Giáo dục nhân văn trong thời kỳ truyền thông – công nghệ (Kỳ 1: Con người đã sẵn sàng thoái vị trước máy móc?)

Trước sự phát triển mau chóng và ngày càng tỏ ra chi phối trực tiếp, mạnh mẽ đến cuộc sống của con người, một số nhà nhân văn chủ nghĩa nêu quan điểm cần phải thay đổi cách thức giáo dục nhân văn, nhân tính (humanity) cho cộng đồng thì mới đảm bảo mối quan hệ hài hòa thay vì đối kháng giữa công nghệ truyền thông và con người. Giáo dục nhân văn, theo đó, phải là quá trình và cách thức tìm kiếm, truyền dẫn, xây dựng nhân tính, để nhân tính không bị bào mòn hoặc mất đi trước sức mạnh công nghệ-truyền thông số. Bản thân công việc giáo dục nhân văn cũng không nên đặt hoàn toàn vào vai trò các nhà sư phạm, mà cần sự hợp tác của các nhà tương lai học, các nhà nhân văn chủ nghĩa chính hiệu. Trong loạt bài viết của mình, tôi cố gắng tạo một sự kết dính giữa nỗi bất an về thực tế công nghệ làm suy giảm nhân tính và cách thức hành động của giáo dục nhân văn để bảo vệ, phục hồi, di dưỡng nhân tính. Lựa chọn của tôi vẫn là tìm kiếm các mô hình giáo dục nhân văn khả thi dựa trên thực tế Việt Nam. Xét đến cùng, mỗi mô hình không quan trọng ở tên gọi mà ở cách làm như thế nào để có hiệu quả cao nhất.

 



Giáo dục nhân văn là chất đề kháng cho con người trong bối cảnh công nghệ thay đổi chóng mặt. Ảnh: Trẻ em tham gia ngày hội văn hóa tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Nguồn: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.



Công nghệ và nhân tính: đối đầu hay hài hòa?

 

The Inevitable: Understanding the 12 Technological Forces That will shape Our future [Không tránh khỏi: Hiểu về 12 sức mạnh công nghệ sẽ định hình tương lai chúng ta] xuất bản năm 2016 của Kevin Kelly chỉ là một trong số hàng trăm cuốn sách, chuyên khảo gần đây trực tiếp bàn về những tác động ghê gớm, đa chiều, luôn luôn và ngày một khó lường của công nghệ đối với đời sống con người. Trong đó, đáng chú ý hơn cả, chỉ khoảng 30 năm nữa, theo K. Kelly, sự xuất hiện của Robot, Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ can thiệp vào tất cả mọi lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, thể thao, âm nhạc cho đến mua sắm, học tập, việc làm, kết nối cộng đồng…

K. Kelly khá lạc quan khi đưa ra những tiềm năng mà con người có thể đạt được khi làm chủ công nghệ, nhấn mạnh nhiều lần rằng động lực đón nhận công nghệ đang diễn ra khắp toàn cầu, không chỉ ở Bắc Mỹ mà còn ở Ấn Độ, Mali, Peru hay Estonia. Ông không quên khẳng định, với thiện cảm thầm kín, rằng các sức mạnh tiếp nhận công nghệ sẽ cho phép mỗi người cảm thấy được tự chủ, tự quyết hơn thay vì bị phụ thuộc hoặc bị điều khiển. K. Kelly cũng lưu ý việc cần phải kiểm soát và quản lí những phát minh mới để ngăn ngừa những nguy hại thực tế.

Tuy thế, những lời khuyên trôi chảy và biện luận hấp dẫn như của K. Kelly, không ngăn được nhiều người khỏi băn khoăn và bất an khi họ nhận thấy tự động hóa sẽ làm thay công việc thường ngày của họ với hiệu quả cao hơn và chi phí thấp hơn. Vincent Liu, sinh viên Đại học Duke, khi nhắc đến thực tế đó trong bài viết về giáo dục của mình, lập tức quay lại câu hỏi giản đơn nhưng thảng thốt: “Điều gì khiến chúng ta trở thành con người?”

Cũng trong năm 2016, nhà tương lai học và nhân văn chủ nghĩa Gerd Leonhard công bố chuyên khảo, Technology vs Humanity. The Coming clash between man and machine [Công nghệ và Con người: Cuộc đụng độ tất yếu giữa nhân loại và máy móc] – một tựa đề ngắn gọn nhưng dường như bao quát toàn bộ viễn cảnh không mấy thuận hòa giữa công nghệ máy móc với những gì được coi là con người.

Theo G. Leonhard, những thay đổi thực sự lớn (ông gọi là “the megashifts” – “siêu chuyển đổi”) và quan trọng do công nghệ mang đến, dù thích hay không, sẽ diễn ra nhanh hơn bất kì ai có thể tưởng tượng.

Trái ngược với K. Kelley, G. Leonhard giữ một thái độ trầm tư hơn khi phân tích các trạng huống mà mỗi cá nhân phải đối mặt khi công nghệ khoan sâu vào thể chất lẫn tâm trí. Trước hết, chúng quyến rũ con người bằng mức độ ảo diệu (magic) của các chức năng công nghệ, tạo ra những hưng cảm (manic) trải nghiệm khác lạ và nhờ đó, lần lượt chiếm chỗ cuộc sống, ràng buộc con người một cách thủ công nhất. Đây là điểm mấu chốt để G. Leonhard cho rằng khi từng hooc-môn đều bị vít chặt vào các phương tiện công nghệ truyền thông xã hội (như Iphone chẳng hạn), con người phải gánh chịu những độc hại (toxic) thực sự và sâu sắc từ lối sống, sức khỏe đến sự phát triển của trí não.

Trong cái nhìn của G. Leonhard, công nghệ không hề có đạo đức nên mặc dù công nghệ có thể ngày càng mô phỏng và thay thế giáo dục nhưng không bao giờ có thể trở thành “chúng ta”. Việc công nghệ xâm nhập vào cuộc sống riêng tư và các quá trình sinh học của chúng ta, vì thế, cần phải được xem xét, “đàm phán” như một ưu tiên hàng đầu của mỗi công dân và doanh nghiệp. Từ đó, khác với các quan điểm cổ vũ robot hóa (robotization) và xã hội tự động hóa (automating society), G. Leonhard chất vấn rằng con người đã thực sự sẵn sàng thoái vị chủ quyền của mình cho các lực lượng vô danh của công nghệ, và liệu rằng chúng ta đã sẵn sàng cho sự mất mát lớn nhất của ý chí tự do và kiểm soát cá nhân?







Kevin Kelly (trên) khẳng định, với thiện cảm thầm kín, rằng các sức mạnh tiếp nhận công nghệ sẽ cho phép mỗi người cảm thấy được tự chủ, tự quyết hơn thay vì bị phụ thuộc hoặc bị điều khiển; trong khi Gerd Leonhard (dưới) lo ngại khi phụ thuộc vào công nghệ, con người phải gánh chịu những độc hại thực sự và sâu sắc từ lối sống, sức khỏe đến sự phát triển của trí não. 



Thời của “Internet Vạn Vật phi nhân”?

 

Càng khác với niềm lạc quan về mạng lưới Internet Vạn Vật kết nối tất cả, đạt đến quyền uy vô biên, G. Leonhard đặt ra khái niệm “Internet Vạn Vật phi nhân” (Internet of Inhuman Things) dự báo sự thừa mứa thông tin, dữ liệu vô nhân đạo sẽ cuốn chìm con người. Trong chương gần cuối của cuốn sách, chương 11, G. Leonhard đặt vấn đề “Earth 2030: Heaven or Hell”, vẫn là 2030 như tầm nhìn của K. Kelley, còn thiên đường hay địa ngục, theo tác giả, tùy thuộc lựa chọn của mỗi người nhưng tất yếu phải làm ngay từ bây giờ.

Trong bài trả lời phỏng vấn Paul Armstrong nhan đề “Technology vs Human – Who is going to win?” [Công nghệ và con người: Ai sẽ thắng?], G. Leonhard, thêm lần nữa, đặt chúng ta vào những âu lo dai dẳng.

Trả lời câu hỏi “cú sốc tương lai là gì” và “tại sao ông nghĩ rằng con người và máy móc sẽ đụng độ? Tất cả không thể hòa thuận ?”, G. Leonhard nhấn mạnh: “[…] một điều khá rõ ràng là hàng ngàn tỉ đô la được sử dụng để làm thế giới trở nên ‘thông minh hơn’ (thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, năng lượng thông minh…) nhưng lại rất ít chi cho cách làm con người sẵn sàng đón tương lai đó. Trong khi máy móc trở nên thông minh hơn, chúng ta thực sự có thể trở nên ngu ngốc […] Sẽ rất sốc khi nhiều người trong chúng ta phải đối mặt với thực tế là máy móc đã tiếp quản nhiều thứ, nếu không muốn nói là hầu hết các nhiệm vụ của con người, như nhận chỉ đường, đặt lịch hẹn, tìm bạn tình và thậm chí là chẩn đoán y khoa”.





Ba mức độ của quá trình công nghệ-truyền thông số tác động đến con người [Gerd Leonhard, 2016].




Về sự giằng co, mâu thuẫn cố hữu giữa công nghệ/máy móc và vấn đề đạo đức, G. Leonhard chỉ ra một tình thế trớ trêu: “việc biến thế giới thành một cỗ máy khổng lồ sẽ tạo ra vô số tiền, trong khi đảm bảo tính nhân văn thì sẽ ít có cơ hội kinh doanh hơn”.

Song, như nhiều trí thức ưu thời, ông không quên truyền cảm hứng những gì cần phải làm: “đầu tư mạnh vào cái mà tôi gọi là ‘chủ nghĩa nhân văn theo cấp số nhân’, tức là thực sự đầu tư vào việc phát triển con người (và tất nhiên, phải đặt con người lên trên công nghệ), bảo vệ tính người [humanness] của chúng ta như chúng ta đã và đang bảo vệ thiên nhiên. Có những điều chúng ta có lẽ không nên làm, ngay cả khi chúng ta có thể”.     

 

Nhân tính trong dòng chảy công nghệ hiện đại

 

Không chỉ G. Leonhard, các nhà tương lai và nhân văn chủ nghĩa, nhìn chung, không cố ý trầm trọng hóa cuộc xung đột giữa công nghệ và con người, các phương tiện công nghệ truyền thông và nhân tính. Họ đều xuất phát từ các dữ liệu và biên độ quan sát rộng, cập nhật để tránh những khái quát mang tính tiên tri, phỏng đoán vô sở cứ. Nhưng hơn hết, họ đều nhận thức được rằng để trả lời “điều gì xác định chúng ta là con người” trong thời đại truyền thông công nghệ số hoàn toàn không đơn giản. Những điểm mù mờ kết luận vẫn còn đó và đe dọa các hiểu biết sơ sài, các nhận thức lầm lạc và niềm tin cũ kĩ.

Trong cuốn sách gây tiếng vang Homo Deus: Lược sử tương lai, học giả Yuval Noah Harari đã đưa ra những phân tích, lập luận vô cùng chặt chẽ, thông thái về chân dung loài người trong tương lai gần mà những nét chính, thậm chí, còn có nhiều mảng tối và khó nắm bắt hơn so với phác thảo của G. Leonhard. Ở đây, tôi chỉ tóm lược ba điểm mà tôi lấy làm cơ sở cho diễn giải của tôi ở phần sau bài viết.

Thứ nhất, Harari cho rằng, vấn đề mới cần giải quyết của loài người, giờ đây, không phải là nghèo đói, dịch bệnh hay chiến tranh, mà là mục tiêu “bất tử, hạnh phúc và quyền năng thần thánh”. Con người sẽ nâng cấp mình từ Homo sapiens [người tinh khôn] thành Homo deus [người thần thánh].

Thứ hai, muốn đạt mục tiêu đó, con người đang ra sức sáng tạo và ứng dụng những công nghệ – kĩ thuật mới có khả năng tạo ra những phiên bản người siêu việt. Nhưng đồng thời, bất kể ai, cũng đang và sẽ thuộc về công nghệ nhiều hơn là thuộc về nhân tính: “Những công nghệ mới của thế kỉ 21 do đó có thể đảo ngược cuộc cách mạng nhân văn, tước bỏ thẩm quyền khỏi con người, và thay vào đó trao quyền cho các thuật toán phi con người”. Google, Facebook nhờ vào thuật toán, sẽ trở thành các vị vua cai trị; “Dữ liệu giáo” sẽ lên ngôi, “không tôn kính thần linh hay con người, nó sùng bái dữ liệu”, nó biến cá nhân trở thành một con chip nhỏ trong hệ thống khổng lồ mà chẳng ai thực sự hiểu cả; một thế hệ AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ ưa thích học máy (machine learning) hơn là những chỉ dẫn của con người.

Thứ ba, trước thực tế đó, chủ nghĩa nhân văn, hay “cuộc cách mạng nhân văn”, sẽ phải thay đổi cách tiếp cận và các giá trị quy chiếu thì mới có thể tạo ra một “giải pháp thay thế”.

Đối với Y. Harari, điều chỉnh quan trọng trong chủ nghĩa nhân văn hiện tại là những “trải nghiệm tầm thường của những người bình dân” chứ không chỉ nhắm vào tầng lớp ưu việt như trước đây. Tuy nhiên, một lần nữa, công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo lại tiếp tục đe dọa chủ nghĩa nhân văn mà Homo Sapiens, bắt đầu từ thế kỉ XVIII, đã khuấy động với những giá trị như tự do, bình đẳng, bác ái. Công nghệ sinh học và AI đã thay đổi bản chất của sự sống, thay đổi các cấu trúc tâm thể gốc, biến Homo Sapiens trở khác biệt với công nghệ ưu sinh, chỉnh sửa gene, lắp ghép nội tạng,… Đó là một phần lí do khiến Homo Deus chỉ giữ lại “một số đặc tính con người cần thiết” bên cạnh việc tận hưởng các năng lực thể xác và tinh thần đã được nâng cấp.





Yuval Harari cũng dự đoán rằng, những công nghệ mới của thế kỉ 21 có thể đảo ngược cuộc cách mạng nhân văn, tước bỏ thẩm quyền khỏi con người, và thay vào đó trao quyền cho các thuật toán phi con người.




Như vậy, con người, nhân tính là gì trong dòng chảy công nghệ truyền thông hiện đại, tùy thuộc rất lớn vào các can dự của chủ nghĩa nhân văn. Nói cách khác, để ứng phó với các thành tựu công nghệ, truyền thông ẩn chứa hiểm họa ở thế kỉ 21, con người không có nhiều lựa chọn ngoại trừ sức mạnh và nguồn giá trị từng có là chủ nghĩa nhân văn. Con người có thể giảm dần năng lực ghi nhớ, tập trung, tính toán chính xác so với công nghệ nhưng con người vẫn còn đó mơ mộng, xúc cảm và thế giới nội tâm. Con người hoàn toàn không đủ sức ôm chứa và phân tích dữ liệu nhưng con người vẫn còn đó cảm giác, tâm trạng trong mỗi quyết định. Một tài xế lần đầu lái xe thì vẫn còn chút hồi hộp, luống cuống, khác với robot hoặc hệ điều hành tự lái xe cầm vô lăng theo lập trình. Cỗ máy Deep Blue có thể đánh bại Garry Kasparov (1996) và phần mềm AlphaGo của Google có thể thắng đậm nhà vô địch cờ vây Lee Sedol (2016) nhưng con người vẫn còn đó chút ít băn khoăn về tự do, hạnh phúc. Không thể ngăn cản, lảng tránh hay chối từ sự có mặt của các công dân kiểu Sophia nhưng con người vẫn còn đó những cảm hứng nghệ thuật để mô tả, tưởng tượng, suy tư về chúng…

Những biểu hiện nhân tính tuy không thể định lượng rõ ràng ấy, đối với nhiều người, sẽ là cơ sở của niềm tin rằng nhân loại/nhân tính/nhân văn có thể biến dạng, biến đổi nhưng không bị nuốt chửng hoàn toàn bởi công nghệ. Và để niềm tin đó càng được củng cố, con người, với tất cả sự yếu thế lẫn lo lắng của mình, phải thúc đẩy giáo dục nhân văn, coi đây như chất đề kháng để công nghệ truyền thông số không làm suy yếu thêm các đặc tính người vốn đang bị lung lay dữ dội.

 

Đón đọc kỳ 2: Lựa chọn STEM hay CORE?

——

Chú thích

1 Kevin Kelly. The Inevitable: Understanding the 12 Technological Forces That will shape Our future. Viking Press. 2016. Tham khảo bản dịch tiếng Việt: The Inevitable. Làm chủ công nghệ làm chủ tương lai. Khánh Linh dịch. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, H., 2018. Kevin Kelly sinh năm 1952 tại Pennsylvania (Mỹ). Từ năm 1984-1990, K. Kelley làm xuất bản và biên tập viên tạp chí Whole Earth Review. Từ năm 1993, ông là đồng sáng lập và là Tổng biên tập trong bảy năm đầu tiên của tạp chí Wired.

2Nội dung cơ bản của các trạng thái và đồng thời là sức mạnh cần có để đón nhận công nghệ, theo K. Kelley, bao gồm: 1/Trở thành (becoming): 2/Cải tiến (cognifying); 3/Dòng chảy (flowing); 4/Trình chiếu (screening); 5/Truy cập (accessing); 6/Chia sẻ (sharing); 7/Sàng lọc (Filtering); 8/Pha trộn (Remixing); 9/Tương tác (interacting); 10/Theo dấu (tracking); 11/Đặt câu hỏi (questioning); 12/Bắt đầu (beginning).

3Vincent Liu. 2018. “The Inevitable Future of Humanity in Education – And What to Do about it”.

Nguồn: https://edsurgeindependent.com/the-inevitable-future-of-humanity-in-education-and-what-to-do-about-it-d7ff5d16b68e

Gerd Leonhard. Technology vs Humanity: The coming clash between man and machine. Fast Future Publishing Ltd, 2016. G. Leonhard sinh năm 1961 tại Bonn (Đức), cư trú ở Zurich lẫn San Fransisco. Ông là nhà tương lai học, nhà nhân văn chủ nghĩa, diễn giả quốc tế về mối quan hệ giữa công nghệ và con người, kĩ thuật số và nhân văn.

5Ngay trong phần Dẫn nhập, G. Leonhard đã khẳng định: “tôi tin rằng quy mô thay đổi gây ra bởi các sự kiện gần đây, không lường trước được như Brexit, sẽ rất nhỏ so với tác động của một thay đổi công nghệ có thể định hình lại bản chất của nhân loại và mọi khía cạnh cuộc sống trên hành tinh của chúng ta”. G. Leonhard. Sđd, tr.i.

6“Công nghệ không có đạo đức” (“technology doesn’t have ethics”) là một luận điểm của G. Leonhard. Những bàn luận này chủ yếu tập trung ở chương 10 “Digital Ethics” của cuốn sách.

7Paul Armstrong. “Technology vs. Human – Who is going to win? An interview with Gerd Leonhard”.

Nguồn:https://www.forbes.com/sites/unicefusa/2019/05/03/tropical-cyclone-fani-hits-the-indian-coast/#6dbe4a8e133c

8Yuval Noah Harari. Homo Deus. Lược sử tương lai. Dương Ngọc Trà dịch. NXB Thế giới, H., 2018. Y. Harari hiện là giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học Hebrew (Israel). Cùng với Homo Deus, cuốn sách khác của ông, Sapiens: Lược sử về loài người (2015) là công trình gây tiếng vang nghiên cứu về “Homo Sapiens”, tạo căn nền để ông phân tích về “Homo Deus”.

9Y. Harari. 2018. Sđd, tr.29.

10Y. Harari. 2018. Sđd, tr.410.

11Y. Harari. 2018. Sđd, tr.436.

12Đơn cử, gần đây, các bộ phim xoay quanh chủ đề công nghệ-truyền thông hiện đại vẫn tiếp tục được khai thác với những suy tư, hiệu ứng nghệ thuật mới mẻ, sâu sắc: Robot and Frank (2012), Disconnect (2012), Her (2013); Blade Runner 2049 (2017), Searching (2018)…

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)