Giải pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu: Giải pháp khắc phục điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam” do Cục Sở hữu Trí tuệ, tạp chí Tia Sáng, và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức ngày 28.5 tại TP.HCM góp phần lý giải nhiều vấn đề mà DN thực sự quan tâm: vì sao DN và cơ quan quản lý chưa gặp nhau,  vì sao DN trong nước bị “bắt nạt” về sở hữu trí tuệ khi ra nước ngoài, và những giải pháp trước mắt của DN là gì khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu hơn vào các hiệp định thương mại toàn cầu.

Lỗ hổng từ ý thức và quá trình thực thi

Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thế giới, đặc biệt là ở những nước phát triển, đã trở thành một công cụ bảo hộ đắc lực cho các doanh nghiệp và được thực thi một cách hiệu quả, trong khi đó tại Việt Nam cả người sở hữu và cơ quan bảo vệ đều chưa thực sự hiểu đầy đủ về nó. Doanh nghiệp (DN) thì muốn cơ quan nhà nước đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình ở mọi lúc mọi nơi mọi thời điểm, còn cơ quan có trách nhiệm thì cho rằng nếu DN không lên tiếng, không đấu tranh đến cùng và không tự bảo vệ mình thì cơ quan thực thi cũng bó tay.

Tại hội nghị nhiều DN cho rằng mình vẫn bị xâm phạm về quyền SHTT và chưa được các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp. Bà Ngô Thị Báu – Phó TGĐ công ty TNHH SX – Nguyên Tâm – Foci cho hay: Công ty đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để điều tra cũng như tố cáo các đối tượng có hành vi làm hàng giả hàng nhái thương hiệu của Foci tuy nhiên vừa không có được kết quả như mong muốn lại vừa “mệt mỏi vô cùng” vì phải nhiều lần tiếp đón cơ quan quản lý thị trường đến kiểm tra chất lượng hàng hóa rất nghiêm ngặt ở công ty.

Đại diện công ty cổ phần may Việt Tiến cũng chia sẻ, tuy đã phối hợp với các cơ quan chức năng, được tư vấn về vấn đề bảo vệ quyền SHTT nhưng sau khi tiến hành kiểm tra các điểm bán hàng giả, hàng nhái của thương hiệu mình trên thị trường thì “đến khâu xử lý cứ bị tắc mà chúng tôi không biết gỡ thế nào”.

Đại diện công ty nước giải khát Bidrico thì thắc mắc không hiểu vì sao cùng một sản phẩm, chúng tôi đăng ký quyền bảo hộ trước không được còn một công ty sau đó đăng ký thì được. Không những vậy, đại diện công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận cho biết công ty từng đâm đơn kiện nhưng thủ tục hành chính thì khá rườm rà, thời gian đợi để được cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, xử lý rất lâu khiến công ty cảm thấy mình phải dừng cuộc chơi.

Về phía các cơ quan chức năng – theo bà Hoàng Tố Như, Phó trưởng Phòng sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN TP.HCM), nhiều trường hợp chính các cơ quan thực thi còn phải lung túng vì hành vi vi phạm SHTT rất tinh vi, và đa dạng. Chúng không chỉ nhắm đến các mặt hàng rẻ tiền mà nay còn lấn sang các mặt hàng cao cấp có giá trị cao tới vài chục triệu được bày bán ở các trung tâm thương mại lớn. Do vậy để chống lại việc xâm phạm quyền SHTT, trước hết cần sự nỗ lực từ cả các DN và cơ quan bảo đảm quyền và cơ quan thực thi.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bảy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận: Tuy hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam đầy đủ, nhưng việc thực thi còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc cơ quan thực thi không thể kiểm soát và phát hiện, xử lý triệt để vì thiếu sự phối hợp giữa các DN với đơn vị quản lý thị trường nên nhiều trường hợp không thể biết hết thương hiệu nào đã đăng ký quyền SHTT.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng mà hầu hết các DN chưa chú trọng đó là cơ quan tư vấn pháp luật. Bà Nguyễn Thị Vân – Giám đốc chi nhánh miền Nam công ty Vision & Associates, cho rằng bản thân DN chưa nhận thức được vai trò của văn phòng luật sư, nơi sẽ tư vấn cho họ cách bảo vệ công ty của họ ngay từ những ngày đầu sơ khai. Có rất nhiều trường hợp DN chỉ tìm đến văn phòng luật sư khi mọi chuyện đã rồi, khi đó đã là quá muộn để có thể bảo vệ quyền lợi của họ.

Con người chính là giải pháp tốt nhất về quyền sở hữu trí tuệ

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã khẳng định việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các DN nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ với các tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT. Các DN có thể phải chi phí cao hơn cho hoạt động quyền SHTT; người tiêu dùng của Việt Nam có thể phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT. Nhưng ngược lại, DN Việt Nam lại có cơ hội được bảo hộ quyền SHTT đầy đủ và toàn diện ở các nước thành viên của các điều ước quốc tế liên quan, hưởng môi trường đầu tư lành mạnh hơn, người tiêu dùng được bảo đảm quyền để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái…

Vậy giải pháp nào sẽ giải quyết cho vấn đề hàng giả hàng nhái khiến cả DN và cơ quan chức năng phải “lực bất tòng tâm”.

Một trong những giải pháp được coi là hay nhất đó là yếu tố con người. Theo ông Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, với thực tế là các biện pháp thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (xác lập, đăng ký, thực thi) ở Việt Nam còn yếu, các DN cần phải tự bảo vệ mình bằng cách không ngừng sáng tạo, đây là cách bảo vệ tốt nhất. DN phải nhận thức rằng sở hữu trí tuệ chính là sở hữu sự sáng tạo, phát minh của con người. Vì vậy DN phải luôn tạo ra năng lực cạnh tranh trong thu hút người có tài. Và khi có được người tài rồi thì phải giữ và nuôi dưỡng được cái tài đó thì doanh nghiệp sẽ luôn luôn phát triển bền vững. Còn ông Phạm Phi Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, thì cho rằng, giải pháp để các DN đối phó với các hàng giả hàng nhái trên trị trường đó là liên tục đổi mới với những sáng chế độc đáo, kéo dài thời gian bảo hộ, liên kết sáng chế với đăng ký mới,…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)