Giáo viên phải làm việc dưới cường độ cao hơn so với 25 năm trước
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Oxford Review of Education của các nhà khoa học thuộc Đại học College London (UCL) cho thấy những người giáo viên đang làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết, và cũng hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác.
Nghiên cứu không chỉ cho thấy giáo viên đang phải làm việc cực kỳ vất vả cả về thể chất lẫn tinh thần, mà sự vất vả ngày càng tăng một cách nhanh chóng (16% năm 1992 so với 58% năm 2017). Ảnh: pinterest
Cường độ làm việc cao
Nghiên cứu của ông dựa trên bộ dữ liệu từ năm 1992 đến 2017 của Khảo sát Kỹ năng và Việc làm (SES). SES thu thập thông tin về những gì mọi người, bao gồm các giáo viên, làm tại công sở, các kỹ năng họ sử dụng và cách họ tiến hành công việc ở Anh. Tổng cộng có 857 giáo viên từ 20 đến 60 tuổi tham gia khảo sát về chất lượng công việc và sự hài lòng trong công việc nói chung, họ đang làm việc tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học và trường dành cho học sinh đặc biệt. Đa số là nữ (72%) và sống ở Anh (86%), trong đó chỉ có 13% giáo viên dạy trường tư.
Nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội tài trợ, nó không chỉ cho thấy giáo viên đang phải làm việc cực kỳ vất vả cả về thể chất lẫn tinh thần, mà sự vất vả ngày càng tăng một cách nhanh chóng (16% năm 1992 so với 58% năm 2017). Nhìn chung, giáo viên ở Scotland cho thấy cường độ làm việc của họ thấp nhất so với những khu vực khác ở Anh.
90% số người được hỏi cho rằng công việc của họ đòi hỏi trình đào tạo rất cao, tăng 2/3 (90% so với 54%) sau 25 năm. Dữ liệu này cũng cho thấy phúc lợi liên quan đến công việc không xứng đáng với khả năng và sức ảnh hưởng của giáo viên đối với nhiệm vụ của họ. Dữ liệu lần đầu tiên cho thấy chất lượng công việc sụt giảm không chỉ liên quan đến mức lương hay giờ làm. Việc đào tạo, ảnh hưởng của giáo viên đối với nhiệm vụ của họ và phúc lợi liên quan đến công việc cũng giảm sút.
Chất lượng công việc được định nghĩa là cách thức đáp ứng những nhu cầu liên quan đến công việc của người lao động. Các nghiên cứu cho đến nay tập trung vào lương và giờ làm, nhưng GS Green đã phân tích thêm cường độ làm việc và những yếu tố bổ sung khác như cách những người quản lý kiểm soát giáo viên trong suốt thời gian làm việc và đào tạo.
Họ cho biết bản thân thường xuyên hoặc luôn luôn tan làm trong tình trạng kiệt sức (72% của năm 1997 so với 85% của năm 2017), cao hơn bất kỳ một nghề nghiệp nào khác trong cùng thời kỳ (44% của năm 1997 so với 45% của năm 2017). Chỉ các nhà quản lý dịch vụ xã hội và y tế, cùng các chuyên gia pháp lý mới có cùng cường độ công việc mà giáo viên đang phải đối mặt.
Tác giả nghiên cứu, GS Francis Green thuộc Viện Giáo dục UCL cho biết những phát hiện này cho thấy mối liên hệ giữa việc giảm sút độ hạnh phúc trong công việc và giảm chất lượng công việc, không phụ thuộc vào thời gian làm việc của giáo viên. Ông nói rằng cần có những phương án nhằm giải quyết vấn đề vốn là một yếu tố có thể dẫn đến giảm tỷ lệ duy trì giáo viên (tỷ lệ phần trăm giáo viên của trường vẫn giữ nguyên vị trí công tác từ năm này sang năm tiếp theo). “Đặc điểm nổi bật nhất trong nghề giáo là cường độ làm việc cao và liên tục làm tăng cường”.
“So với những nghề lao động trí óc khác, giáo viên làm việc với cường độ cao hơn và điều này đã tăng lên hơn bao giờ hết. Bất kỳ một cải thiện nào trong công việc của giáo viên hậu Covid-19 đều có lợi – không chỉ cho giáo viên, mà còn cho các trường học và học sinh, những người phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng giảng dạy.”
Cần thêm bằng chứng trực tiếp
Ngoài cường độ làm việc, những yếu tố chính cho thấy chất lượng công việc của giáo viên ngày càng tệ hơn, bao gồm:
- Tỷ lệ giáo viên có nhiều ảnh hưởng đến cách họ thực hiện công việc giảm từ chỉ dưới một nửa (48%) vào năm 2012 xuống dưới một phần ba (31%) vào năm 2017. Số giáo viên muốn bản thân được quyền kiểm soát nhiều hơn đến cách họ làm việc đã tăng từ 15% đến 24%.
- Vào năm 2020, không có một báo cáo nào liên quan đến trạng thái căng thẳng khi làm việc dưới cường độ cao, tuy nhiên đến năm 2017 đây trở thành một vấn đề nghiêm trọng (27%). Giáo viên có gấp đôi khả năng mắc phải loại căng thẳng này so với các ngành nghề lao động trí óc khác (16% so với 9%).
- So với 45% vào năm 2012, khảo sát năm 2017 cho thấy chỉ có 10% giáo viên cho rằng mình được quyền tham gia đáng kể vào quá trình ra quyết định.
- Tỷ lệ được tham gia các buổi đào tạo giảm (92% năm 2006 so với 86% năm 2017), trong số đó chỉ chưa đầy một phần ba (31% năm 2017) đồng ý rằng kỹ năng của họ được cải thiện đáng kể thông qua những buổi đào tạo. Con số này vào năm 2006 là 41%.
Mặt khác, cáo giáo viên có mức độ hài lòng cao hơn so với những ngành nghề lao động trí óc khác về cơ hội thăng tiến. Cơ hội thăng tiến của họ đã tăng lên đáng kể, và mức độ đảm bảo công việc vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, nghiên cứu không đưa ra bằng chứng trực tiếp nào để giải thích tại sao giáo viên nhận thấy chất lượng công việc giảm sút. Một hạn chế khác là dữ liệu của SES không bao gồm điều kiện làm việc hoặc hỗ trợ xã hội.
Anh Thư dịch
Nguồn: Teachers having to work harder than any other professionals, says study