Giá điện tăng tiếp?
Mặc dù đã được điều chỉnh tăng giá điện trên 15% vào đầu năm 2011, nhưng do thiếu nợ chồng chất hàng ngàn tỉ đồng nên Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vẫn tiếp tục đề xuất tăng giá lần hai, với mức dự kiến giá điện sẽ tăng thêm 11% vào tháng 11.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, EVN đã trình phương án tăng giá lần thứ hai trong năm 2011 với mức trên 10% và nhiều khả năng phương án tăng 11% sẽ được chọn, chứ không phải 13% như một số báo đã đưa tin.
Nếu phương án này được thông qua thì trong năm 2011, EVN được tăng giá hai lần (tháng 3 tăng 15,28%) và tổng mức tăng hai lần là khoảng 26,3% – đúng bằng mức mà Bộ Công thương đề xuất trong phương án một trình Chính phủ hồi đầu năm 2011.
Với phương án này, Bộ Công thương tính toán giá điện sẽ ở mức 1.360 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010 là 1.076,64 đồng/kWh và so với giá điện hiện tại là 1.242 đồng/kWh.
Lý do chính khiến EVN phải tăng giá là tập đoàn này đang lỗ lớn, hiện đang nợ chính các công ty phát điện của các tập đoàn khác đến hơn 10.000 tỉ đồng. Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than – khoáng sản đã nhiều lần đề nghị EVN trả nợ nhưng nhiều tháng qua EVN vẫn không trả nổi. Các số liệu về mức lỗ của EVN và lý do lỗ, ông Nguyễn Bình Niệm cho biết EVN đã công khai. Cụ thể năm 2010, EVN phải huy động nguồn điện chạy dầu với mức giá 3.000-5.000 đồng/kWh, trong khi chỉ bán được cho người tiêu dùng với giá bình quân 1.242 đồng/kWh.
Tổng mức lỗ do việc mua điện giá cao này đã lên đến khoảng 8.000 tỉ đồng. Ngoài ra, EVN còn chịu khoản lỗ do điều chỉnh tỉ giá, chi phí lãi vay vốn lưu động cho mua dầu phát điện trong mùa khô năm 2011… với tổng số tiền cũng lên đến cả chục ngàn tỉ đồng.
Theo một quan chức EVN, nếu theo đúng cơ chế thị trường, các khoản chi phí trên phải được phân bổ vào chi phí để tính giá thành điện năm 2011.
Tăng giá hai lần…
Đầu năm 2011, để chuẩn bị cho việc tăng giá điện theo lộ trình vào tháng 3-2011 trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng ba phương án tăng giá là 26,3%, 18% và 30,3%. Kết quả, Thủ tướng đã cho phép tăng 15,28%. Nhiều chuyên gia khẳng định nhiều khả năng năm 2011 sẽ phải tăng giá điện hai lần. Theo phương án tăng giá điện 26,3% vào tháng 3-2011 của Bộ Công thương, giá than năm 2011 sẽ được tăng 10% so với giá than năm 2010, tỉ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước tại các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sẽ ở mức 6%, tỉ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước các khâu truyền tải điện và phân phối điện giữ ở mức 8%. Với mức tăng trên, EVN vẫn chưa được tính vào chi phí 8.000 tỉ đồng lỗ năm 2010 mà chỉ được phân bổ vào giá điện năm 2011 các khoản: 2.000 tỉ đồng chi phí phát điện giá cao của năm 2010, 257 tỉ đồng chi phí mua điện Cà Mau năm 2008-2009, 761 tỉ đồng chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của năm 2009… |
Về mức tăng giá, một quan chức EVN cho biết Bộ Tài chính đã công nhận nếu để EVN thu đủ chi, mức tăng giá điện vào tháng 3-2011 phải lên tới 62%. Trong khi EVN mới được tăng trên 15% vào tháng 3-2011 nên EVN bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Ngay trong năm nay, EVN đã phải chịu lỗ lớn vào tháng 9 và tháng 10 do phải huy động nguồn nhiệt điện giá cao khi hai hệ thống khí Nam Côn Sơn và khí PM3 phải dừng để bảo dưỡng định kỳ.
Với hàng loạt nhà máy điện miền Nam có công suất từ 1.500-5.300MW (tùy thời điểm) không có khí để phát điện, để không phải cắt điện luân phiên, EVN đã phải bỏ tiền ra mua dầu chạy điện nên khoản lỗ ít nhất là hàng trăm tỉ đồng.
Mới đây, Bộ Công thương đã có quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 tại EVN với thành phần hùng hậu, gồm cả Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các cục, vụ của Bộ Công thương… Một quan chức Bộ Công thương xác nhận việc kiểm tra là cơ sở để Bộ Công thương xem xét phương án tăng giá điện của EVN.
Sẽ ảnh hưởng mạnh đến CPI
Theo ông Nguyễn Đức Thắng – vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê), nếu giá điện tăng vào tháng 11-2011, chắc chắn chỉ số giá (CPI) sẽ bị tác động mạnh do giá điện là giá mặt hàng đầu vào quan trọng, tác động đến nhiều ngành sản xuất.
Mặc dù trên thực tế giá điện nếu tăng vào tháng 11 thì tháng 12 người dân mới trực tiếp chi trả, ảnh hưởng đến chỉ số CPI nhưng về mặt tâm lý, rất có thể giá các mặt hàng khác sẽ tăng ngay khi tăng giá điện nếu không kiểm soát tốt. Đặc biệt, giá điện nếu tăng trên 10%, theo ông Thắng, sẽ ảnh hưởng ngay đến chỉ số chi tiêu cho hộ gia đình và người dân sẽ phải tăng tiền chi cho điện.
Ông Nguyễn Đức Thắng phân tích việc giữ chỉ số CPI cả năm 2011 ở mức 17-18% trong điều kiện bình thường như hiện nay đã rất khó và những tháng cuối năm chỉ số giá thường cao lên, nếu cộng với tác động giá điện cùng với tình hình mưa bão, rất khó khẳng định CPI cả năm sẽ ở mức nào.
Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo vệ người tiêu dùng, thừa nhận EVN đang gặp khó khăn do giá điện bị kìm nén quá lâu, tuy nhiên ông Sơn băn khoăn về thời điểm vào dịp cuối năm như tháng 11-2011.
Theo ông Sơn, giá điện ảnh hưởng chung đến tất cả các ngành, giống như xăng dầu. “Xăng dầu khi đòi tăng giá, bộ trưởng Bộ Tài chính đã có ý kiến và chỉ đạo phải xem xét kỹ các doanh nghiệp lỗ cụ thể ra sao. Do đó điện có lẽ cũng nên như vậy rồi hãy quyết tăng” – ông đặt vấn đề.
Nếu các bộ đã kiểm tra thì nên công khai các số liệu để người dân hiểu. Với EVN, nếu tăng giá thì họ sẽ có lợi, sẽ bớt một phần khó khăn để tăng khả năng đảm bảo điện nhưng theo ông Sơn, hàng ngàn doanh nghiệp khác cũng đang khó khăn giống EVN do tác động khách quan, nên cần tính toán một cách rất thận trọng việc tăng giá.
* Ông Võ Văn Đức Bảy (phó giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn): Phải bù thêm 39 triệu đồng/tháng Ngành nhựa sử dụng điện nhiều nhất để tạo ra nhiệt năng, trong đó chi phí điện chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất. Công ty chúng tôi sử dụng khoảng 10.000 kWh/ngày, với giá bình quân 1.500 đồng/kWh, tức hết 15 triệu đồng/ngày. Nếu giá điện tăng bình quân 11% thì chi phí tiền điện sẽ đội lên khoảng 1,5 triệu đồng/ngày, tương ứng khoảng 39 triệu đồng/tháng. Đây là một chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình sản xuất hết sức khó khăn khi sức mua trong nước đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình hình bão lụt, nhu cầu sử dụng hàng thiết yếu được người tiêu dùng cân nhắc, doanh nghiệp không thể nào tăng giá bán được. Tôi cho rằng nếu tăng giá điện ở thời điểm này chỉ làm tình hình kinh tế trong nước càng thêm khó khăn mà thôi. Hằng tháng công ty chi khoảng 500 triệu đồng cho chi phí tiền điện. Nếu giá điện tăng lên thì công ty phải bỏ ra thêm 50 triệu đồng/tháng, mức này chỉ chiếm khoảng 1% trong chi phí sản xuất. Ngành hàng của chúng tôi tuy không ảnh hưởng nhiều bởi giá điện tăng nhưng các chi phí đầu vào như vận tải, xăng dầu chắc chắn sẽ “ăn theo” giá điện. Đây là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng lo lắng vì nó sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. * Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3): Hằng năm công ty chi khoảng 10 tỉ đồng cho chi phí tiền điện. Chi phí điện hiện chiếm khoảng 10% trong chi phí giá sản xuất gia công của doanh nghiệp. Nếu giá điện tăng 11% thì số tiền phải trả không chỉ tăng lên 11,1 tỉ đồng/năm mà chi phí cho sản xuất gia công sẽ tăng nhiều hơn mức 10% vì các yếu tố khác cũng lấy cớ giá điện tăng để tăng theo. Trong khi giá bán cho nhà nhập khẩu không thể tăng vì giá đã chốt theo hợp đồng ký trước lâu rồi. Doanh nghiệp chỉ còn cách tiết kiệm tối đa và chấp nhận giảm lợi nhuận. |