Giải pháp công nghệ cho vấn nạn “thừa cung” của ngành mía đường

Ngày 25-7, tại Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang tổng kết niên vụ 2012-2013, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã thừa nhận những khó khăn và thách thức trong sản xuất- tiêu thụ mía-đường ở 25 tỉnh  thành.

Với năng suất bình quân trong cả nước : 63,9 tấn /ha, đã diễn ra tình trạng “thừa cung” ít nhất 200.000 tấn, đồng thời tổn thất sau thu hoạch còn khá lớn do chưa đưa nhiều phương tiện cơ giới vào rẫy mía, chất lượng thành phẩm thích ứng nhu cầu chế biến công nghiệp không nhiều, chi phí sản xuất cao, nạn đường nhập lậu ngày càng nhiều hơn khiến cho 40 nhà máy đã sản xuất trên 1,5 triệu tấn đường trong niên vụ qua rơi vào khê đọng kéo dài.

Hiệp hội thảo luận nhiều về giải pháp chuyển hoạt động của ngành đường theo chuỗi sản xuất phức hợp, có sự can thiệp của công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh. Đặc biệt, Hiệp hội  khuyến cáo các thành viên nên đầu tư công nghệ lò hơi trung cao áp và turbin trích ngưng tụ ( condensing extraction steam turbin) kèm theo các giải pháp tiết kiệm năng lượng, có thể đạt mức điện phát ra lưới từ 70-130 KWh/ tấn mía. Hiệp hội đề nghị ngành điện mua toàn bộ điện sinh khối được sản xuất với điều kiện ưu đãi, nhất là dự án điện đồng phát từ bã mía nối lưới điện quốc gia. Được biết chương trình 500 MW điện sinh khối cần khoảng 10.000 tỷ và Hiệp hội đề nghị được ưu đãi tín dụng.  

Chất dẻo sinh học, nguyên liệu làm phân hữu cơ từ bã bùn, ván ép MDF, cồn nhiên liệu từ mía và mật rỉ…là xu hướng đa dạng hóa để tồn tại và lấy lại thế cạnh tranh bên cạnh những chính sách chống buôn lậu hữu hiệu là lời kêu gọi của Hiệp hội mía đường khi kết thúc niên vụ với những chỉ số gia tăng: diện tích, sản lượng và tình trạng dư thừa nhưng không có chính sách dự trữ.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)