Giải pháp tối ưu cho các ngã 3, ngã 4 đã bị bịt tại Hà Nội
    Chúng ta vẫn ca ngợi phố Cổ Hà Nội với những giá trị văn hóa mà không hề biết rằng phố Cổ còn một giá trị khác để cho đời sau chiêm nghiệm - đó chính là sự đặc biệt thông thoáng trong giao thông mà hầu như không có ùn tắc giao thông xảy ra tại các khu này.
Những người thiết kế và xây dựng Hà Nội xưa đã tạo ra một không gian giao thông đa chiều đan xen với một hệ thống phân lập từ trong ra ngoài với các ngã 3, ngã 4 đặc biệt hợp lý.
Trong nhiều năm, tư tưởng ‘kẻ thẳng làm to’ với những dự án hoành tráng, bao cấp từ tư duy phân luồng của một số nước đã được áp dụng máy móc cho sự phát triển của Thủ đô. Thực chất, những nước phát triển chỉ kẻ thẳng làm to khi họ đã xây dựng được một hệ thống rẽ nhánh – tức lối thoát (Exit) đủ để giải phóng tắc đường. Điều mà trong tư duy, chúng ta chưa tính đến, hoặc có nhưng chưa đủ độ thoát.
Nói đến lối thoát, thí dụ điển hình là suốt cả hai chiều của cầu Chương Dương, không hề có một lối “thoát” nào! Hệ quả là đã có những lúc, đến xe cứu thương cũng không biết đi thế nào trước tình cảnh cả 2 đầu trước sau đều không thể nhúc nhích. Rất tiếc, điều mà chúng ta không học lại tồn tại sờ sờ ngay trên cây cầu Long Biên- dù chỉ là một khoảng đủ rộng để có thể xoay sở khi cần.
Khái niệm Exit cũng không tồn tại trên các tuyến độc đạo ra vào nội đô-đây cũng chính là tình cảnh dở khóc dở cười của hàng cây số xe máy khi vào thành phố mỗi buổi sáng và ngược lại là buổi chiều dài dằng dặc giờ tan tầm để trở về ngoại đô.
Phải khẳng định rằng tình trạng không có lối thoát-tức không tồn tại Exit là một trong các nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, nhất là trong bối cảnh giao thông xe máy như hiện nay…
Trên các phương tiện thông đại chúng, người Hà Nội đã có những phản ứng khác nhau về tình trạng một số ngã 3, ngã 4 bị bịt và thay vào đó là việc người tham gia giao thông phải đi xa hơn để tìm lối rẽ thích hợp cho mình.
Một cách vô tình hay hữu ý, cái “hồn” của giải pháp này chưa thấy các nhà quản lý hay sáng tạo ra giải pháp này giải thích rõ ràng trước công chúng. Thực chất, cốt lõi của giải pháp này là tạo thêm lối thoát – tức tạo Exit tại những nút giao thông tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc.
Tiếc thay, người ta đã giải thích và hiểu theo nhiều cách khác nhau về việc bít một số ngã 3, ngã 4 như hiện nay tại Hà Nội để rồi chưa thể có một kết luận nào mang tính thực tiễn ngõ hầu từ “thử nghiệm” trở thành giải pháp đại trà một cách thuyết phục. Trên thực tế, giải pháp này “học” được tư tưởng kiến trúc giao thông của phố cổ Hà Nội là tạo ra nhiều “Exit=lối thoát” bằng cách mở lối thông giữa hai làn đường ngược chiều mà bấy lâu nay chỉ có thể exit bằng ngã 3, ngã 4. Và những lối Exit này được coi là đặc biệt phù hợp với tư duy của người tham gia giao thông bằng xe máy tại Hà Nội-thói quen bỏ qua sự hiện diện của hệ thống đèn đỏ đèn xanh.
Tuy nhiên, đáng lẽ cùng với “mở thêm Exit” bằng việc tạo ra lối thoát giữa 2 làn ngược chiều, đồng nghĩa với việc mở thêm cơ hội cho xe máy thì chúng ta lại tạo thêm nguy cơ tiềm ẩn ách tắc cho ô tô bằng việc bít đi một lối thoát truyền thống nhất-đó là bít ngay cái ngã 3 hay ngã 4 mà ta vừa mở thêm lối thoát.
Có thể thấy rất rõ rằng, trừ các đường đặc biệt rộng như Liễu Giai hay Nguyễn Chí Thanh, còn hầu hết các lối Exit này luôn có nguy cơ gây ách tắc, thậm chí còn rất nguy hiểm cho các loại ô tô khi phải quay vòng như một xe máy. Báo chí đã chụp những cảnh “tắc tị chết người” tại các lối Exit này vào giờ cao điểm – đơn giản vì đã không có đèn xanh đèn đỏ, lại nguy hiểm hơn vì thường không có cảnh sát giao thông tại các lối thoát này (cảnh sát giao thông thường chỉ có mặt tại các nút giao thông có đèn đỏ).
Việc phân tích bằng mô hình đã chỉ ra một bất hợp lý rằng: Trong khi việc mở thêm các lối Exit là có lợi cho giao thông xe máy, và ít nhiều đã có lợi trong con mắt của nhiều người thì tại sao chúng ta lại không tiếp tục sử dụng các ngã 3, ngã 4 theo truyền thống?
Kiến nghị của chúng tôi là: Ngã 3, ngã 4: Hoạt động bình thường theo đèn đỏ, đèn xanh và chỉ ô tô được rẽ trái (cấm xe máy rẽ trái) + Lối mở thêm (Exit) chỉ dành cho xe máy (cấm ô tô rẽ ở đây).
Chúng tôi đã có những buổi quan sát và thấy rằng giải pháp này giải quyết được tất cả các mâu thuẫn hiện nay tại các ngã 3, ngã 4 này. Đặc biệt nó giải quyết được bài toán cho người đi bộ qua đường tại những lối đi truyền thống dành cho họ.
Thực ra, giải pháp kết hợp này mang tính dung hòa và cũng chỉ mang tính thời gian nhất định. Nó tránh sự phung phí hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào hệ thống đèn tín hiệu tại các ngã 3, ngã 4 đang bị bít mà nay đang nhấp nháy, không chỉ tốn điện mà còn tạo nên cảm giác chai lỳ trong đầu người tham gia giao thông. Ban đầu, người tham gia giao thông còn để ý đến đèn xanh đèn đỏ, song vì có những ngã 3, ngã 4 đã bị bịt mà đèn đỏ cứ sáng và không phục vụ cho việc điều tiết giao thông, nên thời gian đã vô hình trung tạo cho họ ít nhiều cảm giác mất phản xạ với những tín hiệu xanh, đỏ truyền thống mà lẽ ra họ phải tuân thủ theo qui định một cách rất tự nhiên.
Giải pháp này cũng duy trì được lối đi bộ dành cho người qua đường – điều mà những người sáng tạo ra giải pháp bịt ngã 3, ngã 4 không thể làm hài lòng công luận trên cả bình diện lý thuyết và đặc biệt không có lời giải trên thực tiễn khi người ta căng băng rôn: “nhường đường cho người đi bộ” trước các lối thoát vừa mở một cách khiên cưỡng!
Hơn thế nữa, giải pháp này cũng tránh được đại trà hóa việc bít các ngã 3 ngã 4 mà từ sự thí điểm tại Hà Nội, nay đã đang phổ biến tại Hải Phòng và sẽ thật tốn kém khi nhiều thành phố khác trên cả nước chắc chắn cũng đang “học tập Hà Nội”. Rất mong các nhà quản lý giao thông lưu tâm, đặc biệt là nên mở lại ngay các ngã 3, ngã 4 đã bịt trước ngày lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long lịch sử mà mật độ giao thông được dự báo sẽ tăng cao gấp 10 lần so với bình thường.