Giấc mộng co – working space

Tôi là một doanh nhân khởi nghiệp và giảng viên ở Mỹ nhưng sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2006. Tôi luôn hứng thú với việc khởi nghiệp và các startup, đồng thời cũng từng sáng lập vài công ty, trong đó có hai co-working space dành cho cộng đồng khởi nghiệp. Ở đây, tôi muốn chia sẻ một chút về kinh nghiệm của mình cũng như góc nhìn của người trong cuộc về các co-working space và việc khởi nghiệp ở Việt Nam.

Các không gian làm việc chung bắt đầu manh nha ở San Francisco và New York vào cuối những năm 1990 và giờ đây đã trở nên phổ biến ở rất nhiều thành phố trên khắp thế giới. Tôi từng đến thăm nhiều co-working spaces từ Singapore đến Thụy Sĩ, và nhận ra rằng mỗi không gian có một đặc điểm riêng, được hình thành bởi cộng đồng tạo nên từ chính các thành viên của nó. Ví dụ, chuỗi co-working space The Hub ở Zurich và Singapore đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp xã hội trong khi hầu hết các không gian ở South of Market Area tại San Francisco lại tập trung vào các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực web hay di động. Cộng đồng thực sự là trái tim của co-working space bởi cũng chính cộng đồng là người trả tiền để không gian này hoạt động.

Tôi từng điều hành một đội ngũ nhỏ chuyên phát triển phần mềm ở Sài Gòn từ năm 2006. Khi công việc outsourcing [gia công phần mềm] có lãi, tôi quan tâm hơn đến khởi nghiệp và đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khác. Vào năm 2010, tôi lập ra một nhóm các nhà đầu tư thiên thần dưới hình thức một tổ chức Việt-Mỹ tên là Diễn đàn các nhà đầu tư SAVVi (SAVVi Investors Forum) và chúng tôi bắt đầu tổ chức các sự kiện nhằm tìm kiếm những dự án tiềm năng để đầu tư. Cũng có một số dự án nổi trội nhưng chẳng đủ để chúng tôi thực hiện một phi vụ đầu tư đáng kể. Vì vậy, sau một năm xem xét, chúng tôi tính rằng trích một khoản tiền nhỏ trong các quỹ của mình để mở co-working space có lẽ sẽ giúp thu hút được nhiều doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng hơn.

Vì từng điều hành một văn phòng nhỏ nên tôi tình nguyện đứng ra xây dựng không gian này. Với nguồn kinh phí xin được từ một dự án do World Bank đầu tư và từ các thành viên khác trong nhóm đầu tư thiên thần, chúng tôi có đủ tiền để thuê một ngôi nhà và một đội ngũ nhỏ – không gian The Start Center cho những doanh nhân khởi nghiệp ra đời.

Sau một thời gian hoạt động, chúng tôi có một cộng đồng startup ở đây, bao gồm Terra Motors đến từ Nhật Bản, Adatao và Sentifi, mà các đồng sáng lập đều là những nghiên cứu sinh ngành Khoa học Máy tính ở Mỹ theo chương trình Vietnam Education Foundation và về nước để khởi nghiệp với những công ty đổi mới sáng tạo đáng kinh ngạc. Vào năm 2014, công ty Atadao đã kêu gọi thành công 18 triệu USD từ những nhà đầu tư ở Silicon Valley.

Đầu năm 2013, nhóm nhà đầu tư thiên thần của tôi và tôi quyết định tiến hành một dự án lớn hơn nữa. Tên gốc của dự án này là Saigon Open Innovation Labs (tạm dịch là Không gian sáng tạo mở Sài Gòn), nhưng chúng tôi rút ngắn tên đó lại thành Saigon Hub. Chúng tôi tìm được một không gian lớn (300 m2) trong một tòa nhà văn phòng cũ tại Quận 1 và thiết kế lại nội thất cho giống với các văn phòng hiện đại ở SiliconValley. Không gian này được thiết kế để có thể tổ chức những sự kiện và các khóa đào tạo lớn cho các doanh nhân khởi nghiệp, đồng thời là một địa điểm để làm việc và hội họp. Hơn 50 sự kiện và cuộc họp nhóm đã được tổ chức ở đây trong năm đầu tiên.

Saigon Hub gặp đầy thách thức. Khi kêu gọi vốn ban đầu và lên kế hoạch tài chính cho dự án, chúng tôi dự kiến sẽ gọi được 100.000 USD từ tổng cộng 10 nhà đầu tư. Nhưng đến phút cuối, hai trong số những nhà đầu tư lớn nhất rút lui và bởi vậy, tôi và các nhà đầu tư khác phải lo bổ sung cho đủ. Rốt cuộc, chúng tôi vẫn không thể kêu gọi đủ vốn đầu tư và vì vậy chúng tôi thiếu nhân viên điều hành không gian này. Chúng tôi cũng không đủ tiền để sắm tất cả những thiết bị cần thiết.

Sau sáu tháng vận hành, điều trở nên rõ ràng là chúng tôi không thể đạt tới điểm hòa vốn. Lúc đó, tôi nêu vấn đề với Ban điều hành và chúng tôi bắt đầu thương lượng với chủ sở hữu tòa nhà về việc hạ giá thuê không gian của mình. Chúng tôi nói rõ với họ rằng nếu giá thuê không giảm, chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động được nữa. Nhưng họ không đồng ý. Bởi vậy, chúng tôi buộc phải dừng hoạt động vào tháng 4/2014.

Khi Saigon Hub khai trương, nhiều co-working space khác cũng được mở ra ở Sài Gòn. Trong khi những địa điểm này đều cung cấp một môi trường tốt để mọi người cùng làm việc, không có nơi nào có một không gian sự kiện rộng lớn như Saigon Hub và cá nhân tôi nghĩ điều đó là điều quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp mạnh mẽ.

Một yếu tố mấu chốt khác trong việc tạo ra một môi trường tốt cho các startups trong co-working space nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, đó là xây dựng một chủ đề để vừa thu hút vừa phát huy năng lực mỗi thành viên trong cộng đồng vì một mục tiêu chung, ví dụ chủ đề vận dụng đổi mới sáng tạo để tạo ra các startups có khả năng phát triển sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Gần đây, tôi có cơ hội làm việc với một dự án được chính phủ Phần Lan và Việt Nam tài trợ để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với tên gọi Chương trình Hợp tác Đổi mới sáng tạo (Innovation Partnership Program – IPP). Tôi nghe nói về IPP lần đầu tiên vào năm 2012 khi được mời phát biểu tại một hội nghị do IPP tổ chức ở Hà Nội. Thời gian đó, IPP đã kết thúc hợp phần một và đang chuẩn bị cho hợp phần hai. Đầu năm nay, tôi được mời hỗ trợ thiết kế các chương trình sẽ được triển khai vào ba năm tới ở hợp phần này của dự án. Tôi hy vọng hợp phần hai của IPP sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho những dự án mới giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các cộng đồng startup tại Việt Nam.

Chúng tôi đang lên kế hoạch hỗ trợ tám hệ thống dự án đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và một trong số đó có thể sẽ có dạng co-working space, tùy thuộc vào nhu cầu của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Cần Thơ. Tất cả mọi người đều có thể đăng ký tiếp cận nguồn vốn này và tìm hiểu thêm thông tin ở website của chúng tôi, www.ipp.vn.

Tôi hi vọng kế hoạch này sẽ truyền cảm hứng cho những doanh nhân khởi nghiệp trong tương lai, những người sẵn sàng đương đầu với thử thách của việc tạo dựng cộng đồng những người muốn tạo ra sự khác biệt trên thế giới.

Về mặt cá nhân, bản thân tôi là người khuyết tật bẩm sinh, tôi đã bị mất đi 90% thị lực. Nhưng ngay cả với khiếm khuyết đó, tôi vẫn may mắn gặp được những người tốt và hào phóng, và cùng với nhau, chúng tôi đã làm được nhiều điều để tạo dựng những cộng đồng và startup mới. Vậy nên, tôi thực sự tin rằng, nếu tôi làm được thì bất cứ ai cũng có thể.

Tác giả