GDP: Một chuẩn đo lỗi thời
GDP là một thước đo gây ngộ nhận khi được dùng để đánh giá thành công của một quốc gia. Do đó, đã tới lúc cần tìm cách áp dụng những thước đo khác.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đã và đang ngày càng đưa ra được nhiều phương pháp mới đánh giá những yếu tố có đóng góp giá trị cho đời sống. Họ có thể ước tính được các tác động về mặt môi trường và xã hội cũng như sự bất bình đẳng về thu nhập do tăng trưởng GDP. Những cuộc điều tra đánh giá mức độ hạnh phúc của con người có thể được tiến hành một cách toàn diện hơn và được định lượng hóa. Rất nhiều thử nghiệm đã diễn ra, giới thiệu những chuẩn đo mới thay thế cho GDP giúp đánh giá tiến trình phát triển của xã hội.
Những hạn chế của chuẩn đo GDP
Khi chuẩn đo GDP được thiết lập cách đây bảy thập kỷ, nó được xem là một chỉ số hợp lý để đánh giá sự phát triển bởi lúc đó, sự gia tăng các họat động kinh tế được coi là nguyên nhân chính đem lại công ăn việc làm, thu nhập, các tiện nghi và giúp làm giảm các mâu thuẫn xã hội cũng như góp phần ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác.
Nếu một doanh nghiệp thực hiện công tác kế toán dựa theo phương pháp của GDP, thì họ sẽ chỉ tìm cách tối đa hóa doanh thu tổng, mặc dù điều đó có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận, hiệu suất làm việc, sự ổn định, hay tính linh động. |
Nhưng, thế giới ngày nay đã khác xa cái thế giới của những nhà lãnh đạo toàn cầu từng gặp gỡ nhau để bàn định về nền kinh tế thời hậu chiến năm 1944 tại Bretton Woods, New Hampshire. Các họat động kinh tế gia tăng đã dần dần làm xói mòn các nguồn tài nguyên quốc gia. Phần lớn số tài sản được tạo ra lại bị phân phối không đồng đều, dẫn tới một loạt những hệ lụy xã hội khác.
Hơn 200 năm trước, nhà triết học John Stuart Mill đã chỉ ra rằng, sau khi đảm bảo được một mức sống phù hợp, con người cần hướng tới theo đuổi những tiến bộ về xã hội, đạo đức và giải trí, thay vì vật lộn giành giật những tài sản vật chất.
Những hạn chế của chuẩn đo GDP đã trở nên rõ ràng. Tỉ lệ phạm tội gia tăng không giúp nâng cao đời sống cho người dân, nhưng chúng có thể làm tăng chỉ số GDP bằng cách đẩy cao các khoản chi phí đầu tư vào các hệ thống an ninh. Mặc dù vụ tràn dầu của dàn khoan dầu Deepwater Horizon năm 2010 và cơn bão Sandy năm 2012 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, song cả hai sự kiện trên đều góp phần nâng cao chỉ số GDP của nước Mỹ bởi chúng thúc đẩy hoạt động tái xây dựng.
Các chuẩn đo thay thế
Có thể chia các chuẩn đo phát triển thay thế thành ba nhóm lớn như sau:
Các chuẩn đo kinh tế sửa đổi. Các chuẩn đo này được thể hiện dưới dạng các đơn vị tiền tệ, do đó, có thể dễ dàng so sánh với chỉ số GDP hơn. Đây là các chỉ số về mức thu nhập hằng năm, số tiền tiết kiệm được, và số lượng tài sản; ngoài ra, các tổn thất cũng như lợi ích về mặt môi trường cũng có thể được tính vào. Một ví dụ của chuẩn đo này là chỉ số phát triển đích thực (GPI). Chỉ số GPI được tính bằng cách lấy số lượng chi dùng cá nhân (vốn là một chuẩn đo chi tiêu cá nhân và là một hợp phần lớn trong chỉ số GDP) rồi đem cộng trừ với hơn 20 yếu tố khác, chẳng hạn như giá trị của các việc làm tình nguyện, tổn thất về ly dị, phạm tội, và ô nhiễm môi trường…
Khác với các chuẩn đo khác trong nhóm, GPI có tính tới tác động do mức độ bất bình đẳng thu nhập. Một đô la tăng thêm trong thu thập của một người nghèo sẽ được coi trọng hơn so với một đô la thêm vào trong thu nhập của một người giàu. Bất bình đẳng thu nhập là vấn đề rất được quan tâm ngày nay, bởi sự chênh lệch giàu -nghèo tại một quốc gia, dễ thấy như ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, thường gắn với những bất ổn xã hội, trong đó tỉ lệ sử dụng ma túy, phạm tội, lừa đảo gia tăng, sự giảm sút sức khỏe tinh thần và thể chất.
Việc chú trọng vào chỉ số GDP tại các quốc gia phát triển giờ đây lại càng làm gia tăng tình trạng không bền vững cả về mặt xã hội và môi trường. Nó cũng khiến các quốc gia đang phát triển bỏ qua những cơ hội áp dụng các mô hình phát triển bền vững hơn. |
Một số nơi đã và đang có những suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Trong 3 năm qua, hai bang của Mỹ là Vermont và Maryland đã sử dụng GPI làm chuẩn đo phát triển, và họ đã thực thi nhiều chính sách cụ thể để nâng cao chỉ số này.
Các chuẩn đo sự thịnh vượng một cách chủ quan. Chuẩn đo toàn diện nhất trong nhóm này là dự án Nghiên cứu các Giá trị Thế giới (WVS) bao phủ khoảng 70 quốc gia, trong đó có các câu hỏi về mức độ hài lòng của người dân với đời sống hiện tại. Bắt đầu từ năm 1981, WVS được tiến hành theo từng “đợt”, và tính tới nay đã có tổng cộng 6 đợt nghiên cứu. Một ví dụ khác là chỉ số hạnh phúc quốc gia được sử dụng tại Bhutan. Chuẩn đo này được tính toán dựa trên các cuộc điều nghiên kỹ lưỡng về mức độ hài lòng của người dân ở 9 lĩnh vực: sự thịnh vượng về mặt tâm lý, mức sống, chính phủ, sức khỏe, giáo dục, họat động cộng đồng, sự đa dạng văn hóa, việc sử dụng thời gian, và sự đa dạng về sinh thái.
Chuẩn đo này đã được nghiên cứu rộng rãi, và nhiều ý kiến cho rằng đây là chuẩn đo phù hợp nhất để đánh giá sự tiến bộ của xã hội. Song các chỉ số chủ quan này lại khó có thể dùng để so sánh giữa các xã hội và các nền văn hóa khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta chỉ có thể so sánh tình trạng sức khỏe tự đánh giá của người dân với tỉ lệ sinh/tử báo cáo chính thức trong cùng một quốc gia, chứ không thể so sánh các chỉ số này giữa các quốc gia với nhau. Hơn nữa, người dân không phải lúc nào cũng nhận thức được đầy đủ về những yếu tố dự phần vào việc nâng cao sự thịnh vượng của họ.
Tính trọng số của nhiều chỉ số kết hợp lại. Chuẩn đo này đem lại một bức tranh tổng thể về sự hài hòa của sự thịnh vượng xã hội bằng cách kết hợp các chỉ số khách quan và chủ quan. Một ví dụ là Chỉ số Hạnh phúc Hành tinh do Hiệp hội Kinh tế mới tại Anh đưa ra năm 2006. Chỉ số này lấy mức độ hài lòng với cuộc sống nhân với tuổi thọ, và đem tổng lượng sản phẩm chia cho chỉ số đo lường mức độ chịu ảnh hưởng của hệ sinh thái.
Một nghiên cứu thực hiện năm 2013 nhằm so sánh chỉ số GDP và GPI trên đầu người ở 17 quốc gia (chiếm hơn nửa dân số toàn cầu) đã cho thấy những sự khác biệt đáng kinh ngạc giữa hai chuẩn đo này. Hai chỉ số này có nhiều điểm tương đồng nhau trong giai đoạn 1950 – 1978, sau đó chúng ngày một khác biệt khi các tổn thất về mặt môi trường và xã hội sau giai đoạn này vượt trội hơn so với những lợi ích mà sự gia tăng của chỉ số GDP đem lại. Rõ ràng, sự hài lòng với cuộc sống có liên quan nhiều đến chỉ số GPI chứ không mấy liên quan tới chỉ số GDP. |
Các chỉ số khác trong nhóm thứ ba này bao gồm nhiều biến số khác nhau, chẳng hạn như thu nhập, nhà ở, việc làm, sức khỏe, mức độ tham gia vào đời sống dân sự, sự an toàn, và mức độ hài lòng với cuộc sống. Chỉ số Cuộc sống Tốt đẹp do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đưa ra còn duy trì một website cho phép người dùng tự chọn cách đặt trọng số cho các biến, theo đó có thể thấy việc chú trọng tới những biến số khác nhau có thể ảnh hưởng tới vị trí của các quốc gia trong bảng xếp hạng như thế nào.
Hiện cũng đang có rất nhiều cuộc thí nghiệm khác nhau để tìm ra những chuẩn đo phù hợp. Các chuẩn đo hiện nay chưa thực sự hoàn hảo, song chúng là nền tảng để chúng ta tìm ra được một chuẩn đo khác tốt hơn GDP.
Tại sao chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ?
Rất nhiều người nhất trí rằng xã hội toàn cầu phải hướng tới một chất lượng sống cao, và chất lượng đó phải được phân bố đồng đều và bền vững. Nhiều nhóm nghiên cứu và một số báo cáo ở tầm quốc gia và quốc tế đã đi đến kết luận rằng với tư cách là chuẩn đo chất lượng sống, GDP hoàn toàn không phù hợp. Kết luận này cũng được phản ánh trong bản tuyên bố “Tương lai Mong muốn của Chúng ta”- đây là bản tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Rio + 20 về Phát triển Bền vững đã được thông qua bởi tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc.
Tuy vậy, GDP vẫn là một thành trì kiên cố, trong đó phải kể đến một phần trách nhiệm của những lợi ích nhóm. Nỗ lực hướng tới một “chỉ số GDP xanh” của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong đó có tính đến những hệ lụy tới môi sinh do sự phát triển kinh tế gây ra, đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ ngành than mỏ. Song, nguyên nhân lớn nhất là hiện vẫn chưa có ai xây dựng một chuẩn đo thay thế thực sự nổi trội.
Cơ hội loại bỏ GDP
Chỉ số thay thế cho GDP phải là một bộ thông số mới, lồng ghép những kiến thức đương đại về vai trò của hệ sinh thái, kinh tế học, tâm lý học, và xã hội học đối với việc xây dựng và đo lường sự thịnh vượng bền vững. Các thông số này phải nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các bên liên quan trong những cuộc họp quy mô quốc tế diễn ra sắp tới. |
Để tạo ra được một chuẩn đo thay thế thành công, cần có những nỗ lực bền bỉ của nhiều bên liên quan, từ đó hợp nhất các chỉ số và xây dựng sự đồng thuận. Hiện nay, cơ hội loại bỏ GDP đang tới gần. Tới năm 2015, Liên Hợp Quốc sẽ công bố các Mục tiêu Phát triển Bền vững, trong đó bao gồm những mục tiêu ở tầm quốc tế nhằm cải thiện đời sống cho con người. Cùng với sự ra đời của các mục tiêu này, cần có những chuẩn đo phát triển tương ứng, và đây chính là cơ hội để cộng đồng quốc tế định nghĩa lại thịnh vượng bền vững là gì, làm thế nào để đo lường được điều đó, và làm thế nào để đạt được điều đó. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ tiếp tục dung dưỡng cho tình trạng bất bình đẳng đang ngày một gia tăng cũng như tiếp tay cho sự tàn phá các tài sản quốc gia vốn là điểm tựa của sự sống trên trái đất.
Khi được đông đảo các thành phần tham gia thực hiện một cách hiệu quả, công cuộc truy tìm “kẻ kế vị” GDP có thể được hoàn thành vào năm 2015. Đương nhiên, quá trình này còn gặp nhiều trở ngại lớn, như sự trì trệ ngại thay đổi của các chính phủ, và xu hướng làm việc riêng rẽ, thiếu sự hợp tác giữa các chính phủ, giới học giả, và các nhóm khác. Song với sự lãnh đạo, dẫn dắt xuyên suốt, những trở ngại này có thể vượt qua, đặc biệt là ngày nay chúng ta có thể liên lạc với nhau dễ dàng hơn so với trước kia rất nhiều. Liên minh vì sự Bền vững và Thịnh vượng mới được thành lập gần đây chính nhằm mục tiêu làm chiếc cầu thông tin đó. “Mạng lưới của mạng lưới” này, được vận hành qua internet, có thể truyền đạt thông tin về các nghiên cứu liên quan tới chất lượng sống bền vững và các yếu tố cấu thành nên nó, từ đó giúp kiến tạo sự đồng thuận giữa hàng nghìn bên liên quan.
Thu Trang dịch
Nguồn:
http://www.nature.com/news/development-time-to-leave-gdp-behind-1.14499