Giao thông công nghệ: khi viễn tưởng thành hiện thực
Jetpack, động cơ giống như một chiếc balo đeo sau lưng giúp con người bay vọt lên như siêu nhân trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng kinh điển có thể không lâu nữa sẽ có mặt trong đời sống hiện thực khi lĩnh vực giao thông vận tải bùng nổ với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Taxi bay
Bước cải tiến từ chiếc máy bay chở hàng không người lái là chiếc máy bay Volocopter 2X hai chỗ ngồi, một loại máy bay VTOL 18 cánh quạt (cất và hạ cánh thẳng đứng) được chạy bằng chín bộ ắc quy dung lượng cao. Chiếc máy bay này có thể được lái hoặc có thể bay tự động trong những khu vực cho phép. Chiếc Volocopter 2X nặng 290kg có tải trọng tối đa 160kg và phạm vi bay là 27km với tốc độ hành trình là 70km/h; thời gian bay tối đa là 27 phút khi ở tốc độ hành trình 50km/h. Taxi bay được trang bị nhiều bộ phận dự phòng cho các thành phần quan trọng như cánh quạt, động cơ, nguồn điện, thiết bị điện tử, điều khiển và hiển thị chuyến bay, cộng với dù khẩn cấp tuye nhiên nhà sản xuất tuyên bố “bạn sẽ không bao giờ phải sử dụng tới nó”.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của taxi bay Volocopter, được nhà sản xuất Đức tiến hành như một dịch vụ gọi xe theo yêu cầu bằng điện thoại thông minh, đã diễn ra vào tháng 9 năm 2017 tại Dubai. Tại sự kiện này, Florian Reuter, Giám đốc điều hành Volocopter đã công bố kế hoạch triển khai dịch vụ taxi bay trong vòng năm năm tới.
Tại Mỹ, Uber và NASA đang hợp tác trong một chương trình taxi VTOL có tên là Uber Elevate, với các chương trình thí điểm được dự kiến cho tới năm 2020 và một dịch vụ sẽ được triển khai vào năm 2023.
Hyperloop
Có lẽ công nghệ vận tải mang tính “viễn tưởng” nhất chính là Hyperloop, một sự kết hợp giữa tàu chạy trên đệm từ với ống chân không (một phần) có khả năng đẩy “viên nhộng” hoặc một cái “kén” chứa hành khách và / hoặc hàng hóa với vận tốc gần tới tốc độ của âm thanh.
Mặc dù dựa trên những ý tưởng có từ lâu, nhưng khả năng trở thành hiện thực gần đây của Hyperloop đã được doanh nhân nổi tiếng Elon Musk hé lộ trong sách trắng mã nguồn mở mang tên “Hyperloop Alpha” vào năm 2013. Cuốn sách đã mô tả công nghệ cũng như chỉ ra tính phù hợp của nó trong việc “liên kết các cặp thành phố có mật độ giao thông lớn ở cách nhau khoảng cách 1500 km”. Ngoài điểm này, Musk cho rằng du lịch hàng không siêu âm sẽ trở nên rẻ hơn và nhanh hơn.
Cho tới nay, những thử nghiệm của các hệ thống Hyperloop đã đạt tới tốc độ 387km/h, bằng một phần ba tốc độ 1.200km/h (tốc độ âm thanh) do Musk đề ra trong sách trắng năm 2013 của mình.
Hyperloop cuối cùng có thể sẽ đạt được tốc độ tối đa, nhưng sẽ còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi được công chúng chấp nhận, trong đó đáng lưu ý là quy định và tiềm năng kinh doanh. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến gồm 1.346 người Mỹ trưởng thành được tiến hành vào tháng 2 năm 2017, 17% người được hỏi cho biết họ sẽ chọn chuyến đi một lần Hyperloop thay vì chọn chuyến đi một lần vào vũ trụ. Điều này có lẽ đã khích lệ những người ủng hộ công nghệ, nhưng cuộc khảo sát cũng cho thấy 43% nghi ngờ Hyperloop không thể trở thành hiện thực khi họ còn sống. Nếu thiết bị này trở thành hiện thực và đi vào hoạt động, 37% trả lời họ sẽ sử dụng, với 8% từ chối hoàn toàn.
Xây dựng một hệ thống Hyperloop là một thương vụ lớn, cho dù ống chân không nằm trên hoặc, tốn kém hơn, dưới mặt đất. Elon Musk đã thành lập doanh nghiệp đào hầm của mình, Công ty Boring, với một trong số những mục tiêu quan trọng là giảm chi phí xây dựng đường hầm, hiện đang lên đến 1 tỷ đô la mỗi dặm. Không chỉ chi phí xây dựng, Hyperloop còn phải đối mặt với các vấn đề khác liên quan như thu hồi đất và quyền xây dựng/đào hầm, tác động môi trường, các tiêu chuẩn an toàn và an ninh.
Không một trở ngại nào trong số những trở ngại nêu trên có thể khiến các công ty khởi nghiệp chùn bước trên tiến trình tìm kiếm tiến bộ và triển khai công nghệ Hyperloop. Ngoài SpaceX/Tesla của Elon Musk, startup nổi tiếng khác là Hyperloop One – gần đây đã đổi tên thành Virgin Hyperloop One sau khi nhận một khoản đầu tư (không được tiết lộ) của nhóm Richard Branson, cũng đang “nhăm nhe” nhắm đến công nghệ này.
Những cột mốc quan trọng Hyperloop One bao gồm: Global Challenge, được khởi động vào tháng 5 năm 2016, đã xác định 10 tuyến đường tiềm năng từ danh sách rút gọn 35 tuyến; DevLoop, một thử nghiệm tuyến ở Nevada, được hoàn thành vào tháng 3 năm 2017; và bản ghi tốc độ Hyperloop hiện tại, được thiết lập vào tháng 12 năm 2017 trên DevLoop. Mặc dù Virgin Hyperloop One cho biết công ty đang ” tích cực làm việc để hoàn thành mục tiêu có ba hệ thống sản xuất đi vào hoạt động vào năm 2021″, nhưng bất cứ ai theo dõi những nỗ lực yếu ớt của Galactic, startup có chung tham vọng với Hyperloop One đều có quyền nghi ngờ về mục tiêu đầy tham vọng của Hyperloop One.
Những startup khác trong hệ sinh thái mới này bao gồm Hyperloop Transportation Technologies (HTT), Transpod và Arrivo.
Thành phố thông minh
Các công nghệ vận chuyển viễn tưởng khi được sử dụng rộng rãi sẽ hoạt động trong một thế giới thông minh hơn, kết nối hơn. Điều này sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với cách các thành phố được thiết kế (hoặc được tái thiết kế) và được quản lý, và sẽ biến đổi trải nghiệm di chuyển bên trong và giữa các thành phố. Nhưng đó chỉ là những ngày đầu.
Thành phố thông minh, cụ thể hơn, nơi có các phương tiện tự lái di chuyển, là chủ đề của một phiên thảo luận tại CES (Hội chợ công nghệ do Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng tổ chức) vào tháng Giêng, là dịp để các chuyên gia trong ngành công nghệ đã mô tả chi tiết về tình hình phát triển thành phố thông minh.
Mike Abelson, phó chủ tịch của General Motors cho biết, từ thử nghiệm của General Motors ở San Francisco, những gì mà nhóm nghiên cứu đang tiến hành là tìm hiểu cách các phương tiện giao thông tương tác với môi trường xung quanh: người đi bộ, người đi xe đạp, tất cả các phương tiện giao thông khác. Những thí nghiệm về cách các phương tiện tự lái vận hành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các kỹ sư tái thiết và tái tạo lại thành phố. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa đến được giai đoạn đó. Mike Abelson cho rằng phải có một đội ngũ quy mô đủ lớn để triển khai và làm việc với thành phố để tiến hành một số thử nghiệm. Hiện tại, General Motors vẫn đang tìm kiếm tương tác đó, bởi vì các phương tiện tự lái sẽ có tác động quan trọng và cơ bản lên cách hoạt động và quy hoạch của các thành phố.
Đối với Erez Dragan, phó chủ tịch cấp cao của Mobileye, việc lập bản đồ là một yếu tố quan trọng. Ông cho rằng, một yếu tố rất quan trọng của lái xe tự động là bản đồ được cập nhật “động” về môi trường và cách thực hiện việc này bằng công nghệ của hãng là công nghệ crowd-sourcing (khai thác nguồn lực đám đông) sử dụng các phương tiện giao thông có độ tự hành thấp, camera đơn.
Các dự án như vậy đòi hỏi một mức độ kết nối cao. Vấn đề này được giải quyết bởi Nakul Duggal, phó chủ tịch, quản lý sản phẩm tại công ty Qualcomm. Ông cho biết, trong 15 tháng gần đây, công ty đã bắt đầu tập trung vào lĩnh vực “Phương tiện giao thông với Vạn vật” (V2x: Vehicle-to-Everything). Nếu chúng ta tiến hành trang bị cho cơ sở hạ tầng ở các thành phố với cảm biến, ví dụ như ở các đèn giao thông, khu vực xây dựng v.v, thì việc này sẽ cho phép chiếc xe có lắp cảm biến có thể “thấy” được chính xác môi trường trông như thế nào. Do thành phố tương lai bắt đầu được hiện đại hóa về mặt kết nối: chuyển sang kết nối 5G, có những hệ thống mạng dày đặc hơn, nên mạng lưới giao thông cũng cần phải thông minh hơn. Khi mạng lưới này được kết nối bằng công nghệ có khả năng giao tiếp với phương tiện giao thông, con người có thể có bối cảnh cục bộ. Ví dụ, một giao lộ sẽ có thể thông báo cho những chiếc xe tốc độ trung bình tại thời điểm đó.
Bản đồ động, cơ sở hạ tầng được trang bị cảm biến và kết nối thông minh sẽ cho phép định tuyến và đỗ xe hiệu quả hơn ở các thành phố thông minh. Cùng với các phần mềm chia sẻ xe và xe điện, những phát triển này có thể tiết kiệm thời gian, giải phóng đất đai, và giảm ô nhiễm và ùn tắc trong các thành phố tương lai.
Tăng quy mô nền kinh tế
Mặc dù các khía cạnh tiêu dùng của vận tải công nghệ nhận được mức độ quan tâm cao, nhà phân tích Forrester cho rằng thế giới thương mại có đột phá đầu tiên. Trong một báo cáo tháng 7 năm 2017 có tiêu đề “Phương tiện giao thông tự hành sẽ định hình lại nền kinh tế thế giới”, ông chỉ ra sáu lĩnh vực chủ chốt được cho là “sẵn sàng chuyển đổi sâu sắc” gồm: ô tô, vận chuyển hàng hóa và logistics, bảo hiểm, chính phủ, truyền thông và bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Forrester cho biết, trước khi các công nghệ vận tải mới được người tiêu dùng chấp nhận, các công ty vận chuyển hàng hóa và logistics như Amazon, DHL, và UPS sẽ đi tiên phong trong việc ứng dụng thương mại các phương tiện tự hành. Trên thực tế trong mọi điều tra mà công ty của ông thực hiện đều có chung một kết quả, đó là vận tải hàng hóa và logistics là lĩnh vực mà giao thông tự hành có tiềm năng nhất.
Nghiên cứu mới của hãng điều tra thị trường Tractica cũng ủng hộ quan điểm này, với dự đoán doanh thu và doanh số bán từ xe tải và xe buýt tự lái sẽ tăng từ 343 và 84 triệu USD năm 2017 lên 188.000 và 35 tỷ USD vào năm 2022.
Rõ ràng, giao thông đang sắp sửa bước vào một sự khởi đầu mới với công nghệ là đòn bẩy, nếu xét những khía cạnh như khả năng dễ xảy ra tai nạn, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn tài nguyên và tốn kém thời gian của nhiều phương pháp vận tải truyền thống. Ngay bây giờ, nhiều công nghệ vận tải mới đang được thử nghiệm trong đó nhiều công nghệ thu hút sự quan tâm đang tranh giành vị trí trong hệ sinh thái bắt đầu phát triển này. Các chi tiết vẫn đang dần định hình, nhưng các hệ thống giao thông trong tương lai chắc chắn sẽ được kết nối, được tri phối bởi dữ liệu và có độ tự động hóa cao. Tuy vậy, điều quan trọng là phải đặt những vấn đề an ninh và quyền riêng tư lên đầu và trọng tâm khi các hệ thống này được phát triển. Cuộc hành trình để biến viễn tưởng thành hiện thực hứa hẹn sẽ là một hành trình hấp dẫn.
Phương Anh tổng hợp
(theo TechRepublic, The new commute: How driverless cars, hyperloop, and drones will change our travel plans)