Giảm đầu tư cho ĐMST: Ngôi vị số 1 của Mỹ sẽ lung lay?
Tuy các nhà khoa học tại Mỹ đang được đầu tư và hỗ trợ nhiều nhất thế giới, nhưng mức đầu tư của Liên bang ngày càng giảm. Hậu quả của việc này, theo kết luận của các lãnh đạo hơn 200 Viện – trường của Mỹ là nước Mỹ sẽ ngày càng thiếu hụt các nhà khoa học cũng như các thành tựu đột phá về công nghệ.  
Thời của chạy đua R&D và ĐMST
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, chưa bao giờ khoa học công nghệ lại phát triển rực rỡ tới mức những đầu óc giàu tưởng tượng nhất cũng khó hình dung. R&D và ĐMST đã thâm nhập mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bắt đầu lan toả từ những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của hai cuộc Thế chiến, với mục tiêu ban đầu nhằm cải thiện đời sống xã hội sau chiến tranh cũng như tăng cường việc bảo vệ an ninh quốc phòng của các cường quốc. Từ những đồ gia dụng cho tới những công cụ như internet, điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử, các ứng dụng sinh hoá hay vật lý tinh vi,… ngày nay đã thay đổi toàn diện không chỉ thói quen, sinh hoạt trong đời sống thường nhật của mỗi quốc gia, mà còn thay đổi những cấu trúc xã hội, tác động mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và vị thế của mỗi quốc gia trên thế giới.
Bản đồ mức độ đầu tư vào R&D và ĐMST của Tài liệu chỉ số khoa học kỹ thuật Hoa Kỳ năm 2014 cho hay, ba khu vực đầu tư nhiều nhất cho các hoạt động R&D và ĐMST trên toàn cầu cũng chính là ba khu vực tập trung những nền kinh tế mạnh nhất và tăng trưởng cao nhất thế giới. Đó là khu vực Bắc Mỹ bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Mexico với tổng mức đầu tư là 462 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 32,2% tổng ngân sách đầu tư cho R&D và ĐMST toàn cầu, tiếp theo là khu vực Đông và Đông Nam Á (bao gồm cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN,…) với con số 456 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 31,8% và đứng thứ ba là khu vực EU với 22 nước với tổng số 345 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 24%.
Trong ba khu vực đầu tư nổi trội cho R&D và ĐMST này của toàn cầu nổi lên ba cường quốc có thành tựu R&D lớn nhất là Hoa kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản với tổng đầu tư của ba quốc gia này cho hoạt động R&D và ĐMST lên tới trên 700 tỷ USD trong năm 2011. Tuy nằm trong top đầu về đầu tư cũng như thành tựu gặt hái từ R&D và ĐMST, nhưng trên thực tế Hoa kỳ đã bị giảm tỷ lệ thành tựu R&D từ 37% năm 2001 xuống còn dưới 30% vào năm 2011, trong khi đó các quốc gia Đông và Đông Nam Á bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore lại tăng từ 25% năm 2001 lên 34% sau một thập kỷ.
Tỷ lệ tăng trưởng R&D của Trung Quốc trong vòng một thập kỷ (2001-2011) sau khi đã tính cả tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức cao một cách bất ngờ – 18%/năm.
Một nguồn số liệu khác từ Ngân hàng thế giới cũng cho thấy trong khoảng thời gian từ 2009-2013, nhiều quốc gia Đông và Đông Nam Á đã lọt vào top 10 toàn cầu về tỷ trọng đầu tư cho R&D và ĐMST so với GDP, trong đó đặc biệt phải kể đến Hàn Quốc với tỷ trọng lên tới khoảng 4% tổng GDP, Nhật Bản khoảng 3,4%, Đài Loan khoảng 3%, Trung Quốc trên 2,8% và Singapore trên 2%.
Với mức đầu tư mạnh mẽ vào các hoạt động R&D và ĐMST, chỉ trong vòng 10 năm, khu vực Đông và Đông Nam Á đã trở thành những tâm điểm mới của thế giới khoa học công nghệ và kinh doanh sáng tạo của thế giới. Theo số liệu của Tổ chức kêu gọi Chính phủ Liên bang Mỹ ngừng việc cắt giảm đầu tư cho R&D và ĐMST công bố vào đầu năm 2014 thì trong một thập kỷ qua, trong khi ngân sách đầu tư cho R&D và ĐMST của Mỹ không tăng thì con số này ở Trung Quốc tăng tới 90% và tại Hàn Quốc tăng tới 50%. Điều này cũng lý giải tại sao chỉ tính riêng năm 2008, trong khi Trung Quốc có tới trên 15000 kỹ sư mang trình độ tiến sĩ thì tại Mỹ chỉ có chưa tới 8000 và trong số các quốc gia phát triển nhất thế giới, Mỹ chỉ đứng thứ 12 về tỷ lệ thanh niên có bằng cấp cao đẳng đại học trở lên.
Thiếu R&D, Ngôi vị số 1 của Mỹ lung lay?
Trong bối cảnh chạy đua về đầu tư R&D và ĐMST của các quốc gia như vậy, câu hỏi của Susan Hockfield là nỗi lo chung của giới doanh nghiệp dẫn đầu và giới Trường – Viện tại Mỹ dấy lên từ sau Đạo luật Kiểm soát ngân sách năm 2011 đưa ra việc sẽ cắt giảm khoản đầu tư vào các hoạt động R&D và ĐMST, đặc biệt ở các Viện – Trường kéo dài từ 2014-2021.
Ngay khi Đạo luật được đưa ra, nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dẫn đầu của Hoa Kỳ như Google, Intel, Microsoft, IBM, Qualcomm,… cho tới các Viện – Trường uy tín như Princeton, MIT,… cũng như Liên đoàn Đại học Hoa Kỳ và hàng trăm tổ chức nghiên cứu và xã hội khác trên toàn nước Mỹ.
Trong hai lá thư gửi tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thượng viện Mỹ vào tháng 9 và tháng 10/2013, khoảng 200 đại diện của các tổ chức này đã nhấn mạnh rằng việc đầu tư vào R&D và ĐMST “đóng góp mạnh mẽ vào sự tăng trưởng kinh tế lâu dài”. Nhóm này cũng cho rằng vai trò của nước Mỹ là “nhà lãnh đạo đổi mới sáng tạo của thế giới” và vai trò này đang gặp nguy cơ nghiêm trọng vì thiếu sự ủng hộ của liên bang cho nghiên cứu và đào tạo STEM (Science: Khoa học; Technology: Công nghệ; Engineering: Kỹ thuật; Math: Toán học). Họ cho rằng “Nước Mỹ phải duy trì sự cam kết với tính cạnh tranh của nó và năng lực ĐMST trong tương lai. Sự cam kết này là sống còn đối với sự tăng trưởng kinh tế lâu dài, đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu cạnh tranh”. Dù hiểu được rằng nước Mỹ đang bị thách thức bởi sức ép tài chính và việc kiểm soát ngân sách nhưng nhóm này cũng cho rằng việc giảm bớt sự ủng hộ của đất nước cho R&D và đào tạo STEM sẽ không giải quyết được vấn đề này mà nó chỉ “làm chậm động cơ thúc đẩy ĐMST và tăng trưởng kinh tế – điều cần thiết đối với việc giảm nợ và thâm hụt lâu dài”.
Các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp khoa học công nghệ dẫn đầu cũng như Chủ tịch của các Viện, Trường,… tham gia ký tên trong những lá thư gửi tới Tổng thống Mỹ và Nghị viện Mỹ cho rằng những đột phá về khoa học công nghệ không hề rẻ và cũng không thể một sớm một chiều. Nó đòi hỏi một quá trình đầu tư lâu dài, với dẫn chứng rõ ràng nhất là những gì nước Mỹ hiện đang có là thành quả của sự đầu tư ngay từ sau Thế chiến II. Một ví dụ là về mạng giáo dục đào tạo mở edX do MIT và Harvard đưa ra cách đây gần 2 năm thực chất là một mô hình đào tạo toàn cầu xây dựng trên những tính năng nổi bật của công nghệ máy tính nằm trong dự án nghiên cứu của Cục Quốc phòng từ những năm 1960-1970. Hiện edX có tới 1,4 triệu người theo học và đang phát triển chóng mặt. Theo tính toán, những công nghệ nổi trội được phát triển sau 1945 với các chip điện tử, công nghiệp năng lượng hạt nhân, nhựa, sợi, phân bón,… này đã đóng góp tới hơn một nửa vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sau Thế chiến II.
Tuy các nhà khoa học tại Mỹ đang được đầu tư và hỗ trợ nhiều nhất thế giới, nhưng mức đầu tư của Liên bang ngày càng giảm. Hậu quả của việc này, theo kết luận của các lãnh đạo hơn 200 Viện – trường của Mỹ là nước Mỹ sẽ ngày càng thiếu hụt các nhà khoa học cũng như các thành tựu đột phá về công nghệ, nước Mỹ sẽ thiếu nguồn nhân lực được chuẩn bị, có kỹ năng; thiếu dần các phát minh, các công ty khởi nghiệp, các sản phẩm và tất nhiên – việc làm. Trong khi Mỹ được coi như hình mẫu để nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc,… học tập để tạo ra con đường và mô hình phát triển của họ thì những thiếu hụt nói trên gây ra bởi việc cắt giảm ngân sách cho R&D và ĐMST sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc mở rộng thị trường của Mỹ, việc chuyển hướng các trung tâm ĐMST và R&D thế giới sang những quốc gia mới nổi khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế và hệ quả cuối cùng là vị thế số 1 của Mỹ về kinh tế, khoa học – kỹ thuật hay quân sự sẽ khó giữ.
Cuộc hội thảo của liên đoàn các trường đại học Mỹ diễn ra hồi đầu năm cũng đã nghiêm túc đánh giá thực trạng này và tại hội thảo, nhiều đại diện của các quốc gia đang đầu tư mạnh cho R&D và ĐMST từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… đã được mời tới để chia sẻ những kinh nghiệm “bắt kịp” và “kịch bản vượt qua” Mỹ thế nào. Đáng chú ý như đại diện từ Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Seoul cho hay Chính phủ Hàn Quốc đã đặt trọng tâm vào tri thức học thuật là một phần của chương trình nghị sự quốc gia mang tên Kinh tế Sáng tạo với mục tiêu thay thế “mô hình bắt kịp” mà Hàn Quốc từng đặt ra với mong muốn đuổi kịp Mỹ để chuyển sang việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa các Viện trường với các ngành công nghiệp, nếu Viện trường không hợp tác và không đưa ra được những mục tiêu cụ thể cho việc ứng dụng vào các ngành công nghiệp phát triển của đất nước, “họ sẽ không nhận được quỹ hỗ trợ nghiên cứu từ chính phủ” – đại diện này cho hay.
Ba chân kiềng của một cường quốc ĐMST
Với trường hợp của nước Mỹ, ba chân kiềng quan trọng nhất tạo nên sức mạnh về khoa học công nghệ chính là bộ ba: Viện – trường; Doanh nghiệp và Chính phủ.
Năm 2011, giới doanh nghiệp Mỹ là giới tạo ra nhiều thành tựu R&D nhất, chiếm tới 69% tổng số các thành tựu của toàn quốc với tổng trị giá khoảng 294,1 tỷ USD. Trong suốt hai thập kỷ, từ 1991-2011, giới này luôn đóng góp từ 68-74% trong thành tựu và hiệu quả R&D.
Đứng thứ hai chính là giới nghiên cứu học thuật – Viện – trường với mức đóng góp khoảng 15% và tạo ra giá trị tương đương 63,1 tỷ USD trong năm 2011. Đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng về R&D cao nổi bật trong vòng gần mười năm qua. Tiếp đó là khu vực của các tổ chức chính phủ với mức đóng góp khoảng 12% trong năm 2011 và các tổ chức phi lợi nhuận khác.
Với chính sách cắt giảm mới của Chính phủ Mỹ, giới nghiên cứu Viện – Trường sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất – điều này lý giải tại sao có tới 200 lãnh đạo các Viện – trường danh tiếng của Mỹ tham gia ký tên vào lá thư gửi Tổng thống Obama và Nghị viện. Với những “lãnh địa” của khoa học công nghệ như các trường ĐH và bệnh viện tại khu vực Boston – nơi được mệnh danh là “thủ đô công nghệ sinh học của thế giới” – hậu quả của việc cắt giảm rất nghiêm trọng khi chỉ riêng năm 2013, Massachusetts nhận được ít đi tới 125 triệu USD trong phần hỗ trợ của Liên bang cho các hoạt động nghiên cứu y học so với nhu cầu thực sự của nó, kéo theo việc cắt giảm việc làm và làm chậm quá trình nghiên cứu ĐMST. Hai tổ chức vốn là hai nguồn gieo quỹ chính của Liên bang là Viện Y tế quốc gia và Quỹ Khoa học quốc gia cũng vì bị cắt giảm ngân sách mà chỉ trong năm tài chính 2013 đã giảm số lượng tài trợ các dự án tới 600-650 dự án.
Dù tiến hành chiến dịch kêu gọi Chính phủ Mỹ xem xét lại việc cắt giảm ngân sách cho R&D và ĐMST, nhưng tự giới Viện-trường và Doanh nghiệp dẫn đầu của Mỹ cũng đang phải tìm cách “sống sót” và phát triển. Nhiều dự án giữa các Viện – trường với giới doanh nghiệp được đưa ra thảo luận. Trên thực tế, tại các Viện trường như Princeton hay MIT, các dự án R&D và ĐMST chủ yếu được bảo trợ và gieo quỹ nhờ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp được cho là dẫn đầu thế giới như Công nghệ truyền dẫn, sinh hoá,…đều tự tái đầu tư lợi nhuận vào công tác R&D.
Và cho dù giới nghiên cứu của Hoa Kỳ muốn hay không, những “thung lũng Silicon xanh” đang có vẻ được gây dựng và phát triển ở bên ngoài nước Mỹ như tiên đoán của CEO Google Eric Schimidt đưa ra cách đây 4 năm.
Chiến dịch kêu gọi Chính phủ Mỹ xem xét để ngừng việc cắt giảm ngân sách cần thiết trong R&D và ĐMST đang tiếp tục những động thái ngày càng mạnh mẽ. Đây được coi như một thách thức đối với chính quyền Obama nhằm duy trì sức mạnh thực sự và ngôi vị bá chủ của Mỹ cũng như duy trì hình ảnh của một giấc mơ Mỹ. Trong khi Susan Hockfield cho rằng “những quyết định khôn ngoan lúc này có thể tạo ra di sản quyền lực cho những thế hệ tương lai của nước Mỹ” thì Eric Schmidt tin rằng con người là nhân tố quan trọng nhất: “Chúng ta có tất cả mọi thứ chúng ta cần để ra khỏi vũng lầy hiện tại. Ngay bây giờ, đâu đó trên nước Mỹ, ai đó đang làm việc bên một bàn bếp, trong một phòng ký túc hay ở một ga-ra để phát triển những ý tưởng không những có thể tạo ra một ngành công nghiệp mới nhưng còn có thể thay đổi thế giới này. Nếu chúng ta cung cấp được môi trường cần thiết, người đó sẽ làm điều còn lại”