Giấy “thông minh” có khả năng cảm ứng

Nhờ tính năng cảm ứng, một loại giấy “thông minh” có thể giúp người dùng kết nối với các phương tiện kỹ thuật số qua các thao tác chạm, vuốt trên giấy.


Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, Trung tâm Nghiên cứu Disney và Đại học Carnegie Mellon đã tạo ra cách để biến những mảnh giấy thông thường có thể nhận các lệnh bằng cử chỉ và kết nối với các thiết bị kỹ thuật số. Phương pháp này dựa vào các thiết bị tần số vô tuyến nhỏ (RFID) được ghim vào giấy nhằm tạo ra một giao diện gọn nhẹ, có tính tương tác, mà nhờ đó người dùng có thể thực hiện rất nhiều thao tác, từ điều chỉnh âm nhạc cho tới bỏ phiếu trong một lớp học trên tờ giấy đó.

Các tờ giấy sử dụng công nghệ này – gọi là PaperID, có các thẻ RFID tuỳ chỉnh được ghim lên đó, không cần pin, có thể được nhận diện bởi một thiết bị đầu đọc (reader device) được đặt trong cùng một phòng với mảnh giấy ấy. Mỗi một thẻ RFID này có một bộ phận nhận dạng duy nhất mà qua đó ăng ten của thiết bị đầu đọc có thể nhận dạng tín hiệu tương tác từ phía người sử dụng. Mỗi thẻ RFID này chỉ có giá 10 cent và có thể được ghim lên tờ giấy. Ngoài ra, các dạng tối giản của ăng ten này cũng có thể được vẽ lên tờ giấy bằng một loại mực có tính dẫn diện (conductive ink).

Khi một người chạm, vuốt lên tờ giấy này, chuyển động của bàn tay có thể làm gián đoạn các đường dẫn tín hiệu từ thẻ RFID của tờ giấy và đầu đọc của nó. Các thuật toán sẽ nhận ra các chuyển động cụ thể của ngón tay sau đó phân loại các gián đoạn tín hiệu do cử động tay gây ra ra thành các lệnh cụ thể. Ví dụ: có thể di chuyển bàn tay để chơi một bản nhạc trên tờ giấy cảm ứng, thiết bị số nhận tín hiệu từ tờ giấy này sẽ phát ra âm thanh theo lệnh từ bàn tay của người chơi.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển các phương pháp nhằm tích hợp RFID vào các dạng tương tác mà người dùng muốn sử dụng. Ví dụ, một tờ giấy cảm ứng dạng đơn giản nhất sử dụng nút on/ off, còn ở các dạng phức tạp hơn, người dùng có thể thực hiện các thao tác như trượt, bấm nút.

Kỹ thuật này có thể được sử dụng trên các phương tiện khác ngoài giấy để cho phép cảm biến nhận diện các cử chỉ của người đặt lệnh nhưng giấy được các nhà nghiên cứu ưu tiên chọn lựa một phần vì nó phổ biến, linh hoạt, có thể tái chế và có giá thành rẻ. Rõ ràng, PaperID có thể tạo ra một cách mới để liên kết thế giới thật và thế giới số thông qua một giao diện đơn giản, giá thành rẻ và rất phổ biến.

Bảo Như lược dịch

https://www.sciencedaily.com/releases/2016/05/160511133154.htm

 

Tác giả