó họ thường dựa vào nguồn cung cấp hàng hóa, nguyên liệu từ các doanh nghiệp Trung Quốc khác, hoặc nhập khẩu hàng từ các doanh nghiệp Trung Quốc ở đại lục (trong đó có thể bao gồm cả công ty mẹ của cổ đông tham gia cổ phần tại liên doanh Trung Quốc ở nước ngoài).
Những nghiên cứu về các liên doanh Trung Quốc tại châu Phi và Nam Mỹ cho thấy các liên doanh này thường tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhưng rất ít khi mua hàng hóa sản xuất từ doanh nghiệp bản địa, thay vào đó chỉ mua hàng từ công ty mẹ ở Trung Quốc đại lục. Một nghiên cứu của Amendolagine và một số chuyên gia khác2 khẳng định tỉ trọng mua hàng hóa từ doanh nghiệp bản địa ở các liên doanh Trung Quốc là 8%, tức là chỉ bằng một nửa tỉ trọng ở các liên doanh nước ngoài khác.
Ở Việt Nam thì sao?
Kết quả nghiên cứu của Kubny và Voss đã cho thấy các liên doanh có sự tham gia của Trung Quốc tại Việt Nam ít khi mua các sản phẩm phụ trợ do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, có chăng chỉ mua vào những sản phẩm giá trị thấp, như vật liệu đóng gói, thép tấm, cáp, chỉ, ống chỉ, kim, v.v. Với những vật liệu giá trị cao hơn như các thiết bị máy móc họ thường nhập khẩu, hoặc mua của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Lí giải điều này, các liên doanh Trung Quốc đưa ra một số lí do như các doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất được sản phẩm như yêu cầu, hoặc sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, hoặc giá thành quá cao. 71% doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng họ không thể mua được sản phẩm của Việt Nam đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi. Ví dụ, nhà sản xuất phụ tùng xe máy cho biết họ không thể mua được những sản phẩm như bu-lông, ốc vít, đai ốc đáp ứng yêu cầu chính xác về kích cỡ như mong muốn tại Việt Nam, vì thế bắt buộc phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Một nhà sản xuất khác cho biết sản phẩm do Việt Nam sản xuất giá cả thường lên xuống thất thường, gây khó khăn cho người mua khi muốn hoạch định kế hoạch kinh doanh. Các doanh nghiệp dệt may thì than phiền vì sản phẩm phụ trợ của Việt Nam giá thành quá cao, ví dụ như chỉ may.
Nhìn vào nguyên nhân sâu xa, có thể thấy rằng mặc dù Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số chương trình nhằm nâng cao năng lực của các nhà sản xuất phụ trợ trong nước, ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa thể phát triển để đáp ứng đòi hỏi về chất lượng sản phẩm mà các khách hàng Trung Quốc đặt ra. Một doanh nghiệp điện tử gia dụng của Trung Quốc cho rằng trước giai đoạn cổ phần hóa, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam được quản lý và kiểm soát một cách lỏng lẻo. Sau khi cổ phần hóa, năng lực của những doanh nghiệp này được cải thiện hơn nhưng vẫn chưa thể đạt tới năng lực mong muốn trong một sớm một chiều. Vì vậy, khi làn sóng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tràn vào trong nước, sự chênh lệch về trình độ tổ chức và KHCN giữa hai khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là quá lớn. Một doanh nghiệp sản xuất động cơ cho biết họ từng có ý định thành lập một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ ở Việt Nam do trình độ lao động ở Việt Nam quá thấp. Một nhà sản xuất điện tử còn bổ sung rằng họ không dám mua sản phẩm phụ trợ của Việt Nam, bởi điều đó sẽ gây tổn hại tới uy tín chất lượng thương hiệu của mình.
Một số doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của các đối tác khách hàng Trung Quốc, ví dụ như được đối tác hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực công nhân qua các khóa đào tạo kỹ thuật ngắn hạn – nhằm đảm bảo phía doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu mà phía Trung Quốc đặt ra – hoặc được đối tác cho vay hay tạm ứng trước trong giao dịch làm ăn. Tuy nhiên, nhìn chung những hoạt động hỗ trợ như vậy từ các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ xảy ra khi họ đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó với các đối tác Việt Nam, song điều này còn khá hiếm hoi.
Đó là với những doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu, sản phẩm cho doanh nghiệp Trung Quốc, còn với những doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò là nhà tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp Trung Quốc thì sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp Trung Quốc còn mờ nhạt hơn nhiều, đặc biệt hầu như không có các hoạt động hướng dẫn, đào tạo, nâng cao năng lực trình độ từ phía Trung Quốc cho phía Việt Nam.
Hoạt động chuyển giao công nghệ của Trung Quốc cho Việt Nam còn hạn chế
Từng có những nhận định cho rằng việc chuyển giao công nghệ giữa các nước đang phát triển sẽ diễn ra thuận lợi hơn so với giữa nước đã phát triển và nước đang phát triển, bởi khoảng cách trình độ công nghệ giữa các nước đang phát triển là không quá lớn, đồng thời môi trường sản xuất, kinh doanh, và thể chế chính sách giữa các nước đang phát triển có nhiều điểm tương đồng, khiến mô hình sản xuất kinh doanh và những công nghệ kèm theo ở nước này dễ triển khai ở nước khác. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, Kubny và Voss cho rằng chưa có đủ cơ sở bằng chứng thực tế ủng hộ cho nhận định trên. Qua kết quả khảo sát ở Việt Nam, Kubny và Voss đánh giá rằng các doanh nghiệp Trung Quốc rất tích cực làm ăn tại Việt Nam, nhưng họ chỉ chú trọng vào việc chiếm lĩnh thị trường hơn là tăng cường hợp tác sản xuất kinh doanh theo cách chuyển giao tiến bộ công nghệ, kỹ thuật cho đối tác Việt Nam.
Kubny và Voss đưa ra ba giả thuyết để lý giải hiện tượng này. Một là năng lực hấp thụ tiến bộ kỹ thuật và công nghệ nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Hai là các doanh nghiệp Trung Quốc không nhận biết được nhu cầu công nghệ của phía Việt Nam, hoặc không hứng thú với việc chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam. Ba là một số các doanh nghiệp Việt Nam không muốn nhập khẩu công nghệ của Trung Quốc, mà muốn nhập khẩu từ các nước khác có công nghệ tiên tiến hơn.
———————
1 Julia Kubny, Hinrich Voss. (2014) Benefitting from Chinese FDI? An Assessment of Vertical Linkages with Vietnamese Manufacturing Firms, International Business Review 23, trang 731-740
2 Amendolagine, V., Boly, A., Coniglio, N. D., Prota, F., & Seric, A. (2013). FDI and local linkages in developing countries: Evidence from Sub-Saharan Africa. World Devel-opment, 50, 41–56.