Gần 39 triệu USD cho dự án sản xuất gạch không nung
Với tổng kinh phí 38,88 triệu USD, dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” hướng đến mục tiêu gia tăng số lượng nhà cung cấp dịch vụ, cung ứng gạch không nung có năng lực chuyên môn và tay nghề cao ở các địa phương.  
Bộ KH&CN là cơ quản chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) điều hành toàn bộ dự án.
Trong phiên họp đầu tiên của ban chỉ đạo Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” hôm 21/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hậu, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH&CN), người được giao chủ trì dự án, đã báo cáo sơ bộ về chương trình dự án.
Theo báo cáo, dự án diễn ra trong vòng năm năm, từ 2014 đến 2019 do UNDP tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Tổng tổng hạn mức vốn của dự án là 38,88 triệu USD, trong đó, vốn ODA do GEF viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP là 2,8 triệu USD; vốn đối ứng bằng tiền mặt của Bộ KH&CN là 140.000 USD; vốn đồng tài trợ bằng hiện vật từ cơ quan phối hợp thực hiện của Việt Nam tương đương 10,19 triệu USD; vốn đồng tài trợ bằng hiện vật của UNDP 550.000 USD; vốn đồng tài trợ từ các định chế tài chính là 25, 2 triệu USD.
Dự án bao gồm bốn hợp phần: hỗ trợ chính sách đối với việc phát triển công nghệ sản xuất gạch không nung; xây dựng năng lực kỹ thuật để ứng dụng, vận hành sản xuất gạch không nung và sử dụng các sản phẩm gạch không nung; hỗ trợ tài chính bền vững cho việc ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung; trình diễn công nghệ sản xuất gạch không nung, đầu tư và nhân rộng mô hình.
Với hợp phần một, dự án hướng đến một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện được phê duyệt và thực thi để khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung rộng rãi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án cũng nhằm tăng cường năng lực quản lý của các cơ quan quản lý trong việc điều tiết việc phát triển sản xuấ, sử dụng gạch không nung.
Với hợp phần hai, dự án đặt mục tiêu đem lại nhiều nhà cung cấp dịch vụ và cung ứng gạch không nung ở các tỉnh thành trên toàn quốc với năng lực chuyên môn và tay nghề kỹ thuật ngày càng vững vàng hơn để lên kế hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành các nhà máy sản xuất gạch không nung sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua đó, đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư, chủ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực này có kiến thức tốt hơn về tính ưu việt và cách thức sử dụng gạch không nung, từ đó góp phần gia tăng nhu cầu gạch không nung trên thị trường toàn quốc.
Với hợp phần ba, dự án sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm năng và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nhiều và ổn định hơn các nguồn tài chính để đầu tư vào nhà máy sản xuất gạch không nung và chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung.
Với hợp phần bốn, việc ứng dụng và nhân rộng công nghệ sản xuất gạch không nung sẽ góp phần tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý vào tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính, lợi ích kinh tế, môi trường của việc sản xuất gạch không nung.
Thông qua việc thực hiện dự án, các nhà quản lý mong muốn tăng cường chính sách, hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn về gạch không nung, gia tăng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ, cung ứng gạch không nung ở các địa phương có năng lực chuyên môn và tay nghề cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn, phát triển các nhà máy sản xuất gạch không nung Việt Nam, qua đó tăng thị phần của gạch không nung trong thị trường xây dựng.
Trong năm 2015, ban chỉ đạo dự án dự kiến sẽ cập nhật thông tin để bổ sung vào bản báo cáo đã thực hiện năm 2014 về thực trạng sản xuất gạch không nung ở Việt Nam hiện nay. Đây là cơ sở để tiếp tục rà soát, kiến nghị các chính sách khuyến khích gạch không nung ở Việt Nam về việc giảm hoặc miễn thuế doanh thu đối với xi măng và nguyên liệu đầu vào khác để sản xuất gạch không nung, các chính sách về chuyển giao công nghệ, qiy định về thử nghiệm bắt buộc các tiêu chuẩn chất lượng gạch không nung; báo cáo phân tích về thị trường hoạt động của các lò gạch ở Việt Nam, bao gồm lò truyền thống, lò nung kiểu đứng, và lò tunnel hoàn chỉnh; báo cáo rà soát tình hình hiện tại các tiêu chuẩn sản phẩm và quy chuẩn xây dựng, quy định về gạch không nung..
Hiện tại gạch không nung chưa thể cạnh tranh với gạch đất nung do những vấn đề tồn tại về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, giá cả, nhận thức của các chủ công trình dù gạch không nung có nhiều ưu điểm về bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải khí nhà kính và một số ưu điểm về chuyên môn khác như cường độ chịu lực, khả năng cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm thời gian thi công… Một vài doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào sản xuất gạch không nung nhưng không thành công.
Vào ngày 29/5 tới, hội thảo giới thiệu dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” sẽ được tổ chức với các nội dung chính: giới thiệu nội dung, mục tiêu của dự án, giới thiệu các công nghệ sản xuất gạch không nung tiên tiến của thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam…