Giảm 1% một loạt lãi suất chủ chốt

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành một loạt chính sách, được xem là động thái thúc đẩy giảm lãi suất cho vay, gỡ khó cho hoạt động tín dụng, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn.

Ngày 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định số 693/QĐ-NHNN, giảm 1% một loạt lãi suất chủ chốt.

Hàng loạt chính sách mới

Theo quyết định trên, từ ngày 11/4, lãi suất tái cấp vốn giảm 1%/năm từ mức 14%/năm xuống còn 13%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 12% xuống còn 11%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 15%/năm xuống còn 14%/năm. Với quyết định này, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay.

Cũng trong ngày 10/4, Thống đốc ban hành thông tư số 08/2012/TT-NHNN, quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng là 4%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng trở lên là 12%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ một tháng trở lên là 12,5%/năm.

Quy định này có hiệu lực thi hành từ 11/4. Các mức lãi suất này đều thấp hơn quy định cũ. Có thể nói, quy định này giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn rẻ.

Cùng ngày, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản số 2056/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa theo quy định của NHNN; ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động….

Thống đốc cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng này cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động khách quan của nền kinh tế làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ, ứ đọng tồn kho hàng hoá; chủ động phối hợp với khách vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ từ đó giảm nợ xấu; tiếp tục xem xét cho vay mới với các nhu cầu vay vốn có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.

Việc cho phép cơ cấu nợ là rất có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay. Bởi, tình trạng đóng băng tín dụng đã được uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đề cập trong báo cáo mới đây. Nguyên nhân, theo chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính Vũ Viết Ngoạn là do tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, trong khi các ngân hàng thận trọng hơn trong chủ trương cấp tín dụng.

Và những chướng ngại trước mắt

Dù vậy, trong điều kiện thực tế hiện tại, ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua.

Thanh khoản được cải thiện khiến nhu cầu vay mượn liên ngân hàng cũng như tình trạng vượt rào lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng đã giảm rõ rệt. Theo báo cáo của NHNN ngày 10.4, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục “hạ nhiệt” khi lãi suất bình quân VND trên thị trường này tiếp tục giảm đối với các kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống. Hiện mức lãi suất liên ngân hàng thấp nhất còn 9,38%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần và cao nhất là 13,50% đối với kỳ hạn 9 tháng và trên 12 tháng. Lãi suất huy động cũng đã hình thành đường cong, thay vì “thẳng băng” như trước.

Tạm khắc phục được vấn đề thanh khoản, nhưng các ngân hàng vẫn đối mặt với mối lo đầu ra cho tín dụng.

Chẳng hạn, ngân hàng thương mại cổ phần B., sau khi tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng và đổi tên hồi cuối năm ngoái, lượng vốn đổ vào chỉ riêng tại chi nhánh ở Hà Nội của ngân hàng này đã tăng thêm gần 1.000 tỉ đồng trong thời gian chưa đầy một tháng. Song cũng từ đầu năm đến nay, ngân hàng này gần như không tìm được khách hàng tốt để giải ngân.

Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại xác nhận, như tình trạng chung của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng của ACB cũng chậm lại, nợ quá hạn tăng lên. Để tìm đầu ra cho tín dụng, ACB đã xây dựng một kế hoạch tái cơ cấu các khoản vay, nhất là với các khoản trung, dài hạn với lượng vốn dành cho chương trình này trước mắt là 1.000 tỉ đồng. Theo đó, ngân hàng sẽ tiến hành rà soát toàn bộ khách hàng, năng lực tài chính, các yếu tố rủi ro… Trên cơ sở đó, xem xét điều chỉnh thời hạn vay, trả nợ của doanh nghiệp.

“Có những doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và khả năng trả nợ cần thời hạn bảy năm, song ngân hàng chỉ cho vay thời hạn năm năm, nên doanh nghiệp rất khó khăn trong cân đối nguồn tài chính, trả nợ. Nay chúng tôi sẽ ngồi với doanh nghiệp, cùng nhau tìm giải pháp, giúp họ không chỉ tái cấu trúc khoản vay mà còn tái cấu trúc tài chính, để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bởi chúng tôi xác định, doanh nghiệp sống được, ngân hàng mới sống được”, ông Toại nói.

Ông còn cho biết thêm, dù ACB thanh khoản tốt, vốn tín dụng dư thừa và được phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhất, song lãnh đạo ngân hàng “chưa an tâm về thanh khoản chút nào” trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế, và vẫn phải dự phòng những phương án xử lý với tình huống khó khăn nhất.

Tác giả